COLOMBIA – Theo kết quả sơ bộ, Gustavo Petro, một cựu phiến quân và là TNS kỷ cựu cam kết thay đổi hệ thống kinh tế của đất nước, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Colombia, đưa quốc gia lớn thứ ba ở Mỹ Latinh bước lên một con đường hoàn toàn mới, theo trang NYTimes đưa tin ngày Chủ Nhật, 19 tháng 6 năm 2022.
Với hơn 99.5% số phiếu bầu đã được kiểm, ông Petro, 62 tuổi, đã giành chiến thắng với 50.5% so với 47.3% của đối thủ Hernandez – chênh lệch hơn 700,000 phiếu.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Hernández đã phát biểu nhận thua cuộc trước những người ủng hộ ở Bucaramanga. Ông nói: “Người dân Colombia, hôm nay đa số mọi người đã chọn ứng cử viên khác. Như đã từng nói trong chiến dịch tranh cử, tôi chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử này.”
Theo số liệu chính thức, chỉ hơn 58% trong số 39 triệu cử tri Colombia đã bỏ phiếu.
Chiến thắng của ông Petro phản ánh sự bất bình rộng rãi ở Colombia, quốc gia có 50 triệu dân, khi nghèo đói và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng cùng với sự bất mãn vì thiếu cơ hội việc làm, hàng loạt các vấn đề đã khiến hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình vào năm ngoái.
Fernando Posada, một khoa học gia về chính trị Colombia, nói: “Cả đất nước đang khát khao được thay đổi, và điều đó hoàn toàn rõ ràng.”
Trong nhiều thập niên, chính phủ Colombia đã chiến đấu với một lực lượng nổi dậy cánh tả tàn bạo được gọi là Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (Revolutionary Armed Forces of Colombia – FARC), với sự kỳ thị từ cuộc xung đột khiến cánh tả khó phát triển một cách hợp pháp.
Nhưng FARC đã ký một thỏa thuận hòa bình với chính phủ vào năm 2016, buông tay để mở ra không gian cho một cuộc thảo luận chính trị rộng rãi hơn.
Ông Petro đã từng là một phần của một nhóm nổi dậy khác, được gọi là M-19, xuất ngũ vào năm 1990 và trở thành một đảng chính trị giúp viết lại hiến pháp của đất nước.
Ông Petro cho rằng hệ thống kinh tế Colombia đã bị phá vỡ, phụ thuộc quá nhiều vào xuất cảng dầu mỏ và kinh doanh cocaine bất hợp pháp, khiến cho người giàu càng giàu còn người nghèo thì càng nghèo hơn. Ông kêu gọi ngừng mọi hoạt động khai thác dầu mới, chuyển sang phát triển các ngành công nghiệp khác và mở rộng các chương trình xã hội, đồng thời áp thuế cao hơn đối với những người giàu có.
Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng của ông đã làm dấy lên những lo ngại. Một cựu bộ trưởng tài chánh đã gọi kế hoạch đó là “tự sát kinh tế.”
Ông Petro sẽ nhậm chức vào tháng 8 và sẽ phải đối mặt với các vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu việc làm và bạo lực gia tăng, đã khiến số lượng người Colombia chạy đến Hoa Kỳ tăng kỷ lục trong những tháng gần đây; tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở vùng Amazon thuộc Colombia, một vùng đệm quan trọng chống lại biến đổi khí hậu; và các mối đe dọa ngày càng tăng đối với nền dân chủ.
Ông Petro cũng có thể định hình lại mối quan hệ của Colombia với Hoa Kỳ. Trong nhiều thập niên, Colombia là đồng minh mạnh nhất của Washington ở Mỹ Latinh. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Petro hứa sẽ đánh giá lại mối quan hệ đó, bao gồm các vấn đề quan trọng về ma túy, Venezuela và thương mại.