Tổng thống Nga Vladimir V. Putin bắt đầu đề cập nhiều đến vũ khí hạt nhân vào mùa thu năm nay, làm dấy lên bóng ma một thảm họa hạt nhân ở Ukraine. Ông Putin thì hăm he đe dọa, các tướng lĩnh cấp cao của Nga thì thảo luận về các trường hợp có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Các viên chức Hoa Kỳ cho biết họ chưa thấy Nga có hành động gì với vũ khí hạt nhân và không tin chính phủ Nga đã có quyết định sử dụng chúng. Nhưng trong tình hình Nga chịu nhiều thất bại trên chiến trường, thì ngay cả khi họ chỉ nói sẽ ‘xài một cái’ thôi cũng đã làm dấy lên báo động.
Chúng ta nên lo ngại đến mức nào?
Nga sở hữu tới 2,000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, các đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống đưa đến mục tiêu, với mục đích sử dụng trên chiến trường hoặc tiến hành tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng. Vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu, nhưng nó có thể được triển khai theo một số cách, kể cả bằng hỏa tiễn hoặc đạn pháo.
Nhìn chung, khả năng ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn rất thấp. Tuy nhiên, viễn cảnh một thiết bị hạt nhân nhỏ nổ tung là cơn ác mộng khủng khiếp khiến các viên chức ở Hoa Kỳ và các nơi khác không thể yên lòng. Hàng ngàn người có thể bị giết cùng với hàng triệu người khác bị nhiễm phóng xạ.
“Khi nhà lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân hiện đại như Putin, nói năng liều lĩnh và thiếu trách nhiệm, như những gì ông ấy đã và đang làm, về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề,” John F Kirby của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói với các phóng viên. Ông cho biết thêm: “Và chúng tôi nghiêm túc ngay từ ban đầu.”
Lưu ý rằng ông Putin từng đề cập đến quyết định của Hoa Kỳ về việc thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để kết thúc Thế Chiến II, ông Kirby cho biết hành động của Nga ngày càng khiến người ta lo ngại. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã duy trì mức độ quan ngại phù hợp về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.”
Liệu có phải Nga chỉ đang muốn ‘nắn gân’ phương Tây?
Các viên chức Hoa Kỳ cho rằng hoàn toàn có thể xảy ra các cuộc nói chuyện công khai và riêng tư giữa các viên chức Nga nhằm khiến cho Washington ‘đứng ngồi không yên.’
Theo các viên chức và cựu viên chức, các cuộc thảo luận đó có thể không liên quan đến việc lập kế hoạch thực tế mà đa phần là về việc ngăn cản phương Tây giang tay giúp đỡ Ukraine.
Michael McFaul, cựu đại sứ Hoa Kỳ, cho biết nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ khiến mọi người lo lắng.
Nhưng có thể Nga đang muốn ngăn cản Hoa Kỳ gửi cho Ukraine những vũ khí tiên tiến như Hệ Thống Hỏa Tiễn Chiến Thuật Quân Đội (Army Tactical Missile System – ATACMS). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang rất muốn có loại vũ khí này. Theo ông McFaul, chỉ cần nói về vũ khí hạt nhân, nhà lãnh đạo Nga đã “có một mục tiêu quân sự thực tế.”
Chính quyền Biden đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ đô la vũ khí, giúp thay đổi cục diện cuộc chiến, nhưng không cho Kyiv hỏa tiễn, xe tăng và máy bay chiến đấu tầm xa hơn. Ông McFaul giải thích: “Ngũ Giác Đài sẽ không gửi ATACMS. Sẽ không gửi MIG-29. Cũng sẽ không gửi xe tăng. Họ e dè Putin.”
Nga đang cố gắng gây sức ép để Ukraine chịu đàm phán?
Frederick B. Hodges, trung tướng đã nghỉ hưu và từng là chỉ huy hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu cho biết khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là không cao. Dù Hồng quân Liên Xô từng có các kế hoạch chiến tranh liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường để chiếm lợi thế, nhưng quân đội Nga không được huấn luyện để có thể tận dụng lợi thế của một cuộc tấn công như vậy.
Tướng Hodges nói: “Vũ khí hạt nhân của họ hữu ích nhất khi họ không sử dụng. Họ chẳng có lợi thế chiến trường nào để sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào.”
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Nga hy vọng nỗi sợ hãi vũ khí hạt nhân sẽ đủ để buộc Ukraine tham gia đàm phán và chấp nhận nhượng bộ. Tướng Hodges nói: “Họ đang cố gắng gây áp lực để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán và tuân theo những đòi hỏi hạch sách của Điện Kremlin.”
Nga muốn Ukraine nhượng bộ các khu vực rộng lớn đã bị sáp nhập bất hợp pháp sau các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo trong năm nay và năm 2014, khi lực lượng Nga tiến vào Crimea.
Nhưng Tướng Hodges nói rằng những nỗ lực của Nga nhằm buộc Ukraine ‘cắn răng’ cắt đất sẽ không thành. Vì Ukraine chỉ đơn giản là không tin Nga sẽ động vào vũ khí hạt nhân.
Cũng có thể Vladimir Putin đang cố gắng gây ảnh hưởng đến dân Nga?
Những nỗ lực của Nga bành trướng chiến tranh và trưng binh để đi đánh Ukraine đã không được lòng dân. Theo Jonathan Teubner, giám đốc điều hành của FilterLabs, thái độ của người Nga đối với một cuộc chiến tranh hạt nhân đang có xu hướng tiêu cực.
Nhưng gió đã đổi chiều sau khi ông Putin và các viên chức Nga bắt đầu đưa ra những cáo buộc vô căn cứ rằng Ukraine sẽ cho nổ một “quả bom bẩn,” một loại bom, đạn có tẩm chất phóng xạ. Nhiều chính phủ phương Tây coi cáo buộc đánh bom bẩn là nỗ lực tạo cớ để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Teubner nói: “Kể từ khi rộ lên câu chuyện về vụ đánh bom bẩn, chúng tôi thấy có sự gia tăng đáng kể trong việc ủng hộ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.”
Sự ủng hộ của dân Nga đối với việc nhập ngũ là rất thấp khi lệnh trưng binh được công bố vào tháng 9, nhưng vụ bom bẩn đã tạo ra “hiệu ứng tập hợp dưới cờ” (rally-around-the-flag effect: hiệu ứng tập hợp dưới cờ là một khái niệm được sử dụng trong khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, để giải thích sự ủng hộ ngắn hạn ngày càng tăng của chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo chính trị của một quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng hoặc chiến tranh quốc tế. Vì tác dụng có thể làm giảm sự chỉ trích đối với các chính sách của chính phủ, nên nó có thể được coi là một yếu tố của chính sách ngoại giao lệch hướng.)
Theo ông Teubner, điều đáng lo ngại nhất là sự thay đổi trong các cuộc thảo luận trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội, trong đó nhiều người hướng tới ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việt Báo phỏng dịch theo bài “The Reality Behind Russia’s Talk About Nuclear Weapons” của Julian E. Barnes, Helene Cooper và Eric Schmitt, được đăng trên trang NewYorkTimes.