Tôi loay hoay mấy bận mà không viết được, trong lòng vẫn còn nhiều cảm xúc lẫn lộn thật khó nói nên lời. Những cảm xúc cứ cuồn cuộn làm cho tôi không biết nên bắt đầu viết như thế nào, vả lại những điều mắt thấy tai nghe, những câu chuyện không đầu không cuối đầy ắp nên không biết điều nào nên lấy cái nào lược bớt đi.
Bước đầu tiên khi về là gặp ngay những bộ mặt lầm lì, những ánh mắt xét nét của nhân viên hải quan. Họ hầu như vô cảm, sau khi xem xét hộ chiếu, thị thực xong. Họ chẳng chịu trả lại cho khách. Họ cứ ngồi quan sát dòng người đang xếp hàng, ánh mắt liếc ngang liếc dọc tìm kiếm và lượng định con mồi. Trước khi đi ai cũng bảo kẹp tiền vào hộ chiếu để họ làm việc cho nhanh. Tôi thì không! Kiên quyết không! Đồng hương gốc mít cũng lạ thiệt, khi ở bên ngoài thì hùng hổ lắm nhưng về đến cửa khẩu là khép nép, khúm núm và ngoan ngoãn chi lạ!
Những ngày ở Sài Gòn tôi lang thang nhiều nơi để tìm lại những kỷ niệm xa xưa, thât tình mà nói thì hoàn toàn thất vọng, có lẽ tôi sống bằng nhiều tâm tưởng, bằng mộng mơ nên khi đối diện thực tế thì vỡ mộng! Khi chưa về tôi vẫn mường tượng sài Gòn thế này, sài Gòn thế kia nhưng về rồi thì ngán! Cả một biển người trên đường phố, xe cộ gầm rú đinh tai nhức óc, dòng xe cuồn cuộn ken kín các ngả đường, ở những giao lộ thì thật kinh khủng, phải nói là một sự hỗn loạn không thể tưởng được. Hình như tất cả mọi người tuôn hết ra đường để mưu sinh? Những quán xá, tiệm buôn hai bên đường, những khu chợ, hẻm… Mọi người tràn ra chen lấn cả vỉa hè thậm chí cả lòng đường. Sài Gòn chỉ sang trọng và đẹp ở vài khu vực quận nhất, quận ba còn lại thì cả thành phố cũng như ngày nào. Chợ Lớn cũng thế, cũ kỹ, ồn ào, dơ dáy… Sài Gòn ngày nay phân hóa rất mạnh, những cao ốc mọc lên nhan nhản, nhất là khu vực bờ sông Sài Gòn, khu vực Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng… Và ở những khu này thì đa số là người Hàn quốc, người ngoại quốc. Họ là những doanh nhân, nhân viên của các công ty sang Việt Nam làm ăn và sinh sống. Sài Gòn hoa lệ, Sài Gòn hoàn ngọc viễn đông… chỉ e là ngôn từ trong sách vở mà thôi! Các quan lạc quan tếu, mạnh miệng tuyên bố:” Nơi đáng sống nhất quả đất”, “ chẳng thua gì Singapore, Paris...”, “ Cột điện cũng rủ về đây sống”… Nếu các vị thử đi một vòng kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè thì ắt hẳn tắt tiếng, nước đen ngòm, rác rến lềnh phềnh, hôi thối dễ sợ ấy là đã cải tạo rồi đấy nhé! Những hàng cây xanh tuổi đời trăm năm bị cắt sạch ráo rồi. Trẻ em, người già, người tàn tật xin ăn, bán vé số khắp phố phường. Nạn cướp giật không còn phải nói nữa, bây giờ lớp người xài ma túy, thuốc lắc tràn lan. Những nhóm giang hồ xã hội đen lộng hành như chỗ không người, chúng kéo lê mã tấu tóe lửa trên đường. Sài Gòn mưa là ngập, thậm chí không mưa cũng ngập. Tôi ghé thăm một nhà người thân ở Thanh Đa, Bình Thạnh, khi đến rất bình thường, khi về, bước ra cửa thấy nước đã lênh láng đến tận đầu gối. Hòn ngọc viễn đông như thế này sao? Có một điều không thể phủ nhận là ở Sài Gòn cũng sướng thật, có tiền là ăn chơi mát trời ông địa, muốn gì cũng có, thích gì cũng chìu, rượu thịt, mát xa, gái gú… không thiếu món nào. Giới có tiền, Việt kiều, đại gia cứ ăn chơi phè phỡn như thể những ông trời con.
