Hôm nay,  

Salman Rushdie Không Phải Là Tiểu Thuyết Gia Đầu Tiên Bị Ám Sát Bởi Kẻ Chưa Từng Đọc Sách Của Họ

02/09/202200:00:00(Xem: 1424)
Salman Rushdie
Một hình ảnh trong phim từ cuốn tiểu thuyết tiên tri năm 1922 của Hugo Bettauer 'Thành phố không có người Do Thái'.

 

 

Hadi Matar, người đàn ông bị buộc tội mưu sát tiểu thuyết gia nổi tiếng Salman Rushdie, thừa nhận rằng anh ta chỉ “đọc khoảng hai trang” trong cuốn “Những Vần Thơ Quỷ”, cuốn tiểu thuyết năm 1988 của Rushdie đã khiến những người Hồi giáo theo chủ nghĩa chính thống trên khắp thế giới tức giận. Cựu lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatalloh Ruhollah Khomeini, người đã ban lời kêu gọi tất cả người Hồi giáo hạ sát Rushdie vào năm 1989, đã hoàn toàn không đọc cuốn sách này.

“Những Vần Thơ Quỷ” không phải là cuốn tiểu thuyết đầu tiên - và sẽ không phải là cuốn cuối cùng - cuốn tiểu thuyết khơi dậy cơn thịnh nộ của một kẻ cuồng tín không hiểu ất giáp gì về ý nghĩa ẩn dụ văn chương.

Năm 1922, một nhà văn người Áo tên Hugo Bettauer đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Vienna có tên là “Thành Phố Không Có Người Do Thái”. Cuốn sách này đã bán được một phần tư triệu bản và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, với một bản dịch tiếng Anh được phát hành ở London và New York. Một bộ phim câm, gần đây đã được tìm lại và phục hồi, xuất hiện vào mùa hè năm 1924. Mùa xuân năm sau, một tên Đức quốc xã trẻ tuổi xông vào văn phòng của Bettauer và bắn anh ta nhiều phát. Tác giả chết vì vết thương hai tuần sau đó.

 

Cuốn Tiểu Thuyết Xuất Bản ở Một Thành Phố Phân Cực

Như ở Hoa Kỳ ngày nay, có một khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo vào đầu thế kỷ 20 ở Vienna.

Kiến trúc ấn tượng của thành phố bao trùm lên khối tài sản khổng lồ, trong khi có đầy sự nghèo đói tuyệt vọng ở các quận hạt nơi tầng lớp lao động cư ngụ. Sự xa hoa của các ngân hàng và cửa hàng bách hóa, văn hóa của các rạp hát và nhà hát opera - đặc biệt là ở quận Leopoldstadt chủ yếu là người Do Thái - chắc chắn đã khơi dậy sự phẫn nộ sâu sắc.

Trong những năm ngay trước Thế Chiến Thứ Nhất, thị trưởng theo chủ nghĩa dân túy Karl Lueger đã nhìn thấy cơ hội của mình: Ông có thể giành được phiếu bầu bằng cách đổ lỗi mọi vấn đề cho người Do Thái. Nhiều người tị nạn Do Thái sau này nói rằng chủ nghĩa bài Do Thái ở Vienna còn tệ hơn ở Berlin. Một họa sĩ nghèo khó sống trong ký túc xá công cộng ở một quận nghèo ở phía bắc Leopoldstadt đã bắt theo xu hướng thù ghét này tạo ra một hệ tư tưởng mới theo kiểu mẫu của Lueger. Anh ta là Adolf Hitler.

Hugo Bettauer sinh ra là người Do Thái. Mặc dù cải đạo sang Cơ đốc, nhưng ông không bao giờ mất liên lạc với cội nguồn của mình. Ông là một nhà báo và trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng.

 

Salman Rushdie 2
Tiểu thuyết của Hugo Bettauer ‘Thành Phố Không Có Người Do Thái’ bán được 250,000 bản.
Nguồn: Austrian Film Archive

 

“Thành Phố Không Có Người Do Thái” (“Die Stadt ohne Juden”), có phụ đề như báo hiệu một điềm gở “Tiểu Thuyết của Ngày Mai,” là một tác phẩm châm biếm hệ thống tư duy lạc hậu.

