Điểm sách
Nhà văn Đào Như vừa hoàn tất việc ấn loát tuyển tập « Tản Văn & Tùy Bút » của ông, bao gồm những bài viết trong hơn hai mươi năm qua, từ đầu thế kỷ thứ 21, cho tới những ngày gần đây của tháng 10 năm 2022.
Tác giả Đào Như, tức bác sĩ Đào trọng Thể, một cây bút quen thuộc trên các báo chí Việt ngữ tại Hoa Kỳ, đã từng cho ấn hành nhiều tác phẩm, mà gần đây nhất là các cuốn « Sài Gòn, Ngày Trở Lại » và « Cuốn Theo Chiến Tranh » mà tôi đã từng được hân hạnh đưa ra những nhận định và được phổ biến rộng rãi trên các báo chí Việt ngữ ở hải ngoại trong mấy tháng qua.
Hôm nay, tôi cũng xin mạo muội để được đưa ra một vài nhận xét của tôi về ấn phẩm mới của nhà văn Đào Như, gồm những bài viết mà tác giả đã từng cho phổ biến trên các tờ báo tại Hoa Kỳ như ‘Việt Báo on-line’, Việt Nam Nhật Báo, Diễn Đàn Thế Kỷ, và ở trong nước như Văn Việt, Tuổi Trẻ, Văn Đoàn Việt Blogspot.com, v.v.
Với 27 bài tản văn và tùy bút, tác giả Đào Như đã đi vào nhiều lãnh vực đa diện, từ văn hoá, xã hội, chính trị, nhân sinh, với triết lý và quan niệm sống. Nội dung tác phẩm trải dài theo suốt những giai đoạn chính trong cuộc đời ông, một cuộc đời nhiều biến chuyển, sôi động, đầy sóng gió nhưng cũng không thiếu nhiệt tình xây dựng, dấn thân.
Đọc tác phẩm của ông để nhìn thấy lại những biến chuyển của thời cuộc, của tình người trong bối cảnh của cuộc chiến khắc nghiệt tại Việt Nam, với những hệ lụy nhân sinh kéo dài sau đó. Chúng ta cũng tìm thấy những rung cảm của nội tâm, những tình cảm đôn hậu, ngậm ngùi, những tâm tư và các mẫu sống nhân sinh đa diện trong tâm hồn ông.
Với những ghi dấu về chiến tranh và niềm bi thảm của nhân sinh qua các bài viết, từ bài « Ngày Hòa Bình Đầu Tiên » nói lên sự mất mát đắng cay, những số phận nghiêt ngã của con người trong chiến tranh và trong thời hậu chiến của các nhân sự thuộc về cả hai phía chiến tuyến. Sau bao nhiêu năm chiến đấu người chiến binh trở về trong căn nhà nhỏ đổ nát và mẹ đơn côi đón con trở về bằng bữa cơm đầu tiên trong hòa bình với “canh cua, rau mồng tơi, cà... và mùi ổ rơm...” Và chiến tranh vẫn theo đuổi thân phận của những người chiến binh và họ đã chết vì tai biến của chiến tranh trong những ngày hòa bình trong thời hậu chiến.
Với những ghi dấu về chiến tranh, nhà văn Đào Như, với môt văn phong đậm chất nhân văn, nhắc lại cuộc chiến Việt Mỹ – Vietnam War – xuyên qua bài viết “Tìm Lại Thiên Đường”, một cuộc chiến đã giết chết 59,000 thanh niên yêu nước Mỹ và hơn 4 triệu người Việt, bằng một phần mười tổng dân số Việt Nam vào thời ấy. Nhưng điều mất mát vô cùng to lớn hơn của cả hai phía Việt và Mỹ là tuổi thanh xuân của những người đàn bà đã ra đi không bao giờ trở lại. Vietnam War đã giết chết giấc mơ đẹp nhất và lớn nhất của người đàn bà là được đầu ấp tay gối với chồng và sanh nở. Câu chuyện của những người đàn bà Việt, Mỹ ở hai bên bờ biển Thái Bình Dương, trong những đêm chăn đơn gối lẻ, chờ đợi những người chồng không bao giờ trở lại... sẽ còn vọng mãi cho đến bao giờ.
