Giấc Mơ
Năm nọ, khi sang làm việc tại văn phòng Miami, tôi mê tơi không khí Florida. Mơ màng một ngày nào đó, có dịp tha phương cầu thực ở xứ nắng ấm, trời xanh này. Lúc ngồi tán dóc với đồng nghiệp, tôi mới hay mình lạc lõng. Cả đám xí xố với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Có tôi, họ phải chuyển sang tiếng Anh. Nhưng, mỗi khi kể chuyện gì thích chí, họ đổi giọng qua Espanol. Về Đức, tôi ngẫm nghĩ, nếu muốn “di dân” qua bển, phải biết nói tiếng Ét-pa-nhôn. Đang trong cơn “say” xứ Cờ Hoa, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra thư viện thành phố, khuân ngay một lô sách, Học Tiếng Tây Ban Nha Trong 30 Ngày, Tiếng Tây Ban Nha Sơ Cấp, Tiếng Tây Ban Nha Cấp Tốc... Đêm đêm chong đèn i tờ. Học văn phạm, ngữ vựng, luyện giọng... Thay vì nghe nhạc như thường lệ, tôi thâu các mẩu đối thoại vào điện thoại, nghe rỉ rả trên đường đi làm. Tôi dương đông, kích tây. Mấy tuần đầu, rất xôm trò. Khắp nơi trong nhà, tôi dán tờ giấy nho nhỏ để ôn ngữ vựng. Có những chữ chẳng bà con họ hàng gì đến tiếng Anh, tiếng Đức, tôi nghĩ ra mẹo để nhớ. Ví dụ cái món mát lạnh ưa chuộng mùa hè, tiếng Anh là ice cream, tiếng Đức là Eis, hay Eiscreme, tiếng Việt là cà– rem nghe cũng hao hao. Vậy mà, tiếng Tây Ban Nha là helado, đọc ra, nghe hổng giống ai (phát âm đại khái ê-lá- đồ). Tôi bèn đặt thành câu đố để dễ nhớ chữ helado. Hỏi rằng, bán hàng món gì “Ế là đổ”? Xin thưa, đó chính là món cà-rem helado. Tôi tập nghe các đàm thoại đi hỏi đường, vào nhà hàng... Nhưng, đâu tập dợt với ai được! Chỉ mỗi anh bạn đồng nghiệp người Thụy Điển, có cô bồ người Tây Ban Nha, anh biết nói sơ sơ. Gặp anh, chỉ hỏi, “¿Qué tal? Khỏe không? Muy bien. Khỏe lắm”. Vậy là xong vốn liếng tiếng Tây Ban Nha. Không khí tự học của tôi nô nức, rộn ràng kéo dài vài tuần. Sách thư viện đến hạn phải trả. Nhiệt tình học của tôi từ từ nguội xuống. Tình cờ, tôi vướng những cám dỗ, bận rộn khác. Tôi lơ là với sách vở. Nhưng đâu đó trong trí, tôi vẫn mơ ngày học hành ngôn ngữ “Tây Bán Nhà” cho ngay ngắn, đàng hoàng.
Cơ Hội
Mọi người nhốn nháo, khi hãng báo tin sẽ đóng cửa văn phòng ở Munich, Đức Quốc. Ai muốn theo, nhanh chóng nộp đơn tìm việc ở những văn phòng bên Anh, Pháp, Thụy Điển... Nếu không, hãng xin gởi một lời chào và dấm dúi chút tiền bồi thường. Đa số, có lẽ không muốn rời xa thành phố non nước hữu tình Munich, đồng ý chia tay với hãng. Nhiều người, bỗng nhiên nhận ra một vấn đề nho nhỏ, khi quyết định bám trụ ở đây, đó là tiếng Đức. Bao lâu nay, trong hãng nói tiếng Anh. Họ chỉ cần bập bẹ vài chữ tiếng Đức, buổi sáng mua ly cà phê, ổ bánh mì. Đọc, hiểu bảng hiệu giao thông. Vậy là đủ. Ở Đức, mấy khi họ cần tới tiếng Đức tươm tất đâu. Tiếng Anh trong nhà hàng cũng lẹ, trong phòng mạch bác sĩ cũng xong. Bây giờ, với mảnh bằng MBA đó, biểu họ viết tờ đơn tiếng Đức, chỉ có cách phải chạy vào Google translate, chứ biết làm sao. Bởi vậy, hãng làm một cử chỉ đẹp, chi cho mỗi nhân viên ở Đức một số tiền để học... nội ngữ. Thế là, dân chúng thi nhau ghi danh ở Goethe Institut, Linguarama, các trường dạy tiếng Đức cao cấp... Phần tôi, tủm tỉm cười khoái chí. Sau nhiều năm bị tiếng Đức “quay” nhừ tử ở trung học và đại học, vốn tiếng Đức của tôi xem như “dừa đủ xoài”. Tôi nhớ ngay giấc mơ học tiếng Tây Ban Nha. Món quà học chữ của hãng sẽ giúp tôi thực hiện điều ước của mình. Phải rồi, không thầy đố mầy làm nên!
