Thế Hệ Nữ Thi Sĩ Sinh Sau 1975: Chiêu Anh Nguyễn, Khương Hà, Đoàn Minh Châu, Trần Lê Sơn Ý

21/10/202200:00:00(Xem: 2397)
 
Minh họa_Bay Đêm_Sông Văn
Minh họa “Bay Đêm” - Sông Văn
 
Phần lớn các nhà thơ nữ sinh sau cột mốc đau thương 1975, đã dường như nhẹ nhàng hơn, những ám ảnh của chiến tranh, ít bị day dứt hơn vấn đề ý thức hệ. Họ ít nhiều đã hưởng được quả ngọt của nữ quyền, thoát ra khỏi khung cửa chật hẹp của định kiến, góp phần nở rộ một dòng thơ mạnh mẽ, tự tin, khao khát tự do, và bản lĩnh, nói rất thực nhân sinh quan của mình về những mối tương quan trong một thế giới vật chất như hiện nay. Họ cũng rất phóng khoáng thể hiện những cảm xúc đam mê dạt dào nữ tính. Mang những trạng thái có vẻ như đối nghịch nhau như thế khiến dòng thơ của lớp thơ nữ này tỏa sức quyến rũ lạ lẫm, tạo nên một lớp độc giả với cảm thụ thi ca mới mẻ.
 
Kỳ này xin giới thiệu các nhà thơ nữ nổi tiếng trong nước như Chiêu Anh Nguyễn, Khương Hà, Đoàn Minh Châu, Trần Lê Sơn Ý. Và chúng ta sẽ thấy được lớp áo đủ sắc mầu mà các nhà thơ nữ này khoác lên nhân vật “Anh” trong chiếc kén tình yêu của họ.
 
*
 
CHIÊU ANH NGUYỄN
 
 
KÝ ỨC MUỘN
 
Em đi tới đầu nguồn
Tìm lại…
Mùa này
Ngã ba sông
 
Thông lô nhô khấp khởi
Sim chín rục dậy mùi
Những nấm mồ nâu trống hoác
Ngọn đồi rực hoa vàng
 
Giấc mơ anh cõng em bay trên ngọc lan sau căn phòng
                       chúng ta đánh rơi chiếc chìa khoá duy nhất
Đành yêu nhau bên hàng hiên giữa gạch ngói ngổn ngang
Đêm như dài, sâu hơn chìm trong đáy ly vang uống dở
Anh rót vào em ngày chóng vánh
Tất cả còn treo trên mười ngón tay anh
Em buộc vào đấy một nụ hôn
 
 
VỌNG ÂM
 
Ngọn ngọc lan bị phạt ngang sau cơn bão
Sài Gòn khan hiếm tai ương
Vài trận bão trong năm
Vài cơn nóng rát
Đã rêm mình
Bờ kênh triều cường xuống lên thấp thỏm
Nồng nặc mùi cam phận
Ngã ba lơ đễnh những hố hầm
 
Góc Duy Tân
hẻm 47 quán cà phê còn dăm chiếc bàn chỏng chơ thảm hại
Giờ ưu tiên hẻm spa
Xe hơi vào ra tấp nập
(biết đâu, vài năm nữa chắc sẽ không còn ai nhớ tên hẻm Trịnh!)
Chỗ hẹn hò nhăng cuội bạn bè
Thơ thẩn, xi nê mấy gã hoạ sĩ đương thời cũng chả còn nơi tá túc
Buổi sáng nào ngồi tán gẫu tình yêu tình báo
Lơ ngơ nghe ngóng chuyện phố phường
Lề phải, trái chung chiếc bàn con
Hỉ hả cười như dân cày được ruộng
 
Sài Gòn 2 giờ 40 phút sáng
Loay hoay chờ tiếng chim từ cành ngọc lan cụt đầu vọng tới
Mưa khuya
Lũ chim chắc cũng tràn trề thất vọng
Buông tiếng thở dài kéo chiếc chăn phủ ngang chân
Dỗ mãi vẫn không vào giấc ngủ...
 
*
 
KHƯƠNG HÀ
 
 
NHỮNG RỜI VÀ RẠC
 
khi em bay trên những con đường không có “những ngã tư và
những cột đèn”
anh ở đâu, làm gì, với ai?
 
khi em nhắm mắt để không phải thấy khuôn mặt người tình sau một đêm biến thành quỷ dữ
anh ở đâu, làm gì, với ai?
 
khi chúng ta tưởng như đã nắm được ngón út của nhau qua những ngất ngư cười và im lặng
anh bỏ đi đâu, làm gì, với ai?
 
khi những người da đen lục tục xếp lại cây kèn trumpet
ngón tay em uể oải dạo nốt cuối cùng của bản nhạc jazz
điếu thuốc trên môi anh vẫn cháy
 
