Phát hiện ung thư từ sớm, trước khi nó di căn, có thể là vấn đề sống còn. Đây là lý do tại sao các bác sĩ khuyên chúng ta nên thường xuyên truy tầm một số loại ung thư phổ biến bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ: nội soi đại tràng để tầm soát ung thư ruột kết, hay chụp nhũ ảnh để truy tầm ung thư vú.
Dù quan trọng, nhưng cũng khó để có thể làm tất cả các xét nghiệm, bởi vì chúng tốn kém và đôi khi còn khiến bệnh nhân khó chịu. Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu có một xét nghiệm máu duy nhất có thể truy tầm được hầu hết các loại ung thư phổ biến cùng lúc.
Đây là tương lai đầy hứa hẹn của các xét nghiệm phát hiện sớm đa ung thư (multicancer early detection tests – MCED). Năm nay, Tổng thống Joe Biden đã xác định việc phát triển các xét nghiệm MCED là một ưu tiên của Cancer Moonshot, nỗ lực liên bang trị giá 1.8 tỷ đô la nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ung thư cũng như đang sống chung với bệnh ung thư.
Là một bác sĩ y học trong phòng thí nghiệm và chuyên gia nghiên cứu phát triển các xét nghiệm phân tử (molecular tests) cho bệnh ung thư, giáo sư Colin Pritchard tin rằng các xét nghiệm MCED có khả năng thay đổi cách truy tầm ung thư trong tương lai gần, đặc biệt nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ của liên bang để rút ngắn thời gian.
Cách thức hoạt động của các xét nghiệm MCED
Tất cả các tế bào trong cơ thể chúng ta, bao gồm cả các tế bào khối u, sẽ tiết DNA vào máu khi chúng chết đi. Các xét nghiệm MCED tìm kiếm dấu vết DNA của khối u có trong máu. Các cfDNA* – DNA tự do trong vòng tuần hoàn – chứa thông tin về loại mô tiết ra nó ra và liệu nó là bình thường hay bị ung thư.
*Circulating “cell-free” DNA: DNA tự do trong vòng tuần hoàn là các đoạn DNA phân giải được thải vào huyết tương. cfDNA có thể được sử dụng để mô tả các dạng DNA khác nhau lưu hành tự do trong máu, bao gồm DNA khối u lưu hành, DNA ty thể không tế bào và DNA thai nhi không tế bào.
Xét nghiệm để tìm DNA khối u tuần hoàn trong máu cũng không phải là mới lạ. Những mẫu sinh thiết chất lỏng này – cách gọi hoa mỹ của xét nghiệm máu – thường được sử dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Các xét nghiệm máu này sẽ giúp truy tầm các đột biến trong DNA của khối u để các bác sĩ đưa ra hướng dẫn điều trị. Bởi vì bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường có một lượng lớn DNA khối u tuần hoàn trong máu, nên cũng không khó để phát hiện sự hiện diện của những thay đổi.
Các xét nghiệm MCED khác với sinh thiết lỏng hiện nay, vì chúng sẽ cố gắng phát hiện ung thư giai đoạn đầu, khi tế bào khối u chưa sinh sôi nhiều. Việc phát hiện ra các tế bào ung thư có thể sẽ gặp khó khăn ngay từ ban đầu, bởi vì các tế bào không ung thư cũng tiết DNA vào máu. Khi hầu hết DNA tuần hoàn trong máu đến từ các tế bào không ung thư, thì việc phát hiện ra một vài phân tử DNA ung thư cũng giống như mò kim đáy biển.
Để tăng thêm độ khó, các tế bào máu cũng tự tiết ra DNA bất thường do quá trình lão hóa và những sợi này có thể bị nhầm lẫn với DNA ung thư đang tuần hoàn. Hiện tượng này được gọi là quá trình tạo máu vô tính. Nó khiến các chuyên gia nghiên cứu bối rối khi phát triển các xét nghiệm MCED giai đoạn đầu, vì có quá nhiều kết quả dương tính giả.
May mắn thay, các xét nghiệm mới hơn có thể tránh được sự ‘quấy quả’ của tế bào máu bằng cách tập trung vào một loại “mã vạch phân tử” trong DNA ung thư để xác định mô nào tiết nó ra. Những ‘mã vạch’ này là kết quả của quá trình methyl hóa DNA, những điều chỉnh tự có trên bề mặt DNA, và mỗi loại mô có kiểu điều chỉnh khác nhau. Ví dụ, mô phổi có kiểu methyl hóa DNA khác với mô vú. Hơn nữa, các tế bào ung thư có các mẫu methyl hóa DNA bất thường tương quan với loại ung thư. Lập danh mục các mẫu methyl hóa DNA khác nhau sẽ giúp các xét nghiệm MCED có thể tập trung vào các phần DNA khác nhau giữa mô ung thư và mô bình thường, và xác định chính xác vị trí nguồn gốc của ung thư.
