Hôm nay,  

Mắt, qua ca dao tục ngữ

14/08/202221:15:00(Xem: 3824)

Tạp bút

eye 


(Tôi viết bức
thư này gửi tới anh bạn của tôi vừa đi mổ mắt về nhóm bạn cùng tới thăm.)

 

Thế này nhé, khi đi mổ mắt về, ta có nhiều điều vui và cũng lắm điều buồn. Vui vì ta được nhìn thấy rõ và ta cũng buồn vì bị nhìn thấy rõ những sự việc xẩy ra quanh ta. Như tôi nhìn cô hàng xóm, trước khi mổ mắt thì thấy cô ấy "đèm đẹp" theo cái nhìn "mờ mờ nhân ảnh" của mình, và sau khi mổ mắt thì nhận ra cô ta có những cái đẹp lên nhưng cũng có cái xấu đi theo cái "tinh tường" của đôi mắt ấy.

 

Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi không cần phải đi mổ mắt mà vẫn được "sáng mắt ra" vì những nghịch cảnh luôn luôn xảy ra cho chính mình hay cho những người chung quanh. Tóm lại, ôi thôi, có đủ thứ làm ta “sáng mắt sáng lòng”.

 

Nay tôi chỉ xin nói chuyện với các anh về vài điều liên quan tới "mắt" qua ca dao tục ngữ, tiếng nói tinh tế và chân chất của người Việt Nam ta.         

 

Này nhé, tôi đố các anh:

 

Con gì trên lông dưới lông, tối lồng làm một?

– Đó là con mắt.

– Đúng!

 

Trước hết tôi xin nói về TÊN CỦA MẮT.

 

Vì mắt được ví von “mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và ta cũng có thể ví “mắt là cửa chính của tâm hồn” tức là muốn đi vào tâm hồn của ai thì ta phải đi qua cái cửa ấy. Mắt là “cửa tâm hồn”, dù là cửa sổ hay cửa chính, nên mắt cũng có nhiều dáng kiểu và kích thước khác nhau như cửa nhà vậy và tên gọi của chúng cũng khác nhau theo đúng tinh thần “nhìn mắt đặt tên” (chứ không phải “nhìn mặt đặt tên”)

 

Khi đặt tên cho mắt, người ta thường dùng theo hình dáng của vật thể hay của sinh vật nào đó mà gán ghép cho chúng: Mắt to và lộ ra ngoài thì gọi là mắt lồi, mắt ốc nhồi hay mắt cá vàng; mắt nhỏ và dài như lá tre hay lá rau răm thì gọi là mắt lá răm. Mắt tròn và đen nháy như mắt chim bồ câu thì gọi là mắt bồ câu . . . Và cứ như thế ta có một số tên gọi của mắt như nào là (ti hí) Mắt lươn, Mắt (bé như) hạt đậu, Mắt cú vọ, Mắt diều hâu, Mắt dơi (mày chuột), (giương như) Mắt ếch, Mắt lợn luộc, Mắt rắn ráo, Mắt sắc (như dao cau), Mắt thánh (tai hiền), (lừ lừ) Mắt voi, (mày ngài) Mắt phượng. . .

         

Thấy em nhỏ thó lại có hồng nhan, chân mày loan con mắt lộ, anh đi giáp lục tỉnh này, không ai ngộ bằng em.

 

Ngoài hình dáng ra, mắt còn có tên theo màu sắc như mắt đen, mắt nâu, mắt xanh, mắt long lanh, mắt thủy tinh, mắt đỏ, mắt trắng (môi thâm) . . .

Cầu đây có gái bán hàng
Có đôi rùa đá có nàng bán cau
Mắt xanh tươi thắm môi trầu,
Miệng cười núm má cho cầu thêm xinh.

 

Người khôn con mắt đen sì,
Người dại con mắt nửa chì nửa than.

 

Hò ơ . . . Phù sa nước đục khó dòm,
Nhớ anh em khóc... (ờ)
Hò ơ... nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi.

