
Phỏng dịch theo bài viết “Xi Jinping Has Fallen Into the Dictator Trap” của Susan Shirk, được đăng trên trang NYTimes. Susan Shirk là người đứng đầu Century China Center Thế kỷ 21 tại trường California, San Diego và là là tác giả của cuốn sách “Overreach: How China Derailed the Peaceful Rise.”
Thập niên cầm quyền đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một thập niên của sự ngạo mạn. Các đối thủ chính trị bị thanh trừng, và các chính sách mạnh tay được áp dụng, đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào giai đoạn nhiều sóng gió. Ông Tập cũng đặt nền móng cho cuộc đàn áp ở Tân Cương, đưa các công dân Hồi giáo vào các trại cải tạo tư tưởng, đồng thời khiến các nước láng giềng phải lo ngại và e dè với chính sách đối ngoại hiếu chiến.
Và tình hình có thể còn tệ hơn nữa.
Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, khai mạc hôm Chủ Nhật, dự kiến sẽ trao cho ông Tập thêm 5 năm cầm quyền nữa. Thay vì ‘trời yên biển lặng’ khi không có biến động gì lớn, nhiệm kỳ thứ ba của ông với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có thể sẽ trải qua nhiều năm bất ổn, khi mà các vấn đề phát sinh xung quanh một nhà lãnh đạo không bị trói buộc, và không chịu chia sẻ quyền lực.
Ông Tập đã đi vào ‘vết xe đổ’ mà các nhà độc tài vẫn luôn mắc phải trong suốt lịch sử: đi quá xa. Ông đã thâu tóm quyền lực vào tay mình nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông, đến mức được gọi là “chủ tịch của mọi thứ.”
Các đối thủ – dù là có thật hay trong tưởng tượng – đều đã bị loại bỏ thông qua chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng. Hai cựu viên chức hàng đầu đã bị bỏ tù hồi tháng trước, với cáo buộc tội phạm tài chánh và mang lòng bất trung với ông Tập. Tập đã công khai cáo buộc các chính trị gia khác âm mưu chống lại Đảng ngay từ đầu cuộc thanh trừng mười năm trước. Ông coi trọng lòng trung thành dành cho ông hơn là năng lực, và cấp dưới thì tranh nhau để chứng minh lòng trung thành bằng cách thực hiện các chính sách của ông đến mức cực đoan, thay vì vạch trần sự thật khắc nghiệt về những điều tiêu cực.
Đây chính xác là loại tình huống mà Đặng Tiểu Bình và các cựu lãnh đạo Đảng Cộng Sản TQ khác đã muốn ngăn chặn bằng những thay đổi được đưa ra từ nhiều thập niên trước.
Sự chuyên quyền quá mức của ông Mao đã dẫn đến những quyết định sai lầm như Đại Tiến Vọt (Great Leap Forward), một chiến dịch nhằm tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp và công nghiệp vào cuối những năm 1950, nhưng chỉ dẫn đến nạn đói kinh hoàng và bạo lực chính trị đầy hỗn loạn trong Cách mạng Văn hóa 1966-76.
Sau khi Mao qua đời năm 1976, ông Đặng đã làm cho sự cạnh tranh lãnh đạo trở nên dễ đoán hơn bằng cách lập ra giới hạn nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu cho các chức vụ lãnh đạo trong chính phủ và quân đội, đồng thời trao cho các cơ quan của đảng nhiều quyền hạn hơn. Mô hình này kéo dài hàng thập niên. Tuy nhiên, ông Đặng không cho phép cơ quan lập pháp và tòa án của Trung Quốc có quyền cao hơn Đảng.
Và, không ai dám phản đối khi ông Tập có ý bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2018, để cho phép ông nắm quyền cho đến cuối đời hoặc, cho đến khi bị phế truất.
Cái giá phải trả đang chồng chất
Ông Tập ủng hộ nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo và kiểm soát, và đã bắt đầu đột ngột đàn áp các công ty Internet lớn của Trung Quốc vào năm ngoái, một phần trong kế hoạch tái phân bổ lại của cải và kiềm chế khu vực các công ty tư nhân. Điều đó đã được ưu tiên cho đến tận bây giờ, cho đến khi nó xóa sạch hàng tỷ đô la từ việc định giá các công ty đổi mới và phủ bóng đen tâm lý lên các doanh nghiệp, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế dai dẳng của Trung Quốc.