Tôi xin cuộc hẹn ở trường Linguarama. Ông hiệu trưởng vồn vã tiếp đón. Trường ông trúng mối “sộp”. Ông cắt nghĩa, “Một trong những cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất là học thứ tiếng trên ngay đất nước đó. Cô thích học español? Vậy, hãy đến España. Cô có thể chọn Madrid hoặc Barcelona. Cô sẽ ở lại với một gia đình, host family. Ngoài giờ học ở trường, cô sẽ cùng sinh hoạt với họ. Tất nhiên, chỉ nói tiếng español mà thôi.” Tôi đã đến Barcelona cách đây nhiều năm. Lần này tôi chọn thủ đô Madrid. Nghe ông hiệu trưởng hoạch định chương trình, tôi mơ màng trên mây. Ăn, chơi, học… gì cũng Ét-pa-nhôn “tất tần tật”. Học cấp tốc, tập trung như vậy, sau ba tuần chắc sẽ có chút vốn liếng Tây Ban Nha, đặng đi lòe con cháu nữa chứ.
Nhà trường sắp xếp xong xuôi. Tôi sẽ ở ba tuần với gia đình bà Hermosilla. Trước khi bay qua Madrid, tôi gọi điện thoại đến bà, hỏi thăm sơ sơ, báo tin cho bà biết ngày giờ tôi đến. Tôi “thủ” sẵn mấy câu tiếng Tây Ban Nha. Tôi vừa nói xong, bà trả lời bằng một tràng liên thanh. Tôi tắt tiếng, bèn chậm từng chữ tiếng Anh. Rằng ngày mai tôi đến nhà bà, lúc mấy giờ... Chỉ nghe bà nói, “Sí sí, ya sé... Biết rồi, biết rồi.”
Ngôn Ngữ
Kể ra, tiếng Tây Ban Nha có điểm giống tiếng Việt. Giống chỗ ít dùng chủ từ. Tưởng tượng đôi trẻ đứng ở nhà ga xe lửa Madrid tiễn nhau. Cậu hỏi, “¿Piensas de este lugar?” Cô không trả lời trực tiếp, chỉ nói, “Te extraño”. Tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp phải có chủ từ you, du, tu đầy đủ. Tiếng Tây Ban Nha nói trống không như vậy, chẳng có chủ từ, chỉ chia động từ cho ngôi thứ hai mà thôi. Nếu không gian là bến xe ở Sài Gòn, mẩu đối thoại cũng tương tự. Chàng nói bâng quơ, “Đi xa, có nhớ chốn này không?” Nàng chỉ thì thầm, “Nhớ anh.” Thì rõ, nàng nhớ chàng, chứ ai trồng khoai đất này. Không có chủ từ, đôi khi lại thành ra rất tình, rất dễ thương. Theo như so sánh rất chi là phi khoa học của tôi, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt giông giống nhau, kiểu lửng lơ con cá vàng khi dùng chủ từ. Chỉ chừng đó thôi. Ngoài ra, hai ngôn ngữ cách nhau một trời, một vực. Văn phạm tiếng Việt dung dị. Thì quá khứ thêm chữ “đã”. Thì tương lai thêm chữ “sẽ”. Đơn giản như đang giỡn. Đại khái, nói sơ sơ, cũng lờ mờ hiểu được nhau. Văn phạm của tiếng Tây Bán Nhà bày đặt nhiều thì, nhiều cách. Các động từ thay đổi tứ tung. Đã vậy, lủ khủ bao nhiêu động từ bất quy tắc. Hồi giờ, tôi đinh ninh, Đức ngữ khó nuốt nhất. Tưởng mình nói được tiếng Đức, coi như ngon cơm, muốn học tiếng gì thì học. Giờ mới hay là bé cái nhầm, nhầm to.
Buổi sáng đầu tiên, bà chủ nhà chuẩn bị điểm tâm cho tôi. Bà dọn cho tôi một tô (loại xe lửa) hột yến mạch ngâm trong sữa, một khúc bánh mì ăn với jamón serrano (một loại thịt sống sấy khô). Thêm một ly cối cà phê. Bằng vốn liếng tiếng Tây Ban Nha sơ cấp, tôi cắt nghĩa cho bà hiểu, tôi cần ít nhất ba tiếng đồng hồ mới “hoàn tất” bữa ăn của bà. Tôi hoa tay, múa chân, trộn thêm vài chữ tiếng Anh diễn tả rằng, bà làm đồ ăn rất ngon, nhưng bao tử tôi bé tí, không xơi được nhiều. Chớ thiệt ra, tôi muốn nói, đã nhiều, mà không hợp khẩu vị. Tôi ngao ngán nhìn mâm đồ ăn sáng. Ngày hôm sau, tôi thay đổi chiến thuật. Tôi dậy sớm hơn, ra làm phụ với bà, chủ động giảm lượng đồ ăn ngay từ ban đầu. Nghe bà lục đục trong bếp, tôi phóng ra, tươi tắn chào bà:
– Buenos días. ¿Qué tal?