Cũng như trong các bài: « Bản tuyên ngôn của người lính », « Vĩnh biệt Đại tá bác sĩ Nguyễn Minh », « Linda, cuộc đời và tác phẩm », « Giấc mơ hồi hương »… đã trĩu nặng những đớn đau nơi tâm thức và sự hệ lụy của cuộc chiến mà dân tộc ta phải chấp nhân đau thương, thua thiệt ngay cả phải chấp nhận sự phản bội của những kẻ gọi là đồng minh “Tôi quì xuống cầu nguyện bên cạnh quan tài của anh, tôi thấy đấng Christ treo mình trên thánh giá. Tôi nhớ câu ai nói “Đấng Christ chết cho tội ác của chúng ta – Christ Dies For Our Sins”. Không hiểu đấng Christ có chết cho tội ác của những tên Chuyên Chính Vô Sản, không anh nhỉ? Đấng Christ có chết cho tội ác của những kẻ gọi là đồng minh đã phản bội đâm sau lưng chúng ta, không anh nhỉ?” (Bản Tuyên Ngôn Của Người Lính).
Riêng trong cuốn « Tản văn & Tùy bút » lần này, tác giả đã dành nhiều bài viết hơn cho những dư âm tình cảm trĩu nặng hoặc thơ mộng trong quá khứ của ông. Chúng ta bắt gặp những kỷ niệm êm đềm hoặc xót xa này qua các bài viết: « Ngày giỗ đầu của anh », « Mối tình đầu của Doãn », « Nha Trang, những khi nào nhớ lại », « Ngày của Mẹ », « Đi dưới cơn mưa hạnh phúc », và « Hình như mùa hè vừa đi qua »… Những bài viết này đã bộc lộ những rung cảm chân thành, và lãng mạn của tác giả bên cạnh những nỗi đau thương dằn vặt khác trong cuộc sống nghề nghiệp chuyên môn của một bác sĩ giải phẫu, cũng như trị liệu tâm lý cho những bệnh nhân bị hội chứng tâm thần sau chiến tranh.
Điều này cho thấy tâm hồn nhậy cảm, đa diện và rất chân thực của tác giả.
Một điều đặc biệt khác nữa trong tác phẩm của Đào Như là niềm lạc quan, dấn thân và yêu đời của ông.
Trong cuộc sống thường ngày, ông đã làm việc, sống và viết không ngừng nghỉ. Rồi khi tuổi hoàng hôn tới, với những tháng ngày hưu trí, ông vẫn nhiệt tình sống và sáng tác. Trong bài viết « Sông vẫn vượt ngàn », ông đã tâm sự khi ông về hưu vào năm 68 tuổi, ông viết: « Ông chiêm nghiệm đời người là một dòng sông, phát nguyên từ nguồn cao, vượt bao nhiêu ghềnh thác, dòng sông vẫn miệt mài trôi. Càng trôi xa, lòng dòng sông càng mở rộng, mang nặng phù sa, tạo nên những nương, những bãi, nhừng cồn, những thôn xóm, làng mạc, đất nước. Đã có biết bao xã hội và nền văn minh được dựng lên từ những dòng sông... Khi trôi đến cửa biển, dòng sông hợp cùng đại dương, mang đến nguồn nước ngọt mới, chất liệu mới và trôi mãi đến vô cùng... Dòng sông đời cũng miệt mài trôi cho đến tuổi hưu như dòng sông ra đến cửa biển với muôn vàn khát vọng hội nhập cùng thế giới. Theo ông, hưu không có nghĩa là cuộc đời ngưng đọng lại. Hưu là khởi điểm cho một hành trình mới ».
Và ngay trong cả những lúc dằn vặt với những kỷ niệm đắng cay hoặc cam go của quá khứ, ông cũng vẫn luôn luôn chia sẻ với những lời tâm sự của người vợ thân yêu của ông : « … đôi lúc cũng phải biết quên chứ anh. Không nên cứ ràng buộc mình mãi với đời! Khổ lắm anh ạ … »
Nhưng với một người già của “nắng chiều tuy chạng vạng” như tác giả, tôi tin chắc rằng “ngọn bấc sẽ cháy đến những giọt nến cuối cùng” và vụt sáng lên trước khi vĩnh viễn đi vào bóng tối.
Xin chân thành, mong đợi chào đón và chúc mừng những tác phẩm mới cuối đời của nhà văn Đào Như, như là vệt sáng vừa thoáng qua trên nền trời của nền văn học Việt ở hải ngoại.
-- Phạm xuân Tích
(Mùa Thu Paris, Octobre 2022)