MUNSTER – Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã cảnh báo Đức về việc cho phép Trung Quốc mua lại cổ phần một bến tàu tại cảng Hamburg, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Tư, 2 tháng 11 năm 2022.
Năm ngoái, công ty vận tải biển Trung Quốc Cosco đã ‘ngỏ ý’ mua lại 35% cổ phần của của bến tàu Tollerort tại cảng Hamburg – một trong 3 cảng lớn nhất của Đức. Các viên chức Đức đã chia rẽ về việc có nên tiến hành thương vụ hay không.
Đức đã thông qua thỏa thuận bán 24.9% cổ phần của bến tàu cho Cosco vào tuần trước, giảm so với mức 35% cổ phần ban đầu do vấp phải phản đối từ đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do.
Bằng cách hạ số cổ phần xuống dưới mức 25%, thỏa thuận sẽ không cần được sự chấp thuận của Nội Các, vốn sẽ khó mà đạt được.
Viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với các phóng viên với điều kiện giấu tên: “Đại sứ quán rất rõ ràng khi đặc biệt đề nghị không nên giao quyền kiểm soát cổ phần vào tay Trung Quốc, và họ đã điều chỉnh thỏa thuận.”
Một viên chức thứ hai cho biết thêm, việc đảm bảo rằng Thành phố và bản thân cảng Hamburg vẫn có phần lớn cổ phần nằm trong tay các bên liên quan (stakeholder) là điều “quan trọng đối với các tiêu chuẩn mà chúng tôi đang cố gắng thiết lập cho tất cả các nước G7 và cho thế giới.”
Tin tức về việc Hoa Kỳ can thiệp vào thỏa thuận được đưa ra vài ngày trước khi Scholz chuẩn bị thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc, đang được theo dõi chặt chẽ để tìm hiểu về mức độ nghiêm túc của Đức trong việc giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Washington được cho là đã làm việc với các đối tác Châu Âu để đảm bảo rằng bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược mà có thể gây các vấn đề về an ninh đều được xem xét cẩn thận và có các bước giải quyết phù hợp.
Những người chỉ trích cáo buộc Scholz chỉ ưu tiên cho lợi ích kinh tế hơn là những lo ngại về an ninh của Đức khi đối mặt với một quốc gia ngày càng lớn mạnh và quyết đoán, như người tiền nhiệm Angela Merkel đã làm với Nga.
Theo một tài liệu trang Reuters thu được, việc đầu tư vào cảng được cho là “mở rộng bất thường tầm ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng giao thông của Đức và Châu Âu cũng như sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc.”
Tài liệu cũng chỉ ra “những rủi ro đáng kể phát sinh khi các yếu tố của cơ sở hạ tầng giao thông Châu Âu bị ảnh hưởng và kiểm soát bởi Trung Quốc – trong khi bản thân Bắc Kinh không cho phép Đức nhúng tay vào các cảng của Trung Quốc.”