BRUSSELS – Cả Ba Lan và NATO cho biết, hỏa tiễn rơi trong lãnh thổ Ba Lan có thể là do lực lượng phòng không của Ukraine bắn rồi bị lạc chứ không phải một cuộc tấn công của Nga, phần nào giảm bớt lo ngại rằng chiến tranh có thể lan rộng ra khỏi biên giới Ukraine, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Tư, 16 tháng 11 năm 2022.
Tuy nhiên, người đứng đầu NATO nói rằng Nga phải nhận trách nhiệm cuối cùng, chứ không phải Ukraine. Nga đã phóng nhiều hỏa tiễn trong ngày Thứ Ba, 15 tháng 11, làm kích hoạt hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại Brussels: “Đây không phải lỗi của Ukraine. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì đã khơi mào cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine.”
Các viên chức NATO đã tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp để ứng phó với vụ rơi hỏa tiễn khiến hai người thiệt mạng tại một cơ sở ngũ cốc của Ba Lan ở gần biên giới Ukraine – lần đầu tiên ‘cánh tay thần chết’ trong cuộc chiến Ukarine đã vươn sang lãnh thổ của nước liên minh phương Tây.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết: “Từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có được, đó là một hỏa tiễn S-300 do Liên Xô sản xuất, một hỏa tiễn đời cũ và không có bằng chứng nào cho thấy nó được phóng bởi phía Nga. Rất có khả năng nó đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn và bị lạc.”
Ông Stoltenberg cũng cho rằng đó có thể là một hỏa tiễn phòng không của Ukraine. Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói rằng quỹ đạo cho thấy hỏa tiễn không có khả năng được phóng từ Nga.
Zelenskiy: ‘Không phải của chúng tôi’
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Tôi chắc chắn rằng đó không phải là hỏa tiễn của chúng tôi.” Ông đưa ra kết luận dựa trên các báo cáo từ quân lính Ukraine mà ông “không thể không tin.”
Vụ việc xảy ra trong khi Nga đang bắn hàng loạt hỏa tiễn vào các thành phố trên khắp Ukraine, nhắm vào mạng lưới năng lượng và làm trầm trọng thêm tình trạng mất điện đối với hàng triệu người dân ở nước này.
Kiyv tuyên bố họ đã bắn hạ hầu hết các hỏa tiễn của Nga bằng hệ thống phòng không của riêng mình. Vùng Volyn của Ukraine, ngay bên kia biên giới với Ba Lan, là một trong nhiều vùng được cho là mục tiêu tấn công của Nga.
Theo Bộ Quốc Phòng Nga, không có hỏa tiễn nào của họ được bắn ở gần biên giới Ba Lan hơn 35 km (20 dặm) và những hình ảnh về đống đổ nát ở Ba Lan cho thấy nhiều chi tiết của hỏa tiễn phòng không S-300 của Ukraine. Ba Lan cho rằng đó có thể là một hỏa tiễn S-300 cũ, một hệ thống hỏa tiễn thời Liên Xô đang được cả Nga và Ukraine sử dụng.
Hôm Thứ Tư, 16 tháng 11, Điện Kremlin cho biết một số quốc gia đã đưa ra các “tuyên bố vô căn cứ” về vụ việc, sau khi cáo buộc Ba Lan có phản ứng “quá khích tột độ” vào thứ Ba, còn Washington đã tương đối nhẫn nhịn.
Bộ Ngoại Giao Nga lên án “đống lộn xộn” xung quanh cáo buộc Nga can dự vào vụ việc là “một phần trong chiến dịch chống đối Nga có hệ thống của phương Tây.”
Nhẹ nhõm
Trước tin tức về việc các viên chức phương Tây kết luận hỏa tiễn rơi lạc là của Ukraine, cư dân của ngôi làng Ba Lan bị hỏa tiễn rớt xuống đã thở phào nhẹ nhõm, nhiều người rất lo sợ sẽ bị kéo vào cuộc chiến.
Grzegorz Drewnik, thị trưởng của Dolhobyczow, khu vực mà Przewodow trực thuộc, nói rằng: “Mọi người đều biết mình đang ở sát gần biên giới và nếu xảy ra xung đột vũ trang với Nga, chúng tôi sẽ là những người ‘chịu trận’ trước tiên. Nếu đây chỉ là một sai sót của Ukraine thì hậu quả sẽ không quá lớn, nhưng tôi cũng không phải chuyên gia.”
Một số nhà lãnh đạo phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Indonesia cho rằng dù hỏa tiễn là do bất cứ ai bắn ra, thì cuối cùng Nga và Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ việc phát sinh từ cuộc xâm lược của họ.
Các nhà lãnh đạo G20 đã ra tuyên bố bế mạc nói rằng “hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine,” dù cũng thừa nhận “có những quan điểm khác nhau.”