Hôm nay,  

Gừng càng già...

27/08/202221:05:00(Xem: 2902)

Truyện ngắn

hoangquan
Soi bóng -- Tranh Hoàng Thanh Tâm. 



Càng cay

 

Xong đại học, tôi ngoài 35 tuổi. Như trúng số độc đắc, tôi nhận việc ở tổng hành dinh của một ngân hàng lớn trên nước Đức. Xếp cũng như đồng nghiệp, ngỡ tôi cùng tuổi với sinh viên (bình thường) mới ra trường, tức là ngấp nghé 25 tuổi. Bởi thế, họ chăm sóc tôi theo hàng con cháu. Tuổi không trẻ, tài không cao, là người Á châu duy nhất trong nhóm, tôi rét, đi đứng khép nép. Đồng nghiệp hướng dẫn điều gì, tôi ghi chép cẩn thận. Tôi để ý, bà Becker trong nhóm rất có uy. Tiếng nói của bà nặng ký lắm, có gang, có thép hẳn hoi. Nghe đâu, bà là dân kỳ cựu, chung vai, sát cánh với ngân hàng gần ba chục năm. Vì vậy, lúc nào được bà dạy dỗ, tôi nhất nhất khắc cốt, ghi tâm. Việc gì bà chỉ bảo tôi làm, xếp yên tâm, chẳng cần phải bới lông tìm vết. Sau vài tháng tôi gia nhập Phòng Tín Dụng Quốc Tế, tôi được dự sinh nhật của bà. Bà tròn năm mươi tuổi. Xếp nhỏ, xếp lớn đến chúc tụng. Mọi người cười nói vui vẻ, je oller, desto doller, càng già, càng gân.

 

Tôi ngẫm nghĩ, ồ, thì ra, chuẩn mực gừng càng già, càng cay cũng có giá trị ở xứ này. Tôi cung kính chúc mừng sinh nhật bà. Bà tưởng tôi còn nhỏ, bằng tuổi con bà. Bà vỗ nhẹ vai tôi: “Mein Kind, Du hast noch viele, viele Jahre bis Du so alt bist wie ich. Con gái, còn nhiều, nhiều năm nữa con mới già bằng bác bây giờ”. Lúc đó, tôi tưởng chắc lâu lắm, tôi mới đến tuổi năm mươi. Mặc dầu làm phép tính đơn giản, chưa tới 15 năm, tôi sẽ bước vào tuổi ngũ tuần như bà. Tưởng tượng ít bữa, khi tuổi tôi tròn nửa thế kỷ, tôi được trọng vọng ra trò.

 

Dự định của tôi, sống ăn trắng, mặc trơn trong văn phòng cho đến khi về hưu, đành phải gạch bỏ, vì ngân hàng lỗ lã, buộc phải cắt giảm nhân sự. Tôi giã từ ngân hàng khi tuổi ngoài bốn mươi đà mấy năm. Gởi đơn xin việc, tôi băn khoăn, lo lắng, bởi, các “địch thủ” đang cùng trên đường chạy đua tìm việc nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều. Ấy, vậy mà chỉ qua hai vòng “tra khảo”, tôi nhận hợp đồng dài hạn với công ty viễn thông có tầm vóc quốc tế. Tôi cho phép mình hiu hiu tự đắc, tấm tắc: “Biết mà, tây cũng như ta. Hễ gừng càng già, tất phải càng cay.”

 

Về sau, tôi mới biết, bé cái lầm. Tôi may mắn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Chứ chẳng phải tại tôi “càng cay” mà được việc. Hãng đang cần gấp nhân viên. Tưởng tượng như người đói lả, bát cơm nguội cũng quý. Cho nên, thấy tôi có tay nghề thích hợp, hãng mướn ngay. Không nề hà chuyện tuổi tác.

 

Càng ế

 

