Borys Humenyuk: Khi nhà thơ ra trận

12/08/202200:00:00(Xem: 3886)
 
BORYS_01_Humenyuk_WIKIPEDIA

Nhà thơ Borys Humenyuk, năm 2015. Hình Wikipedia.

 
Là một nhà thơ, một nhà văn, và là một nhà báo. Hẳn là quá nhiều cho một đời người. Và rồi trở thành chiến binh, sau khi quân Nga tiến vào chiếm bán đảo Crimea và tấn công miền Đông Ukraine năm 2014: nhà thơ Borys Humenyuk đã tình nguyện ra trận chống quân Nga. Một số bài thơ của ông được dịch sang tiếng Anh trong tuyển tập Poems From The War, do hai dịch giả Oksana Maksymchuk và Max Rosochinsky thực hiện.

Borys Humenyuk ra đời năm 1965 tại ngôi làng Ostriv, thị trấn Ternopil, miền tây Ukraine. Ông là một nhà thơ, nhà văn và nhà báo. Humenyuk đã tham gia tích cực vào những cuộc biểu tình cuối năm 2013 để dẫn tới Cách mạng Nhân phẩm (Revolution of Dignity) của Ukraine trong tháng 2/2014.

Những câu chuyện về chiến tranh được kể trong thơ Borys Humenyuk là có thật, không hư cấu. Chúng là một biên niên sử về sự sống còn hàng ngày, về những người bạn và đồng đội bị thương, những người chết, nhưng không chỉ là những con số mất nhân tính trên chiến trường về số lượng thương vong hàng ngày, mà là những con người thực. Dù vậy, thơ của Borys Humenyuk không hề dính chút căm thù, ngay cả nơi những dòng thơ rất buồn.

Trong những tháng mùa đông lạnh giá cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, tiếng súng và khói bao trùm nhiều đường phố ở thủ đô Kyiv của Ukraine: người biểu tình bị bạo lực trấn áp. Nhiều người biểu tình bị bắn chết. Cuộc Cách mạng Nhân phẩm của Ukraine hoàn tất, và chính phủ thân Nga của Tổng Thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, nền dân chủ Tây phương là làn gió mới phơi phới. Từ đó thơ của Borys Humenyuk đã xuất hiện: từ một người chiến đấu trong Cách mạng Nhân phẩm và rồi đăng thơ lên Internet. Borys Humenyuk nói trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương của Ukraine, “Đôi khi, thay vì la hét hay khóc lóc, tôi chỉ muốn bắn lên bầu trời. Một số người làm như vậy – đưa súng bắn lên trời – cũng như thế, tôi viết dòng thơ lên giấy.”

Borys Humenyuk là Tiểu đoàn phó của một đơn vị chiến binh tình nguyện, và một lần đã làm thơ khi nhìn các chàng trai trẻ lau súng, cẩn trọng như lau một em bé mới ra đời.
 
KHI BẠN LAU SÚNG...
 
Khi bạn lau súng
Hết lần này tới lần khác, bạn lau súng của bạn
Khi bạn xoa dầu có mùi hăng hăng vào súng của bạn
Và lấy thân mình che mưa cho súng
Khi bạn lấy khăn quấn nó như một bé sơ sinh
Ngay cả khi bạn chưa bao giờ lấy khăn quấn bé nào trước đó --
Bạn mới mười chín tuổi, không vợ, không con
Súng trở thành người thân duy nhất của bạn
Bạn và súng là một.
.
Khi bạn đào hết chiến hào này tới chiến hào kia
Khi bạn đào trái đất thù hận này, quý giá này bằng các vốc tay
Tất cả các vốc tay đầy đất chạm tới linh hồn bạn
Bạn nghiến trái đất này giữa hai hàm răng của bạn
Bạn không, bạn sẽ không bao giờ có cái nào khác
Bạn trèo vào trái đất này như vào trong tử cung của mẹ
Bạn thấy ấm áp và thân tình
Bạn không bao giờ cảm thấy gần gũi thế này với bất kỳ ai trước đó
Bạn và trái đất là một.
.
Khi bạn bắn
Ngay cả khi trời vào đêm và bạn không thấy mặt kẻ thù
Ngay cả khi đêm che giấu kẻ thù đối với bạn và che giấu bạn đối với kẻ thù
Và đêm ôm lấy từng đứa chúng ta như ôm chính nàng
Bạn bốc mùi khói súng
Hai bàn tay bạn, khuôn mặt, tóc, áo quần, giày --
Bất kể là bạn rửa tới cỡ nào -- mùi khói súng đấy
Chúng bốc mùi chiến tranh
Bạn bốc mùi chiến tranh
Bạn và chiến tranh là một.
.
Thơ của Borys Humenyuk cho thấy chiến tranh là cái gì rất vô nghĩa. Vì nó mang lại cái chết cho những người lính, cho dân thường, cho trẻ em. Nó mang đến sự tàn phá của các tòa nhà, làng mạc và thành phố. Thơ của Borys Humenyuk là nỗi đau và chấn thương mà ông chứng kiến khi bước vào cuộc chiến bùng nổ từ năm 2014 ở miền Đông Ukriane. Phóng viên Svitlana Bozhko trong bài đăng ngày 18/2/2015 trên báo The Day tại Kyiv, ghi rằng, trích:
 
