
Phỏng dịch theo bài podcast “From radiation to water pollution to cities, humans are now a driver of evolution in the ‘natural’ world” được đăng trên trang TheConversation.
Con người làm rất nhiều việc khác nhau đối với môi trường. Không có nhiều quá trình tự nhiên – ngoài tác động của các tiểu hành tinh hoặc tương tự – có thể sánh ngang với quy mô thay đổi do những hành động của nhân loại gây ra. Trong tập podcast của The Conversation Weekly tuần này, 3 chuyên gia nghiên cứu sẽ nói về những cách khác nhau mà con người đang ảnh hưởng đến cách động, thực vật tiến hóa – và làm thế nào mà loài người trở thành động lực lớn nhất của những thay đổi tiến hóa trên Trái Đất.
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm dấy lên bóng ma về thảm họa hạt nhân – dù là cố tình sử dụng vũ khí hoặc vô tình xảy ra trục trặc nhà máy điện hạt nhân. Thật không may, Ukraine không còn xa lạ với những nguy cơ liên quan đến hạt nhân. Vụ việc nhà máy Chernobyl năm 1986 là vụ tai nạn hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, và ‘di sản’ của nó là ‘vùng cấm Chernobyl’ (Chernobyl exclusion zone) hiện nay. Về cơ bản, khu vực này bị bỏ hoang phế trong nhiều thập niên, nhân loại ‘giao’ nó lại cho tự nhiên sinh sôi phát triển.
Germán Orizaola là một chuyên gia sinh vật học tại Trường Oviedo ở Tây Ban Nha, người nghiên cứu về loài ếch trong vùng cấm Chernobyl. Một trong những loài mà Orizaola tìm thấy được gọi là ếch cây miền đông (the eastern tree frog) và thường có màu xanh lục tươi sáng. Ông nói: “Tôi chầu chực một mình trong ao, nghe tiếng những con đực kêu, nhưng lại chẳng nhìn thấy con nào. Tìm hoài tìm mãi không thấy. Và rồi tôi nhận ra rằng con ếch xanh mà tôi đang tìm kiếm nó không mang màu xanh lá cây. Nó có màu đen. Đen đặc.”
Ngoài việc không mang màu xanh mà mang màu đen, những con ếch hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng hàng thập niên tiếp xúc với bức xạ còn sót lại sau vụ tai nạn đã dẫn đến một sự thay đổi tiến hóa nhanh chóng và mạnh mẽ ở loài ếch này – một sự thay đổi hoàn toàn do hành động của con người thúc đẩy. Orizaolo giải thích: “Ngay từ khi con người tồn tại trong môi trường, lượng áp lực mà chúng ta đặt lên môi trường – bức xạ, thuốc trừ sâu, tiếng ồn hoặc sự thay đổi nhiệt độ – là rất nhiều và tăng nhanh đến mức chúng cũng nhanh chóng kéo theo những phản ứng tiến hóa.”
Andrew Whitehead, một chuyên gia về độc chất học môi trường tại Trường California, Davis ở Hoa Kỳ, đưa ra một ví dụ nổi bật khác về cách con người có thể thúc đẩy sự tiến hóa nhanh chóng ở động vật. Ông chỉ vào một con cá nhỏ gọi là cá killifish và giải thích: “Có những quần thể sống ở các cửa sông bị thay đổi hoàn toàn bởi bàn tay nhân loại, và đây là những môi trường có thể đẩy chúng vào nguy cơ diệt vong. Một số cửa sông ở Hoa Kỳ bị ô nhiễm hóa chất nghiêm trọng, nhưng mấy con cá vẫn phát triển mạnh mẽ. Loài cá killifish ở những chỗ đó có sức chống chọi hơn tới 8,000 lần so với nồng độ gây chết thông thường của những hóa chất này.”
Theo Whitehead giải thích, cá killifish may mắn có một ngân hàng đa dạng di truyền nhờ số lượng quần thể khổng lồ, đã có thể nhanh chóng thích nghi với các cửa sông bị ô nhiễm. Bởi vì phải lựa chọn tiến hóa hoặc là chết, loài cá này bị buộc phải tiến hóa. Tuy nhiên, Whitehead lưu ý rằng: “Rất nhiều người coi câu chuyện về loài cá killifish như một loại câu chuyện đề cao tinh thần lạc quan, trong đó tiến hóa sẽ chiến thắng mọi tỷ lệ cược. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như một câu chuyện cảnh giác thì hợp lý hơn.” Bởi vì mặc dù một số loài có thể thích nghi với những thay đổi do xã hội hiện đại mang lại, nhưng hầu hết thì không thể.
Marc Johnson, chuyên gia sinh vật học tại Trường Toronto ở Canada, là một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới, đang nghiên cứu mối quan hệ giữa hành động của con người – đặc biệt là đô thị hóa – và sự tiến hóa của thực vật, động vật và nấm. Johnson nói: “Sự sống trên Trái Đất chưa bao giờ gặp phải những môi trường như các thành phố trong bề dày lịch sử 4 tỷ năm. Có vẻ như ngày nay, động lực chính của sự tiến hóa là nhân loại. Và chúng ta hầu như không hiểu rõ về điều này.”
Không ai có thể thay đổi cách thức hoạt động của quá trình tiến hóa, nhưng con người có thể kiểm soát là cách chúng ta xây dựng thành phố, giải quyết vấn đề chất thải hoặc sản xuất điện năng. Các chuyên gia nghiên cứu như Johnson hy vọng rằng việc tìm ra cách thức tương tác giữa quá trình tiến hóa và hành động của con người sẽ giúp đưa ra các quyết định có thể mang lại cho động, thực vật cơ hội thích nghi tốt hơn với một thế giới đang thay đổi.
Quý vị muốn nghe toàn bộ tập podcast này để hiểu thêm có thể bấm vào link này.