Mất việc lần thứ hai, khi tôi đã thổi 50 ngọn nến sinh nhật trước đó vài năm. Nhân viên Sở Lao Động trấn an: “Bà yên tâm. Tuổi trên 50, nhưng bà có nhiều năm làm việc cho những hãng quốc tế. Thể nào bà sẽ tìm được việc sớm.” Trong khóa học của Sở Lao Động dành cho trí thức cao cấp, tôi gặp người bạn Đức tốt bụng. Anh bạn (tôi lịch sự gọi vậy, chứ “ảnh” nhỏ hơn tôi 5 tuổi), tiến sĩ ngôn ngữ học, đồng cảnh ngộ, anh ta giúp đỡ tôi rất tận tình. Những năm qua, tôi chỉ một lòng, một dạ với hãng đang làm. Tôi nghĩ, công ty cho mình “túp lều lý tưởng”. Cớ chi phải ngó ngang, liếc dọc tìm chỗ khác. Tôi không còn khái niệm viết đơn xin việc làm. Bất ngờ, hãng đóng cửa. Tôi xính vính. Tôi dày dạn kinh nghiệm làm việc, nhưng rất non tay xin việc. Tôi nhờ anh bạn Đức đọc giúp, chỉnh sửa lý lịch, đơn xin việc, để hồ sơ của mình bắt mắt các nhân viên xét đơn. Tôi để trống dòng ngày sinh tháng đẻ. Có lẽ vì thế, anh ta đinh ninh tôi nhỏ tuổi hơn anh ta. Anh ta xuýt xoa mãi: “Lý lịch của em vầy thì lo gì không có việc. Em rồi đắt như tôm tươi. (Thiệt ra, anh ta nói wie heiße Semmeln, đắt như bánh mì nóng. Ở Đức, tôm tươi là mặt hàng bán rất chậm, tại mắc tiền và không phổ biến). E rồi em phải lo nghĩ không biết chọn hãng nào...” Nghe anh ta nói, tôi yên bụng, đem mẫu lý lịch đã được vẽ vời tô điểm, điền năm sinh, lựa tấm hình đẹp gắn vào, gởi đơn đi. Xin việc làm mà tôi cứ phớt tỉnh Ăng–  Lê. Tưởng như những hãng đang tranh giành nhau händeringend, lôi kéo tôi cho được. Gởi chục cái đơn. Mấy tuần đầu chẳng nghe ai ừ hử. Nhiều tuần sau mới có vài thư trả lời, uể oải, rằng rất tiếc...

 

Tôi chợt ngộ ra, thôi rồi, gừng càng già, càng ế. Hàng hóa khi ế phải nhanh chóng có biện pháp thích hợp về tiếp thị, về chính sách giá cả. Viết đơn xin việc, cớ gì phải vạch áo cho người xem... tuổi. Tôi ngẫm nghĩ, phải rồi, trẻ khoe, già che, mục ngày sanh tháng đẻ phải rút ra ngay. Lựa tấm hình căn cước có đầy đủ tiêu chuẩn khỏe, trẻ, đẹp gắn vào lý lịch. Làm sao để hãng không đánh rớt mình ngay vòng loại. Chủ yếu là mình có cơ hội gặp hãng, có cơ hội thuyết phục họ. Lúc đó, có già đi vài tuổi chẳng sao. Quan trọng hơn, để khách hàng cảm thấy mua được giá hời, tôi quyết định chương trình đại hạ giá, bán rẻ chất xám.

 

Càng rẻ

 

Nhóm làm việc của tôi có thêm người mới. Ông ta gom chung tôi với đám đồng nghiệp lóc nhóc, gọi tụi tôi là junge Leute mấy người trẻ. Tôi đảm trách phần dạy việc cho ông. Ông bảo:

 

– Cô còn trẻ, nhanh nhẹn. Nhưng cô áp dụng vận tốc này cho tôi đâu được. Tôi 55 tuổi rồi.

 

Tôi không dại, lạy ông tui ở bụi này. Tôi tủm tỉm, an ủi:

 

– 60, 70 tuổi vẫn coi như còn trẻ măng ông ạ. (Sẵn dịp, tôi cũng tự an ủi, vì tôi hơn ổng vài tuổi mà.)

 

Ông than van:

 

– Ngày trước, tôi làm quần quật. Lương tiền hậu hĩnh. Khổ nỗi, đâu còn thì giờ và hứng thú để tận hưởng cuộc sống. Đùng một cái, tôi ngã bệnh. Ở nhà dưỡng bệnh gần hai năm trời. Giờ có việc gì, nhận việc ấy, chứ đâu dám chọn lựa. Tôi bắt đầu thấy xuống dốc rồi cô ơi. Công ty trả lương lậu rẻ mạt. Lúc mình trẻ, hãng vắt kiệt sức mình. Giờ mình già, hãng xưởng lơ là, tiền bạc èo uột.

 

Tôi cắt nghĩa thành ngữ vắt chanh bỏ vỏ của tiếng nước tôi. Ông gật gù:

 

– Tiếng Việt của cô thú vị thật.

 

Thấy ông mặt mũi vẫn dàu dàu. Tôi diễu cho ông bớt buồn:

 

– Ông ơi, hồi giờ vắt chanh xong, ai cũng quăng vỏ, chứ chứa vỏ làm chi cho chật nhà.

Ông tâm sự:

 

– Cô biết không, thời buổi vật giá leo thang, tiền lương của tôi bị giảm gần phần tư. Hồi đó, tôi chạy xe hãng, phong lưu lắm. Còn bây giờ, cò kè, xin hãng phụ cho tiền đi xe lửa. Cầm đồng bạc trên tay, muốn tiêu gì, phải lật qua, lật lại, năm lần, bảy lượt.

