PARIS – Pháp cáo buộc Moscow sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm “vũ khí chiến tranh” sau khi Gazprom giảm lượng khí đốt cung cấp cho Paris, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Ba, 30 tháng 8 năm 2022.
Các chính phủ Châu Âu đang cố gắng đối phó với tình trạng chi phí năng lượng gia tăng ảnh hưởng tới các công ty và hộ gia đình, cũng như tìm các giải pháp thay thế nguồn cung cấp của Nga để dự trữ cho nhu cầu năng lượng sắp tăng cao trong mùa đông.
Phương Tây vẫn luôn lo ngại rằng Moscow đang lợi dụng nguồn cung cấp khí đốt để làm suy yếu quyết tâm phản đối cuộc xâm lược Ukraine, một chiến thuật mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi là “khủng bố kinh tế.” Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Nord Stream 1, đường ống chính dẫn khí đốt của Nga cung cấp cho Châu Âu, đã trở thành tâm điểm trong cuộc tranh chấp. Châu Âu phải đối mặt với sự siết chặt hơn nữa về nguồn cung cấp trong tuần này khi Gazprom ngừng đường ống để bảo trì từ Thứ Tư (31 tháng 8) đến Thứ Bảy (3/9).
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các vấn đề về công nghệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây dành cho Nga là nguyên nhân duy nhất cản trở việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1.
Bộ Trưởng Năng Lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết: “Rõ ràng Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí chiến tranh và chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung bị gián đoạn hoàn toàn.”
Phát biểu của bà Agnes được đưa ra sau khi công ty tiện ích Engie của Pháp cho biết số lượng khí đốt họ nhận được từ Gazprom suy giảm kể từ ngày 30 tháng 8 do có vấn đề tranh chấp hợp đồng.
Châu Âu cũng đã được thông báo rằng nguồn cung cấp sẽ bị cắt giảm khi Gazprom đóng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 đến Đức trong vòng 3 ngày kể từ ngày 31 tháng 8 để bảo trì.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các công ty soạn thảo kế hoạch tiết kiệm năng lượng vào tháng tới, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên nếu Pháp buộc phải tái phân bổ nguồn cung cấp khí đốt và điện.
Nga đã chỉ bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 ở mức 20% công suất và có những lo ngại rằng thời gian ngừng hoạt động trong tuần này có thể được kéo dài. Vì vậy, các bộ trưởng năng lượng Châu Âu sẽ có cuộc họp khẩn cấp vào ngày 9 tháng 9 để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng.
Một số tờ báo Italia đưa tin, trích dẫn một tin nhắn văn bản do Bộ Trưởng Kinh Tế Đức gửi cho các bộ trưởng năng lượng ở Châu Âu rằng Đức sẵn sàng xem xét giới hạn giá khí đốt.
Thủ tướng Italia Mario Draghi, cựu Giám Đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, đã ủng hộ ý tưởng về giới hạn giá cả đó và kêu gọi các bước để tách chi phí điện ra khỏi giá khí đốt. Việc này sẽ giúp các hộ gia đình ở Châu Âu nhận được lợi ích từ điện được sản xuất từ các nguồn rẻ hơn như năng lượng tái tạo.
Giá khí đốt của Hà Lan đã tăng trở lại sau đợt giảm giá ban đầu. Hợp đồng khí đốt giao tháng trước đã tăng 1.5% ở mức 271 euro/MWh.