đừng nghĩ về nhau bằng biểu tượng và những dây thần kinh nhếch nhác
trên những trang sách bất trị
lão già Murakami vẫn tiếp tục khoe khoang về sự văn minh của loài người
khi chúng ta băn khoăn về vỏ sò nguyên thuỷ
 
quên nỗi buồn đi
và bay vào trong em bằng cơn yêu đời sau cuối
những lọn sóng sẽ vẽ lên con hải âu lạc bầy
bức tranh của đến và đi
cô đơn và tận diệt
 
anh đã ở đâu, làm gì, với ai
khi chuyến xe tải bắt đầu hành trình xuyên qua lòng biển?
ở đâu đó một con sứa thốt lên ánh sáng cuối đời
bằng một cơn giận dữ tột đỉnh
 
thức dậy đi thôi
cái bóng của hai nghìn năm ký ức loài người
dòng máu của Eva và rắn lục tuôn thành huyền sử
gã Adam ôm trái cấm nằm yên như một cơn đau họng
và những con chim ruồi trở về
rỉa tung nỗi chết
 
ai kéo vĩ cầm trên đỉnh núi
xiết như một trưa hè
và nỗi buồn ngồi trên ngọn cây
huýt sáo
 
anh ở đâu, làm gì, với ai?
 
 
BÀN TAY ANH
 
Áp vào bàn tay anh
em thấy những cánh đồng
Những cánh đồng trải ra hút tầm mắt
Hoa cúc dại dưới nắng chiều gay gắt
Ngọn núi đắm mình trong mưa rơi…
Miền Trung xa xôi cơn lũ trắng trời
Miền Trung xa xôi khô cằn hạn hán
Dòng sông miệt mài trôi
chẳng thể nào xoa dịu vết thương của đất
Cơn lũ không xóa nổi chân chim nứt nẻ cánh đồng
sau mùa nắng cháy
 
Đôi bàn tay anh
Hằn sâu những đường cày số phận
trên thửa ruộng cuộc đời
cuộc đời lận đận
Hoa cúc buồn trắng những cơn đau…
 
Áp vào bàn tay anh
em nghe tiếng thì thầm của dòng sông trong từng mạch máu
Dòng sông lớn lên cùng chiến tranh
ôm vào lòng những người con bất hạnh
Dòng sông chảy qua tuổi thơ anh
mang đi tuổi thơ anh
Con người soi mình xuống nước
Chỉ thấy màu khói lửa
và khuôn mặt những người thân yêu
nhòa đi trong nắng chiều…
 
*
 
ĐOÀN MINH CHÂU
 
 
TƯỢNG HÌNH KÍN
 
anh sóng sánh chao nghiêng những cái nhìn
em không dứt được
em cũng không gỡ nổi
tuổi xanh mềm rạo rực cứ quấn quít chân anh
và những ý nghĩ
thơm thơm mùi tóc anh xoã ngợp
 
giờ làm việc
căn phòng nhỏ giọt tên anh
em giấu vào đâu được gương mặt anh quanh quẩn tìm một góc nhỏ ủ anh thật kín
nỗi nhớ cứ nôn nao sóng
 
câu chuyện hôm qua
không có em trong đó
và ban tối, em đã chui vào bức tranh tung toé những khát vọng dang dở
tìm anh
giấc mơ tượng hình.
 
 
 PHỐ
 
Những con phố trổ dài xuống ngực
chặn những con phố trổ dài xuống ngực…
Từng ngày.
Phố âm âm lạnh
giở trang giấy chủ nhật
rác vô hồn bay lên
tình cờ khuôn vào ý nghĩ nhoe nhoét cả thanh âm lộn xộn tiếng rao tiếng còi xe tiếng phố
tự lúc nào
giấc ngủ chằng chịt bụi
những buổi sáng rũ mềm hơi sương
xoè tay hứng mặt người chảy dòng dòng quết dày mặt phố
ngẫu nhiên thấy mặt ai trong đó
quen quen như mặt mình.
 
 
CHẲNG ĐIỀU GÌ ĐỔI THAY
 
có thể chẳng điều gì đổi thay
những ngày không gặp nhau
mùa đông vẫn đầy đôi mắt
và em vẫn cố giữ nhịp đập con tim mình
đều đặn
bằng tất bật với những điều vô nghĩa
 
chẳng gì đổi thay
mùa bình yên qua phố
anh vẫn bình thản với những thân quen hằng ngày
em như một niềm hư ảo
 
cơn mưa đầu đông cứ cứa vào ước vọng
chẳng còn vẹn nguyên
em giấu đi từng ngày tuổi mình thêm một chút
giấc ngủ về khuya chắp vá
 
có thể lúc nào em chỉ hiện hữu giữa một mộng mị bất chợt
cũng chẳng phải điều đổi thay trong những thói quen
 
ước mơ bỗng thành xa lạ.
 