“Một bức tường người vững chắc”, cuốn tiểu thuyết bắt đầu, “kéo dài từ trường đại học đến Bellaria, bao quanh Tòa Nhà Quốc Hội đẹp đẽ và uy nghiêm. Tất cả người dân Vienna dường như đã tập hợp vào buổi sáng tháng Sáu này để chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng khôn lường. "

Họ đến để nghe một chính trị gia được gọi là Tiến sĩ Schwertfeger - rõ ràng là dựa theo Lueger - tuyên bố rằng tất cả người Do Thái phải bị trục xuất khỏi thành phố.

"Tiến sĩ Karl Schwertfeger muôn năm," đám đông tung hô, "Hoan hô, hoan hô, hoan hô người giải phóng nước Áo."

Tên, đặc điểm khuôn mặt và tổ tiên của những người có gốc Do Thái được lên danh sách điều tra; thậm chí những người có dòng máu lai cũng bị đưa vào danh sách bị trục xuất. Các giáo đường Do Thái bị bôi nhọ và toàn bộ dân Do Thái bị dồn vào toa tàu chỉ đem theo chiếc vali cỏn con. Xem cảnh này trong phiên bản phim câm năm 1924 của cuốn tiểu thuyết này là một trải nghiệm ớn lạnh: Cứ như thể bạn đang chứng kiến cuộc tàn sát “Holocaust” trước khi nó xảy ra.

Cơn Thịnh Nộ của Đức Quốc Xã

Sự biến hóa tài tình trong cuốn tiểu thuyết là một khi người Do Thái bị trục xuất, nền kinh tế và văn hóa của Vienna sụp đổ: không có chủ ngân hàng, không có thợ may hay chủ khách sạn, không có rạp hát, không có báo chí. Những người lưu vong trở về với sự chào đón nồng hậu và tất cả đều kết thúc tốt đẹp. Cuốn sách là một tác phẩm châm biếm đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ về chủ nghĩa bài Do Thái, thu hút sự chú ý của người đọc bằng cách tập trung câu chuyện vào một số ít các nhân vật được phác họa tinh vi.



Nhưng cuốn tiểu thuyết và bộ phim đã khuấy động cơn thịnh nộ của phong trào phát xít Áo mới bắt đầu. Nhà văn Bettauer bị lên án là một người cộng sản và một kẻ tham nhũng của giới trẻ thành phố. Otto Rothstock, một kỹ thuật viên nha khoa 20 tuổi, người đã thấm nhuần tất cả các tuyên truyền bài Do Thái của thời đại, đã quyết định ra tay hành động và ám sát tác giả vào tháng 3 năm 1925.

 

 

Salman Rushdie 3
Bản vẽ hiện trường vụ án được sử dụng trong phiên tòa xét xử Otto Rothstock - Nguồn: Austrian Film Archive

 Tại tòa án, Rothstock nói rằng ông đang cứu rỗi nền văn hóa châu Âu khỏi "sự thoái hóa". Ông mô tả rằng lời lẽ của Bettauer, thường tôn vinh sự giải phóng khiêu dâm, là đồi trụy, và không đưa ra lời lẽ nào cho thấy ông đã thực sự đọc cuốn tiểu thuyết này. Luật sư bào chữa cho ông, Walter Riehl, người từng là lãnh đạo của Đảng Quốc Xã Áo đã dùng bệnh tâm thần để biện hộ cho khách hàng của mình và Rothstock chỉ bị giam giữ trong trại tâm thần 18 tháng.

Rothstock sống cho đến những năm 1970, chưa bao giờ biểu lộ ăn năn về chủ nghĩa phát xít của mình. Thật đáng ngạc nhiên, H.K. Breslauer, đạo diễn của bộ phim chuyển thể, sau đó đã trở thành một nhà tuyên truyền thay mặt cho Đảng Quốc Xã của Hitler. Ngược lại, Ida Jenbach, người phụ nữ Do Thái đồng sáng tác kịch bản, đã bị trục xuất đến khu ổ chuột Minsk. Cô đã bị thanh lý ở đó hoặc tại trại tập trung Maly Trostenets gần đó.

