Các nghệ sĩ treo các biểu ngữ đỏ thả xuống bốn tầng lầu để ủng hộ cao trào biểu tình ở Iran
Vào thứ Bảy qua, Bảo tàng Guggenheim ở Manhattan vẫn nhộn nhịp như thường lệ, với khách du lịch và người dân địa phương quanh co lên xuống đoạn đường xoắn ốc mang tính biểu tượng của tòa nhà. Ở đó, từ đỉnh của đường xoắn ốc, 12 biểu ngữ màu đỏ bung ra, trải dài suốt bốn tầng.
Mỗi biểu ngữ được bao phủ bởi giấy nền đen mô tả Mahsa Amini, 22 tuổi, người đã mất mạng vào tháng trước trong sự giam giữ của "cảnh sát đạo đức" của Iran, họ đã giam giữ cô vì không đeo khăn trùm đầu đúng cách. Bên cạnh hình ảnh là các từ “Woman, Life, Freedom” bằng cả tiếng Anh và tiếng Kurd, đã trở thành tiếng kêu cứu của những phụ nữ trẻ dẫn đầu các cuộc biểu tình về cái chết của Amini.
Trong khi các biểu ngữ được thả xuống khuôn viên bảo tàng, những người xem triển lãm bắt đầu cổ vũ và vỗ tay, như đã thấy trong các video khác nhau được lan truyền trên mạng xã hội.
Một nhóm hoạt động có tên là Tập Thể Nghệ Sĩ Vô Danh vì Iran (Anonymous Artist Collective for Iran) nhận trách nhiệm thực hiện việc này. “Sự tôn kính này là một lời kêu gọi hành động để hỗ trợ cuộc cách mạng hiện tại ở Iran, do những phụ nữ Iran dũng cảm liều mạng đứng lên chống lại sự áp bức nhằm lật đổ một chế độ độc tài lâu đời,” nhóm nghệ sĩ này cho biết trong một bản tuyên bố.
Trong mắt nhiều người Iran, các thể chế phương Tây đã không làm đủ để hỗ trợ những người biểu tình. Nhà làm phim kiêm nhiếp ảnh gia người Iran Shirin Neshat, sống ở New York, đã đăng một video về cuộc biểu tình lên Instagram của mình, thu hút hơn 121,000 lượt “like” tính đến thời điểm của bài viết này. Cô viết:“[Mahsa] Amini đã xuất hiện tại bảo tàng Guggenheim hôm nay!” Và cô chú thích: “Tự hào về một vài nghệ sĩ Iran dũng cảm [đã] phát khởi một cuộc biểu tình bất ngờ bằng tuyệt đẹp với các biểu ngữ mạnh mẽ này vào ngày hôm nay, họ là lương tâm của thế giới nghệ thuật đang ngủ yên, những người quan tâm ít đến những phụ nữ Iran đấu tranh cho các quyền cơ bản và tự do của con người.”
Maryam Eisler, một nghệ sĩ gốc Iran, sống ở London, đã trả lời chú thích của Neshat trong các nhận xét này: "Ngủ yên là một cách nói quá nhẹ" cô ấy viết. "Đúng hơn là một điều đáng xấu hổ."
Thiết kế xoắn ốc của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright cho Bảo Tàng Guggenheim cho phép hầu hết mọi người trong tòa nhà nhìn thấy giếng trời của bảo tàng, một bố cục mà những người biểu tình đã tận dụng trước đây. Đầu năm nay, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, các nhà hoạt động đã cho máy bay giấy bay qua không gian chính để kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên cả nước.
Ở Iran, làm nghệ thuật phản đối còn nguy hiểm hơn nhiều. Bộ Văn Hóa và Hướng Dẫn Hồi Giáo của Iran từ lâu đã rất cẩn thận về những gì nghệ sĩ được phép nói trong tác phẩm của họ. Kể từ tháng 9, chính quyền Iran đã giết chết hơn 200 người, trong đó có 29 trẻ em, theo Tổ Chức Phi Lợi Nhuận Nhân Quyền Iran. Họ cũng đã áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với việc truy cập internet.
Bất chấp nguy hiểm, các nghệ sĩ ở Iran vẫn phản đối. Đầu tháng này, một nghệ sĩ giấu tên đã nhuộm nước ở đài phun nước ở Tehran màu đỏ tươi. Trước đó khoảng một tuần, hai người phụ nữ giấu tên đã treo những bông hồng đỏ trên cành cây trong một công viên ở Tehran.
“Người dân Iran phải chịu đựng bạo lực và sự tàn bạo khủng khiếp hàng ngày”, một trong những Nghệ Sĩ Ẩn Danh Iran viết: “... Xóa bỏ quyền của phụ nữ là một thách thức toàn cầu, một vấn đề mà chúng ta không may phải đối mặt dù ở đây ở phương Tây hay Trung Đông. Mahsa sẽ không bao giờ bị lãng quên và sự bất công tàn ác đối với phụ nữ Iran không còn có thể bị bỏ qua. Cuộc chiến giành tự do của họ là những gì chúng ta tranh đấu.”
Gửi ý kiến của bạn