Bà vui vẻ trả lời:
– Tốt tốt, cô ngủ ngon không?
Bà vừa nói, tay nhanh nhẹn chuẩn bị đồ ăn. Tôi mau mắn:
– Dạ, được lắm. Cám ơn chị. Tôi được phép giúp chị chứ?
Vì lẽ gì đó, tôi lẫn lộn động từ ayudar (giúp đỡ) với động từ desayunar (ăn sáng, điểm tâm). Bởi vậy, câu hỏi của tôi trở thành, “Tôi được phép “xơi” chị cho bữa điểm tâm chứ?” Tôi phát âm có lẽ khá rõ. Bà nghe câu hỏi, chẳng biết tại sao bữa nay tôi lại đòi… “xực phàn” bả. Bà trợn tròn con mắt, lắc lắc đầu:
– Ăn sáng tôi, ăn sáng tôi. No te entiendo. Tôi chẳng hiểu gì cả.
Tôi biết ngay là mình đã nhất ngôn (kỳ quái) ký xuất, vội vàng ngoác miệng cười giả lả:
– Ồ, ồ, tôi nói lộn. Ý tôi là muốn giúp chị đó mà.
Chiều tối, tôi đang ngồi hóng gió ngoài sân thượng. Bà ra kéo ghế, gạ chuyện. Bà nói lăng răng, líu ríu. Tôi chỉ bắt kịp vài chữ, nghe như “mô-kí-tồ”. Nghĩ ngay đến chữ con muỗi trong tiếng Đức Moskito. Làm ra vẻ hiểu biết, tôi nhéo da tay mình, rồi làm dấu, như con muỗi trong bài hát thuở bé... đêm khuya con muỗi vo ve, cắn tay, cắn đùi, còn bay lên khoe... Bà chăm chú ngó tôi múa máy chân tay. Hiểu ra, bà cười ngặt nghẽo:
– No mosquito. Có con muỗi gì đâu. Tôi chỉ nói un poquito de frío (đọc đại khái là un pồ-kí-tồ đề phờ-rí-ồ). Buổi tối hơi mát mát một chút đó thôi.
Tôi cười, hơi quê quê. Thầm nghĩ, “Chờ đó nghen bà! Hồi nào bà phải học tiếng Việt, chắc chắn bà sẽ cống hiến cho tui nhiều trận cười còn ác liệt hơn nữa nghe bà”.
Trường Lớp
Nhìn tôi nhỏ thó, ông hiệu trưởng tưởng tôi hãy còn ít tuổi. Bởi thế, ông giới thiệu, chủ nhà là một người hơi nhiều tuổi but very nice lady. Hỏi ra, old lady đó 50 tuổi… Ô là la, vậy là “bà già” đó già bằng... con em kế tôi. Bà “cụ” lo cho ăn sáng và tối trong suốt thời gian tôi ở đây. Ngày đầu, bà “dắt” tôi đi học. Bà chỉ dẫn cách mua vé xe. Bà nói líu lo, rằng đi đứng phải cẩn thận, vì những nơi đông người hay có ăn cắp. Bà phăng phăng đi trước, tôi chạy lúp xúp theo sau. Đây nhé, đây là trạm gần nhà Diego de León. Đi xe số 10, xuống trạm Cuzco. Bà đưa tôi đến tận trường, xí xa xí xồ, giao tôi cho ông thầy, rồi mới vẫy tay chào ra về. Ngày đầu đến trường, dù đã “già đầu”, tôi vẫn cảm nhận những rộn ràng của học trò. Làm học trò bao giờ cũng vui. Cho dù đã xa lăng lắc thuở: Làm học trò không sách vở cầm tay/ Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ.
