
Kết quả cuộc bỏ phiếu là 6:3. Có 3 vị thẩm phán tự do của TCPV không đồng ý tước bỏ “sức mạnh để ứng phó với thách thức môi trường cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta” từ EPA.
Khi ra phán quyết chống lại EPA, TCPV một lần nữa nhúng tay vào một vấn đề gây chia rẽ chính trị vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, thêm vào các quyết định của đa số bảo thủ nhằm loại bỏ quyền phá thai theo hiến pháp và mở rộng đáng kể quyền sử dụng súng.
Ý nghĩa của phán quyết có thể mở rộng ra ngoài chính sách môi trường. Nó cũng báo hiệu rằng đa số bảo thủ mới được mở rộng của TCPV rất nghi ngờ về quyền lực của các cơ quan hành chánh trong việc giải quyết các vấn đề lớn mà quốc gia và hành tinh phải đối mặt.
Quyết định đã làm dấy lên những lời chỉ trích từ phe cánh tả, nhưng lại được ca ngợi bởi ngành than và các tiểu bang bảo thủ.
Quyết định cũng gây khó khăn cho ông Biden trong mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu. Tổng thống nói rằng phán quyết này là “một quyết định tàn khốc khác nhằm kéo đất nước chúng ta thụt lùi.” Ông tuyên bố sẽ hành động ngay cả khi TCPV hạn chế khả năng hành động của ông, nói thêm rằng: “Chúng tôi không thể và sẽ không bỏ qua mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng và mối đe dọa hiện hữu mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra.”
Patrick Morrisey, Bộ Trưởng Tư Pháp West Virginia và là một trong những nhà lãnh đạo phản đối thẩm quyền của EPA, đã hoan nghênh quyết định của TCPV. Ông nói: “EPA không còn có thể né tránh Quốc Hội để thực hiện quyền kiểm soát rộng tới mức có thể biến đổi hoàn toàn mạng lưới năng lượng của quốc gia và buộc các tiểu bang về cơ bản phải thay đổi danh mục năng lượng, loại bỏ sản xuất nhiệt điện than.”
Viết về quyết định, Chánh Án John G. Roberts Jr chỉ nói sơ đến những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra. Thẩm phán Elena Kagan thì bắt đầu đưa ra bất đồng quan điểm của mình bằng một đoạn dài trình bày chi tiết về những tàn phá mà hành tinh phải đối mặt, bao gồm bão, lũ lụt, nạn đói, xói mòn bờ biển, di cư hàng loạt và khủng hoảng chính trị.
Trong khi đó, Chánh án Roberts nhấn mạnh về phạm vi ngôn từ của Clean Air Act. Theo đó, ông cho rằng Quốc Hội đã không trao quyền một cách rõ ràng cho cơ quan giám sát ngành năng lượng.
Ông viết: “Giới hạn lượng khí thải carbon dioxide ở mức độ có thể buộc cả nước phải chuyển đổi, từ bỏ sử dụng than để sản xuất điện có thể là một “giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng ngày nay,” tuy nhiên ông thêm rằng, “một quyết định có tầm quan trọng và hậu quả như vậy thì nên là của chính Quốc Hội, hoặc một cơ quan được ủy quyền một cách rõ ràng.”
Thẩm phán Kagan viết rằng TCPV đã thay thế phán quyết chính sách của chính mình bằng phán quyết của Quốc Hội.
Bà viết: “Bất cứ điều gì khác mà TCPV này có thể biết, không hề có manh mối về cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Và điều hiển nhiên là: phần cược trong vấn đề này là rất cao. Tuy nhiên, ngày hôm nay, TCPV đã ngăn cản hành động của một cơ quan được Quốc Hội ủy quyền nhằm hạn chế lượng khí thải carbon dioxide của các nhà máy điện. TCPV tự cho họ – thay vì Quốc hội hoặc cơ quan chuyên gia – là người ra quyết định về chính sách khí hậu. Với tôi, không còn điều gì đáng sợ hơn thế.”
Phán quyết đã cắt giảm nhưng không loại bỏ hoàn toàn khả năng của EPA trong việc giám sát lĩnh vực năng lượng và cơ quan vẫn có thể sử dụng các biện pháp như kiểm soát phát thải tại các nhà máy điện tư nhân. Nhưng TCPV đã loại bỏ các phương pháp tiếp cận đầy tham vọng hơn, chẳng hạn như hệ thống mua bán phát thải (cap-and-trade system).