*
 
TRẦN LÊ SƠN Ý
 
 
BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?
 
Bao nhiêu là đủ cho một khu vườn?
Đôi khi chỉ một cành cây. Một cành khô. Thậm chí là một viên cuội nhỏ
Bao nhiêu là đủ cho một khu rừng?
Một tia chớp ngang. Một đốm thuốc tàn. Một mồi lửa nhỏ
Bao nhiêu là đủ cho một khu biển?
1234567890 dự án, 987654321 hồ sơ và cộng cả hai những thư thỉnh nguyện
Hay chỉ cần một cánh chim lướt trên đầu sóng
Một con rùa mù
Một mảnh sứa trong
Một tinh thể muối?
Bao nhiêu là đủ cho một đại dương người?
Một cơn bão lũ
Một trận dịch càn
Một con virus
Một manh chiếu mòn
Hay một bàn tay chắp
Thắp lên những bông sen và những ngọn đèn?
 
 
 ĐU TREND
 
Chào em, anh đứng đây từ chiều (*)
Chào em, anh đứng đây từ sáng
Rồi chào anh, em đứng đây từ hôm qua
Chào anh, em đứng đây từ kiếp trước
Hot trend tình yêu ngập tràn facebook
Mỗi một status là mỗi một lần thời gian (không gian) bị đẩy lùi.
Những vui đùa, bỡn cợt, hoan ca trùm trên đầu chiếc mũ đen sáng tạo
Tôi đu theo trend: “chào anh, em đứng đây từ vô lượng kiếp”
Phút nhấp vào chữ “đăng” trên màn hình phải, tôi biết mình ở lại vô lượng kiếp
Bất động vô lượng kiếp
Vô tri vô lượng kiếp
!!!!
Chào anh!
 
 (*) Câu tán gái của một youtuber trong một clip giải trí, được cộng đồng mạng ưa thích, gây bão trên mạng xã hội đầu năm 2020.
 
 
ĐỒNG THOẠI
 
Như những con bướm vàng chẳng bao giờ đợi nổi nắng tháng ba
Tôi chỉ thấy quanh mình hoa mùa xuân và cỏ mật
Thôi ước làm chi một đời bất tận
Chỉ mong một ngày biết nắng tháng tư
 
Chẳng bao giờ tôi dám ước mơ
Được một lần sống trong đời nhau sống hết
Chỉ xin làm con phù du đơn độc
Một lần bay chạm mặt bình minh
 
Tôi đã hát những đêm đông xám buốt, những trưa vàng
Hát trên đầu ngọn sóng, hát dưới đồi sỏi xanh
Hát bằng nỗi sợ hãi của chú ve
Dưới sân khấu chỉ có mùa hè mặc áo đen làm thính giả
 
Chỉ giản đơn thôi mà bị phạt
thành những đám mây không mang nổi chính mình lang thang cuối bể đầu sông
Để khi nhẹ nhàng chạm đất
Là cơn mưa trọn đời không nhớ nổi tiền thân.
 