Các tùy chọn xét nghiệm
Hiện có một số xét nghiệm MCED đang được phát triển và thử nghiệm lâm sàng. Vẫn chưa có xét nghiệm MCED nào được FDA chấp thuận hoặc khuyến nghị bởi các hiệp hội y tế.
Năm 2021, công ty công nghệ sinh học GRAIL đã công bố xét nghiệm MCED thương mại đầu tiên ở Hoa Kỳ. Xét nghiệm Galleri được cho là có thể phát hiện hơn 50 loại ung thư khác nhau. Ngoài ra, ít nhất hai công ty khác có trụ sở tại Hoa Kỳ, Exact Sciences và Freenome, và một công ty Trung Quốc, Singlera Genomics, cũng đang phát triển các xét nghiệm tương tự. Một số xét nghiệm sử dụng các phương pháp phát hiện ung thư khác nhau ngoài DNA khối u tuần hoàn, chẳng hạn như tìm kiếm các protein liên quan đến ung thư trong máu.
Các xét nghiệm MCED hiện nay chưa được bảo hiểm chi trả. Xét nghiệm Galleri của GRAIL có giá 949 đô la, và công ty cũng cung cấp gói thanh toán cho bệnh nhân tự chi trả. Các nhà lập pháp đã đưa ra một dự luật tại Quốc Hội để cung cấp bảo hiểm Medicare cho các xét nghiệm MCED được FDA chấp thuận. Việc Quốc Hội xem xét luật dành cho một xét nghiệm còn nằm trong phòng thí nghiệm là điều bất thường, và việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường y tế đối với MCED cũng như lo ngại về sự chênh lệch trong việc tiếp cận những xét nghiệm đắt đỏ này khi không có bảo hiểm chi trả.
Nên sử dụng các xét nghiệm MCED như thế nào?
Sẽ cần nhiều năm để có thể thực hiện các xét nghiệm MCED trong phòng khám. Các chuyên gia nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng mới chỉ bắt đầu giải quyết các vấn đề về đối tượng nào nên được xét nghiệm, ở độ tuổi nào, tiền sử gia đình và lịch sử y tế nên được cân nhắc ở mức độ nào. Việc đưa ra hướng dẫn cho các bác sĩ đánh giá thêm các kết quả MCED dương tính cũng không kém phần quan trọng.
Cũng có lo ngại rằng các xét nghiệm MCED có thể dẫn đến tình trạng chẩn đoán quá mức (overdiagnosis) các bệnh nguy cơ thấp, không triệu chứng. Điều này đã xảy ra với xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt. Trước đây, tất cả nam giới từ 55 đến 69 tuổi được khuyến nghị nên thường xuyên đi xét nghiệm máu để xác định mức PSA, một loại protein được tạo ra bởi các mô tuyến tiền liệt ung thư và không ung thư. Nhưng hiện nay, khuyến nghị có nhiều chi tiết hơn, việc sàng lọc được đề nghị cho từng người dựa trên sở thích cá nhân của họ.
Một mối lo ngại khác là việc làm thêm các xét nghiệm khác để xác nhận lại sau khi có kết quả MCED dương tính sẽ rất tốn kém và là gánh nặng cho hệ thống y tế, đặc biệt nếu phải chụp, quét toàn thân. Ví dụ, chi phí tự trả để chụp MRI có thể lên đến hàng ngàn đô la. Và những người làm xét nghiệm MCED có kết quả dương tính, nhưng không thể tìm ra mình bị ung thư gì sau khi đi chụp và làm đủ thứ loại xét nghiệm theo dõi khác thì sao? Họ có thể sẽ ôm lo lắng suốt đời vì sợ đã lỡ bỏ sót gì đó, và cứ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm tốn kém để truy tầm căn bệnh không hiện hữu.
Bất chấp những lo ngại này, các nghiên cứu lâm sàng ban đầu cho thấy nhiều hứa hẹn. Một nghiên cứu năm 2020 trên 10,000 phụ nữ chưa được chẩn đoán trước đó cho thấy 26 trong số 134 phụ nữ có xét nghiệm MCED dương tính đã được xác nhận là mắc bệnh ung thư. Một nghiên cứu năm 2021 do GRAIL tài trợ cho thấy một nửa trong số hơn 2,800 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư có xét nghiệm MCED dương tính, và chỉ 0.5% số người được xác nhận không bị ung thư có xét nghiệm dương tính giả. Xét nghiệm thực hiện tốt nhất đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn trễ hơn một chút, nhưng nó cũng đã tìm ra khoảng 17% bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn sơ khởi.
Các xét nghiệm MCED có thể sẽ sớm cách mạng hóa cách truy tầm ung thư. Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống chăm sóc sức khỏe đã sẵn sàng theo kịp hay chưa.
* Phỏng dịch theo bài “A blood test that screens for multiple cancers at once promises to boost early detection” của Colin Pritchard, Giáo sư Y học Phòng thí nghiệm và Bệnh học, Trường Y, Đại học Washington. Bài viết được đăng trên trang TheConversation.
Gửi ý kiến của bạn