Mùa xuân Nhâm Tý, thành Hạc Hoa tưng bừng khai hội, thiên hạ dập dìu xe ngựa kéo về. Tiếng đồn hội hoa đã lừng danh, người ta bảo rằng ở đấy không thiếu bất cứ loại hoa nào trên thế gian này, thậm chí có những loài mà chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Năm nay họ lại kháo nhau có một loài hoa lạ, một loài hoa vừa mới xuất hiện đã làm cho vương tôn công tử, má đào thể nữ, hiệp khách hào hoa cho chí xuất trần đại sĩ cũng mê mẩn tâm thần. Ai ai cũng nói về loài hoa này nhưng thật tình chẳng có mấy ai đã từng tận mắt thấy, mặc dù vậy họ cứ xuýt xoa khen không tiếc lời, nào là cánh mỏng mượt mà như mẫu đơn, hương nhẹ nhàng phảng phất như phấn son khuê phòng, nhụy mong manh như yểu điệu như tơ… Người ta chỉ biết loài hoa ấy do chính tay công tử Đoan Thanh Tú trồng trên núi Chung Dương Xuân.
Thành Hạc Hoa xưa nay vốn là nơi kỳ sơn vĩ thủy, phong cảnh hữu tình, cư dân thuần lương hậu đức, nếp sống êm đềm, nhàn hạ nhưng không kém phần sung túc. Dường như ngày hội hoa đã phá vỡ khung cảnh thanh bình ở đây. Đường xá dập dìu xe ngựa của các đại gia, từng đoàn nam thanh nữ tú tha thướt áo quần trẩy hội, giới bình dân cũng tấp nập du xuân. Người nào cũng háo hức hy vọng sẽ tận mắt thấy được loài hoa lạ mà bấy lâu nay hằng ao ước. Không ít kẻ tỏ ý hoài nghi, thậm chí còn cả quyết đây là trò câu khách của giới kinh doanh phạn gia tửu điếm, mặc dù hoài nghi nhưng tánh hiếu kỳ vẫn thôi thúc bọn họ kéo về thành Hạc Hoa.
*
Phạn điếm Dương Xuân đầy ắp thực khách, thanh có trọc có, nhiều kẻ tỏ vẻ nhiều tiền lắm của, thái độ ngông nghênh chẳng coi ai ra gì. Đặc biệt có một nhóm thực khách khá thô lỗ, bọn họ có vẻ có tiền và có thế lực, bao hết những chỗ ngồi đẹp nhất để ngắm phố phường. Bọn họ ăn nhậu nhồm nhoàm liên tục nâng bát hò dô. Bọn họ cải trang như khách du nhưng nhiều người nhận ra tay Nguyễn Quan, một tổng đàn chủ xứ Bắc Môn, thoạt nhìn thì thấy y nho nhã nhưng qua giao tiếp thì mới biết y cũng chỉ là hạng thất phu, thô tháo, dưới trướng y có nhiều bọn nha trảo sài lang. Đặc biệt là tên Nguyễn Tòng, một tên võ biền hồ đồ, hung hăng nhưng kém mưu lược. Sở dĩ tổng đàn chủ dùng hắn cũng chính vì những đặc điểm của hắn ta, võ biền dễ sai xử và dễ thao túng hơn là dùng bọn nho sinh. Cả bọn ăn nhậu đã đời, cuộc rượu chừng như càng lúc càng cao hứng. Tổng đàn chủ nâng bát rượu:
– Mỗ nghe danh hương sắc huyết lạc hoa lâu nay nên sanh lòng ái mộ, vì vậy mà bỏ công đến Hạc Hoa thành. Mỗ sẽ mua cho bằng được với bất cứ giá nào.
Bọn đàn em reo hò hưởng ứng rần rật, tiếng chúc tụng, lời xu nịnh tâng bốc… dâng cao theo hơi men làm ồn ào cả phạn điếm, sau khi no say cả bọn lên đường kéo đến hoa viên. Bọn chúng khệnh khạng nghênh ngang giữa đường trêu chọc đàn bà con gái, tùy tiện bẻ cành hái hoa trong vườn, trông bọn chúng như một đám thổ phỉ, khách du tránh né dạt cả ra, tuy bất bình nhưng không ai dám nói gì. Mọi người sợ phiền lụy vào mình. Quan trấn thủ thành và những viên chức trông coi vườn hoa cũng bức bối lắm nhưng không dám ngăn cản chúng, đảo vài vòng trong vườn mà chẳng thấy huyết lạc hoa đâu cả, tổng đàn chủ khinh khỉnh:
– Hoa thế này mà bảo là hoa xuân à? Có gì đẹp đâu? Không bằng hoa dại trong vườn nhà ta! Chúng mày ba hoa khoác lác để gạt ông à? huyết lạc hoa đâu sao không mang ra cho ta thưởng lãm?
