Theo VOA Tiếng Việt hôm 9-9-2022 bà Aler Grubbs, giám đốc Quốc gia USAID Mỹ tại Việt Nam và ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng GD&ĐT-VN đã ký kết bản ghi nhớ nâng cao chất lượng giáo dục Đại học và thúc đẩy xây dựng một nền Đại Học Tự Trị tại Việt Nam:
Theo đại sứ quán Hoa Kỳ tai VN (hôm 14-9-2022) Mỹ sẽ chi viện hỗ trợ VN trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục đại học và thúc đẩy xây dựng môt nền Đại Học Tư Trị tai VN. Trước sự hiện diện của bộ trưởng GD&ĐT-VN, Nguyễn Kim Sơn, bà Aler Grubbs đã phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh chính phủ Việt Nam với những cải cách nhắm phát triển một hệ thống giáo dục đại học có khả năng cạnh tranh toàn cầu”.
Có phải chăng đó là cú đánh phủ đầu của bà Grubbs tố cáo chính phủ CSVN vẫn theo đuổi một nền đại học lạc hậu hầu để chi phối sự phát triển tinh thần Độc Lập Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền của người dân Việt Nam.
Vào tháng 8-2022, USAID đã khởi động một dự án hợp tác có giá trị trong 5 năm với 3 trường đai học lớn của Việt Nam với ngân sách 14,5 Triệu USD. Dự án ấy mang đến hợp tác đổi mới giáo dục đại học. Hợp tác này được Phó Tổng Thống Mỹ, bà Kamala Harris, công bố trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 8-2021. Theo dự án này đại hoc Indiana (IU) của Mỹ sẽ hợp tác với 3 viện đại học lớn nhất của VN: Viện Đại Học Quốc Gia TPHCM, Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Viện Đại Học Đà Nẵng, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng quản trị các trường đại học này và giúp các trường này trở thành hình mẫu của nền giáo dục đại học Việt Nam.
Trong thực tiễn, “khát vọng về một nền Đại Học Tự Trị cho Việt Nam là vô cùng chính đáng và cần thiết. Xây dựng một nền Đại Học Tự Trị là bước đi căn bản để tiến tới cuộc cách mạng cải tổ toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hôm nay. Đó là hướng đến cơ bản đổi mới tư duy, thiết lập chế độ Dân chủ Pháp quyền. Cũng như Dân chủ, Tự do, chế độ Tự Trị Đại Học là quyền lợi tất yếu của mọi xã hội, của mọi dân tộc. Mối tương quan giữa chế độ Tự Trị Đại Học với Chính phủ không phải “xin và cho”, nó là bổn phận của mọi Chính phủ, của mọi chế độ, của mọi nhà lãnh đạo khi họ biết chủ động quan tâm vào việc xây dựng cơ sở thượng tầng trí thức kiến tạo tương lai cho đất nước. Việt Nam, trong suốt 60 năm dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, cụm từ ‘Tự Trị Đại Học’ chưa bao giờ được nhắc đến. Có chăng nó chỉ là điểm sáng, có lần cháy lên và âm thầm lịm đi trong mọi tâm tư của nhà trí thức yêu nước. Nhớ lại GSTS Nguyễn Mạnh Tường, tác giả L’Histoire D’un Excommunié de Hanoi, từ đại học Thanh Hóa-Liên Khu III năm 1952 đã lên tiếng tố cáo chuyên chính vô sản “đã nhốt các giáo sư đại học, các nhà trí thức VN trong những chuồng nuôi thú vật chật chội”. Việt Nam, trong suốt 60 năm dưới chế độ cộng sản, Tự Trị Đại Học vẫn nguyên là giấc mơ ngoài tầm với...” (*)
Sau 47 năm tháo chạy khỏi Việt Nam, hôm nay người Mỹ trở lại chính trường Việt Nam với bước đi vạm vỡ xuyên qua chính sách USAID. Người Mỹ chi viện giúp đỡ CSVN xây dựng một nền Đại Học Tư Trị. Là người Viêt Nam yêu nước ai cũng ái ngại trước sự trực tiếp can thiệp vào việc cải tạo nền giáo dục đại học, giải phóng Việt Nam ra khỏi tình trang lạc hậu, gây ảnh hưởng sâu đậm ở thượng tầng trí thức Việt Nam. Kẻ nào chi viện, giúp đỡ, giải phóng ta, kẻ đó có quyền điều khiển, cai trị ta. Nguyên đai sứ Mỹ tai Sàigòn trước 75, Maxwell Taylor đã từng nói: kẻ nào chi, kẻ đó có quyền điều khiển – Who disburses, dictates.
– Đào Như
(Chicago, 17-9-2022)
(*) Trích từ một đoạn trong bài viết của tác giả Đào Như vào năm 2014.
Việt Nam và khát vọng một nền Đại Học Tự Trị
https://www.diendantheky.net/2014/08/ao-nhu-viet-nam-va-khat-vong-ve-mot-nen.html