HOA KỲ – Các cơn hoảng loạn/ hoảng hốt/ hoảng sợ (Panic attack) xoay quanh nỗi sợ hãi kinh hoàng. Dù panic attack chủ yếu được cho là có liên quan đến tâm trí, nhưng thực ra chúng là sự tổng hợp các triệu chứng, cả về thể chất và nhận thức. Bộ não của chúng ta bị nỗi sợ hãi xâm chiếm; cơ thể chúng ta phản ứng, và có thể khó mà giải thích hết được.
Thế nào là lên cơn hoảng loạn/ hoảng hốt/ hoảng sợ (panic attack)?
Hầu hết các chuyên gia đều định nghĩa ‘lên cơn hoảng hốt’ (hay cơn hoảng sợ, hoảng loạn) là sự khởi phát đột ngột của nỗi sợ hãi tột độ, trái ngược với hội chứng lo âu, thường biểu hiện là tình trạng lo âu, sợ hãi kéo dài dai dẳng.
Người bị lên cơn hoảng hốt thường là đột ngột có các triệu chứng về tinh thần và thể chất, có thể khác nhau tùy mỗi người.
Có thể đó là tim đập nhanh và mạnh.
Có người sẽ cảm thấy không thể thở được.
Chân tay có thể ngứa ran. Đôi khi run rẩy.
Hoặc có người sẽ thấy buồn nôn, mắc ói.
Ngực của họ có thể bị thắt lại và một số người cho biết họ có cảm giác như bị nghẹt thở. Một số người trải qua cơn hoảng hốt có thể đột nhiên cảm thấy nóng ran và toát mồ hôi, trong khi một số khác cảm thấy ớn lạnh.
Và sau đó, hoảng loạn ập tới và đầy bất ổn. Trong cơn hoảng sợ, người ta có thể lo rằng mình sẽ nổi điên, mất kiểm soát tâm trí và cơ thể. Họ có thể nghĩ mình đang lên cơn đau tim hoặc thậm chí là sắp chết.
Hầu hết những người thường lên cơn hoảng hốt không gặp phải tất cả các triệu chứng này, nhưng có thể gặp nhiều cái trong số đó. Cũng có một nhóm nhỏ những người bị lên cơn hoảng hốt với số ít triệu chứng, thường là ít hơn 3 triệu chứng.
Và, cơn hoảng hốt cũng sẽ bất thình lình biến mất, như khi chúng đột ngột xuất hiện. Các triệu chứng ập tới trong vòng mười phút và thường biến mất trong vòng nửa tiếng, một số người có thể cảm thấy hiệu ứng của chúng kéo dài một chút.
Tuy nhiên, trải nghiệm này có thể gây tổn thương và người từng bị lên cơn hoảng hốt có thể sẽ bắt đầu lo sợ những cảm giác gợi nhớ đến các triệu chứng mà họ đã trải qua, như là cảm thấy khó thở sau khi leo cầu thang. Họ cũng có thể sẽ né tránh bất cứ thứ gì khiến họ nhớ đến khoảnh khắc đó – chẳng hạn như cửa hàng tạp hóa nơi họ bị panic attack, hoặc loại thức ăn họ đang ăn khi cơn hoảng hốt ập đến.
Một số người có thể phát triển thành hội chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder), được các chuyên gia tâm lý học xác định là các cơn hoảng hốt sẽ xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại, cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Theo bác sĩ sĩ Schneier, trong số chúng ta, có khoảng 15 – 30% sẽ trải qua ít nhất một lần lên cơn hoảng hốt (panic attack) trong đời, chỉ có 2 – 4% bị phát triển thành hội chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Một số nhỏ trong những người đó – khoảng 1/3 – cũng sẽ mắc hội chứng sợ hãi agoraphobia, một chứng rối loạn lo âu có thể liên quan đến nỗi sợ hãi tột độ một địa điểm (như nơi công cộng hoặc nơi đông người, phương tiện công cộng…) hay tình huống (như đứng xếp hàng hoặc rời khỏi nhà). Điều này có thể xảy ra khi mọi người trở nên sợ hãi tột độ về những nơi mà họ đã từng bị lên hoảng hốt.