Đi học, thấy mình trẻ ra một chút. Vui là đầu óc không đến nỗi như đêm ba mươi. Sáng học với thầy. Chiều ngồi cặm cụi làm bài tập. Hai thầy giáo đặc trách dạy dỗ tôi trong thời gian này. “Ông” thầy già, tuổi vừa ngũ tuần, độc thân vui tính, “xí trai” mà không đẹp lão. “Ông” thầy trẻ, ngoại tam tuần, mặt mày bảnh bao, có điều ổng là dân “ghê”. Ổng chỉ mê trai, chớ không mê gái. Ổng đi đứng coi bộ còn yểu điệu hơn các cô. Thôi, vậy là tôi chẳng có cơ hội mộng ngoài cửa lớp. Chỉ chí thú học hành. Thì cũng tiện, khỏi bị phân tâm. Có những chữ, những câu, tôi biết chắc chắn đã học rồi. Biết ghi ở đâu trong vở, nhưng lại quên nghĩa. Cho nên phải mằn mò, lật lui tới cuốn tập chi chít chữ của mình để tìm. Tan trường, về đến nhà khoảng 5 giờ chiều. Đến 6 giờ, hai con mắt nặng trĩu. Nếu không cố gắng hết sức, tôi lăn đùng ra, làm một giấc đến chạng vạng. Mãi chín giờ rưỡi mới có cơm tối. Sang đây, chưa biết học español tới đâu. Mà đã học ngay cái thói quen (xấu) siesta, ngủ trưa.
Sau mấy tuần học cấp tốc, nhiều ngày miệt mài đèn sách, tôi rút ra một chân lý cực kỳ ba phải. Rằng 30 năm trước, khi đến nước Đức, hồi đó mình trẻ hơn, lanh hơn, nhạy bén hơn, học chi cũng nhanh, cũng gọn. Chừ thì rù rờ, đủng đà, đủng đỉnh bước, mà vẫn cứ vấp váp, trật trìa tùm lum.
Chủ nhà
Bà chủ nhà của tôi thuộc loại ái quốc cực đoan. Bà chê, bếp Ý có gì, ba cái xốt cà chua, dở òm. Tụi Tây à, cứ nghe tiếng rượu Bordeaux, ôi, xưa lắc xưa lơ rồi. Rượu Tây Ban Nha mới nhất thiên hạ.
Bà chủ lo lắng cho tôi rất chu đáo. Bà đãi tôi những món ăn rất tâm đắc của bà. Nhưng, cao lương mỹ vị của bà không hạp khẩu vị của tôi. Nhiều bữa, bà chủ nấu ăn dở thầy chạy. Món nào cũng lạt lạt, nguội ngắt, không tiêu, không ớt. Tối nọ, bà chủ đãi món paella, cơm hải sản thập cẩm, món quốc hồn, quốc túy của xứ Tây Ban Nha. Tôi cố gắng đóng tuồng, chớ thiệt ra, trong héo ngoài tươi. Đau khổ nuốt, mà tôi phải vờ gật gù, muy bien, muy bien, quá chiến, quá chiến. Hột cơm, có màu vàng ệch của hóa chất tartrazin, nhai sừn sựt như cơm sống, cơm sượng. Cơm trộn muối và vài gia vị khác tôi không nhận ra, kèm theo vài con tôm heo héo. Đang cố gắng nhằn nhằn những hột cơm dôn dốt, tôi nghe cái rột. May, chỉ là hạt cát be bé, chưa làm sứt mẻ cái răng nào. Nhưng tôi khựng, kín đáo vô nhà bếp, tìm chỗ nhổ nhúm cơm trộn cát nhuyễn trong miệng. Bà chủ “âu yếm” nhìn tôi ăn, luôn miệng hỏi ngon không? Tôi vờ ra vẻ tự nhiên, “muy delicioso, ngon ghê”. Trong bụng than thầm, không biết làm sao giải quyết hết dĩa cơm chù ụ của bà. Bà hớn hở kể, nhiều người mê món này của bà lắm. Họ cứ khen bà hoài, mong được bà nấu cho ăn. Tôi nghĩ, mấy người khách của bà mấy ai lịch sự, tế nhị, chịu khổ như tôi mà bưng bít sự thật. Ờ, biết đâu! Họ nói thật lòng. Vì ăn những món bà nấu, họ sẽ hết thèm ăn. Nhờ vậy, họ sẽ mau chóng xuống cân, có được thân hình thon thả. “Đai-ợt” như vậy hiệu quả quá trời. Bà chủ mời thêm mấy con tôm. Bà gắp mấy cái thủ cấp tôm dứ dứ, hỏi tôi thích ăn không? Tôi lắc đầu. Bà tiếc cho tôi. Bà tấm tắc:
– Đầu tôm phenomenal, phantastico... Nói chung là ngon kinh khủng!
Trong lúc lan man nghe bà ríu rà, ríu rít, tôi có cảm tưởng như răng tôi đang được xe tơ, kết tóc. Lại ngừng nhai, lừa lừa miếng cơm trong miệng, kéo ra sợi tóc hoe hoe. Không phải tóc tôi. Vì tóc tôi chỉ hoặc màu tiêu đen, hoặc màu muối trắng, chớ không có màu hạt dẻ nâu đỏ. Bà chủ hơi ngường ngượng, nói:
– Có lẽ là tóc của tôi. Hồi nãy tôi nấu ăn, lật đật, quên kẹp tóc.