 

Mắt không phải chỉ được phân biệt bằng cái tên qua hình dáng, màu sắc không thôi mà mắt còn được áp đặt vào chúng bằng những cảm quan, nhận thức, sinh hoạt, triết lý . . . tùy theo tình huống của những cái "nhìn mắt đặt tên" và "xấu đẹp tùy người đối diện" của mỗi người. Nghĩa là tên của mắt còn được đặt để vào đó một linh hồn vô cùng sống động.

 

Người khôn con mắt dịu hiền,
Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

. . .
Chín thương em ngủ một mình,
Mười thương con mắt hữu tình cho ai.

 

Chém cha con mắt đa đoan,
Càng lắm nhân ngãi càng mang tiếng thù.

 

Con mắt trừng trừng,
Thầy bưng cả đĩa.

 

Chồng em rỗ sứt rỗ sì,
Chân đi chữ bát, mắt thì ngưỡng thiên.

 

Hai nách cô thơm như ổ chuột chù,
Mắt thì dán nhấm, lại gù lưng tôm.

 

Chả tham nhà ngói anh đâu,
Tham vì con mắt bồ câu liếc người.

 

Rạng ngày mai con mắt lim dim,
Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

 

Những người con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

 

Ông già ổng chết đã lâu,
Con mắt thao láo hàm râu vẫn còn.

 

Cũng từ những cảm quan, nhận thức kể trên mà tên gọi của mắt cũng dựa vào những sự phê phán khen chê được diễn dịch qua tướng số hay kinh nghiệm. Tất nhiên chúng ta không thể hoàn toàn tin vào sự khả tín của những lời phê phán có tính cảm quan này:

         

Con lợn mắt trắng thì nuôi,
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi.

 

Máy mắt ăn xôi,
Máy môi ăn thịt,
Máy đít phải đòn.

 

Mắt ốc bươu làm cho ai sợ,
Miệng hỏa lò ăn vỡ nghiệp cơ.

 

Người khôn con mắt đen sì,
Người dại con mắt nửa chì nửa than.

 

Những người ti hí mắt lươn,
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

 

Rèm xưa ba bức mành mành,
Mắt cô thế ấy tu hành được đâu.

 

Người khôn con mắt dịu hiền,
Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 

Kéo dài chi kiếp sống thừa,
Cho cay mắt thấy, cho chua lòng sầu.

 

Mắt dùng để NHÌN, để ngó, để trông, để ngắm, để dòm, để liếc . . .Và để diễn tả những tình cảm vui buồn, tức giận, nghi ngờ, thất vọng hay là những thông điệp của tình thương yêu dùng thay cho lời nói. Nói tóm lại mắt còn có đủ khả năng diễn tả đầy đủ sự "hỷ nộ ái ố" của con người.

 

 Anh thương em không biết để đâu.


Để trong túi áo lâu lâu lại nhìn (dòm).

 

Chiều chiều ra chợ Đông Ba,
Ngó về hàng Bột trông ra hàng Đường.
Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường,
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi.

 

 Ra đường con mắt ngó nghiêng,
 Về nhà chui chốn buồng riêng vê mồng.

 

Tóc em như lông con chó xồm,
 Xức dầu thì xức, ai thèm dòm, bớ em Hai.

 

Em là con gái cửa dinh,
Qua dinh cụ lớn, cụ rình cụ nom.
Của em chẳng để ai dòm,
Cáo già hết ngóm, mèo non cũng chừa.

 

Mẹ em tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay (xôi) vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

 

Ngó lên chữ ứ,
Ngó xuống chữ ư.
Anh thương em thủng thẳng em ừ,
Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.

 

Bất bình cũng cứ dửng dưng,
Cũng đừng liếc xéo, cũng đừng cười khinh.

 

Dao cau rọc lá trầu vàng,
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.

 

Ô kìa con cái nhà ai,
Cái váy thì dài, áo ngắn ngang hông!
Thấy ai dương mắt ra trông,


Nghề nghiệp chẳng có, chổng mông kêu trời!