Quan trấn thủ thành bất bình nhưng cố giằn lòng nhẫn nại:
– Thưa tổng đàn chủ, huyết lạc hoa là có thật, hương sắc không loài hoa nào sánh được, chính mắt hạ quan đươc thấy, có điều du sĩ Đoan Thanh Tú nhất định không chịu đem hoa đến hội xuân.
– Thế hiện giờ huyết lạc hoa ở đâu?
– Trên núi Chung Dương Xuân
– Núi cách đây bao xa?
– Ngoài thành Hạc Hoa, chỉ cách mươi dặm đàng.
– Được rồi, mỗ sẽ lên núi Chung Dương Xuân, mỗ đã muốn thì phải được!
Nói xong tổng đàn chủ kéo lũ lâu la ra cửa thành dò đường để lên núi tìm hoa, bọn chúng đi rồi trả lại sự tươi mát bình yên vốn có của vườn xuân.
*
Chung Dương Xuân vốn không cao lắm, khí hậu ôn hòa, quanh năm cây cối xanh tươi, có đủ kỳ hoa dị thảo. Du sĩ Đoan Thanh Tú đến đây tu tiên đã mười mấy năm rồi, chàng vốn là người Hoa Diêu Châu, một học sinh xuất sắc, đọc nhiều kinh sách, giao du rộng rãi, trọng nghĩa khinh tài, đặc biệt có tánh yêu hoa đến độ thiên hạ kháo nhau:” Mộ hoa đệ nhất du tử”. Ngày chàng còn ở trong thành, thừa tự gia tài lớn của cha mẹ để lại, đem bao nhiêu tiền của để sửa soạn hoa viên, sưu tầm muôn hoa, phải nói ở đây là cả một cung trời hoa nơi hạ giới. Vườn hoa của chàng là đệ nhất hoa viên của thành Hạc Hoa này.
Đoan Thanh Tú khôi ngô tuấn tú, có thể nói là bảnh trai nhất vùng, bạn bè cùng trang lứa đều đã lập gia đình cả rồi, có người đã con cái đủ cả nếp tẻ, riêng chàng thì vẫn mãi sống độc thân phong lưu nhàn hạ. Nhiều nhà khá giả trong thành bắn tiếng gả con gái cho nhưng chàng chỉ cười trừ. Có những cô gái xinh đẹp mê chàng đến độ dạn dĩ tánh tỉnh nhưng chàng cũng làm ngơ cả. Thế rồi một năm kia có đoàn khách buôn từ phương xa ghé qua thành bán tơ. Bọn họ trú ngụ ở phạn điếm Lạc Hương, trong đoàn có một cô gái xinh đẹp kiêu kỳ cùng một gã nho sĩ rất tiêu sái. Tuy cùng đi trong đoàn lái buôn nhưng hai người xem ra chẳng có chút gì là dân buôn bán. Trong khi những người trong đoàn bận rộn bán tơ thì hai người này cứ tản bộ trong thành và hỏi thăm đường tìm đến vườn hoa của Đoan Thanh Tú. Hai người ngắm hoa một lát rồi tìm hỏi tông tích của công tử nay nơi đâu. Người quanh vùng cho biết là Đoan Thanh Tú đã lên Chung Dương Xuân tu tiên mười mấy năm rồi. Ngay lập tức hai người quay về phạn điếm lấy lương thảo và tìm đường lên núi. Trước khi đi hai người giao ước với nhóm khách buôn kia là sau một tuần lễ nếu không thấy quay về thì cứ đi trước. Hai người cứ thế thẳng đường lên Chung Dương Xuân, cảnh vật núi non đẹp lạ thường, không khí trong lành, lá thở chim ca làm cho họ quên cả mệt nhọc. Nỗi niềm ao ước được thấy huyết lạc hoa càng làm cho hai người thêm hứng khởi và tiếp sức cho động lực đi đường. Núi bốn bề bát ngát, nhìn lên mây trời lồng lộng, nhìn xuống thành Hạc Hoa như sa bàn trong lòng bàn tay biết đâu sơn cốc của du sĩ mà tìm, ấy vậy mà họ cứ đi. Thế rồi lòng ngay tâm trực cũng được phỉ nguyền. Cả hai gặp được công tử Đoan thanh Tú ngay bên bờ suối nhỏ trước của động Vân Thanh.