Họ nói về nhà văn, về Tiểu đoàn phó chỉ huy của tiểu đoàn tình nguyện OUN Borys Humeniuk rằng ông đã ‘lái xe tăng chạy trên toàn bộ nền văn học Ukraine.’ Tuyển tập ‘Poems from the war’ (Các bài thơ từ cuộc chiến) của ông là một tinh hoa của những suy nghĩ, tình cảm và xúc động nối kết với cuộc chiến ở miền Đông và là nỗ lực văn học đầu tiên để hiểu về hiện thực mới này.
 
Những bài thơ của ông thật kinh khủng và mạnh mẽ, chân thực và đôi khi tàn nhẫn, chúng không có những ẩn dụ sai lạc và những phóng đại giả tạo. Những bài thơ này là có thật, như tác giả, một chiến binh và là một nhà thơ:
 
‘Dần dần câu thơ trắng của tôi đổi mặt  
Những dòng chữ chuyển sang màu đen vì giận dữ
Tắm đầy máu vì uất hận
Bài thơ ướt đẫm và mặn vị muối  
Như mép khăn tay của một người mẹ đau buồn.’” (ngưng trích)
 
Tên đầy đủ của nhà thơ là Borys Borysovich Humenyuk, sinh ngày 30/1/1965, tại thị trấn Ternopil, miền Tây Ukraine. Về thủ đô Kyiv sống từ năm 1990. Humenyuk là một thành viên tích cực của những cuộc biểu tình Euromaidan vì dân chủ. Vào ngày 30/11/2013, nhà thơ nằm trong số những người tụ tập trên Quảng trường Mykhailivska ở Kyiv. Ngày hôm sau, ông là một trong số những người đầu tiên bị công an Berkut đánh bầm dập. Nhà thơ cũng bị công an rượt đánh thê thảm vào ngày 19/1/2014 và ngày 18/2/2014 trên phố Hrushevsky.

BORYS_02 signing books
Tác giả ký tặng thơ.

Vào ngày 13/3/2014, nhà thơ Borys Humenyuk ký vào bản “Tuyên bố từ các nhân vật văn hóa của Ukraine đến cộng đồng sáng tạo của thế giới” để phản đối quân Nga tiến vào miền Đông Ukraine.

Vào ngày 22/6/2014, nhà thơ tình nguyện gia nhập tiểu đoàn "Azov" đặc biệt của Bộ Nội vụ Ukraine và được đưa ra tuyến đầu ở miền đông Ukraine.
Kể từ cuối tháng 7/2014, nhà thơ được cử làm Tiểu đoàn phó của tiểu đoàn "OUN", đóng quân tại làng Pisky gần Donetsk kể từ ngày 12/8/2014.
Humenyuk được trao giải thưởng văn học và nghệ thuật năm 2014 được đặt theo tên của Volodymyr Svidzinskyi và Borys Necherda. Nhà thơ cũng được Huân chương của các vị thánh Cyril và Methodius (Chính thống giáo Đông phương). Và nhiều giải thưởng khác.
  
