
HOA KỲ – Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ thách thức pháp lý do Đảng Cộng Hòa dẫn đầu đối với kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden, ngay sau khi Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ Amy Coney Barrett từ chối yêu cầu khẩn cấp về việc chặn chương trình xóa nợ trong một vụ kiện khác, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Năm, 20 tháng 10 năm 2022.
Thẩm phán quận Hoa Kỳ Henry Autrey ở St. Louis, Missouri, nói rằng sáu tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã đưa ra “những thách thức quan trọng và đáng kể đối với kế hoạch xóa nợ” thiếu tư cách pháp lý cần thiết để có thể theo đuổi vụ kiện.
Nebraska, Missouri, Arkansas, Iowa, Kansas và South Carolina đã cáo buộc kế hoạch của Biden đã vượt quyền Quốc Hội và đe dọa doanh thu thuế trong tương lai của các tiểu bang và số tiền kiếm được của các tổ chức cho vay tư nhân.
Vụ kiện là một trong những thách thức pháp lý mà các bộ trưởng tư pháp tiểu bang bảo thủ và các nhóm pháp lý đã đệ đơn tìm cách trì hoãn kế hoạch xóa nợ sinh viên được Biden công bố vào tháng 8.
Thẩm phán Autrey đưa ra phán quyết khoảng một giờ sau khi thẩm phán Barrett từ chối mà không giải thích yêu cầu khẩn cấp để tạm dừng kế hoạch giảm nợ trước vụ kiện do Brown County Taxpayers Association ở Wisconsin đệ đơn.
Một tòa án cấp thấp hơn đã loại bỏ vụ kiện ở Wisconsin vì nó không thể chứng minh rằng nguyên đơn phải chịu tổn hại cá nhân bởi khoản xóa nợ. Barrett được TCPV chỉ định giải quyết về các yêu cầu khẩn cấp phát sinh từ một nhóm các tiểu bang, bao gồm cả Wisconsin.
Bộ trưởng Tư pháp Nebraska Doug Peterson trong một tuyên bố cho biết “các tiểu bang vẫn tin rằng họ thực sự có thể đưa ra những thách thức pháp lý quan trọng.”
Vào tháng 8, Biden cho biết chính phủ khoản nợ Hoa Kỳ sẽ xóa cho sinh viên lên tới 10,000 đô la cho những người vay có thu nhập dưới 125,000 đô la một năm, hoặc 250,000 đô la đối với các hộ gia đình. Những sinh viên đã nhận được Pell Grants sẽ được xóa khoản nợ lên đến 20,000 đô la.
Chính sách này đã thực hiện lời hứa mà Biden đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Tháng 9, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office) đã tính toán rằng kế hoạch xóa nợ sẽ khiến chính phủ tiêu tốn khoảng 400 tỷ đô la.
Các dân cử Dân Chủ đang hy vọng chính sách này sẽ giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8 tháng 11, khi mà quyền kiểm soát Quốc Hội đang bị đe dọa.
Một số thách thức pháp lý đã được đệ trình nhằm chống lại quyền hạn của Biden trong việc xóa nợ theo đạo luật Higher Education Relief Opportunities for Students Act năm 2003, cho phép chính phủ sửa đổi hoặc miễn các khoản vay liên bang dành cho sinh viên trong thời kỳ chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Chính quyền của Biden khẳng định rằng đại dịch COVID-19 chính là tình trạng khẩn cấp.
Sáu tiểu bang đã khởi kiện vào ngày 29 tháng 9. Cùng ngày, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã đóng chương trình xóa nợ cho các khoản vay do các ngân hàng tư nhân phát hành nhưng được chính phủ liên bang bảo lãnh; việc này được cho là để tránh các vụ kiện liên quan đến các tổ chức được hưởng lợi từ các khoản cho vay đó.
Trong một phán quyết dài 19 trang, thẩm phán Autrey đã trích dẫn quyết định đó để bác bỏ vụ kiện của các tiểu bang. Ông cho biết tuyên bố của một số tiểu bang rằng doanh thu thuế của họ sẽ bị tổn hại là “viển vông”.
Nhóm Wisconsin đã đưa vụ kiện lên TCPV sau những thất bại ở các tòa án cấp dưới. Thẩm phán quận Hoa Kỳ William Griesbach ở Green Bay đã bác bỏ vụ việc, lưu ý rằng chỉ nói riêng việc nộp thuế thôi là không đủ để thách thức các quyết định liên bang. Tòa Án Phúc Thẩm Khu Vực 7 tại Chicago sau đó đã từ chối yêu cầu của nhóm này về việc chặn chương trình xóa nợ trong khi chờ kháng cáo.