Câu hỏi đặt ra trước các thẩm phán trong vụ kiện mới, vụ West Virginia v. Environmental Protection Agency (No. 20-1530), là liệu Clean Air Act có cho phép EPA ban hành các quy định sâu rộng trong toàn ngành điện hay không. Nói rộng hơn, TCPV phải giải quyết vấn đề liệu Quốc Hội có phải “nói rõ ràng cụ thể khi ủy quyền cho các cơ quan hành pháp giải quyết các vấn đề lớn về chính trị và kinh tế hay không.”
Lý thuyết đó thường được gọi là “học thuyết những câu hỏi trọng yếu” (major questions doctrine) và nó đóng một vai trò quan trọng trong quyết định được đưa ra ngày Thứ Năm. Chánh án Roberts cho biết nó được áp dụng trong những vụ có tầm quan trọng bất thường và nhằm giải quyết “một vấn đề cụ thể và lặp đi lặp lại: các cơ quan đòi hỏi quyền lực có thể dẫn tới những hậu quả vượt quá những gì Quốc Hội có thể hiểu một cách hợp lý để cấp quyền.”
Ông viết, điều khoản của Clean Air Act mà chính quyền Biden đưa ra là quá mức quanh co, và đã vi phạm học thuyết về các câu hỏi trọng yếu. Ý kiến của Chánh án Roberts đã nâng cao mục tiêu trọng tâm của phong trào pháp lý bảo thủ, đó là cắt giảm quyền lực quản trị tiểu bang.
Vụ việc có một lịch sử bất thường.
Năm ngoái, vào ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald J. Trump, một tòa phúc thẩm liên bang ở Washington đã bác bỏ kế hoạch của chính quyền của ông nhằm nới lỏng các hạn chế đối với phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện. Chính quyền Trump cho biết Clean Air Act giới hạn rõ ràng các biện pháp mà cơ quan có thể sử dụng đối với những thứ “có thể được đưa vào hoạt động tại một tòa nhà, cấu trúc, cơ sở hoặc công trình lắp đặt.”
Tòa phúc thẩm U.S. Court of Appeals for the District of Columbia Circuit đã phán quyết rằng kế hoạch của chính quyền Trump, được gọi là Affordable Clean Energy Rule, dựa trên “cấu trúc sai cơ bản” của luật liên quan, đã được thúc đẩy bởi “hàng loạt những hiểu lầm bị đưa ra mổ xẻ.”
Quyết định kết luận rằng: “EPA có toàn quyền quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng cơ quan không thể trốn tránh trách nhiệm của mình bằng cách nghĩ ra những giới hạn mới mà ngôn ngữ thuần túy trong quy chế không yêu cầu rõ ràng.”
Phán quyết của tòa phúc thẩm cũng mở đường cho chính quyền Biden đưa ra các hạn chế mạnh mẽ hơn.
Kế hoạch Clean Power Plan từ thời Obama nhắm mục tiêu cắt giảm 32% lượng khí thải từ ngành điện vào năm 2030 so với mức năm 2005. Để làm như vậy, các tiểu bang phải soạn thảo kế hoạch loại bỏ khí thải carbon từ các nhà máy điện bằng cách loại bỏ dần than đá và tăng cường sản xuất năng lượng có thể tái tạo.
Clean Power Plan chưa bao giờ có hiệu lực. TCPV đã chặn nó vào năm 2016, ra phán quyết rằng các bang không phải tuân thủ biện pháp này cho đến khi một loạt các vụ kiện ở các bang bảo thủ và ngành công nghiệp than được giải quyết xong xuôi.
Động thái của TCPV vào năm 2016, theo sau những thay đổi về thành viên của Pháp Viện đã chuyển sang cánh hữu, đã khiến cho các nhóm môi trường cảnh giác về những gì TCPV có thể làm trong các vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu. Họ đã rất ngạc nhiên và sợ hãi khi TCPV quyết định cho xem xét lại vụ việc, vì không có quy định nào để tòa có thể xem xét lại.
Thẩm phán Kagan viết rằng sự háo hức của Pháp Viện đã nói lên điều đó. “TCPV rất mong đợi – thậm chí không thể chờ để nghe xem quy tắc mới nói về cái gì – để hạn chế nỗ lực của EPA trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”