(Thơ được lấy từ các trang trên net)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy tạm để những chuyện buồn nằm im dưới mâm cỗ ngày Tết, để ta chỉ được thấy màu xanh lá bánh chưng, màu đỏ ối ruột dưa hấu, màu vàng đỏ tung xòe trong những bao lì xì nhỏ, màu nắng chín nhấp nháy trên những trái quất… bây nhiêu đó có đủ để bạn đón hơi thở mới của đất trời? Hy vọng vậy để chúng ta được mọc lên như cỏ non trên khung rêu ngày tháng cũ. Bài thơ của Nguyễn Hồng Kiên tôi đọc được từ trang của trường Mầm Non Cự Khối, bài thơ được dạy cho các em lứa 4 tuổi, như một lời chúc tết hồn nhiên.
Cho nhân dân tôi, thức dậy trong bóng tối, những người hát bài ca im lặng, những người than thở trong im lặng, những người nổi giận trong im lặng, những người yêu nhau trong im lặng, lời cầu Nguyện cho nhân dân tôi, những người đi trên đường, chạy tất bật từ sáng đến tối, cho bữa ăn của người nghèo đói, hít thở khói và bụi, những người già trước tuổi, những người không bao giờ biết hát, những người không bao giờ biết cười, những người không bao giờ biết nói dối
Houston mùa hè nóng có thể nướng thịt trên mui xe hơi./ Họa sĩ bò dưới đất vẽ chân dung kiếm tiền đổi rượu./Nàng mẫu ngồi khép hở y phục lả lơi./ Đường nét sắc màu bỗng dưng tơi bời khung bố, trời đất sẽ vô cùng phẫn nộ, nếu đàn ông không thích đàn bà, nếu bàn tay cứ chăm chú vẽ./ Tao không kể hết chuyện để người đọc tự đoán. Xe cứu thương chuẩn bị hụ còi. Bác sĩ xuất hiện. Mày ôm bức tranh nằm thoi thóp . /Tao thấy hết từ đầu qua khe cửa phía sau.
Những bài thơ xuất sắc của Giáng Vân nằm ở biên giới giữa điều có thể nói và điều không thể nói ra. Thơ chị có nhiều đề tài, tình yêu, suy tư lịch sử, những xúc động mới về thế giới hiện nay. Đó là một loại thơ sâu kín, cắm rễ trong vùng tối đen của tiềm thức, nhưng hướng về phía ánh sáng. Giáng Vân không ngần ngại nói về sự bế tắc, sự cùng đường của xã hội, cái chết và sự diệt vong của con người. Trong tập thơ gồm 36 bài, những mảng tối được thấy rõ, sự buồn rầu, lo lắng, cảm giác phẫn nộ, nhưng chị nói nhiều hơn đến sự vượt qua. Chị tin vào tâm hồn. Thơ chị có hai nguồn mạch: những câu chuyện riêng tư và những nỗi lo âu của thời đại mình. Chị có những bài thơ đi tới chỗ tận cùng, nơi giao điểm của hai niềm cảm hứng, đó là một kiểu thơ trữ tình thời sự hiếm gặp hôm nay.
Nhà thơ Vũ Trọng Quang bảo mũi tên ấy bay hoài bay không tới. Làm sao bay kịp thời gian. Hoặc giả như vầy. Nơi tôi ngồi cố định, và. thời gian đi qua đi qua. Khi lời thơ vừa thốt lên là lúc tôi rơi mất thời gian. Không gian nào giữ những lời đi. Ở những bài thơ sau đây bạn có thể thấy được nơi thời gian và không gian gặp nhau trong nhịp lẫy tình cờ. đã ra đi là muôn đời ở lại…Bây giờ là bao giờ??? Bao giờ là bây giờ!!!, chiếc kim đồng hồ lẩn thẩn/ như con kiến già bò trên miệng chén… …Bạn cùng tôi như ai kia thập tự vác mình qua đông gió, cứu chuộc nỗi tàn phai của Màu thân thể ngó chừng cũng cũ cùng sự lãng quên muôn đời, để có thể trong thế giới siêu hình yên tĩnh của ta được an ủi Mưa trầm trầm dương thế/ Ngấm sâu miền âm gian… , dù mưa không dội sạch được những linh hồn run rẩy, và dẫu Đó là cánh cửa bí mật/ từng khép cửa linh hồn…
Nhịp lá rơi đang xô chèo dòng thu cập bến. Những con thuyền năm tháng sẽ tiếp tục dong buồm. Nơi chốn nào gọi là đáy đĩa mùa đi ơi Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh? Có phải là nơi Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi của thi nhân 80 năm trước? Hay trong cơn khát của mùa thu của Trang Thanh? Hay nơi dấu chân em lối vàng xưa của Lê Hoàng Anh? Hay nơi mùa trăng hóa quỳ vàng của Lê Vĩnh Tài? Hay nơi mặt đất dâng lên nuốt ánh mặt trời của Duyên? Hay nơi tiếng chạm của những viên đá tím của Nguyễn Thị Khánh Minh? Hay nơi rực rỡ hoàng hôn rực rỡ Đêm tháng 11 cuối cùng của Lê Chiều Giang?
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
Em nhan sắc đồi câm / Tôi ù lì bến chải / Máu những giọt rất thầm / Tới khấc tình bãi nại / Cứu rỗi một nhành cây / Buồn lên thập tự giá / Hồn ma xưa hiện ngày / Xuống vũng đêm đày đọa
hương môi thơm tuyệt cú mèo/ ngất ngây hồn vía bay theo mây trời/ bồng bềnh nào phải chơi vơi/ quen từ chướng nghiệp gẫm cười ngất ngư / cài khuy áo ngực hình như / với em tùng tiệm thặng dư ngôn tình / ô hay, nữ tính lặng thinh/ kiêu sa đi chứ để hình dung ta!
Tôi đã xưa. cơn gió ngàn lau lách. dưới mỗi gốc cây, xương máu con người đổ xuống. tình yêu và hận thù đều xanh màu lá. / Dưới bàn chân tôi, đá sỏi mỏi mòn. Đôi khi tôi muốn nằm xuống dưới chân em. đôi khi tôi muốn chết. / Sự bất động của thân tâm là chân như của hạnh phúc. nhưng sự im lặng của em là âm ti địa ngục. /Dưới bầu trời này, màu xanh lừa đảo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.