Những Kẻ Mù Quáng của Chủ Nghĩa Cực Đoan

Các nhà văn dường như đặc biệt dễ bị tổn thương trong những thời kỳ phân cực khi niềm tin trở thành giáo điều và những người có quan điểm đối lập bị cho là ma quỷ, là mối đe dọa.

Cuốn tiểu thuyết của Rushdie được nhân cách hóa bởi các thiên thần và ác quỷ, thúc đẩy bởi hàng chuỗi ước mơ và những hành động khiêu khích kỳ ảo. Cuốn tiểu thuyết này tôn vinh những bản sắc đa dạng trong khi chế giễu các nhà tiên tri và chính trị gia, người Anh và đế chế của họ, và tất cả các cách chia rẽ và giáo điều. Đó là một tác phẩm của "chủ nghĩa hiện thực ma thuật" đòi hỏi phải được đọc một cách thông minh tinh nghịch, không phải theo nghĩa đen.

Nhưng những người theo chủ nghĩa cơ bản tôn giáo và chính trị không có thời gian để hiểu, để đặt câu hỏi, nghi ngờ và tò mò. Trong một đoạn văn, Rushdie đã dựa trên một số văn bản dị giáo cổ đại để mô tả nhà tiên tri Muhammad đang nói chuyện với ma quỷ thay vì Thiên Chúa, và điều này đã đủ để khuấy động cơn thịnh nộ trên khắp thế giới Hồi giáo. Theo cùng một cách suy nghĩ thiển cận, "cuốn tiểu thuyết châm biếm của ngày mai" của Bettauer - một thí nghiệm tư duy nhằm khiến độc giả suy nghĩ kỹ về sự đóng góp của người Do Thái cho cuộc sống Vienna - đã khiến những người chống đối tức giận.

 

Salman Rushdie 4
Một phụ nữ Iran đọc báo vào năm 2000 với bức vẽ mô tả tác giả người Anh Salman Rushdie như một người đàn ông bị treo cổ. Nguồn: Henghameh Fahimi / AFP qua Getty Images

 

 "Chủ nghĩa cơ bản", nhà phê bình Terry Eagleton viết, "về cơ bản là một lý thuyết sai lầm về ngôn ngữ": Nó giả định rằng mọi từ của một văn bản, dù thiêng liêng hay thế tục, phải được đọc như một tuyên bố về một sự thật theo nghĩa đen hoặc một tuyên bố về niềm tin không thể lay chuyển của tác giả. Điều này là bịt tai không chừa đường cho bất kỳ lời mỉa mai, ẩn dụ, châm biếm, ngụ ngôn, khiêu khích, mơ hồ, trái ngược nào.

Vì vậy có lẽ sẽ không có bất kỳ sự khác biệt nào nếu Otto Rothstock đọc "Thành Phố Không Có Người Do Thái" hoặc nếu Hadi Matar và Ayatollah Khomeini đã đọc "Những Vần Thơ Quỷ". Họ sẽ chỉ nghe thấy sứ điệp mà họ muốn nghe.

Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại về thời đại rằng số lượng sinh viên đại học lấy bằng văn học đang giảm trên toàn thế giới. Trong thời đại vô cùng chia rẽ của chúng ta, điều quan trọng hơn bao giờ hết là mọi người phải tiếp tục trao dồi trí óc nghệ thuật và đọc với trí tưởng tượng và sự đồng cảm - và không là kẻ mù quáng về chính trị hay tôn giáo.

 

-Việt Báo phỏng dịch (từ bài của Jonathan Bate  -  Giáo Sư Sáng Lập Ban Nhân Chủng Môi Trường Học, Arizona State University)

Link nguồn: https://theconversation.com/salman-rushdie-wasnt-the-first-novelist-to-suffer-an-assassination-attempt-by-someone-who-hadnt-read-their-book-189290

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.