Trong quyển hồi ký Walk Through Walls của nghệ sĩ trình diễn Marina Abramovic, bà kể khi bà còn là một cô bé cô độc 15 tuổi, bà đã đọc ngấu nghiến quên ăn, tập thư Letters: Summer 1926, những trao đổi tay ba qua thư từ giữa Rainer Maria Rilke, Boris Pasternak, và Marina Tsvetaeva, và người này thì yêu đắm đuối hai người kia. Nhà thơ Joseph Brodsky cho rằng đây là một trong những chuyện tình đẹp và ly kỳ nhất trong văn học Nga.
Chuyện kể là trong những năm đầu của Thế chiến thứ nhất, cả Pasternak và Tsvetaeva đều sống ở Moscow, đều đã có tên tuổi trong vòng tròn văn chương và đều đã nghe thơ nhau trong những buổi đọc thơ nhưng cả hai không hề có ấn tượng gì với nhau.
Cho đến năm 1922, Pasternak bị chấn động khi đọc tập thơ Versts của Tsvetaeva (khi đó đã rời khỏi Moscow và sống lưu vong cùng chồng là Sergei Efron), và đã gửi cho Tsvetaeva một bức thư bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình. Từ đó bắt đầu nảy nở mối tình văn chương mãnh liệt qua thư từ giữa hai người. Cả hai đều trạc tuổi nhau (Pasternak khi ấy 32, Tsvetaeva 30) đều sinh trong một gia đình nhà giáo và đều có mẹ là nghệ sĩ piano, đều yêu tiếng Đức và văn học và âm nhạc Đức.
Hai nhà thơ trẻ tiếp tục trao đổi thư từ cho đến năm 1926 thì có sự xuất hiện của Rilke trong những bức thư. Tháng 12 năm 1925, Tây Âu cùng tham gia
chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Rilke, khi đó đã là một tên tuổi lớn trong văn học Đức. (Những bức thư trong tập “Thư gửi chàng thi sĩ trẻ tuổi” được viết khi Rilke chỉ mới 27 tuổi). Trong những lời chúc mừng sinh nhật, có một bức thư của họa sĩ Leonid Pasternak, cha của Boris Pasternak, khi đó đã sống ở Berlin cùng với vợ và những người con gái của mình từ năm 1921. Bức thơ nhắc lại lần gặp gỡ giữa hai người trên một chuyến tàu ở Thụy Sĩ. Rilke trả lời bức thư và đó là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những trao đổi tay ba qua thư từ này.
Rilke đã học, đọc, dịch sách, lẫn làm thơ bằng tiếng Nga, đã sang thăm Nga hai lần, gặp gỡ Tolstoy (qua sự giới thiệu của Leonid Pasternak) và xem nước Nga như một quê hương tâm linh của mình. Boris Pasternak khi 10 tuổi đã được gặp Rilke trong chuyến thăm Nga lần thứ hai của Rilke (cùng với Lou Andreas-Salomé, không ai khác hơn là người trong mộng trong mối tình một chiều tuyệt vọng của Nietzsche).
Trong những bức thư trước đó, cả Pasternak và Tsvetaeva đều nhắc đến Rilke, như là “hóa thân của thơ ca và đời sống tâm linh, một hình mẫu cần được tôn thờ”. Pasternak gợi ý Rilke viết thư cho Tsvetaeva và mối tình tay ba bắt đầu từ đó. Điều đáng nói là sau một thời gian thì Tsvetaeva bắt đầu cảm thấy tình yêu dành cho Rilke sâu đậm hơn cho Pasternak, viết thư cho Rilke và bày tỏ là bà muốn gặp ông ở Đức. Rilke nói: “Em không thể gặp anh được-Anh sắp chết”. Tsvetaeva trả lời: “Em cấm anh chết”. Rilke vẫn cứ chết vào tháng 12 năm 1926 và mối tình tay ba tan rã.
Tsvetaeva, khi đó đã quay về Moscow và Pasternak, đang sống ở Paris, tiếp tục viết sonnets cho nhau. Sau đó bà lại phải đi khỏi nước Nga và sang sống ở miền Nam nước Pháp (vì đã lấy một lính bạch vệ và đã bị cộng sản bắt giam), rồi hết tiền nên lại phải quay lại nước Nga. Bà và Pasternak quyết định gặp nhau, lần đầu tiên sau 5 năm liên lạc qua thư từ. Bà sẽ dừng ở ga Lyon ở Paris trên đường về nước. Tsvetaeva mang theo một chiếc Vali cũ của Nga, chứa quá nhiều áo quần đến nỗi nó bị rơi ra ngoài. Pasternak vội chạy đi và đem về một đoạn dây để buộc vali lại. Cả hai đều quá xúc động khi gặp nhau, họ ngồi yên đó, không nói nên lời, bởi “có nói cũng khôn cùng”. Pasternak nói ông phải đi mua thuốc lá, rồi không bao giờ quay lại, để Tsvetaeva ngồi đó chờ mãi cho lúc lên tàu.
Tsvetaeva đem theo chiếc vali cùng với sợi dây và trở về Nga. Về nước, chồng thì ở tù, bà túng thiếu. Bà đến Odessa, và trong lúc tuyệt vọng, viết thư cho hội nhà văn, hỏi xin làm lao công. Hội nhà văn trả lời là họ không cần. Bà về nhà, dùng chính sợi dây mà Pasternak đã dùng để sửa vali và treo cổ tự tử, ngày 31 tháng 8 năm 1941, cách đây 81 năm, khi mới 48 tuổi.
Tsvetaeva đem theo chiếc vali cùng với sợi dây và trở về Nga. Về nước, chồng thì ở tù, bà túng thiếu. Bà đến Odessa, và trong lúc tuyệt vọng, viết thư cho hội nhà văn, hỏi xin làm lao công. Hội nhà văn trả lời là họ không cần. Bà về nhà, dùng chính sợi dây mà Pasternak đã dùng để sửa vali và treo cổ tự tử, ngày 31 tháng 8 năm 1941, cách đây 81 năm, khi mới 48 tuổi.
Phan Quỳnh Trâm
Tóm tắt từ hai quyển Rainer Maria Rilke, Boris Pasternak, Letters: Summer 1926 và Marina Tsvetaeva, Walk Through Walls: A Memoir, 2016.
Gửi ý kiến của bạn