Vị nho sĩ cung tay thủ lễ:
– Tôi là khách phương xa, nghe đồn công tử học rộng tài cao, thông kinh quán sử nhưng không chịu thi cử, chỉ ở nhà uống rượu ngắm hoa, nay lên Chung Dương Xuân tu tiên?
– Xin đa tạ sự chiếu cố nho huynh, không dám nhận lời, có thể tại hạ được biết quý danh?
– Tôi cũng là nho sinh, người Vân Long Châu, vì sinh kế nên theo đoàn khách buôn đi từ nam chí bắc, hãy gọi tôi là Lý Khang. Còn đây là cô nương Hồng Hương, một nương tử xinh đẹp nết na nhưng nghĩa hiệp và khí khái.
Cả ba nhìn nhau, dù lần đầu diện kiến nhưng trong lòng dường như có mối hân hoan khởi lên, có lẽ như người đời thường nói:”Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đoạn Thanh Tú mời cả hai về sơn cốc đối ẩm. Ba người đàm đạo văn chương lưu loát, thi phú phong lưu, chữ nghĩa uyên áo, luận hoa tuyệt thế, Đã thế lại cùng bàn luận về nhân tình thế thái vô cùng hợp tâm hòa ý. Nậm Hoàng Hoa tửu cất mười mấy năm trước nay mới dụng đúng người, đúng thời, hơi men, khí văn làm cho cả ba người cởi mở tấc lòng. Lý Khang hỏi:
– Nghe nói công tử ở núi đã mười lăm năm và trồng được giống hoa lạ có phải chăng?
Đoan Thanh Tú cười mỉm, nhìn hai người một thoáng, dường như định lượng hay quán sát tâm của hai vị khách này, đoạn mới từ tốn:
– Quả thật đúng thế, núi Chung Dương Xuân có một loài hoa lạ, thiên hạ chưa ai biết đến, năm xưa có một vị đạo sĩ ghé thăm vườn hoa của đệ trong thành, ông ấy tì tì uống rượu mà khộng nói một lời, chỉ đến khi sắp từ giã ra đi thì lấy từ trong tay nải ra một cây con rất lạ và bảo:” Trước thì trồng nó trong vườn, sau này, khi mà cây đã cho hoa thì hãy đem lên núi chớ để ở lại thành”. Đệ vốn đã ngạc nhiên về hành vi của ông ấy, giờ lại thêm món quà và lời khuyên ấy càng thêm hồ nghi, tuy nhiên đệ vẫn ươm trồng ở vườn nhà. Đệ đã dùng hết sức chăm sóc, bao nhiêu tuyệt kỹ trong nghề đem ra mà cũng không làm sao cho cây hoa ấy phát triển, nó cứ èo uột dở sống dở chết. Đệ lại cất công lên núi quan sát tập tánh của những loài hoa nào có dáng loài tương tự và xem xét thổ nhưỡng… Khổ nỗi, không tìm ra một loại cây thứ hai nào giống nó, có lẽ nó là loài độc nhất. Trong lúc lang thang khắp núi, tình cờ phát hiện ở mé vực, nơi khoáng đãng nhất núi Chung Dương Xuân có một loài hoa lạ. Đệ sững sờ trước cái đẹp không sao tả nổi, đến như quốc hoa mẫu đơn còn kém xa. Cánh mỏng nuột nà như má phấn gái xuân thì, búp hoa như nắm tay gái xuân thì, nhụy hoa như râu rồng, đài hoa như bàn tọa tiên nữ…Tự nhiên hồ nghi có phải tiên hoa này với cây hoa mà