HOA KỲ – Lạm phát đẩy mọi thứ chi phí lên cao, khiến mức giá chung tăng 8.6% trong năm qua và làm dấy lên lo ngại về những gì các nhà hoạch định chính sách của Washington đang làm để chống lạm phát, theo trang WashingtonPost đưa tin ngày Thứ Năm, 16 tháng 6 năm 2022.
Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED), ngân hàng trung ương của quốc gia, chịu trách nhiệm giữ cho giá cả ổn định và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Ngân hàng đã và đang tiến hành giải quyết đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong 4 thập niên. Nhưng nhiều người lo ngại rằng họ đã ra tay quá trễ.
Tuần này, khi thị trường bắt đầu căng thẳng và cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng cao, FED bị săm soi thậm chí còn dữ dội hơn. Vào ngày Thứ Tư, ngân hàng trung ương đã thông báo sẽ tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát.
Mục tiêu của ngân hàng là lạm phát sẽ ổn định theo thời gian mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhiều và khiến nhiều người bị mất việc làm. Nhưng các kịch bản u ám hơn có thể thành hiện thực, bao gồm một nền kinh tế được xác định bởi giá cả tăng cao và tăng trưởng bị kìm hãm. Ba năm sau đại dịch với hậu quả khủng hoảng kinh tế mà nó mang lại, FED đang ở một bước ngoặt quan trọng khác.
Việc FED tăng lãi suất sẽ có ý nghĩa gì đối với người tiêu dùng?
Việc nâng lãi suất quỹ liên bang, mà ngân hàng trung ương kiểm soát, khiến cho tiền vay trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó có tác động trực tiếp đến những thứ như hóa đơn thẻ tín dụng, khoản vay mua xe mới và thế chấp, mặc dù FED không tự đặt ra các mức lãi suất đó. Một số lãi suất đã và đang tăng, do bị thúc đẩy bởi lần tăng lãi suất gần đây nhất của FED và dự đoán rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng nữa.
Một loạt các thách thức kinh tế đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái. Nhưng các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách nhận thấy những tín hiệu trái ngược nhau: tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ vẫn ở mức cực kỳ thấp và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, điều này nhấn mạnh sức khỏe của nền kinh tế.
Nhưng lạm phát đã tồn tại lâu hơn - và với tỷ lệ cao hơn nhiều - so với những gì các quan chức Fed đã dự đoán ban đầu, siết chặt ngân sách của người tiêu dùng và doanh nghiệp và buộc phải hành động thêm.
Làm thế nào mà tăng lãi suất có thể kìm hãm lạm phát?
Bằng cách tăng lãi suất, FED sẽ không khuyến khích người tiêu dùng mua sắm quá nhiều và buộc mọi người phải giảm chi tiêu. Mục đích là để nhu cầu giảm theo thời gian, để giá cả giảm xuống và ổn định.
Quyền thiết lập lãi suất là một trong những công cụ chính của FED để điều hành nền kinh tế quốc gia. FED có thể hạ lãi suất, khiến cho tiền vay rẻ hơn, khuyến khích hoạt động kinh tế bằng cách thúc đẩy chi tiêu và đầu tư. Khi đại dịch lần đầu tiên đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng, các doanh nghiệp, văn phòng chính phủ và trường học đều phải đóng cửa, FED đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0, một chiến thuật mà nhiều ngân hàng trung ương cũng đã sử dụng sau cuộc khủng hoảng tài chánh vào giữa những năm 2000. Điều đó giúp người tiêu dùng ít tốn kém hơn khi vay tiền mua xe hoặc mua nhà, và việc tậu những thứ có giá trị lớn khác cũng dễ thực hiện hơn.
Nhưng kể từ khi “tránh vỏ dưa” cuộc suy thoái do COVID, nền kinh tế lại “gặp vỏ dừa” với những thách thức mới. Lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm. Giá xăng đã vượt qua 5 đô la/gallon. Và sự gián đoạn nguồn cung cấp vẫn còn ảnh hưởng đến các công ty và người tiêu dùng. Vì vậy, thay vì cắt giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng, FED đang cố gắng đảo ngược hướng đi và hạ nhiệt nền kinh tế.
Tăng lãi suất có gây ra suy thoái không?
Điều này là khả thể. Mục tiêu giảm lạm phát của FED đi kèm với một rủi ro lớn: đẩy lãi suất lên cao có thể làm chậm tăng trưởng quá nhiều và quá nhanh, có khả năng khiến đất nước rơi vào suy thoái.
Các ngân hàng trung ương đã thừa nhận rằng việc hạ giá cả xuống cần một sự cân bằng tinh tế. Cân bằng được lãi suất, giá cả và tăng trưởng ở mức vừa phải sẽ là một cú “hạ cánh nhẹ nhàng,” mục tiêu mà FED ấp ủ. Nhưng việc kìm hãm nền kinh tế tăng trưởng và kéo theo suy thoái nghiêm trọng có thể dẫn đến việc sa thải hàng loạt. Đó là một phần của những gì đã xảy ra trong quá khứ, lần gần nhất khi lạm phát cao như hiện nay là vào đầu những năm 1980, khi đó FED thắt chặt nguồn tiền cho vay để kiểm soát việc tăng giá - cuối cùng, lãi suất tăng lên gần 20% và tỷ lệ thất nghiệp đạt gần 11%. Lạm phát đã giảm xuống, nhưng cuộc suy thoái sau đó là tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái cho đến cuộc khủng hoảng tài chánh đầu thế kỷ này.
Làm thế nào mà sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc chiến ở Ukraine lại ảnh hưởng đến giá cả?
Dù rằng FED có một công cụ đòn bẩy có thể tạo ảnh hưởng để cân bằng trong việc thiết lập lãi suất, nhưng các yếu tố kinh tế quan trọng khác lại nằm ngoài tầm tay của FED. Tình trạng thiếu nguyên vật liệu, lao động và tắc nghẽn vận chuyển đã tạo ra sự gián đoạn nguồn cung ứng nghiêm trọng giữa các ngành công nghiệp. Đó là lý do chính khiến giá cả tăng quá nhanh: nhu cầu mua thì quá cao mà hàng hóa thì quá ít.
Và trong khi FED có thể cố gắng tác động đến nhu cầu bằng khiến cho tiền vay trở nên đắt đỏ hơn, các công ty vẫn đang cố gắng phục hồi sau những cú sốc về nguồn cung cấp do đại dịch gây ra. Họ cũng đang phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao, một phần do các lệnh trừng phạt đối với Nga vì xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ không làm cho giá khí đốt giảm ngay lập tức hoặc trực tiếp giải quyết các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn. Các nhà hoạch định chính sách còn phải tính đến các sự kiện địa lý chính trị như là chiến tranh. Những yếu tố này phần lớn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương.