Khi mới đến Mỹ định cư, cuối thập niên 1970 tôi gặp một cựu chiến binh Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam. Anh Mark khi đó tuổi chưa đến 30, nhập ngũ đầu thập niên 1970 theo lệnh động viên, có hai năm đóng quân ở Cần Thơ, Biên Hoà. Hết hạn nghĩa vụ, anh về làm việc ở thư viện Đại học Berkeley và tôi gặp anh ở đó, khi còn là sinh viên.
Thỉnh thoảng chúng tôi đi ăn trưa, kể chuyện Việt Nam cho nhau nghe, phần tôi còn muốn học hỏi từ anh về nếp sống Mỹ. Qua anh, tôi mới hiểu rằng dư luận và xã hội Hoa Kỳ trong những năm của thập niên 1970 không trân trọng những người lính đã từng qua Việt Nam chiến đấu.
Lính Mỹ đến Việt Nam trong vai trò cố vấn tại miền Nam sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước từ vĩ tuyến 17, với miền Bắc theo thể chế cộng sản và miền Nam theo chế độ tự do. Đến tháng 3, 1965 có những đơn vị Thuỷ quân Lục chiến đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, trực tiếp tham gia chiến đấu cho đến cuối tháng 3 năm 1973 thì quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1, 1973.
Sáng 29 tháng Tư, 1975 chính phủ Việt Nam Cộng hoà chính thức yêu cầu Hoa Kỳ rút hết người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Trưa ngày 30 tháng 4, bộ đội cộng sản cùng xe tăng tiến vào thủ đô và chính quyền Sài Gòn đầu hàng.
Với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà, một quốc gia được Hoa Kỳ hỗ trợ trong 20 năm, và cuộc di tản người Mỹ vào tháng 4, 1975 ghi dấu thất bại lần đầu tiên của Hoa Kỳ khi tham chiến ở nước ngoài. Cuộc chiến Việt Nam đã làm chia rẽ nội tình nước Mỹ sâu đậm.
Đã có 2 triệu 700 nghìn lính Mỹ phục vụ tại Việt Nam, gần 60 nghìn bỏ mạng và hàng trăm nghìn bị thương mà khi họ trở về đã không được chào đón hay tri ân như cựu chiến binh của các cuộc chiến trước đó.
Không quên những đồng đội đã hy sinh, Jan C. Scruggs và một số cựu chiến binh từ chiến trường Việt Nam đứng ra thành lập The Vietnam Veterans Memorial Fund vào năm 1979, bốn năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, để xây dựng một đài tưởng niệm. Việc chính là vận động quốc hội cho khu đất, còn tất cả kinh phí xây dựng do tư nhân đóng góp.
Một cuộc thi tuyển mô hình tượng đài được tổ chức và đã có 1422 đồ án gửi về tham gia. Kết quả với mô hình của Maya Lin được chọn. Điều ngạc nhiên về tác giả trúng giải là cô chưa phải là kiến trúc sư hay những nhà vẽ hoạ đồ chuyên nghiệp. Cô cũng không phải là người trong giới thiết kế các tượng đài mà còn là một sinh viên mới 21 tuổi và đang học năm thứ tư khoa kiến trúc tại Đại học Yale. Bố mẹ cô là người Hoa đến từ Trung Quốc khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền và cô Lin được sinh ra tại tiểu bang Ohio.
Mô hình Vietnam Veterans Memorial của Maya Lin không theo truyền thống của các tượng đài về chiến tranh với hình ảnh người lính chiến đấu đặt trên bục cao như thường thấy. Khi kết quả chấm giải được công bố đã có nhiều chỉ trích, phê bình. Sau đó đã có những thương thảo để bổ sung cho mô hình đài tưởng niệm, như năm 1984 thêm cột cờ và tượng ba người lính Mỹ cầm súng chiến đấu – đạt giải ba của cuộc thi. Năm 1993 thêm tượng nữ quân nhân phục vụ trong chiến tranh Việt Nam đặt trong quần thể của đài tưởng niệm.
Khi dự án xây tượng đài ra đời cũng là lúc làn sóng thuyền nhân vượt thoát chế độ cộng sản đang lên cao. Tổng thống Jimmy Carter và quốc hội đã ban hành những chính sách nhận cho vào Mỹ hàng trăm nghìn người tị nạn từ Việt Nam.
Khi vận động tranh cử tổng thống vào mùa hè 1980, cựu Thống đốc California Ronald Reagan trong bài nói chuyện với cựu chiến binh tại Hội nghị Veteran’s of Foreign Wars ngày 18/8/1980 đã tuyên bố rằng việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam là chính nghĩa, ông ca ngợi sự hy sinh của hơn 50 nghìn người lính và tri ân những binh sĩ đã phục vụ trên chiến trường Việt Nam.
Hai sự kiện trên cùng với kết quả Ronald Reagan được bầu chọn làm tổng thống vào tháng 11/1980 đã giúp dư luận Hoa Kỳ có những cái nhìn khác hơn về cuộc chiến đã qua và giúp cho việc xây đài tưởng niệm được xúc tiến nhanh.
Năm 1981 quốc hội phê chuẩn cho một khu đất nằm trong National Mall ở trung tâm thủ đô Washington. Tháng 11 năm 1982 tượng đài Vietnam Veterans Memorial được khánh thành dịp lễ Cựu chiến binh.
Nhiều người gọi đó là Bức tường Đá đen vì vật liệu chỉ là những phiến đá đen, trên đó khắc tên của gần 60 nghìn lính Mỹ đã hy sinh hay còn mất tích từ chiến trường Việt Nam, theo thứ tự ngày tử trận. Những phiến đá xếp thành hình chữ V, nằm dưới lòng đất với hai cánh thoai thoải mở ra một góc 125 độ. Hai phiến đá cao nhất là tâm điểm của đáy chữ V, trên đầu tấm bên trái ghi niên biểu 1959 và ngay dưới là tên người lính Mỹ đầu tiên tử trận, phiến đá bên phải, hàng cuối ghi năm 1975, trên niên biểu là tên người lính Mỹ cuối cùng bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam.
Hôm nay là ngày Veterans Day – Cựu chiến binh – ở Mỹ, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ngày Bức tường Đá đen được hình thành. Mỗi năm có khoảng 3 triệu du khách đến thăm nơi này. Đã có nhiều người Việt tị nạn cộng sản, nhiều hội đoàn người Việt tại Hoa Kỳ đến đây để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn những người lính Mỹ đến giúp Việt Nam và đã hy sinh để họ có được một giai đoạn sống trong tự do.
Bức tường Đá đen là nơi người dân Mỹ tìm đến để làm lành, hàn gắn những đau thương, đổ vỡ do cuộc chiến gây ra. Đến để chạm tay vào tên người thân, bạn bè để tri ân những người đã hy sinh vì tổ quốc.
Cuộc chiến Việt Nam kết thúc đến nay gần nửa thế kỷ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã kết nối bang giao từ 27 năm qua. Hai bên thường nói đến tinh thần hoà giải giữa hai dân tộc nhưng mới chỉ có những nhà ngoại giao Mỹ phục vụ tại Việt Nam đã đến nghĩa trang liệt sĩ đặt vòng hoa và thắp hương. Chưa thấy một nhà ngoại giao Việt Nam nào mang hoa đến viếng Bức tường Đá đen.
– Bùi Văn Phú