Tôi nghẹn ngào trả lời:
– Không sao, no importa.
Tôi không thể nào ăn tiếp được nữa. Tôi đành giả lả:
– Nhiều quá chị ơi. Mai tôi ăn tiếp nghe.
Chỉ là hoãn binh, chớ chắc tôi không bao giờ rớ tới paella nữa. Hay đúng hơn món cơm hải sản thập cẩm của bà chủ nấu.
Có hôm bà chơi sang, cho tôi ăn cá chẻm chiên dòn. Con cá chiên vàng tươm, nằm chỏng chơ trên dĩa, chỉ có mỗi lát chanh mỏng te làm bạn. Chà, phải chi có chút nước mắm gừng chấm cá thì tuyệt cú mèo. Tuy thiếu nước chấm, con cá chiên vẫn ngon miệng. Tôi ăn một loáng là xong. Chứ không nhơi nhơi như mấy hôm khác. Bà chủ rất hài lòng, “đắm đuối” nhìn tôi, nhìn cái dĩa, nhận xét:
– Cô ăn cái dĩa sạch trơn, giống y chang con chó của tôi, como mi perro.
Chèn đét ơi, phải chi vốn tiếng Ét-pa-nhôn của tôi kha khá một chút, tôi “giũa” cho bả một trận te tua. Dám đem tôi so sánh linh tinh, lang tang. Mà bây giờ, chữ nghĩa hãy còn lem nhem. Đành cười trừ, chớ biết sao. Buổi chiều đi học về, tôi thả bộ dạo loanh quanh gần nhà, tìm thùng thư. Tình cờ thấy tiệm trái cây, bày biện trông mát mắt, hấp dẫn. Vào tiệm, ngay quầy rau, phía trên ghi cilantro, nhìn giống ngò. Tôi mừng rỡ lại sát quầy, len lén nhéo một lá, đưa lên mũi. Thơm phức. Đúng mùi ngò. Thò tay mà ngắt ngọn ngò/ Thương ai đứt ruột giả đò ngó lơ. Tôi rinh ngay bó ngò to như bó rau muống bên quê nhà, phom phom lại quầy trả tiền. Tôi hí hửng khoe bà chủ món rau mới mua. Hôm đó bà làm mì xào tôm. Tôi tưởng tượng dĩa mì chắc sẽ ngon nhức răng, nếu bỏ ngò vào. Tôi ngỏ ý với bà chủ. Bà vùng vằng:
– Không được, không được. Món này của tôi là tuyệt hảo. Không bỏ gì khác vào, làm hư đi.
Thấy tôi có vẻ thất vọng. Bà đấu dịu:
– Đưa cilantro đây. Tôi làm cho cô dĩa xà lách nhé.
Bà thêm vài lát cà chua, dưa leo, xịt dấm, dầu, dọn kèm dĩa xà lách ngò cho tôi. Ăn là lạ. Thôi thì, cũng chút hương vị quê nhà. Bó ngò to quá. Liên tiếp ba ngày, bữa nào bà cũng làm cho tôi một dĩa xà lách ngò trộn dầu dấm. Tôi hết cả hào hứng. Hơi lo lo trong bụng. Không biết bà có làm lanh, đi sắm thêm bó khác, để đãi tiếp món xà lách ngò không.
Ra Phố
Theo lịch trình định sẵn của trường, tôi đến Madrid một ngày trước khi nhập học. Trưa Chủ Nhật, tôi có mặt ở nhà trọ. Bà chủ nhà đón tiếp niềm nở. Ba giờ chiều, căn phòng của tôi nóng hầm hập, dù bà đã mở quạt máy chạy vù vù. Bà cho biết cơm tối sẽ vào khoảng 9 giờ rưỡi tối. Thấy còn thong thả thì giờ mới được ăn, tôi ướm ý bà, nói muốn đi dạo một vòng phố cho vui. Bà đồng ý ngay. Bà bươn bả đi trước, tôi lạch bạch cố chạy cho kịp bà, dỏng tai nghe bà cắt nghĩa, lâu lâu nghe có chữ gì từa tựa tiếng Đức, tiếng Anh, tôi mừng rỡ nói to lên yes, yes, sí sí. Đi khoảng hai chục phút, chúng tôi đến Plaza de Toros. Đến coi cho biết, chứ tôi chẳng mặn mà với môn đấu bò. Tôi đứng cạnh bức tường, cơ man là bò, nào là bò mộng, bò húc... Chụp một tấm hình, coi như xong nghĩa vụ. Biết đâu, khi đem tấm hình khoe bạn bè, sẽ có đứa buột miệng, ủa, sao có con sư tử đứng cạnh đàn bò vậy ta?
