Phật sự
Cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.
Ban chấp hành của chùa Bảo Quang gửi thiệp mời cho các đệ tử, mời Phật tử của chùa 2 ngày, thứ tư và thứ năm 8/6/2022 và 9/6/2022 để tham dự đám giỗ của thầy Thích Quảng Thanh. Ngày đầu thì tụng kinh niệm Phật và cầu siêu, ngày thứ hai là ngày làm đám giỗ.
Cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh qua đời trong mùa dịch cúm Covid-19 hoành hành, cho nên 2 năm rồi đám giỗ của thầy rất đơn sơ, không đông người đến tham dự như bây giờ. Năm nay chắc chắn sẽ đông người cầu siêu cho thầy.
Chùa Bảo Quang.
Chùa Bảo Quang từ xưa đến giờ đón khách thập phương đến từ khắp nơi, không phân biệt tôn giáo. Chúng tôi đến chùa trước 2 ngày. Hoa đủ loại rực rỡ ở chánh điện, hoa lan, hoa cúc, hoa ở bàn thờ Phật, hoa ở bàn thờ vọng, nơi nào cũng có hoa rực rỡ. Thuở sinh tiền Hòa Thượng dạy Phật tử cắm hoa, và trong chùa lúc nào cũng có hoa lan rực rỡ, ngoài vườn cũng đầy hoa. Hồ nhân tạo do hai bàn tay của thầy tạo nên, chiếc thuyền của người tị nạn đi tìm Tự Do, xung quanh là hoa sen bồng bềnh trên nước. Chùa Bảo Quang uy nghi rực rỡ với mái ngói đỏ, nóc chùa cong cong giống như những ngôi chùa đồ sộ ở Việt Nam ngày xưa. Thầy làm việc không ngừng nghỉ, xây chùa, cầu an cho Phật tử nằm trong bệnh viện, cầu siêu cho Phật tử vừa qua đời, giúp chùa ở Việt Nam, giúp những người nghèo ở Việt Nam. Một câu nói bất hủ của thầy giống như câu nói của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu:
-- Còn Cộng Sản là không về Việt Nam.
Thầy có lập trường chánh trị rõ ràng, tánh của thầy thẳng thắn, ai mà có lập trường không rõ ràng là thầy sửa ngay. Ngày lễ, ngày Tết, ngày Phật Đản, Vu Lan, là thầy cho treo cờ vàng ba sọc đỏ cùng với cờ Mỹ. Đi xa xa trên đường Newhope là thấy cờ bay trong gió.
Ngày mai là ngày bắt đầu đám giỗ của thầy, tôi lại đến chùa, vừa đến góc đường Harzard là đã thấy cờ Mỹ, cờ Việt Nam bay lồng lộng trong gió làm ấm lòng người tha hương. Tôi nhớ lần đầu tiên được chào cờ ở trung tâm Nguyễn Khoa Nam, thành phố Santa Ana, Orange County, miền Nam California, trung tâm trưởng là ông Đặng Giang Sơn, nhiều người hiện diện bật khóc, cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn ở đây, mà người Việt Nam lưu vong tị nạn khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người chết trên mặt biển trên đường vượt biên bằng thuyền và hàng ngàn người chết trong rừng sâu núi thẳm vượt biên bằng đường bộ.
Thầy Quảng Thanh làm nhiều việc một lúc: tụng kinh, cầu an, cầu siêu, trồng cây kiểng, in ấn nguyệt san Trúc Lâm, 26 năm cho cơm cho người không nhà. Khi thầy về với Phật thì tờ báo đi theo thầy và chương trình cho cơm cho người không nhà không còn nữa. Người ở xa cũng không đến chùa vì dịch cúm Covid-19 và Phật tử ở gần thỉnh thoảng đến chùa đốt cho thầy một nén hương như tỏ lòng tri ân với người quá cố đã làm việc hữu ích cho cộng đồng.
Thầy là thi sĩ, bút danh là Thanh Trí Cao, đã xuất bản nhiều sách và thơ của thầy đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, làm CD. Nhạc của thầy được hát trên radio trong những ngày lễ của Mẹ, của Cha, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, v.v. Những nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của thầy là Mộng Lan, Trọng Nghĩa, Hoàng Quang Quế, Võ Tá Hân, Lâm Hoàng Thạch, Thùy Linh, v.v. Thầy còn là một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia, nhận được nhiều giải thưởng.