MỘT BẢN DI CHÚC
Hôm nay chúng tôi lại đang đào đất
Nơi đất Donetsk đáng ghét này
Nơi đất khô cằn, hóa đá này
Chúng tôi tự ấn mình vào đất
Chúng tôi giấu mình trong đất
Vẫn còn sống
.
Chúng tôi giấu mình sau đất
Ngồi lặng lẽ trong đất
Như những đứa trẻ nhỏ ẩn sau lưng mẹ
Chúng tôi nghe trái tim đất đang đập
Hơi thở mệt mỏi của đất
Chúng tôi ấm áp và thoải mái
Vẫn còn sống
.
Ngày mai chúng tôi sẽ chết
Có thể một số người trong chúng tôi
Có thể tất cả chúng tôi
.
Đừng đưa chúng tôi ra khỏi đất
Đừng tách chúng tôi ra khỏi mẹ của chúng tôi
Đừng lượm xác chúng tôi từ cánh đồng
Đừng cố gắng đưa chúng tôi bên nhau lần nữa
Và - chúng tôi nài nỉ bạn - đừng dựng lên những cây thánh giá
Đài kỷ niệm hoặc các bia tưởng niệm
Chúng tôi không cần chúng
Bởi vì nó không dành cho chúng tôi -
Bạn hãy dựng lên những tượng đài này cho bạn.
.
Đừng khắc tên chúng tôi,
Đơn giản chỉ nhớ:
Trên cánh đồng này
Trên mặt đất này
Lính Ukraine nằm xuống
Và --- đó là tất cả.
.
Đừng trả chúng tôi về cho ba mẹ chúng tôi
Chúng tôi không muốn họ thấy chúng tôi như thế này
Hãy để ba mẹ chúng tôi nhớ đến chúng tôi thời thơ ấu
Những cậu bé nghịch ngợm
Với giàng ná cao su và đầu gối bầm tím
Với điểm thấp trên phiếu điểm trường gửi về
Với những áo nhét đầy các quả táo từ vườn cây hàng xóm
Hãy để ba mẹ chúng tôi tin rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở về
Rằng chúng tôi đang ở đâu đó
.
Đừng trả chúng tôi về với vợ của chúng tôi
Hãy để họ nhớ chúng tôi đẹp trai
Như những người đàn ông được phụ nữ ưa thích
Những người chỉ riêng thuộc về vợ của họ
Hãy để họ nhớ những nụ hôn ấm của chúng tôi
Vòng tay yêu thương của chúng tôi
Đừng để họ chạm vào vầng trán lạnh của chúng tôi
Đôi môi lạnh của chúng tôi
.
Đừng trả chúng tôi về cho các con của chúng tôi
Hãy để các con chúng tôi nhớ đôi mắt từ ái của chúng tôi
Nụ cười từ ái của chúng tôi
Bàn tay từ ái của chúng tôi
Đừng để môi của các con chúng tôi
Chạm vào bàn tay lạnh giá của chúng tôi
.
Trong các chiến hào này
Hôm nay những ngôi nhà tạm của chúng tôi
Ngày mai nấm mồ của chúng tôi
Chôn chúng tôi
.
Chúng tôi không cần điếu văn
Trong niềm vắng lặng sau trận chiến.
Người ta luôn có vẻ kỳ dị -
Như đấm một người lính chết
Rồi ra lệnh bảo anh này đứng dậy
.
Chúng tôi không cần tang lễ
Chúng tôi biết nơi của chúng tôi ở
Đơn giản hãy phủ đất lên chúng tôi
Và bạn hãy di hành tiếp
.
Sẽ thật tuyệt nếu có một cánh đồng
Nơi lúa mạch đang nghiêng ngả
Một con chim sơn ca bay trên đầu
Và - bầu trời
Bầu trời vô tận -
Bạn có thể hình dung một cánh đồng đầy hạt
Nơi các chiến binh nằm xuống sẽ mọc lên?
.
Để nhớ chúng tôi, hãy ăn những hạt đó từ cánh đồng
Nơi chúng tôi đã nằm xuống hy sinh
.
Sẽ tốt đẹp nếu có đồng cỏ nơi đó
Và nhiều hoa
Và một con ong dưới mỗi bông hoa
Và những tình nhân đến vào buổi tối
Để cài những vòng hoa
Làm tình đến tận bình minh
Và trong ngày, hãy để những cặp ba mẹ mới
Mang theo trẻ nhỏ của họ
Đừng ngăn trẻ em đến với chúng tôi
.
Nhưng điều này sẽ là ngày mai
Hôm nay chúng tôi vẫn đang đào đất
Nơi đất Ukraine được trân quý này
Nơi đất dịu dàng, ngọt ngào này
Và với cái xẻng của một người lính, chúng tôi cùng viết
Trên cơ thể đất
Bài thơ Ukraine cuối cùng của các nhà thơ cuối cùng
Còn đang sống sót.
.
Nhà thơ Borys Humenyuk kể rằng tập thơ đầu tiên của ông in năm 1993. Một thời gian sau, ông ấn hành hai cuốn tiểu thuyết Lukianivka và Island. Thế rồi các biến cố lịch sử xảy ra cho Ukraine, làm cuộc đời nhà văn thay đổi triệt để: những cuộc biểu tình và cách mạng Maidan, rồi quân Nga tiến vào chiếm và sáp nhập trọn bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga, rồi quân Nga vào Donbas của miền Đông Ukraine.