     

Ngoài những cái “nhìn” của thế gian, ta còn có cái “nhìn của đạo Phật”. Mắt là một trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), nó là nguyên nhân của vui sướng hoặc khổ đau trong nhận thức u minh về xấu đẹp khi ta tiếp xúc với những hình ảnh bên ngoài. Muốn tránh khổ đau ta phải "quán chiếu" để thấy được cái "thực tánh" của mắt và nhìn, nghĩa là, nói theo một vị Thiền sư thì những người đạt đạo, họ vẫn thấy cái đẹp và cái xấu nhưng họ không bị khống chế, lôi cuốn bởi những cái xấu đẹp ấy vì họ thấy được trong cái đẹp có sự góp phần của cái xấu và trong cái xấu có sự góp phần của cái đẹp. Cái nhìn ấy được chuyển thành lòng từ bi với tâm giải thoát. Đó chính là cái nhìn của trí tuệ bát nhã trong đạo Phật vậy.

 

Nói đến mắt ta không thể không nhắc đến KHÓC: Khóc oà, Khóc thét, Khóc gào, Khóc nức nở, Khóc thầm, Khóc thút thít, Khóc vụng trộm, Khóc ti tỉ, Khóc tỉ tê, Khóc nỉ non, Khóc mùi, Khóc như ri, Khóc như mưa, Khóc như cha chết, Khóc đứng khóc ngồi . . . Khóc là để diễn tả một trạng thái tự nhiên của xúc cảm, có thể do vui và cũng có thể do buồn một cách cao độ, trừ khi khóc "vờ", hoặc để làm "vũ khí" tác động vào lòng thương của người khác, hoặc để "vòi vĩnh":

 

Cha đời con gái mười ba,
Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng.
Mẹ giận mẹ phát ngang hông,
Đồ con "chết chủ" đòi chồng thâu đêm.

 

Chuối non giú ép chát ngầm,
Trai tơ đòi vợ, khóc thầm thâu đêm.
Khóc rồi bị má đánh thêm,
Tiền đâu cưới vợ nửa đêm cho mày?

 

Anh ở làm sao cho vợ anh thôi,
Bây giờ khóc đứng, than ngồi với ai?

 

Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

 

Đã khóc thì không thể thiếu NƯỚC MẮT: Khóc hết nước mắt, Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Khóc không ráo nước mắt, Mau nước mắt, Mồ hôi nước mắt, Nước mắt cá sấu, Nước mắt chảy xuôi, Nước mắt lưng tròng, Nước mắt nước mũi, Tuần chay nào cũng có nước mắt, Trai khôn lắm nước đái gái khôn lắm nước mắt, Cười ra nước mắt . . .

 

Ai ơi đừng rơi nước mắt ớt,
Đừng rớt nước mắt gừng,
Nhân duyên trời định nửa chừng mà thôi.

 

Tay chùi nước mắt ướt nhem,
Tại anh chậm bước nên em lấy chồng.

 

Thôi thôi đừng nhỏ nước mắt hồng,
Đừng pha tiếng ngọc mà cầm duyên em.
Đừng vợ đừng chồng, đừng gì hết thảy,
Anh có nơi rồi rún rẩy duyên em.

 

Năm bảy tháng trước còn bưng, còn bợ,
Năm bảy tháng sau lỡ bợ, lỡ bưng.
Trực nhìn nước mắt rưng rưng,
Khai hoa nở nhụy, khổ quá chừng anh ơi!

 

Ớ chị em ơi!
Cho tôi xin tí nước mắt thừa,
Tôi về tôi khóc tiễn đưa mẹ chồng.

 

Anh về em chẳng dám đưa,
Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.

Tuy nhiên con mắt không phải là lúc nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Khi mắt nhìn không rõ thì gọi là mắt mờ, mắt loà; khi không nhìn thấy gì cả thì gọi là mắt đui hay mắt mù. Và cứ như thế ta còn có một loạt những BỆNH CỦA MẮT như mắt già, mắt cận, mắt viễn, mắt thong manh, mắt lòi, mắt chột, mắt toét, mắt quáng gà, mắt lộ . . .

 

Hoan hô các cụ trồng cây,
Mười cây chết chín, một cây gật gù!

Các cháu có mắt như mù,
Mười cây chết tiệt gật gù ở đâu?

 

Trăm lạy ông trời chớ điếc, đừng đui,
Để hai con mắt coi người thế gian.