lão du sĩ tặng là một loài? Lòng đệ mê mẩn muốn đưa cả cụm về nhà, tuy nhiên trong lòng lại giằng xé vì không muốn hại đến hoa. E rằng đem hoa về thì hoa sẽ lụi tàn vì nơi ấy không phải môi trường sống của hoa, chốn thành đô gò bó đầy hơi người, nơi ấy thiếu khoáng đãng khí trời thanh khiết, nước suối tịnh trong. Đệ đành quay về chứ nhất định không dám đem hoa về. Về đến nhà, nhìn cây hoa èo uột mà chợt nhớ đến chuyện thần chủ mẫu đơn năm xưa, lòng thầm nghĩ:” Thử một lần xem sao”. Đệ bèn trích máu đầu ngón tay nhỏ lên cây hoa, ba ngày sau ra thăm vườn thì thấy có một sự lạ, vài chồi non nhú ra, cành lá cây hoa bớt eo sèo ủ rũ. Đệ bèn trích máu lần nữa mớn cho cây, đúng ba ngày nữa thì cây hoa lạ tươi nhuận hẳn lên. Lần thứ ba sau khi trích máu cho cây hoa, thì cây ra nụ bụ bẫm trên cành, lòng đệ vui không sao tả được, không ngờ chuyện dưỡng hoa bằng huyết của thần chủ mẫu đơn năm xưa lại ứng vào hôm nay. Đệ chăm sóc hoa kỹ càng, không để cho bất cứ côn trùng sâu bọ nào có thể bén mảng đến cây hoa. Đến tuần thứ ba, vào một buổi sớm mai, khi những tia nắng đầu tiên chiếu vào vườn thì nụ hoa lạ kia cũng bắt đầu bung cánh, những cánh hoa như tơ trời, thướt tha lại phơn phớt màu hồng phấn, mùi hương thoang thoảng không giống bất cứ thứ hương nào có ở trên đời mà ta đã biết. Dáng hoa y hệt loài hoa đã thấy trên núi Chung Dương Xuân. Vườn hoa nhà đệ vốn đẹp có tiếng xưa nay, vậy mà giờ dường như lu mờ trước bông hoa mới lạ này. Đệ lấy ngón tay vân vê hoa mà như cảm nhận làn da mỹ nữ, khi ngón tay đưa vào trong nụ hoa thì lập tức những cánh hoa khép nhẹ, những nhụy hoa quấn hờ vào ngón tay đệ làm cho đệ cảm nhận như được mút bởi miệng người đẹp chứ không phải đóa hoa. Một làn sóng đê mê từ ngón tay lan tỏa khắp châu thân, thần trí sảng khoái, hưng phấn cao độ, Đệ bèn trích một giọt máu ở ngón tay nhỏ vào bông hoa, đêm ấy lạc vào trong giấc mộng thần tiên, trong cơn mơ hoa đạt thống khoái lạ thường mà cả đời chưa hề trải qua. Ngày hôm sau ra vườn, toàn bộ những đóa hoa trên cây đã biến thành màu đỏ tươi đẹp não nùng, cái đẹp thiên kiều bá mị cuốn hút hồn đệ, toàn bộ dáng cây hoa cứ như thế mỹ nữ hồ ly. Chữ nghĩa văn chương cả đời học được cũng không biết làm sao tả nổi vẻ đẹp của hoa, dĩ nhiên lạ đệ sướng khôn tả, tâm thần bay bổng như mây trắng trên đỉnh Dương Xuân kia, lòng dạ thơ thới hân hoan như nước nước lưng chừng núi, bao nhiêu lông tóc trên người như dựng cả dậy, thậm chí áo mũ đai cân cũng như phất phới theo làn sóng hưng phấn từ trong thân tâm.
