Khánh Ly, Tiếng Hát 60 Năm
Một mình. Không ngừng hát. Mười ba năm với quê hương. Thêm bốn mươi bảy năm hải ngoại. Đó là Khánh Ly, tiếng hát Việt Nam. Cô tuổi con gà, sinh tại Hà Nội năm Ất Dậu, ngày dương lịch là 6 tháng Ba, 1945. Tên thật là Nguyễn thị Lệ Mai.
Hình như ông bố họ Nguyễn của cô hát hay hoặc hay hát. Cô nhớ trong giấc ngủ thời non dại có tiếng hát của bố. Thình lình tiếng hát ấy biến mất. Mãi sau này mới hiểu, Ất Dậu 1945 cũng là năm nước Việt Nam được tuyên bố cách mạng, độc lập, rồi cả nước tan nát. Ông bố ra đi thời kháng chiến chống Pháp và biệt tăm từ đó.
Sau 1954, đất nước chia đôi, mẹ mang cô di cư vào nam, sống tại Đà Lạt. Trên giấy tờ, tên cô một thời mang họ Phạm, họ của người cha dượng. Gia đình mới không còn ai ca hát, nhưng với riêng cô, đêm đêm, tiếng hát ông bố đã biệt tăm vẫn trở lại trong mơ. Cô thấy mình phải là họ Nguyễn và phải hát như bố. Chỉ còn cách đó để bố con có thể tìm thấy nhau. Mùa đông năm 1956, cô trốn mẹ, một mình xách gói, bỏ nhà ra đi. Ngày ấy cô mới 11 tuổi và Đà Lạt có bác tài xế tử tế cho cô đi nhờ chuyến xe (chở) rau về Sài gòn.
Miền Nam 1956, người Pháp ra đi, Đài Pháp Á đóng cửa, Sài gòn thành thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Đài Phát Thanh Quốc Gia tổ chức cuộc thi tuyển ca sĩ thiếu nhi tại rạp Norodom, chương trình được trực tiếp truyền thanh. Chung kết, có cô bé Lệ Mai, được giải nhì khi hát bài Ngày Trở Về của Phạm Duy.
Miền Nam 1956, người Pháp ra đi, Đài Pháp Á đóng cửa, Sài gòn thành thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Đài Phát Thanh Quốc Gia tổ chức cuộc thi tuyển ca sĩ thiếu nhi tại rạp Norodom, chương trình được trực tiếp truyền thanh. Chung kết, có cô bé Lệ Mai, được giải nhì khi hát bài Ngày Trở Về của Phạm Duy.
Tiếng hát đã cất lên, nhưng phải chờ tới năm 1962, khi đủ 17 tuổi, ca sĩ Khánh Ly mới chính thức bước vào sự nghiệp ca hát. Từ đây, cuộc chiến tại miền Nam ngày một tàn độc hơn và tên tuổi Khánh Ly gắn bó với một thời bất hạnh của đất nước.
Từ 1966, khu đất trống sau trường Văn Khoa (cũ), thành nơi họp mặt của các nghệ sĩ và tuổi trẻ Việt Nam. Từ đây, ca khúc Trịnh Công Sơn cất cánh bằng tiếng hát Khánh Ly. Có những đêm cả ngàn người tuổi trẻ bên nhau không ngủ và Khánh Ly chân đất hát thâu đêm suốt sáng. Tình Khúc. Ca Khúc Da Vàng. Tất cả cùng hát về thân phận, đất nước: Một ngàn năm nô lệ giặc tầu. Một trăm năm nô lệ giặc tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày… Và rồi, từ tháng Tư năm 1975, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi.
1962 - 2022. Tiếng hát của cô bé năm xưa, tiếng hát lịch sử, tiếng hát Việt Nam, tiếng hát Khánh Ly - 60 năm.
***
***
Chương Trình KHÁNH LY - TIẾNG HÁT 60 NĂM - Đời Cho Ta Thế - Rose Theater, Ngày 7 Tháng 8
với tiếng hát của Chế Linh, Tuấn Ngọc, Thương Linh, Bích Liên, Quang Thành, Thắng Đào Dance Company, Ban Hợp Ca Cát Trắng, Ban Nhạc Sỹ Dự.
Lê Đình Y Sa và Jimmy Nhựt điều hợp.
Vé: $200; $150; $100. Số vé có giới hạn, gọi: 714 894 2500 để đặt vé.
Gửi ý kiến của bạn