Cuối tuần, tôi mua vé trọn ngày đi ngoạn cảnh Madrid. Ngồi trong xe, cầm theo bản đồ, đến đâu phong cảnh hữu tình, xuống xe, thăm thú xong xuôi, chờ chuyến tiếp, leo lên. Museo del Prado là một trong những bảo tàng viện nghệ thuật lớn nhất và quan trọng nhất thế giới, với hơn ba triệu khách vào thăm mỗi năm. Đến bảo tàng viện Prado, tôi tấp vào, tính xếp hàng mua vé vào cửa. Rồi nghĩ, trời đẹp quá, hôm nay đi chơi ngoài trời. Hôm nào thời tiết không đẹp, sẽ mua vé vào xem. Dọc bên hông của bảo tàng viện có những lề đường thoai thoải. Du khách lẫn dân bản xứ đứng ngồi khắp nơi. Có nhạc công ngồi bên lề cỏ, đang chơi đàn tây ban cầm. Nắng chiều đã dịu. Hít thở không khí của Tây Ban Nha, lắng nghe tiếng đàn tây ban cầm, độc tấu tác phẩm Recuerdos de la Alhambra (Memories of the Alhambra). Tuyệt vời!
Trong vai du khách, tôi có dịp gặp gỡ nhiều tuýp người dọc đường. Thường là những trao đổi ngắn gọn mà lý thú. Nhưng cũng có khi gặp người tưng tửng. Cặp vợ chồng Đức khó chịu, vì tôi tình cờ đứng gần bức tượng, mà bà vợ muốn chụp hình. Thay vì nói tôi tránh ra. Bà vợ lầu bầu bằng tiếng Đức, “Cái con nhỏ Tàu này đứng đây làm choán chỗ”. Tôi định trả lời bằng tiếng Đức cho bả hết hồn chơi. Gần trạm Sevilla, thấy ở băng ghế có cặp đang ngồi, tôi hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha, cho tôi ngồi chung được không, ông bà vui vẻ trả lời “oui”. À ha, ông tây, bà đầm, sẵn dịp, tôi xổ vài câu tiếng Pháp. Thế là tôi vừa đổi đôi giày thể thao để lội bộ tiếp, vừa “đánh vần” hỏi chuyện. Ông bà đã du lịch ở Việt Nam, rất thích, có nhiều ấn tượng tốt. Đứng trước nhà hát lớn, tôi nhờ cặp tre trẻ chụp hình. Tán chuyện, đó là những người Ý tươi tắn, đầy sức sống. Cậu là ca sĩ tỉnh lẻ. Cô hãnh diện viết link có nhạc của cậu, rủ tôi nghe thử.
Xuống trạm Temple of Debod, tôi đứng ngó trái, ngó phải để định hướng. Tình cờ, (không biết có thật tình cờ chăng?) có cô du khách, dáng vẻ như người xứ Trung Đông đến hỏi đường đi. Tôi nói, tôi cũng là du khách mới đến. Cô đề nghị, “Vậy chúng mình cùng đi chung vào tìm hiểu”. Đền thờ Templo de Debod là đền thờ cổ Ai Cập, thờ thánh nữ Ai Cập Isis. Ngày xưa đền nằm dọc bờ sông Nil. Để đáp lại thiện chí của Tây Ban Nha trong chương trình gìn giữ bảo tồn đền Abu Simbel, chính phủ Ai Cập đã tặng đền Debod cho Tây Ban Nha vào năm 1968. Đền được tháo gỡ ra thành nhiều phần, được chuyên chở bằng tàu thủy đến Madrid vào năm 1970. Sau đó, được xây dựng phục chế ở một trong những khu đẹp nhất Madrid. Ngày nay, du khách có thể thưởng ngoạn một di tích của kiến trúc Ai Cập cổ ở thủ đô Tây Ban Nha. Cô du khách kể, cô là người Kuwait, khi dự định đến Madrid, cô nhất định phải đến xem cho bằng được đền thờ này. Tôi vui, bất ngờ có người đồng hành. Khi hai đứa lò mò đến cổng, mới biết, đã hết giờ mở cửa cho vào xem. Hơi thất vọng, hai đứa đi lòng vòng chung quanh khuôn viên đền. Sẵn dịp, tôi chụp hình cho cô, cô chụp hình cho tôi. Lúc đó, (lại) tình cờ, có một ông trung niên mặc bộ vét màu sáng đi ngang qua. Chúng tôi nhờ ông chụp cho tấm hình chung hai đứa. Bỗng nhiên, tôi nghe hai người nói với nhau bằng thứ tiếng khác. Tôi hỏi cô:
– Ông này là đồng hương của chị hả?
Cô nói:
– Không. Ông người Ả Rập. Nhưng tụi tôi nói cùng một thứ tiếng. Ổng ấy nói gần đây có giếng nước uống.