Sài Gòn ngày xưa, Sài Gòn trong tâm tưởng của tôi là những con đường rợp mát hàng me, hàng xà cừ, những cây dầu thả trái xoay tít trên không trung. Sài Gòn ngày xưa đẹp, thanh lịch dễ thương. Sài Gòn nay nhiều cao ốc hơn, giàu có hơn, hiện đại hơn nhưng quá xô bồ, hỗn tạp và rất nghiệt ngã. Sài Gòn nay rác rến quá nhiều, rác khắp mọi nơi, bụi đất kinh khủng, bụi bám trên bề mặt của nhà cửa, xe cộ, trên mọi vật và dĩ nhiên trên cả áo quần và trên mặt người.
Có một điều tôi nhận thấy là quê hương mình giờ nhiều rác quá, chỗ nào cũng rác, thành phố, thị trấn, thôn quê, đồng ruộng, sông biển, núi rừng… đâu đâu cũng rác thải, nhiều nhất là túi nylon, hộp xốp… Người quê mình giờ xài túi nylon kinh khủng quá, món ăn thức uống, vật dụng… bất cứ thứ gì cũng đựng trong túi nylon, rác thải bừa bãi khắp mọi nơi. Người ta có thể ngồi ăn thoải mái vui vẻ ngay cạnh miệng cống, bàn ghế bé tí tẹo và trên mặt đất rác, giấy, thức ăn thừa, nước bẩn… vung vãi lung tung. Hình như mọi người đã quen sống chung với rác nên chẳng ai thấy dơ.
Người quê mình giờ ăn nhậu kinh khủng quá, có thể nhậu bất cứ lúc nào, mà đã nhậu là nhậu tới bến mới chịu. Sài Gòn cũng như cả nước quán nhậu khắp mọi ngả đường, có thể nói là sáng cà phê chiều nhậu. Ngày nay nam nữ bình đẳng, chị em cũng nhậu không kém gì nam nhi. Ở quê mình mà không nhậu thì không làm ăn gì được, mọi giao dịch, mọi công đoạn của công việc đều bắt đầu ở bàn nhậu. Hạng sang thì nhà hàng tửu điếm cao cấp. Hạng xoàng hơn thì có những quán bậc trung, còn hạ lưu hơn nữa thì quán bình dân. Quán nhậu và những tiệm Karaoke luôn làm hài lòng khách bằng mọi chiêu mà họ có thể nghĩ ra.
Trước khi về tôi có nhiều dự định sẽ làm việc này, thăm người nọ… nhưng khi về đến nơi thì chẳng làm được việc gì cả, ngay cả việc đến bái kiến thầy, một bậc long tượng thiền môn thời hiện đại cũng không làm được. Có quá nhiều trở ngại và khó khăn đối với tôi. Duy có mỗi một việc không có trong dự tính lại xảy ra. Tôi đã gặp nhóm nhà văn, nhà thơ, họa sĩ của tạp chí Quán Văn: Họa sĩ Lê Triều Điển, họa sĩ kiêm thi sĩ Lê Triều Hồng Lĩnh, nhà văn Đặng Châu Long, nhà văn Trương Văn Dân và vợ là nữ văn sĩ Elena… Chúng tôi gặp nhau ở cà phê “Tắt Đèn” tại chung cư Ngô Tất Tố. Các nghệ sĩ này vẫn gặp nhau hằng tuần ở quán cà phê cóc của chung cư và gọi vui là vậy. Tạp chí Quán Văn hình thành và duy trì mười mấy năm nay là nhờ công sức và tâm huyết của anh Nguyên Minh, anh đã tuổi cao sức yếu nhưng vì đam mê văn thơ mà một mình đứng ra cáng đáng công việc. Anh đã dành hết công sức và tâm huyết để Quán Văn được sống. Quán Văn có thể xem như báo ngoài luồng, không phải dòng chính thống. Người phụ trách phải xin giấy phép và phải rất linh hoạt, uyển chuyển để nó được sống. Quán Văn là sân chơi của những cây bút còn sót lại từ trước bảy lăm và những cây bút sau này nhưng có quan điểm tương đồng với nhau.