Nguyên nhân nào gây ra các cơn hoảng sợ?
Một loạt các yếu tố gây căng thẳng – như các sự kiện đau buồn, lo lắng về tài chánh hoặc thậm chí là phát biểu trước đám đông – có thể dẫn đến các cơn hoảng hốt. Nhưng chúng cũng có thể xảy ra bất thình lình mà không có nguyên nhân cụ thể.
Khi mọi người trải qua căng thẳng cao độ, nó sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, một mạng lưới các dây thần kinh kích hoạt cái mà các chuyên gia tâm lý học gọi là phản ứng “chiến hay chạy” (fight or flight) đối với mối nguy hiểm mà họ nhận thức được. Cơ thể tiết ra các chất hóa học như epinephrine, còn được gọi là adrenaline và norepinephrine, khiến cho tim hoạt động quá mức, đồng tử phồng lên và da tiết ra mồ hôi.
Một mạng lưới dây thần kinh khác, được gọi là hệ thống thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system), giúp đưa cơ thể quay trở lại trạng thái ban đầu. Nếu nó ngừng hoạt động trong một thời gian, cơn hoảng hốt có thể khiến cho một người cứ ở trong trạng thái kích thích cao độ đó hoài.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu tin rằng các cơn hoảng sợ có thể xảy ra khi bộ não tạm thời mất khả năng trao đổi thông tin giữa vỏ não trước trán (liên quan đến logic và lý luận) và hạch hạnh nhân (điều chỉnh cảm xúc). Trong cơn hoảng hốt, hạch hạnh nhân đang trong trạng thái tăng động, còn vỏ não trước trán phản ứng lề mề, khiến chúng ta quay cuồng.
Ai sẽ bị panic attack?
Bất cứ ai cũng có thể trải qua một cơn hoảng hốt. Tuy nhiên, rủi ro là cao nhất đối với thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20. Nếu đã 45 tuổi mà chưa từng bị lên cơn hoảng hốt, thì quý vị sẽ ít có khả năng bị về sau.
Phụ nữ có nguy cơ bị lên cơn hoảng hốt cao gấp đôi nam giới, nhưng các chuyên gia nghiên cứu không rõ lắm tại sao lại có sự chênh lệch đó.
Làm thế nào để xoa dịu cơn hoảng hốt?
Nếu chưa từng trải qua cơn hoảng sợ trước đây, và đang bị đau ngực và thấy khó thở, quý vị nên đến phòng cấp cứu để xác nhận rằng mình đang bị panic attack hay là có vấn đề về tim. Nhưng nếu đã từng bị lên cơn hoảng hốt trước đây rồi, và nhận ra rằng mình đang gặp nó nữa, thì quý vị có thể tham khảo những lời khuyên bên dưới.
Quý vị có thể và nên thực hành các chiến lược ứng phó này trước, để dễ dàng ứng dụng chúng ngay khi có một cơn hoảng hốt ập đến:
Tự nhủ mình sẽ vượt qua: hãy nhắc nhở bản thân rằng quý vị đã vượt qua được các cơn hoảng hốt trước đây, và mặc dù đáng sợ, nhưng bản thân cơn hoảng hốt không nguy hiểm.
Gọi cho ai đó: một người bạn đáng tin cậy hoặc một thành viên trong gia đình có thể nói chuyện để giúp quý vị bình tĩnh lại khi bản thân quý vị cảm thấy cơn hoảng hốt bắt đầu kéo tới. Chỉ cần nói về những gì quý vị đang trải qua và gọi tên những cảm giác mình đang cảm thấy, nó có thể giúp quý vị ổn định lúc này.