Đang khát nước, nghe vậy, tôi liền theo hai người đến giếng nước. Hứng đầy chai, uống ừng ực. Cô khách lại thông dịch:
– Ông này biết coi chỉ tay. Mình lại ghế công viên ngồi nghỉ chân đi.
Thế là ngồi đó, ông coi chỉ tay cho cô trước. Ông xì xà, xì xồ gì với cô ta. Tôi tò mò hỏi. Cô gục gặc:
– Ừ, ổng nói tôi là người đa đoan, lo ôm đồm nhiều việc, đang có vấn đề trong tình cảm.
– Chị thấy có đúng không?
Cô ta tin lắm:
– Trúng phóc hà. Em có muốn ổng coi chỉ tay không?
Tôi nghĩ vui vui. Kệ cứ đưa tay thử. Ổng coi bàn tay tôi, rồi rì rầm gì với cô Kuwait:
– Cô này may mắn lắm! Cổ mơ gì, được đó.
Nghe thông dịch như vậy, tôi mát mẻ trong ruột. Ông bảo cô ta nói tôi nhắm mắt, mở lòng thì ông mới “đọc” tiếp được. Tôi lật đật rụt tay lại:
– Thôi cám ơn ông. Ông coi cho như vậy là đủ rồi.
Tôi cáo từ, rảo bước về trạm xe. Cô Kuwait cũng đi cùng chuyến xe bus. Nhưng khi tôi xuống trạm Royal Palace, cô không xuống theo, mà vẫy tay bye bye. Về nhà tôi kể cho mấy chị em nghe. Em tôi phán:
– Ổng nói chị may mắn là quá đúng. Chị hên lắm, mới không bị trấn lột đó. Chớ mấy màn gạt gẫm trá hình qua bói toán, chỉ tay, đầy dẫy ở những thành phố du khách. Madrid đứng đầu bảng đó.
Lúc đó tôi mới giật mình. Hú hồn. Đến Plaza Mayor, ngắm những quầy hàng bán các loại y phục để nhảy flamenco. Một dọc những họa sĩ vẽ tranh cho khách. Thấy vui vui, tôi chậm chân ngắm một họa sĩ có dáng vẻ Á Châu, đang vẽ chân dung cho một phụ nữ Âu Châu. Không hiểu sao, tôi chắc chắn đó là người Việt. Ông chăm chú vẽ, ngước lên nhìn người, rồi lại cúi xuống với nét vẽ. Dù trời nóng, ông mặc áo sơ mi, quần tây nghiêm chỉnh, khác với các họa sĩ quanh đó, đa số trẻ hơn ông, mặc quần jeans, áo thun sặc sỡ. Người họa sĩ Việt giữa quảng trường Mayor sao lạc lõng, cô đơn lạ. Ông đang tập trung vào bức họa của ông, nhưng ánh mắt của ông như trĩu nặng u buồn, bất an. Nửa muốn đứng lại xem ông vẽ, đợi lúc thuận tiện chào ông một câu tiếng Việt. Nửa lại băn khoăn, e làm ông ta bối rối, khi gặp đồng hương trong một tình huống không mấy thuận tiện. Dợm chân bước đi, ông họa sĩ quầy bên cạnh lôi kéo ngay:
– Tôi vẽ cho cô một bức hí họa thật đặc biệt nhé.
– Thôi, tôi không còn nhiều thì giờ ông ạ.
Ông khoát tay:
– Nhanh lắm cô à. Tôi chỉ cần 15 phút thôi.
Tôi nhìn những tranh mẫu ông trưng bày. Trông rất vui, đa số là các ca sĩ, diễn viên, với những nét hí họa xuất sắc. Tôi xiêu lòng, ngồi xuống ghế đẩu ông chỉ. Ông vờn tay, vẽ nhanh. Ông vẽ mặt mũi, đầu tóc. Tôi nhìn, nghĩ, ông đang vẽ ai. Tôi lúc lắc đầu:
– Có giống gì tôi đâu?
Ông cười lỏn lẻn:
– Tôi sẽ cố gắng. Nhưng không sao. Tôi sẽ vẽ vóc dáng thiệt đẹp.
Ông quẹt quẹt nhanh nhiều nét. Trời đất, đây là thân hình của... Jennifer Lopez. Vòng một, vòng ba gấp đôi của tôi, còn vòng hai chỉ bằng phân nửa. Ổng hớn hở đưa tôi:
– Đẹp chưa! Xin cô cho 15 EUR.
Tôi trao tiền cho ông, phì cười:
– Ông ghi giùm tôi trên tranh, “Đây là Thúy”, để về nhà tui có bằng chứng nữa chứ.