Người quê mình giờ giàu có và khá giả hơn xưa rất nhiều, rất nhiều người giàu lên và rất nhiều đại gia. Người quê mình hễ giàu có một tí là cố khuếch trương lên cho cả làng biết, thậm chí không giàu cũng làm ra vẻ giàu. Người giàu dù chỉ là cấp phường, xã cho đến hàng đại gia cấp tỉnh thành hay cấp quốc gia… đều có chung đặc điểm là “chảnh” và rất khinh người, cách đối xử của người giàu ở quê mình đối với người nghèo rất hách dịch. Quê mình giờ đồng tiền là tối thượng, nó sai xử hết mọi mối quan hệ trong xã hội và mọi người đổ xô đi kiếm tiền. Mục đích một bộ phận người mình giờ chỉ có tiền, tiền và tiền. Một phần lớn người mình chỉ sống gói gọn trong công thức: Làm tiền (bằng mọi giá), làm tình và ăn nhậu, ngoài ba việc ấy ra thì chẳng quan tâm bất cứ thứ gì khác!
Người mình giờ tràn ra đường để kiếm tiền, cảnh sát công lộ cũng tranh nhau chi tiền để được đứng đường, đứng đường mới có tiền, còn như ngồi bàn giấy thì treo mỏ. Người mình giờ mê tín một cách không tưởng tượng nổi, chức quyền càng cao càng mê tín bạo hơn. Họ có thể cúng bái từ gốc cây, cục đá, con vật… cho chí những hiện tượng tự nhiên rất bình thường. Họ đốt vàng mã nhiều không sao kể xiết, vàng mã không còn là những món: Tiền, vàng,bạc, áo quần như ngày xưa, giờ những lò sản xuất cập nhật nhanh chóng làm ra tất cả nhựng món đồ theo trào lưu hiện đại như: iPhone, iPad, Apple Watch, máy tính… Cứ đến ngày mùng hai và ngày mười sáu âm lịch của mỗi tháng là cả Sài Gòn nhà nào cũng bày mâm cúng trước nhà, trước xe, trước sạp hàng, trước cửa tiệm... Họ cúng ai, cúng gì hổng biết nhưng khói nhang nghi ngút, tro đốt vàng mã bay khắp phố phường. Dân mê tín một, quan gia và đại gia mê tín gấp ngàn lần, bọn họ đi chùa, miễu, đình, am… khắp nơi, sẵn sàng bỏ ra bạc tỉ để hối lộ thánh thần, rất hăng say góp của xây mới hay làm mới lại những cơ sở thờ tự dù là chánh phái hay tà môn ngoại đạo. Quan gia giờ người nào cũng xây nhà thờ họ, lập gia phả… thậm chí đúc tượng để lại cho đời sau.
Về quê gặp thân nhân, gặp bạn bè thì vui thật, nhưng tôi nhận ra về chơi dăm ba bữa thì được chứ ở lâu dài thì chắc chắn là không được! Tôi biết mình sẽ rất khó khăn để tái hòa nhập lại với môi trường sống như thế này. Tôi biết tánh tôi, tôi biết tôi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi sớm thôi! Thật sự tôi không thể chịu nổi cái cung cách của người mình, sao mà nó lề mề, lùi xùi và luộm thuộm quá. Người mình nhậu và hút thuốc kinh khủng quá, hút thuốc mọi lúc, mọi nơi. Khói thuốc 1á ám ảnh tôi vào tận trong giấc ngủ chập chờn.
Người mình với chính quyền giống như hai đường song song, quan nói mặc quan, ai nghe cũng biết xạo nhưng cũng phải nghe và phải làm theo. Ai cũng biết xạo nhưng ai cũng cười mà chẳng ai dám nói khác. Dân thích Mỹ, khoái Tây nhưng quan thì ôm Tàu. Quan nói có thì dân nói không, quan bảo không thì dân nói có. Tuy vậy cũng có điểm chung, cả dân lẫn quan đều tìm đường cho con cái mình sang Mỹ sang Tây. Những kẻ giàu có dù là quan hay dân cũng đều cố kiếm cái thẻ xanh hay quốc tịch nước ngoài, mở tài khoản nước ngoài, mua nhà ngoại quốc lót ổ sẵn… Người mình giờ tếu lắm, hễ thấy biệt phủ, dinh thự hay gia sản kếch xù của quan là lập tức bảo rằng: “Giàu là do buôn chổi đót, chạy xe ôm, thả nái, bán trà đá, bán vé số...”
– Tiểu Lục Thần Phong
(Ất Lăng thành, 11/22)