Đếm màu sắc: một số chuyên gia trị liệu có đưa ra khuyến nghị là một bài tập cơ bản đơn giản: đếm và gọi tên các màu xung quanh mình. Hãy nói to từng câu một, hoặc chỉ ghi nhớ chúng trong tâm trí cũng được. Khi quý vị lẩm bẩm rằng tấm thảm màu xanh lam hay cái áo sơ mi màu đỏ, tâm trí quý vị sẽ bị phân tâm khỏi sự lo lắng đang hiện hữu, giúp quý vị dần dà bình tĩnh trở lại.
Cầm nắm đồ vật lạnh: đưa tay vào tủ đông và cầm một viên đá hoặc đặt một chiếc khăn ẩm, mát lên cổ tay. Cú sốc của cái lạnh có thể giúp quý vị tập trung vào hiện thực; điều này cũng giúp giảm bớt sự khó chịu và đổ mồ hôi mà một số người gặp phải khi lên cơn hoảng hốt.
Thở bằng bụng: tình trạng tăng thông khí (hyperventilating), một đặc điểm phổ biến của các cơn hoảng sợ, có thể khiến mọi người cảm thấy chóng mặt, vì vậy, thở chậm vào lúc này có thể hữu ích. Thông thường, người lớn thở bằng lồng ngực; thay vào đó, hãy thở bằng bụng như trẻ sơ sinh. Điều này có thể làm cho hơi thở của chúng ta chậm lại và sâu hơn, cung cấp oxy cho não và kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm, giúp phát tín hiệu rằng chúng ta không cần phải ‘chiến hay chạy’ và giảm mức độ căng thẳng.
Làm thế nào để phòng ngừa các cơn hoảng hốt?
Nếu quý vị bị panic attack tái diễn, hãy tìm gặp bác sĩ trị liệu. Với các liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy), bác sĩ sẽ khuyến khích chúng ta đối mặt với những nỗi sợ hãi và cảm giác có thể gặp phải khi bị panic attack. Đây có thể là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Quá trình này có thể giúp thay đổi các kiểu suy nghĩ của quý vị, khiến quý vị không còn quá mẫn cảm với những cảm giác có thể gây ra các cơn hoảng sợ.
Ngoài ra, một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (S.S.R.I.s), cũng có thể giúp kiểm soát các cơn hoảng sợ.
Và điều quan trọng là, khi bị lên cơn hoảng sợ, hãy nhớ là nó hoàn toàn có thể được chữa trị, và rồi nó cũng sẽ chóng qua như khi vội đến.
Việt Báo phỏng dịch theo bài “The Anatomy of a Panic Attack” của Dani Blum và hình minh họa bởi Daniel Liévano, được đăng trên trang NYTimes. Nhóm tác giả đã tham khảo ý kiến của Bác sĩ Franklin Schneier, đồng giám đốc Anxiety Disorders Clinic tại New York State Psychiatric Institute; Lynn Bufka, phó giám đốc thực hành tại American Psychological Association; Elizabeth Martin, phó giáo sư khoa học tâm lý tại University of California; Irvine, thực hiện nghiên cứu sinh học thần kinh đằng sau các cơn hoảng hốt; và Angela Neal-Barnett, giáo sư tâm lý học tại Kent State University và là tác giả của cuốn sách “Soothe Your Nerves: The Black Woman’s Guide to Understanding and Overcoming Anxiety, Panic and Fear.”
Việt Báo phỏng dịch theo bài “The Anatomy of a Panic Attack” của Dani Blum và hình minh họa bởi Daniel Liévano, được đăng trên trang NYTimes. Nhóm tác giả đã tham khảo ý kiến của Bác sĩ Franklin Schneier, đồng giám đốc Anxiety Disorders Clinic tại New York State Psychiatric Institute; Lynn Bufka, phó giám đốc thực hành tại American Psychological Association; Elizabeth Martin, phó giáo sư khoa học tâm lý tại University of California; Irvine, thực hiện nghiên cứu sinh học thần kinh đằng sau các cơn hoảng hốt; và Angela Neal-Barnett, giáo sư tâm lý học tại Kent State University và là tác giả của cuốn sách “Soothe Your Nerves: The Black Woman’s Guide to Understanding and Overcoming Anxiety, Panic and Fear.”
Gửi ý kiến của bạn