Borys Humenyuk kể rằng bài thơ đầu tiên ông viết về chiến tranh là về một anh lính trẻ, khi ông tới thị trấn Berdiansk vào ngày 22/6/2014. Anh lính rất trẻ kia xuất thân cùng quê với ông, lúc đó một tay cầm khẩu súng trường, một tay cầm điện thoại, đang viết một tin nhắn nhưng không làm được vì bị súng làm vướng tay, mà lệnh quân là không bao giờ để tay rời súng. Bài thơ đầu tiên của ông trong tuyển tập ấn hành năm 2015 là về anh lính trẻ này từ thị trấn Chortkiv, vùng Ternopil, người “không bận tâm về vần điệu khi anh viết một tin nhắn gửi về bạn gái của anh.” Ông nói, bài thơ này đăng liền lên trang Facebook của ông.

BORYS_03_ra mat tap tho nam 2015
Nhà thơ chiến binh Borys Humenyuk (ngồi, trái) gặp các độc giả, năm 2015. 
 
Borys Humenyuk kể về duyên khởi của thi tập “Các bài thơ từ cuộc chiến” với báo The Day:

Một người bạn của tôi, Ivan Andrusiak, đã nhận xét về nó, ‘đây là một quả bom!’ Đó là khởi đầu của tuyển tập thơ này. Tôi là nhân chứng. Tôi viết về những gì tôi thấy. Không có bản sao thô hoặc bản thảo nào trong chiến tranh. Tôi viết thơ trên máy tính bảng của mình và tìm cách đăng lên Internet bất cứ khi nào tôi có cơ hội để làm điều này. Các bài thơ đã trở thành một kiểu như liệu pháp đối với tôi. Đôi khi, thay vì la hét hay khóc lóc, tôi chỉ muốn bắn lên bầu trời. Vài người làm như vậy – lấy súng bắn chỉ thiên lên trời – còn tôi, tôi viết lên những dòng thơ. Những bài thơ của tôi hiển lộ ra từ đâu? Từ đau đớn và nỗi buồn cho những người đã bị giết. thiệt mạng. Các bài thơ của tôi cũng được nuôi dưỡng bằng tình yêu với dân tộc thân thương của tôi, với các chiến hữu, và với Ukraine. Những bài thơ không sinh ra từ lòng căm thù.

BORYS_04 portrait_BIA SACH

Trái, nhà thơ Borys Humenyuk. Phải, bìa một tuyển tập nhiều nhà thơ đã được dịch sang tiếng Anh.

 
Sau đây là một bài thơ kể về 40 ngày không làm thơ sau khi nhà thơ chứng kiến một chiến hữu đã tử trận. Nơi đây, không phải thơ được nhân cách hóa. Nhưng là, thơ trở thành chính người thơ, đã chứng kiến quá nhiều cái chết, đã thấy quá nhiều bom và phi đạn.
 