Lúc bấy giờ cha mẹ đệ đã qua đời, đệ vốn có chí xuất trần từ lâu nên bán cả nhà cửa, sau đó lên núi Chung Dương Xuân để học đạo tu tiên. Đệ hiến hoa viên cho thành Hạc Hoa, chỉ mang theo duy nhất huyết lạc hoa. Sở dĩ đệ mang theo vì lòng yêu không thể rời, thứ nữa e rằng người sau sẽ không biết cách chăm hoa và với kiểu cách lạ thường như thế cũng ngại không tốt cho người trong thành. Lời lão du sĩ năm xưa căn vặn giờ đã thấy thành hiện thực. Hoa đẹp và thơm nhưng cái đẹp này ẩn chứa nhiều ma lực mê hoặc ẩn tàng, đệ tin rằng khi nó tăng dạng đột biến hóa thân dụ hoặc thì không biết người có kiềm chế được hay không, bởi thế nên đệ mang theo bên mình. Loài hoa lạ này nhân gian chưa từng biết đến thì lấy gì có tên, chính đệ đặt cho nó là huyết lạc hoa. Từ ngày về Chung Dương Xuân, huyết lạc hoa dường như thuận cơ thiện phát nên cây hoa tươi tốt lạ thường, những bông hoa to gấp bội, hương bay ngát cả không gian bao la của núi này. Mỗi khi cây trổ hoa, đệ vẫn trích máu tươi mớn cho hoa như ngày còn ở thành Hạc Hoa. Đệ ẩn thân trên núi, huyết lạc hoa cũng mai danh với cây cỏ. Chỉ một số ít người có cơ duyên được thấy huyết lạc hoa ở vườn nhà, kể từ khi đệ mang hoa về núi Chung Dương Xuân thì không còn ai có cơ hội thấy huyết lạc hoa nữa. Ấy thế mà không hiểu sao thiên hạ vẫn biết và tiếng đồn về huyết lạc hoa bay khắp thiên hạ. Nhiều người lên núi Chung Dương Xuân để tìm xem hoa, bọn họ làm huyên náo cả núi non nhưng đệ ẩn mình không gặp và không tiếp bất cứ ai. Duy một trường hợp cá biệt là quan trấn thủ thành Nguyễn Vĩnh Thanh thì đệ có gặp y một lần, y đã nhiều lần lên núi tìm đệ nhưng đệ tránh mặt, sau khi nghĩ lại vì y là người có thế lực nhưng có tâm tánh tốt. Y không phải hạng thô lậu, biết trọng nghĩa khinh tài, liên đới nhân luân, cầu thị mỹ thiện, dẫu y chưa đủ khí phách can trường để là hiệp khách nhưng sống trong chốn quan trường vẫn giữ được tâm trong sáng chứ chưa đến nỗi vấy đen, vả lại y cũng là người biết lo cho dân cư trong thành, vì thế đệ mới phá lệ để tiếp y.
Huynh và cô nương biết không, khi y được nhìn thấy huyết lạc hoa trông y buồn cười lắm. Y sững sờ đứng nhìn như trời trồng, vẻ mặt đực ra đầy thảng thốt lạc thần, cái khoảnh khắc phiêu hốt như khắc cốt ghi tâm, y như thể lạc khỏi trần gian. Y bảo không biết dùng lời nào để tả vẻ đẹp của hoa, y bảo trần gian không có hoa này. Huyết lạc hoa là hoa của vườn địa đàng. Y còn nói đời y chưa từng chứng kiến sự diễm lệ dụ hoặc nào như thế này cả, thậm chí y còn cả quyết:” Đời người một lần được thấy và ngửi hương huyết lạc hoa kể cũng đủ mãn nguyện, dẫu chết ngay lập tức cũng không có gì hối tiếc”.
*
Mùng bốn xuân nhâm tý, tổng quản Bắc Môn cùng tùy tùng bộ hạ lên Chung Dương Xuân, bọn chúng kéo đi tiền hô hậu ủng ầm ĩ suốt cung đường. Chung Dương Xuân bạt ngàn cây cỏ, vách đá bờ khe quanh quất, vực sâu hang thẳm lưng chừng chẳng biết lối nào mà lần. Bọn chúng cứ men theo lối mòn của dân sơn cước mà đi, chốc chốc cả bọn dừng lại ngó trước nhìn sau, lối chúng đi qua cây gãy cỏ rạp, chim chóc thú rừng cũng im hơi lặng tiếng. Bọn chúng đi từ lúc trời vừa tảng sáng cho đến tận lúc bóng xế mà vẫn chẳng tìm ra được sơn cốc của Đan Thanh Tú, dĩ nhiên càng không biết huyết lạc hoa ở chốn nào. Lúc mới lên núi, tổng quản Bắc Môn hùng hổ quyết phải chiếm đoạt cho bằng được huyết lạc hoa, thậm chí sẵn sàng giết người để cướp hoa, xưa nay quen thói ngông cuồng là vậy, nào ngờ giờ phải bẽ bàng xuống núi về tay không. Y tuyên bố:
– Huyết lạc hoa là trò lường gạt, làm gì có thứ hoa ấy trên đời này!
Dân chúng thành Hạc Hoa nhìn bọn chúng thiểu não cuốn cờ thất thểu quay về mà cười bảo nhau:
– Huyết lạc hoa đâu phải muốn là có!
– Tiểu Lục Thần Phong
(Ất Lăng thành, 06/22)