NIỀM RIÊNG CẢM XÚC
(Bài thơ cuối của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh)
... Lung linh trăng đứng đỉnh đồi
Khúc ca huyền thoại tặng người ly hương
Thi nhân ánh mắt tinh tường
Niềm riêng cảm xúc yêu thương tràn đầy ...
Thanh Trí Cao (Tháng 6/2019)
Người đi để lại sự tiếc thương và kính mến cho người ở lại. Có nhiều Phật tử nói:
-- Vào chùa, thầy đi rồi, sao mà buồn quá!
Thầy làm việc cho đến khi ngã bệnh, thấy đến bác sĩ thường xuyên, có lẽ thầy biết trước thầy có bệnh nhưng thầy vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Có lẽ thầy biết trước thầy sẽ đi nhưng thầy vẫn làm việc. Khi vào chùa thấy một thầy đang tạc tượng của thầy, nhiều người lớn tuổi và có kinh nghiệm trong đời sống nói:
-- Thầy còn sinh tiền mà tạc tượng là điều không nên, ông bà mình nói tạc tượng người chết chứ không ai tạc tượng người sống.
Có lẽ đó là dấu hiệu không hên cho người còn sinh tiền.
Cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh dẫn đầu đoàn xe trong Lễ Hội Dâu Tây,
Garden Grove (25/5/2019)
Con người vốn mau quên, những bài thơ trữ tình, những bản nhạc lãng mạn, 100 năm vẫn còn yêu em, với xã hội mà thứ gì cũng nhanh, người vừa nằm xuống có người than khóc, nhưng một hai năm sau có ai còn nhớ người đã ra đi?
Cơm áo gạo tiền làm cho nhiều người chóng mặt, làm việc miệt mài nhiều khi không có thì giờ để ăn uống, khi đói quá mới biết hôm nay từ sáng đến chiều chưa ăn, nhưng rồi cũng xong, xong một ngày làm việc chuyên cần, mơ ước thì ngoài tầm tay. Tôi có một người quen khi vợ chết thì khóc thảm thiết, khóc hơn cha chết mẹ chết nhưng sau đó không lâu thì đã có bóng dáng giai nhân khác dọn vào nhà ở để có người an ủi, để nấu ăn.
Các vị lãnh đạo tinh thần vừa khuất bóng, đệ tử cầu nguyện nhiều lắm, nhưng một năm, hai năm sau thì sao?
Với thầy Quảng Thanh, đệ tử vẫn nhớ ơn thầy. Thầy đã làm nhiều việc cho gia đình Phật tử, từ trong trại tị nạn cho đến sang Hoa Kỳ.
Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn Cố Hòa Thượng
Thích Quảng Thanh về sự phát triển của Phật Giáo ở Hải Ngoại.
Mơ ước của thầy thành lập viện bảo tàng của người Việt Nam. Trong nhiều năm, thầy mua tranh, mua những tượng Phật, và nhiều di tích Phật sư, v.v. Nhưng mơ ước chưa thực hiện được thì thầy đã về với Phật.
Thầy trồng cây rất nhiều xung quanh chùa, một cây cổ thụ khi mua chùa đã có sẵn, có một ông Phật nằm dưới gốc cây, nhưng thầy vừa qua đời thì cây cổ thụ bị đốn, không còn cành cây nào. Những tiếng chim hót líu lo không còn nữa, vì không có nơi để chim đậu, để nhảy nhót từ cành cây này sang cành cây kia. Chẳng lẽ vị trụ trì về với Phật thì cây cỏ cũng đi theo? Nhiều người về chùa bùi ngùi cảm động khi thấy sự mất mát quá lớn, người đã đi cây cỏ cũng đi theo.
Năm nay đám giỗ của thầy vào ngày 9/6/2022, chúng tôi xin kính cẩn lạy Phật, xin Phật đưa thầy về Cõi Niết Bàn.
– Kiều Mỹ Duyên
(Orange County, 7/6/2022)