KHÔNG MỘT BÀI THƠ TRONG 40 NGÀY
 
Không một bài thơ trong 40 ngày
Thơ đã đi xuống mồ
Khi vào ngày 23 tháng 11
Andriy Yurga, một chiến binh của tiểu đoàn "OUN"
Tử trận tại Pisky
Anh đến từ Lviv, biệt danh "Davyd."
.
Thơ biến thành màu đen
Mặc áo tang trong 40 ngày
Rồi được đất phủ lên
Rồi với tro
Bốn mươi ngày thơ ngồi trong chiến hào
Cắn chặt răng bắn trả trong im lặng
Thơ không muốn nói với ai
Có gì để nói về?
Cái chết?
.
Trong bốn mươi ngày đó, thơ đã thấy ​​nhiều cái chết.
.
Thơ thấy cây chết.
Những người chạy băng qua những bãi mìn của một mùa thu
Và không bao giờ đến được mùa đông.
.
Thơ thấy thú vật chết.
Chó và mèo bị thương
Kéo lòng thòng ruột gan của chúng lết trên đường
Như dường đây là cái gì đó bình thường
Thơ không biết phải làm gì:
Hãy thương xót và giúp chúng chết, hoặc
Hãy thương hại và để chúng sống.
.
Thơ thấy nhà chết.
Nhà của người ta,
Nhà của bạn.
Có phải đó là nhà của bạn
Ở nơi kia, quanh một góc đó?
.
Một năm trước, một ngôi nhà bình thường
Với hoa phía trước
Và khu vườn phía sau,
Với những cây táo, cây mận, cây lê,
Cây hạt walnut trong vườn
Với những người đã từng
Sống nơi đó.
.
Khi viên đạn đầu tiên đến
Nhà không hiểu
Nhà kinh ngac lặng lẽ
Và khóc lặng lẽ
Viên đạn bắn bị thương một bức tường.
.
Những viên đạn khác đến
Ngôi nhà không bao giờ có thể đoán khi nào chúng đến
Nhà không thể sẵn sàng đón chúng
Tự dùng tay che thân
Ẩn trên tầng nóc nhà hay
Trong tầng hầm.
.
Những viên đạn bắn thủng lỗ trên tường
Bắn vỡ cửa sổ
Bay vào trong nhà
Căn bếp, phòng khách,
Phòng của trẻ em.
Tìm kiếm người.
Đạn luôn tìm kiếm người.
.
Con người là lý do cho một ngôi nhà.
Rồi tới đạn súng cối
Vào mùa thu, ngôi nhà đã từng chỉ thích âm thanh
Của những hạt walnuts và các quả táo
Bắn vào mái nhà
Bây giờ đại pháo bắn trúng mái nhà.
.
Rồi tới một phi đạn từ dàn phóng phi đạn.
Ngôi nhà nhảy tưng lên như một cô gái
Nhảy qua ngọn lửa vào ngày hạ chí
Nhà lơ lửng trên không gian trong giây lát
Rồi hạ cánh chậm rãi
Nhưng nhà không thể đứng thẳng được nữa.
Tường, sàn, đồ nội thất,
Đồ chơi trẻ em, đồ dùng nhà bếp, đồng hồ ông ngoại,
Tất cả đều bị chiến tranh tàn phá,
Bị lửa đốt cháy.
.
Thơ đã thấy người chết.
Thơ nhét vỏ đạn đã bắn xong vào tai.
Thơ thà là bị mù lòa
Còn hơn là thấy xác chết mỗi ngày.
.
Thơ là con đường tắt dẫn vào cõi trời
Thơ ngó thẳng vào hư không.
Khi bạn ngã xuống
Thơ cho bạn nhớ lối về của bạn.
Thơ đã đi khắp chỗ
Nơi không có chỗ cho thơ.
.
Thơ đã chứng kiến ​​tất cả.
Thơ đã chứng kiến ​​tất cả.
.
Bao giờ nhà thơ có thể rời bỏ những dòng thơ về chiến tranh? Bao giờ Ukraine có thể trở về một thời bình yên như cổ tích? Câu hỏi sẽ không chỉ được trả lời bằng xương máu của chiến binh, nhưng cũng sẽ là những dòng thơ chiến binh của Borys Humenyuk, nơi đó chữ trĩu nặng khắp các trang thơ và ướt đẫm cả máu và nước mắt. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi đã xưa. cơn gió ngàn lau lách. dưới mỗi gốc cây, xương máu con người đổ xuống. tình yêu và hận thù đều xanh màu lá. / Dưới bàn chân tôi, đá sỏi mỏi mòn. Đôi khi tôi muốn nằm xuống dưới chân em. đôi khi tôi muốn chết. / Sự bất động của thân tâm là chân như của hạnh phúc. nhưng sự im lặng của em là âm ti địa ngục. /Dưới bầu trời này, màu xanh lừa đảo.
Mắt tháng Tư không còn hạt lệ. Mắt tháng Tư chiêu niệm màu cờ. Mắt tháng Tư chập chờn bia mộ hồn tử sĩ từ cổ kim thao thức. / Mắt tháng Tư rưng màu huyết phượng. Mắt tháng Tư ngào cơn huyết biển. Thân giạt cỏ bồng hồn khua nước bao lâu rồi thủy mộ. / Trái tim người đi rơi dần từng mảnh, buồng ngực khô nhớ gió phương nam máu đỗ quyên khắc khoải quê nhà. / Mắt tháng Tư nở bông hoa trên cành hy vọng mỗi đóa hoa như một giọt nước mắt hồng rơi xuống trái tim tôi. / Mắt tháng Tư dẫu ngàn năm vô tự, mảnh lao đao lịch sử. Lật từng chương… / Giấy mực đời chép ra, ví thiếu. / Lấy da này viết để tạ nhau…