 

Đã có mắt thì xem đàng,
Có phải cận thị ngó quàng ngó xiên.

 

Thôi tôi biết vợ anh rồi,
Vợ anh toét mắt bán xôi chợ chùa.

 

Do mắt có thể có khuyết tật hay bệnh nên mắt cần được chăn sóc và bảo vệ vì "thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng".

     

Ngày nay, với nền văn minh tân tiến, mắt còn được những nhà giải phẫu thay hình đổi dạng theo ý muốn. Mắt đôi khi còn được trang điểm bằng những cặp lông mi dài, tô thêm quầng mắt, vẽ lông mày hay bằng những cặp kính gọng đắt tiền.

 

Phì phà thuốc điếu kẹp tay,
Mắt đeo kiếng mát xem ai ra gì.

 

Rồi MẮT còn qua những câu tục ngữ phổ biến trong dân gian như:

 

Mắt tinh đời, Ăn phùng má trợn mắt, Mắt la mày lét, Mắt hau háu như quạ thấy gà con, Có mắt không ngươi, Con mắt to hơn cái bụng, Đổ đom đóm mắt, Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Gái một con trông mòn con mắt, Giàu hai con mắt khó hai bàn tay, Hai mắt đổ dồn lại một, Mắt lá răm kiêu căng có tiếng, Mắt lơ mày láo, Bé người to mắt, Rậm râu sâu mắt, Che mắt thế gian, Cắn răng chằng mắt, Chết không nhắm mắt, Mắt hau háu như quạ thấy gà con, Chớp mắt bỏ qua, Chướng tai gai mắt, Coi người bằng nửa con mắt, Mắt thấy tai nghe, Mắt tròn mắt dẹt, Mắt trợn trừng, Mắt trước mắt sau, Mắt xanh mỏ đỏ, Lấy vải thưa che mắt thánh, Lựa được con dâu sâu con mắt, Lúa bông vang thì vàng con mắt, Mong đỏ con mắt, Móc mắt moi mề, Múa rìu qua mắt thợ, Ngang tai trái mắt, Nghe tận tai nhìn tận mắt, Ngủ ngày quen mắt, Người trần mắt thịt, Nhắm mắt đưa chân, Nhắm mắt làm ngơ, Nhắm mắt xuôi tay, No bụng đói con mắt, Quạ chẳng mổ mắt quạ, Thấy của tối mắt, Tai nghe không bằng mắt thấy, Trêu cò cò mổ mắt, Trời cao có mắt, Tuần chay nào cũng có nước mắt, Thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng, Tiếc rỏ máu mắt, Tối mắt tối mũi, Trái tai gai mắt, Vừa mắt ta ra mắt người, Yêu gà gà mổ mắt yêu chó chó liếm mặt . . .

 

Tóm lại, cặp mắt là bộ phận vô cùng quý giá của con người. Thật là bất hạnh cho chúng ta biết bao nếu thiếu đi cặp mắt hay bị giảm đi một phần khả năng của nó. Có lẽ cũng chính vì cái quý giá, đa năng đa dụng của mắt nên mới có nhiều từ ngữ để nói về mắt và những gì liên quan tới mắt trong ca dao, tục ngữ mà trong giới hạn bài này tôi chỉ có thể liệt kê được một phần rất nhỏ trong cái muôn vàn từ ngữ hoặc tình huống liên quan đến mắt trong kho tàng ngôn ngữ dân gian phong phú của dân ta.

 

Và cũng qua đây, tôi xin được nói thêm, ta phải thấy vô cùng hãnh diện về sự giầu có và tinh tế của ngôn ngữ ta, đặc biệt được thể hiện trong văn chương bình dân truyền khẩu của ông cha để lại qua tục ngữ ca dao. Bổn phận của chúng ta phải gìn giữ và phát triển ngôn ngữ ấy, nhất là thế hệ con cháu sống nơi hải ngoại.

 

Kết luận:

 

Hãy gìn giữ ngôn ngữ nước ta như ta đang gìn giữ con mắt của chính mình vậy.

 

Nguyễn Giụ Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.