HOA KỲ – Khi Ngày Bầu Cử (Election Day) cận kề, ngày càng có nhiều lo ngại mơ hồ về nguy cơ xảy ra hỗn loạn – từ các vụ tấn công bạo lực ở các điểm bỏ phiếu cho đến việc các ứng cử viên không chấp nhận thất bại.
Xuyên suốt lịch sử, các vấn đề từng gây cản trở trong hệ thống bầu cử và chính trị của Hoa Kỳ – chẳng hạn như hăm dọa của cử tri – nay lại đang xảy ra trước các kỳ bầu cử giữa kỳ. Không chỉ vậy, còn có các vấn đề ít quen thuộc hơn, như việc các vị trí bầu cử cấp tiểu bang trước đây đang trở thành cơ hội hoạt động chính trị.
Dưới đây là các vấn đề chính ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ, được rút ra từ những bài viết được đăng trên trang The Conversation.
1. Ai sẽ đi bỏ phiếu
Số lượng cử tri tham gia các cuộc bầu cử giữa kỳ thường không cao – dù một số chuyên gia cho rằng có thể số lượng cử tri đi bỏ phiếu năm nay sẽ khá đông đảo. Một vấn đề không kém phần quan trọng: những ai mới thực sự là người đi bỏ phiếu, khi các cuộc đua ở những tiểu bang dao động (swing states) ngày càng thắt chặt.
Học giả Jan Leighley của American University viết: các cử tri trẻ tuổi thường ít đi bỏ phiếu giữa kỳ hơn nhiều so với những người lớn tuổi, ngược lại, tỷ lệ cử tri trẻ đi bỏ phiếu sẽ cao hơn trong các cuộc bầu cử tổng thống. Các cử tri trẻ cũng thường chọn các dân cử Đảng Dân Chủ hơn. Leighley viết: “Cho nên, nếu các cử tri trẻ tuổi ít tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2022, thì có thể sẽ có nhiều dân cử Cộng Hòa được bầu, cũng như các ứng cử viên ít phản ánh quan điểm của công dân trẻ hơn về các vấn đề quan trọng.”
Bài đọc: Young voters are more likely to skip midterm elections than presidential races
Trong khi đó, năm nay, dự kiến sẽ có số lượng kỷ lục người gốc Latinh đi bỏ phiếu. Năm 2020, hầu hết người gốc Latinh bỏ phiếu cho Tổng thống Joe Biden - nhưng số lượng cử tri gốc Latinh ủng hộ các ứng cử viên GOP cũng ngày càng tăng, bao gồm cả cựu tổng thống Donald Trump – theo học giả công tác xã hội Mary Lehman Held của Trường Tennessee.
Một lý do là cử tri người gốc Latinh có các giá trị và ưu tiên khác nhau. Và không phải tất cả sẽ quay lưng với Đảng Cộng Hòa bởi chính sách hạn chế nhập cư của các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Lehman Held giải thích: “Các chính sách nhập cư chỉ ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ người gốc Latinh, đặc biệt là người Mexico, tiếp theo là người Salvador, người Guatemala và người Honduras.”
2. Cử tri mong muốn gì?
“Chỉ là vấn đề kinh tế thôi, đồ khờ” (It’s the economy, stupid) – câu châm ngôn chính trị nổi tiếng năm 1992 về mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Lạm phát tăng cao đang là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri trong năm nay, dù không có đảng nào đưa ra được cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn và giảm lạm phát, như học giả tài chánh William Chittenden của Trường Bang Texas đã viết.
Bài đọc: Why inflation will likely stay sky-high regardless of which party wins the midterms
Đã có một loạt các hoạt động chính trị xung quanh quyết định của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) về việc lật lại án lệ Roe v. Wade vào tháng 6 năm 2022, hủy bỏ quyền phá thai liên bang. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, dù là đàn ông hay phụ nữ, đều nói rằng chính trị về phá thai sẽ không khiến họ đi đến các điểm bỏ phiếu, theo các học giả về khoa học xã hội Matthew A. Baum, Alauna Safarpour, Jonathan Schulman và Kristin Lunz Trujillo của Trường Harvard Kennedy.
Nhóm các học giả viết: “Ban đầu, vào tháng 6 và tháng 7, quyết định của TCPV vụ Dobbs v. Jackson có thể đã huy động được một số cử tri, đặc biệt là phụ nữ, nhưng ảnh hưởng của nó có vẻ đã giảm đi khi chúng tôi hỏi lại người dân Hoa Kỳ trong tháng 8 và 10 về ý định đi bỏ phiếu.”