 

Tôi một nách chồng con và bầy… cá vàng ngoài vườn mà vẫn tỉnh bơ.  Còn ông, chỉ lo mỗi thân ông và con chó lông xù. Chuyện nhỏ tí tẹo. Ngó bộ ông lăm le đi làm... mỏ than. Tôi cười cười:

 

– Tiền bạc chỉ là chuyện vặt vãnh thôi ông ạ. Tui lãnh lương ngang ngang với thời mới vào nghề cách đây mấy chục năm. Ngó bản lương, tui thấy mình non choẹt như sinh viên mới ra trường. Mình dùng phương tiện công cộng là đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ môi trường. Nhờ ông và tui đi xe lửa nên trái đất bớt nóng đó ông. Ngoài ra, ít tiền cũng lợi lắm nhen. Bớt ăn, tránh được béo phì. Càng tốt chứ sao.

 

Ông lắc đầu, chép miệng:

 

– Tôi bái phục suy nghĩ lạc quan của cô. Nhưng tôi chịu thua, không bắt chước cô được.

 

Càng vui

 

Mấy chục năm sống ở Đức, thời đi học cũng như đi làm, tôi luôn dùng phương tiện công cộng. Trên đường đến trạm xe, sải bước. Rời khỏi xe, rảo chạy. Lúc nào tôi cũng trong tư thế chạy đua, chạy cho kịp chuyến xe, chuyến máy bay, buổi họp... Nhưng giờ đây tôi đã bỏ tác phong công nghiệp sau lưng. Vắng mợ, chợ vẫn đông. Hãng không có tôi, chẳng “chết thằng tây” nào. Hơi đâu, mà vội, mà vàng. Ngồi trong xe điện ngầm đến chỗ làm, lắng nghe người nhạc công chơi đàn guitar bài La chanson d'Orphée, hay mê mẩn. Khi người nhạc công xuống xe để đổi qua tuyến đường khác, tôi quyết định ngay, sẽ đến hãng trễ. Tôi tức tốc chạy theo người nhạc công, hỏi ông ta có dạy đàn không. Tôi tập dần thói quen đi đứng nhẩn nha. Chẳng phải tôi bắt chước cô bé đi chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, không dám đi mau, sợ số gian nan không giàu. Nhưng tôi thích chậm chân, ngắm trời đất, ngó cỏ cây.

           

Xem ra, các đồng nghiệp trẻ cực hơn tôi nhiều. Có người vừa làm, vừa tiếp tục dùi mài kinh sử để lấy master. Có người, vào văn phòng, hồn vía để đâu đâu, vì tai còn văng vẳng tiếng đứa con khóc rức rức khi mang con đi gởi nhà trẻ. Tôi có sẵn bằng trong túi hơn 20 năm, cần là lấy ra xài. Con “mọn”  của tôi đã vào tuổi ba mươi, yên thân ấm chỗ rồi. Có người mới ra trường, đang trong thời kỳ thử việc, probation period, cố gắng đến sớm, về trễ. Thấy xếp không hài lòng, cậu ta cuống cuồng đến tội nghiệp. Phần tôi, bắt chước các cụ “lục thập” ngày xưa, sao cũng “nhĩ thuận” được. Tôi mặc kệ lời cằn nhằn, xóc xỉa của xếp. Xếp có đem miếng mồi tăng lương ra nhử, tôi chẳng thèm.

 

Dịp Giáng Sinh, con tôi tặng cho tôi một món quà thật đẹp, món quà mang lại cho tôi niềm vui dài lâu. Đó là cuốn sách “Die Bessere Hälfte” (Nửa Đời Tốt Hơn) của bác sĩ von Hirschhausen và giáo sư y khoa Esch. Cuốn sách nầy như món thuốc bổ tinh thần cho giới trung và cao niên. Nếu tính chung chung, đời người trăm tuổi, thì sau 50 tuổi, theo như định nghĩa của hai tác giả, xét về mặt tâm lý học, đấy là nửa đời tốt đẹp hơn. Đó là lý do hai người đặt tựa thật kêu cho cuốn sách. Nhiều năm, hai tác giả cùng theo đuổi nghiên cứu về nếp sống tích cực trong mọi lứa tuổi. Qua những tìm tòi, tra cứu, cũng như thăm dò ý kiến, hai tác giả đưa ra nhiều nhận xét có liên quan đến tuổi tác. Đa số người ta cảm thấy hài lòng ở tuổi 70 hơn là tuổi 17. Trong cuộc sống hằng ngày, lối hành xử, nếp suy nghĩ sẽ quyết định chất và lượng nửa đời sau của chúng ta. 

 

Thì ra, những suy nghĩ của tôi, thật tình cờ, cũng tương tự như những tiếng nói chuyên ngành trong y khoa.

 

“Ta” thường nói, gừng càng già, càng cay. Riêng tôi, tôi tâm niệm, gừng càng già, càng... vui. Bởi, nếu không vui, gừng vẫn cứ tiếp tục già.

 

–  Hoàng Quân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.