Cũng vui vui. Tôi cuộn bức tranh, nhàn tản, lang thang quanh phố. Phố xá đông đúc, du khách tấp nập. Trời trong, nắng ấm. Trong không gian tươi sáng, ai nấy mở lòng, vui vẻ với nhau. Thích chụp hình ở đâu, cứ chọn chỗ, điệu rơi, điệu rụng, xìa máy hình cho người đứng gần, nhờ nháy là xong. Tôi lững thững dạo. Một cô bé người Á Châu chạy lại, nhờ tôi chụp hình. Cô kể nhanh, cô ở Mỹ, đón mẹ từ Hongkong qua đi chơi cùng. Tôi chụp nhiều hình cho hai mẹ con cô. Thật dễ thương, lúc ôm vai mẹ, choàng tay qua eo mẹ... Tôi bỗng nghe mũi mình nong nóng. Tôi thôi không bao giờ có diễm phúc như cô bé. Mạ tôi qua đời đã mấy năm, mà niềm thương nhớ khôn vơi.
Rời quảng trường Mayor, tôi thả bộ đến khu chợ nhà lồng Mercado de San Miguel. Đây là khu chợ sống động, nhộn nhịp nhất nằm ngay trung tâm của Madrid, rất được du khách ưa chuộng. Chợ được xây xong từ năm 1916. Chợ có nhiều quầy hàng bán những mặt hàng với phẩm chất thượng hạng, giới thiệu du khách văn hóa ẩm thực của Tây Ban Nha. Chợ nhà lồng, với kiến trúc thích hợp cho nhiều sinh hoạt. Từ buôn bán, đến trưng bày các mặt hàng, món ăn mới. Tôi liên tưởng đến khu ăn uống của các chợ Việt Nam, đầy đủ sơn hào hải vị. Đến hàng bán nước sinh tố, những trái dâu mọng đỏ, trái mận tím, đào lông vàng tươm... trông thật hấp dẫn. Chen giữa những trái cây màu sắc tươi mát, tôi thấy mấy lóng mía. Tôi mừng tí tởn. Mơ được, ước thấy. Xăng xái tiến đến quầy hàng, tay chỉ, miệng dõng dạc gọi một ly sugarcane juice. Thời gian ở Madrid tôi luôn tập nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng chuyện này quan trọng lắm. Phải tránh hiểu lầm, tôi nói tiếng Anh cho chắc ăn. Vả lại, tôi chưa học chữ mía trong tiếng Tây Ban Nha. Ông bán hàng cười lắc đầu, “Không có nước mía cô ạ. Cô muốn món trái cây nào trong tủ to tướng này, tôi cũng ép, xay, làm nước cho cô. Nhưng mía chỉ để trưng bày thôi.” Tôi tiu nghỉu, tà tà dọc theo các hàng bán thức ăn. Thấy quầy đồ biển, người ta bày sò móng tay trông ngon lành. Xào nấu hành tiêu ớt tỏi thơm phức. Tôi tính kéo ghế, nhậu chơi. Sực nhớ, nghêu sò ốc hến thuộc dạng hàn. Ăn vào dễ lạnh bụng. Tào Tháo rượt, chạy sút dép. Thôi, để sức còn đi chơi tiếp nữa. Tấp qua hàng bên cạnh, thấy món râu bạch tuộc lăn bột chiên. Ngó bộ, chân đi không rời. Tôi đặt mua một phần ăn. Thấy bảng giá ghi một phần (portion) là 8 EUR. Cô bán hàng trao cho tôi gói giấy be bé xinh xinh, trong có 5 khúc râu mực cỡ ngón tay... út của con nít. Chà, vầy thì phải làm bộ khảnh ăn để được tiếng thực như miêu. Ngon thiệt, mà ít quá. Hay tại ít, nên ngon.
Vậy đó, tự nhiên tôi có được cơ hội học thêm một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới. Có được dịp “cỡi ngựa, xem hoa” nơi thủ đô đất nước của nhạc flamenco, quê hương của những cây cọ Picasso, Goya, Dalí…, của những ngòi bút Cervantes, Hernández..., của những ngón đàn Tárrega, Sor, Segovia...
Đôi khi tôi làm “đày” với mình, gạt ngang những ước mơ có vẻ giả tưởng, bất chợt lởn vởn trong trí, “Hứ! Đừng mơ với mộng”. Nhưng ngoái nhìn lại con đường mình đã đi qua, hình như, hễ tôi chịu khó lì lợm mơ, chẳng chóng, thì chầy, tôi cũng được thỏa ước.
Vậy là thêm một giấc mơ thành hiện thực. Tôi nghiệm ra rằng, thỉnh thoảng cao hứng, mình cứ vẽ ra vài giấc mơ trong trí. Cứ tiếp tục ấp ủ, nâng niu giấc mơ. Rồi ra, sẽ có lúc mình reo lên rằng, “Ôi, đời đẹp như mơ!”
– Hoàng Quân