tháng tư đưa tay nhặt / vỡ nát của ngày xưa / còn đây, chồng sách cũ / những quả chín trái mùa / còn đây, chiều gió nổi / những ngôi mộ rạp mình / bia gỗ nào run rẩy / hồn linh nào tủi thân / chiến trường lâu đã nguội / hơi sắt và hơi đồng / mấy chục mùa hoa rụng / hư không tìm hư không
Cõi thơ Viên Linh là cõi nhân sinh đầy hệ lụy của định mệnh. Định mệnh của một dân tộc điêu linh, lưu lạc. Định mệnh của con người bé nhỏ và yếu ớt trong dòng chảy cuồng lưu của kiếp sống. Định mệnh của tình yêu mệt mỏi, chán chường và bất trắc. Thơ Viên Linh là một biểu hiệu cho Con Người như là một hữu-thể-tại-thế với tất cả những khổ đau và hoan lạc. Ông vừa tạ thế hôm cuối tháng Ba vừa rồi, Việt Báo trân trọng đăng lại một số ít thơ của ông như một nén tâm hương gửi đến người Thi Sĩ quá cố.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới
Ta về một cõi tâm không / Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn / Còn yêu một thuở đi hoang / Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya / Ta đi dẫm nắng bên đèo / Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều / Nguyên sơ là dáng yêu kiều / Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ / Còn đây góc núi trơ vơ / Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
Nhà văn Jon Fosse vừa đoạt giải Nobel Văn chương về kịch nghệ năm nay, 2023. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng trong lãnh vực thơ và truyện. Tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ. Tìm hiểu về mục đích sáng tác, ông cho biết, “I hope they can find a kind of peace in, or from, my writing.” (Tôi hy vọng người đọc có thể tìm thấy sự bình an trong các tác phẩm của tôi.) Tác phẩm nổi tiếng với nội dung sâu đậm của ông là dãy “Septology”. Đây là một từ vựng mới, có ý nghĩa là một loạt bảy cuốn sách. Có lẽ, Septology phát xuất từ “Heptalogy” mà ví dụ rõ rệt nhất là dãy tác phẩm Harry Potter.
Mùa thứ ba trong năm đã chớm về. Autumn ngoài nghĩa mùa thu, còn mang nghĩa ẩn dụ là chỉ lúc xế chiều, lúc ngày sắp tàn, là mùa mà ban ngày ngắn và dần lạnh hơn. Bên cạnh hình ảnh biểu tượng là mùa lá rụng, lại cũng là mùa phần lớn trái cây được thu hoạch, vì gắn với đời sống thiên nhiên này mà từ rất lâu văn hóa Tây phương đã nhân cách hóa mùa thu là người phụ nữ trẻ đẹp đầy sức sống với mái tóc gắn đầy lá hoa quả chín, là hình ảnh vừa nên thơ vừa chứa đựng sức sống diệu kỳ của mùa gặt hái.
Nhà phê bình văn học Trung Quốc đời nhà Thanh, Viên Mai, có nói, “Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Thi hào Tagore cho rằng, “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ảnh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Cả hai nhận định này đều đề cao cái Tôi-làm-Thơ, và cách biểu hiện những thuộc tính về Tôi ấy như thế nào trên ngôn từ thơ. Có hai yếu tố không ai phủ nhận được là cảm xúc và sáng tạo, chính hai yếu tố này định hình phong cách của nhà thơ. Cảm xúc thực được chuyển tải qua thi ngữ, thi ảnh mới mẻ, cá biệt, thì thơ càng có sắc thái nổi bật để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc, dường như không quá để nói rằng điều này định đoạt sinh mệnh một bài thơ. Thơ chỉ thực sự sống khi nó phản ảnh được bản ngã độc đáo của nhà thơ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.