Và trong khi cả thế giới đã học cách sống chung với đại dịch, thì ông Tập đã kiên quyết không nới lỏng các biện pháp chống dịch khắc nghiệt, không khoan nhượng. Các viên chức cả nước đang cho tiến hành các cuộc vây bắt và giám sát hàng loạt; hành động mang hơi hướng của Đại Tiến Vọt, khi các viên chức tuân thủ một cách mù quáng những chỉ thị từ ông Mao.
Chính sách Zero-Covid đã khiến người dân và chính quyền địa phương phẫn nộ với khoảng chi phí khổng lồ cho việc xét nghiệm và kiểm dịch liên tục. Các công ty tư nhân bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn, và nhiều quy định đang khiến cho hàng loạt nhân viên thất nghiệp, sinh viên tốt nghiệp thì cũng phải chật vật tìm việc làm. Lần đầu tiên trong nhiều năm, thất nghiệp đã trở thành một nguy cơ chính trị nghiêm trọng, và thị trường bất động sản Trung Quốc đang bị nhấn chìm, có nguy cơ kéo toàn bộ nền kinh tế đi xuống.
Về chính sách đối ngoại, sau nhiều thập niên cư xử thận trọng và kiềm chế, Trung Quốc đã chuyển sang cách tiếp cận ‘cơ bắp’ nhằm khôi phục vị thế lịch sử là một cường quốc hàng đầu; nhưng, điều đó lại đang làm tổn hại đến vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Bắc Kinh đã quân sự hóa các tranh chấp biển đảo ở khu vực Biển Đông, hăm he chống lại Đài Loan, gây hấn ở biên giới với Ấn Độ và cắt nhiều hàng nhập cảng từ Australia sau khi chính phủ Úc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch. Quyền tự trị của Hồng Kông bị hủy hoại, rạn nứt giữa Trung Quốc với Châu Âu và Hoa Kỳ càng hằn sâu bởi mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các quốc gia lẽ ra phải là những đối tác quan trọng của Bắc Kinh, lại về chung hàng ngũ chống lại Trung Quốc trong các liên minh như Bộ Tứ, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Hoa Kỳ và một số quốc gia Châu Âu, những nước có dòng vốn đầu tư và thương mại đóng vai trò quan trọng với Trung Quốc, giờ đây dường như không còn sẵn lòng giao thương nữa. Bộ Trưởng Kinh Tế Đức, Robert Habeck, khi nói về chủ nghĩa bảo hộ và áp lực buộc người khác phải phớt lờ các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, khẳng định rằng đất nước của ông sẽ không còn “chấp nhận bị tống tiền.”
Rủi ro lớn nhất mà cả Trung Quốc và thế giới phải đối mặt hiện nay là, những hậu quả từ các quyết định sai lầm của ông Tập có thể sẽ dâng lên cao trào, đến một mức độ nào đó, có thể ông ta sẽ cảm thấy phải kích động một cuộc xung đột ở nước ngoài để ‘lèo lái’ hướng chú ý của dư luận trong nước. Việc giữ khư khư quyền lực cũng có thể làm tăng nguy cơ chia rẽ nội bộ trong nhiệm kỳ thứ ba của ông. Những dấu hiệu thất vọng đã xuất hiện.
Không ai đoán được quyền lực của ông Tập sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa, nhưng có vẻ như là…không có hồi kết. Ở Trung Quốc, Đảng thường chọn một người kế nhiệm trước 5 năm để chuẩn bị và giới thiệu với công chúng. Nhưng tất cả mọi người đều đang nằm dưới cái bóng của ông Tập, và cho đến nay ông vẫn chưa từng đưa ra gợi ý ai có thể sẽ là người kế nhiệm của mình.
Ông Tập gần như chắc chắn sẽ giữ vững vị trí Chủ tịch, là lãnh đạo cao nhất cùng với những bầy tôi trung thành. Và ông càng chuyên quyền bao nhiêu, thì những hiểm họa đối với Trung Quốc và thế giới càng lớn bấy nhiêu.