
HOA KỲ – Tối Cao Pháp Viện tuần trước đã tuyên bố chấm dứt quyền phá thai liên bang. Nhưng quyết định trong vụ kiện giữa Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization ảnh hưởng ra sao đến quyền được nói về phá thai vẫn còn đó chưa được giải quyết, theo trang NYTimes đưa tin ngày Thứ Tư, 29 tháng 6 năm 2022.
Các chuyên gia pháp lý cho biết đang dần xuất hiện những đối chất về việc liệu Tu Chính Án Số 1 có cho phép cấm đoán những phát ngôn về một thủ tục y tế sẽ trở thành bất hợp pháp ở phần lớn đất nước hay không.
Thí dụ, ở những bang cấm phá thai, làm thế nào để thai phụ có thể được nhận thông báo về các lựa chọn ở những nơi khác? Liệu các nhà cung cấp thủ tục phá thai ở các tiểu bang nơi phá thai không bị cấm có được tự do đăng quảng cáo ở những nơi mà phá thai là bất hợp pháp hay không? Liệu phụ nữ có được phép nhận thông tin về việc phá thai nếu họ quyết định bỏ thai nhưng không sống ở tiểu bang nơi cho phép phá thai hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu các tiểu bang quyết định rằng loại trao đổi thông tin về phá thai cũng là bất hợp pháp?
Will Creeley, giám đốc pháp lý của Foundation for Personal Rights and Expression, cho biết: “Bề ngoài thì chúng ta có quyền nói về việc phá thai. Rồi thì vấn đề xuất hiện, câu hỏi là liệu việc nói chuyện (về phá thai) có thể bị cấm nếu nó quảng bá và hỗ trợ cho phá thai hoặc khuyến khích người khác phá thai hay không. Điều đó đặt ra vấn đề cho Tu Chính Án Số 1. Chúng ta sẽ vẫn có quyền tự do phát ngôn theo Tu Chính Án Số 1 trong khi đã bị mất quyền phá thai theo hiến pháp? Mọi thứ sẽ rối bòng bong.”
Nhóm vận động hành lang chống phá thai National Right to Life Committee gần đây đã đề xuất luật mẫu cho các tiểu bang, khép việc truyền thông tin “qua điện thoại, internet hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác” với mục tiêu để chấm dứt thai kỳ vào tội hình sự.
Nhiều bang về cơ bản đã làm điều đó trước khi có phán quyết trong vụ Roe v. Wade năm 1973. Và không rõ liệu các tòa án có nhận thấy rằng các biện pháp bảo vệ tự do phát ngôn trong Hiến pháp vẫn được áp dụng cho những người ủng hộ quyền phá thai, khi họ tìm cách phá vỡ các hạn chế mới hay không.
Nhiều học giả pháp lý nói rằng những biện pháp đó vẫn nên được áp dụng. Nói chung, chẳng hề bất hợp phá khi quảng bá một hoạt động không phạm pháp. Và bởi vì việc phá thai vẫn sẽ là hợp pháp ở nhiều nơi, nên việc cung cấp thông tin giúp cho phụ nữ làm một việc hợp pháp sẽ không phải là phạm pháp.
Eugene Volokh, giáo sư luật tại Trường California, Los Angeles, cho biết: “Một số câu hỏi khác sẽ khó nhằn hơn. Giả sử chúng ta đang cố tình quảng cáo trên một tờ báo ở Texas và nói ‘Quý vị muốn phá thai? Hãy đến phòng khám phá thai này ở New Mexico nhé!’ thì bang Texas có thể cấm điều đó không?”
Một trường hợp song song là về cờ bạc. Các nhà điều hành sòng bạc ở Las Vegas luôn quảng cáo ở những nơi không cho phép mấy hoạt động đỏ đen này. Nhưng Tối Cao Pháp Viện cũng đã cho phép các giới hạn trong hoạt động. Ông Volokh chỉ ra một quyết định năm 1993 trong vụ United States v. Edge Broadcasting Co., ủng hộ luật liên bang cấm quảng cáo về xổ số ở những tiểu bang cấm các hoạt động xổ số.
Lần cuối cùng Tối Cao Pháp Viện trực tiếp phán quyết liệu những loại lệnh cấm kiểu này có thể được áp dụng hay không là gần 50 năm trước, trong vụ Bigelow v. Virginia, khi đó TCPV đã bác bỏ một luật khép việc công bố thông tin khuyến khích hoặc hỗ trợ phụ nữ phá thai là một tội ít nghiêm trọng.
Một tờ báo có tên The Virginia Weekly, đã đăng một quảng cáo từ một nhóm bảo vệ quyền phá thai ở thành phố New York nhằm giúp phụ nữ, đa số là người ở bang khác, tìm được bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật phá thai một cách hợp pháp. Quảng cáo viết là: “Phá thai hiện là hợp pháp ở New York. Không cần phải là cư dân New York,” hứa hẹn cung cấp các dịch vụ “BẢO MẬT CAO” suốt cả tuần.
Biên tập viên của tờ báo đã bị xét xử và bị kết án. Một tòa án cấp dưới giữ nguyên tội, phán quyết rằng Tu Chính Án Số 1 không bảo vệ các quảng cáo vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, TCPV nói rằng phát ngôn đó vẫn được bảo vệ theo Tu Chính Án Số 1 và tuyên bố rằng một bang như Virginia không thể cấm công dân từ một bang khác như New York “phổ biến thông tin về một hoạt động hợp pháp ở bang đó.”
Các quyết định lớn về Tu Chính Án Số 1 từ TCPV trong quá khứ đã bắt đầu với các vụ kiện liên quan đến phá thai. Chẳng hạn như vụ McCullen v. Coakley vào năm 2014, TCPV đã công nhận rằng các tiểu bang có thể đặt ra các giới hạn về phát ngôn bên ngoài các phòng khám phá thai, nhưng cũng phán quyết rằng những giới hạn đó không được nghiêm ngặt tới mức tổn hại tới các quyền của Tu Chính Án Số 1.
Mark L. Rienzi, giáo sư luật tại Trường Công giáo Hoa Kỳ, đã đặt ra một giả thuyết để kiểm tra xem các tòa án có thể áp dụng Tu Chính Án Số 1 trong thời hậu Roe: Điều gì sẽ xảy ra nếu Bang New York mua các bảng quảng cáo ở Texas đề nghị giúp những thai phụ ở đó thực hiện chuyến đi về phía bắc để phá thai hợp pháp?
Ông Rienzi nghĩ rằng cơ sở pháp lý của Texas sẽ bị lung lay nếu họ cố gắng truy tố bất cứ ai ở New York vì các quảng cáo kiểu đó. Ông nói: “Cơ bản là việc đó không phải là phạm tội ở nơi nó xảy ra.”
Nhưng ông Rienzi cũng nói thêm rằng bối cảnh pháp lý mới chưa được khám phá, rất khó chắc chắn về những luật được thông qua ở các bang. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta không thể biết chắc, bởi vì về cơ bản quá trình chính trị đã bị vướng mắc suốt 50 năm nay.”