
HOA KỲ – Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED) sẽ tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay, vào ngày thứ tư 15 tháng 6 năm 2022, trong nỗ lực chống lại lạm phát đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm. Câu hỏi lớn là FED sẽ nâng lãi suất lên bao nhiêu?
Trước khi có báo cáo giá tiêu dùng mới nhất vào ngày 10 tháng 6, hầu hết các chuyên gia theo dõi thị trường và kinh tế gia dự kiến FED sẽ tăng 0.5 điểm phần trăm. Nhưng hiện tại, nhiều người dự đoán mức tăng 0.75 điểm - đây sẽ là mức tăng lớn nhất trong gần 30 năm. Rủi ro là lãi suất quá cao sẽ có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nỗi sợ hãi đã được thể hiện qua sự lao dốc gần đây của chỉ số chứng khoán S&P 500, giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 1 năm 2022, biến nó thành một “thị trường gấu” (bear market, tiếng lóng chỉ thị trường bị sụt giá liên tục, còn gọi là thị trường xuống)
Tất cả điều này có ý nghĩa gì? Brian Blank, học giả tài chánh nghiên cứu cách các công ty thích ứng và đối phó với suy thoái kinh tế, giải thích những gì FED đang cố gắng làm, liệu họ có thể thành công hay không và nó có ý nghĩa như thế nào đối với quý vị? Bài phỏng dịch theo bài viết được đăng trên trang TheConversation.
1. FED đang làm gì và tại sao lại làm vậy?
Ủy Ban Thị Trường Mở Rộng (Federal Open Market Committee), cơ quan hoạch định chính sách của FED, hiện đang cân nhắc xem nên tăng lãi suất chuẩn lên bao nhiêu. Phần cược cho nền kinh tế Hoa Kỳ, người tiêu dùng và các công ty, doanh gia là rất cao.
Trong những tuần gần đây, Chủ tịch FED Jerome Powell đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0.5 điểm phần trăm lên phạm vi từ 1.25% đến 1.5%. Nhưng thị trường và các kinh tế gia Phố Wall hiện đang dự đoán mức tăng 0.75 điểm vì dữ liệu giá tiêu dùng tháng 5 cho thấy lạm phát vẫn ‘lì lợm’ bất ngờ. Một số chuyên gia phân tích Phố Wall thậm chí cho rằng FED có thể tăng 1 điểm phần trăm.
Kể từ khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng mới nhất được công bố vào ngày 10 tháng 6, khả năng tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn đã khiến thị trường tài chánh lao dốc 5%. Các nhà đầu tư lo ngại FED có thể làm chậm nền kinh tế quá nhiều trong cuộc chiến chống lạm phát. Đó là điều mà nếu không được kiểm soát cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho người tiêu dùng và các công ty. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy lạm phát là vấn đề lớn nhất mà người dân tin rằng Hoa Kỳ đang phải đối mặt hiện nay.
2. FED đang cố gắng đạt được điều gì?
Quỹ Dự Trữ Liên Bang có nhiệm vụ kép là tối đa hóa việc làm trong khi giữ giá cả ở mức ổn định.
Thường thì các chuyên gia hoạch định chính sách sẽ phải ưu tiên chọn cái này hay cái kia. Khi nền kinh tế suy yếu, lạm phát thường dịu đi và FED có thể tập trung vào việc giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích đầu tư và thúc đẩy việc làm. Khi nền kinh tế vững mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thường khá thấp và điều đó cho phép họ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát.
Để làm được điều này, FED đặt ra lãi suất ngắn hạn, từ đó giúp tác động đến lãi suất dài hạn. Thí dụ, khi FED nâng lãi suất mục tiêu ngắn hạn, điều đó làm tăng chi phí đi vay cho các ngân hàng, từ đó chuyển các chi phí cao hơn đó cho người tiêu dùng và doanh nghiệp dưới dạng lãi suất cao hơn đối với các khoản vay dài hạn để mua nhà và xe.
Hiện tại, nền kinh tế phát triển khá mạnh, tình trạng thất nghiệp thấp, và FED có thể sẽ tập trung chủ yếu vào việc giảm lạm phát. Vấn đề là, lạm phát đang quá cao, với tốc độ hàng năm là 8.6%, nên việc hạ nó xuống có thể đòi hỏi mức lãi suất cao nhất trong nhiều thập niên, điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế về cơ bản.
Và vì vậy, FED đang cố gắng thực hiện một cú hạ cánh mềm (soft landing).
