Tuổi trẻ Việt Nam sống dưới chế độ Cộng sản thì phải “vừa hồng, vừa chuyên”, ai không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi hàng ngũ “hạt giống đỏ”. Nhưng tình trạng “khô đoàn, nhạt đảng” và “phai nhạt lý tưởng Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh” lại đang đe dọa sự tồn vong của chế độ. Về tổng thể, điều này không mới, nhưng tính “đại trà” (tràn lan) của tình hình này đã khiến đảng Cộng sản Việt Nam lo sốt vó. Vì vậy, đảng đã chỉ thị phải khẩn trương chống đỡ.
“Bởi hiện nay”, theo lời Tạp chí Tổ chức Nhà nước, ngày 03/02/2020: “Một bộ phận không nhỏ thanh niên thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống buông thả, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, xa rời lý tưởng của Đảng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.”
Nhưng “lý tưởng của Đảng” là gì mà quan trọng đến thế? Theo giải thích của Tuyên giáo đảng thì đó là “Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vì vậy, Tạp chí Tổ chức Nhà nước kết luận một chiều rằng: “Chỉ có lý tưởng cộng sản chủ nghĩa mới giúp thế hệ trẻ cống hiến trọn vẹn khả năng, trí tuệ, bản lĩnh của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước.”
Kết luận như thế là lộng ngôn. Nếu “lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa” tốt đẹp như thế thì tại sao từ năm 1989 Thanh niên Nga và các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu đã vùng lên đạp đổ các Chính phủ đi theo Chủ nghĩa Cộng sản để lập lên nhà nước dân chủ, tự do theo Chủ nghĩa Tư bản? Lý do thật đơn giản: Vì các Chính phủ Cộng sản đã cướp đi tự do, dân chủ và quyền làm chủ đất nước của nhân dân để phục vụ cho quyền lợi đảng và lợi ích phe nhóm. Việt Nam cũng không ngoại lệ nên tuổi trẻ đã “sáng mắt sáng lòng” nhìn thấy rõ mặt trái của chế độ hiện nay.
Bằng chứng như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, “cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng” cũng đã rã đám, không còn được giới trẻ đi theo, ngoại trừ con ông cháu cha, hay còn được gọi là “hạt giống đỏ” vào Đoàn để được vinh thân phì gia như cha anh.
Do đó,Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư đảng phải nhìn nhận do nhiều nguyên nhân nhưng đảng chứ không ai khác đã có nhiều thiếu sót trong công tác nắm giữ tuổi trẻ. Chị thị viết: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Việc cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục thế hệ trẻ chưa kịp thời và hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.”
Từ thiếu sót này, chỉ thị xác nhận đã có: “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.”
Vậy nguyên nhân từ đâu? Trả lời câu hỏi nảy, chỉ thị đáp: “Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu là do các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ… Đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của thế hệ trẻ.”
Ngoài ra còn có: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, chưa là tấm gương để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Nội dung, hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, lối sống chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng thế hệ trẻ.” Những gương xấu này là hậu quả nhãn tiền của: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp. Khoảng cách giàu-nghèo, phân hoá xã hội ngày càng tăng. Môi trường văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại…” (theo Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015).
Cùng thời gian có Chỉ thị này, một cuộc Tọa đàm trực tuyến “Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay” đã diễn ra tại trụ sở Tòa soạn, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam còn thừa nhận: “Thậm chí một số ít thanh niên dao động, tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ Đảng và chế độ. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống buông thả, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, coi đồng tiền là trên hết, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, ra rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đáng báo động hiện nay là sự xuống cấp đạo đức xã hội đã và đang trở nên trầm trọng ở một bộ phận thanh niên. Xuất hiện nhiều tội phạm với nhiều đối tượng “ngày càng trẻ hóa” với tính chất man rợ làm rúng động xã hội. Không ít vụ án mà đối tượng cầm đầu là thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, ly kỳ, rùng rợn như các phim xã hội đen; giết người chỉ vì vài triệu, vài trăm ngàn đồng… Sự phai nhạt lý tưởng cách mạng và suy thoái về đạo đức, lối sống, một mặt ảnh hưởng đến tương lai của chính họ, gây cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, bền vững của đất nước…”
TUYÊN TRUYỀN HOC SINH-SINH VIÊN
Theo báo cáo của ngành giáo dục và Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam có “tổng số sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học là 1.906 nghìn sinh viên; số học sinh năm học 2022-2023 của cả nước là gần 23 triệu học sinh. Dự báo con số này sẽ không ngừng gia tăng qua các năm.
Là lực lượng đông đảo chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số của cả nước.”
Báo cáo dân số Việt Nam, tính đến ngày 08/10/2022 là 99.156.389 (Nguồn: https://danso.org/viet-nam). Vì vậy, đảng CSVN đã lấy công tác “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chính trị trong học sinh, sinh viên” để “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống” (theo báo điện tử đảng CSVN, ngày 29/09/2022).
Tuy nhiên, báo này cũng phải nhận rằng: “Bên cạnh những điều kiện thuận lợi và kết quả đạt được thì việc giáo dục, đào tạo cũng như công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên những năm gần đây đứng trước những khó khăn, thách thức.”
Những lực cản gồm: thiếu kinh nghiệm sống, chạy theo khuynh hướng thiếu lành mạnh, dễ bị lôi kéo vào những hành động xấu, thậm chí gây tác hại cho bản thân, xã hội và an ninh tổ quốc.
Tuy nhiên, thay vì giúp học sinh và sinh viên trở thành những con người hữu ích cho xã hội, tạo cơ hội cho họ được sống và làm việc trong một chế độ chính trị có dân chủ và tự do thì đảng CSVN lại muốn họ trở thành “những con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Bằng chứng này đã phản ảnh trên Báo ĐCSVN ngày 29/09/2022: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính trị trong học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục và hệ thống chính trị nhằm cung cấp, trang bị một cách đầy đủ, kịp thời những thông tin, tri thức mang tính nền tảng, cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để thế hệ trẻ thấm nhuần sâu sắc lý tưởng cách mạng và con đường, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân kiên trì lựa chọn và quyết tâm thực hiện.”
Theo chỉ thị của đảng thì: “Việc nâng cao ý thức chính trị cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài qua những hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng, sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, tránh sự áp đặt, gượng ép. Nội dung tuyên truyền chính trị cần được lồng ghép một cách hài hòa, hợp lý trong nội dung chương trình đào tạo của một số môn học gần gũi như giáo dục công dân, lịch sử, ngữ văn ở cấp phổ thông, các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học.”
Ngoài ra còn phải: “Tổ chức tốt các đợt sinh hoạt, học tập chính trị tập trung, các phong trào văn hóa văn nghệ, các hội thi, các hoạt động xã hội thiện nguyện vì cộng đồng, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ…”
Nhưng lớp cha anh họ lại đang nối đuôi nhau “suy thoái tư tưởng chính trị, và đạo đức lối sống”, sa vào tham nhũng vật chất, tham nhũng quyềm lực để tranh chức tranh quyền thì những gương xấu này có giúp ích gì cho tuổi trẻ Việt Nam không?
Mặc dù thực tế là như thế, nhưng đảng vẫn mơ hồ để ra lệnh: “Các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên, tạo niềm hứng khởi, lan tỏa những thông điệp tích cực trong đời sống văn hóa học đường.”
Mục tiêu cuối cùng của đảng là làm sao để có thể: “Giới thiệu trên 2 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đến năm 2025 ít nhất 850 nghìn và đến năm 2030 ít nhất 1 triệu đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng…”
Vì vậy, báo ĐCSVN đã công khai hối thúc: “Việc kết nạp Đảng cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay cần được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa về cả số lượng lẫn chất lượng trong các cơ sở giáo dục đào tạo.”
Nhưng liệu giấc mơ “đỏ hóa tuổi trẻ non nớt” của CSVN có cơ hội thành công không ? Việc làm này chỉ đạt được, nếu học sinh và sinh viên Việt Nam còn tin vào đảng và quyết đi theo đảng đến “cuối đường hầm”.
Chỉ tiếc rằng, ngay cả hàng ngũ lãnh đạo đảng cũng không biết thiên đường Xã hội Chủ nghĩa ở đâu thì sao mà giới trẻ ngây thơ có thể “nhắm mắt” đi theo?
– Phạm Trần
(10/022)