3. Các cuộc bầu cử không còn như trước
Đã qua rồi cái thời mà những người giám sát bầu cử không được xem trọng, họ làm những công việc quan trọng – nhưng không hào nhoáng – như tổ chức danh sách cử tri, bố trí nhân sự các địa điểm bỏ phiếu và kiểm đếm kết quả bầu cử.
Nhìn chung, ngày càng có nhiều người không tin tưởng vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, kể từ sau cuộc bầu cử năm 2020 khi mà cựu Tổng thống Trump không chấp nhận thất bại của mình. Nó mở ra một kỷ nguyên mới trong chính trị: không nhất thiết cứ là “tới kỳ bầu cử, kiểm đếm phiếu bầu, tuyên bố người chiến thắng và tiếp tục nền dân chủ,” Thom Reilly, một học giả về quản trị công và cựu viên chức bầu cử tiểu bang, viết.
Một yếu tố phức tạp là Hoa Kỳ là nền dân chủ duy nhất bầu ra các viên chức bầu cử của mình, và các thành viên cấp cao của Đảng Cộng Hòa hoặc Dân Chủ thường giám sát các cuộc bầu cử ở cấp tiểu bang. Reilly viết: “Hệ thống đảng phái đó chủ yếu hiệu quả cho đến bây giờ là bởi vì, về bản chất, mỗi bên đều kiểm tra khả năng của bên kia trong việc tác động đến kết quả bầu cử. Miễn là các tiểu bang còn đa dạng về chính trị, các thành viên của cả hai đảng lớn đều hành động một cách thiện chí, thì mô hình này sẽ có hiệu quả – dù không hoàn hảo.”
Dù vậy, đã có bằng chứng cho thấy các viên chức làm công tác thăm dò ý kiến và quan sát bầu cử mới được bổ nhiệm có tính đảng phái cao, và họ có kế hoạch làm gián đoạn cuộc bầu cử. Điều này có khả năng làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hoạt động dân chủ quan trọng này cũng như làm suy yếu bản thân nền dân chủ. Và có một số lượng lớn các ứng cử viên tranh cử vào các vai trò giám sát bầu cử ở tiểu bang là những người từ chối kết quả bầu cử. Reilly viết, nếu họ giành chiến thắng, điều đó sẽ càng làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của các cuộc bầu cử.
4. Cử tri gốc da đen đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa
Giữa những cảnh báo từ Bộ Nội An về bạo lực chính trị trong Ngày Bầu Cử – mà chuyên gia nghiên cứu về an ninh của Quận Baltimore Richard Forno, Trường Maryland, nêu ra – có nguy cơ các địa điểm bỏ phiếu sẽ trở xảy ra nhiều vụ bạo lực chính trị.
Bài đọc: Political violence in America isn't going away anytime soon
Mối đe dọa gợi nhớ đến các nỗ lực dai dẳng của những người theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng nhằm hăm he đe dọa các cử tri gốc da đen.
Georgia, với lịch sử lâu dài trong vấn đề đe dọa cử tri, sẽ ban hành luật cải cách bầu cử, gây khó khăn cho các cử tri – đặc biệt là người gốc da màu – trong việc đi bỏ phiếu. Một phần của luật mới, được gọi là SB 202, loại bỏ một số thùng phiếu vắng mặt (voting drop boxes), vốn chủ yếu được sử dụng bởi người gốc da màu. Điều này xảy ra khi số lượng cử tri gốc da đen và quyền lực của họ tăng lên ở Georgia – và việc siết chặt các quy tắc bỏ phiếu gợi nhớ đến những năm 1940 cũng như những thời điểm khác, những người bảo thủ gốc da trắng thẳng tay đàn áp quyền bỏ phiếu khi sức mạnh chính trị của người gốc da đen tăng lên.
Học giả về khoa học chính trị Richard Doner của Trường Emory viết: “Việc luật bầu cử mới được thông qua gần như ngay lập tức vào thời điểm sức mạnh chính trị của người gốc da đen đang tăng lên cho thấy phản ứng dữ dội và dai dẳng của một số người gốc da trắng ở Georgia.”
Bài đọc: Georgia's GOP overhauled the state's election laws in 2021 – and critics argue the target was Black voter turnout, not election fraud
Việt Báo phỏng dịch theo bài “What’s at stake this Election Day – 7 essential reads” của Amy Lieberman, Biên tập viên Chính trị & Xã hội, được đăng trên trang The Conversation. Đây là bài tập hợp các bài viết khác từ The Conversation.