3. Thế nào là ‘hạ cánh mềm’ và nó có khả thi không?
Hạ cánh mềm (soft landing) đề cập đến cách FED đang cố gắng giảm tốc độ lạm phát - để tăng trưởng kinh tế - mà không gây ra suy thoái.
Để ổn định giá cả trong khi không ảnh hưởng đến việc làm, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất nhanh chóng trong những tháng tới - và hiện nay, dự báo lãi suất sẽ cao hơn ít nhất 1 điểm phần trăm vào năm 2023. Họ đã nâng lãi suất chuẩn 2 lần trong năm nay, tổng cộng 0.75 điểm phần trăm.
Trong lịch sử, khi mà FED phải tăng lãi suất nhanh chóng, thì suy thoái kinh tế là điều khó tránh. Còn lần này, liệu họ có thể xoay sở để hạ cánh mềm không? Powell đã nhấn mạnh rằng các công cụ chính sách của họ đã có hiệu quả hơn kể từ cuộc chiến lạm phát cuối cùng vào những năm 1980, cho nên có khả năng họ sẽ đạt được mục tiêu. Nhiều kinh tế gia và các chuyên gia quan sát khác vẫn không dám nói chắc. Và một cuộc khảo sát gần đây lưu ý rằng có nhiều kinh tế gia đã dự đoán một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào năm tới.
Điều đó nói lên rằng, nền kinh tế vẫn còn tương đối mạnh và nguy cơ xảy ra suy thoái trong năm tới có lẽ là chuyện hên xui.
4. Liệu có cách nào để đoán FED sẽ làm gì tiếp theo không?
Mỗi lần Ủy Ban Thị Trường họp, họ sẽ tìm cách thông báo những gì dự định làm trong tương lai để giúp các thị trường tài chánh không bị bất ngờ với những gì sẽ xảy ra.
Một phần gợi ý tương lai mà Ủy Ban cung cấp là một loạt các dấu chấm, mỗi một điểm đại diện cho kỳ vọng của một thành viên cụ thể đối với lãi suất tại các thời điểm khác nhau. “Biểu đồ chấm” (dot plot) này trước đây đã chỉ ra rằng FED sẽ tăng lãi suất lên 2% trong năm nay và 3% trong thời gian sớm nhất.
Với tin tức lạm phát kể từ cuộc họp lần trước, các nhà đầu tư dự báo tốc độ tăng lãi suất nhanh hơndự đoán và tin rằng tỷ lệ mục tiêu sẽ lên đến hơn 3% vào năm 2023. Các mức lãi suất dài hạn, chẳng hạn như trái phiếu Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ và lãi suất thế chấp, đã phản ánh những thay đổi nhanh chóng này.
Và do đó, các nhà đầu tư và kinh tế gia sẽ theo dõi để xem biểu đồ ‘dot plot’ của Fed thay đổi như thế nào sau khi họ công bố quyết định về lãi suất vào ngày 15 tháng 6, sẽ xác định dự kiến sẽ tăng lãi suất nhanh như thế nào trong những tháng tới.
5. Điều này có ý nghĩa gì đối với người tiêu dùng và nền kinh tế?
Lãi suất thể hiện chi phí đi vay, vì vậy khi FED tăng lãi suất mục tiêu, tiền để vay trở nên đắt đỏ hơn.
Đầu tiên, các ngân hàng phải chi trả nhiều tiền hơn để vay tiền, nhưng sau đó họ cũng tính lãi suất cao hơn cho các cá nhân và công ty, đó là lý do tại sao lãi suất thế chấp tăng tương ứng. Đây là một lý do tại sao các khoản thanh toán thế chấp đã tăng rất nhanh vào năm 2022, ngay cả khi thị trường nhà ở và giá cả bắt đầu chậm lại.
Khi lãi suất cao hơn, sẽ có ít người có thể mua nhà hơn và ít công ty có đủ khả năng đầu tư mở nhà máy mới và thuê thêm công nhân. Do đó, lãi suất cao hơn có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, đồng thời kiềm chế lạm phát.
Và vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến người dân Hoa Kỳ. Lãi suất ở Hoa Kỳ cao hơn có thể gây ra tác động tương tự đến nền kinh tế toàn cầu, cho dù bằng cách tăng chi phí đi vay hoặc tăng giá trị của đồng đô la, làm cho việc mua hàng hóa của Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ hơn.
Nhưng ý nghĩa cuối cùng của nó đối với mọi người sẽ phụ thuộc vào việc tốc độ lạm phát liệu có chậm lại nhiều và nhanh như FED đã dự báo hay không.