Các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cho 33 vụ án lớn, bao gồm các tranh chấp về phá thai, tôn giáo và súng đạn. Dự kiến các vị thẩm phán sẽ kết thúc công việc vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay, có nghĩa là trong những tuần tới, Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa ra một loạt ý kiến có khả năng định hình lại cuộc sống của người dân Hoa Kỳ một cách đáng kể.
Trang The Hill đã tóm tắt 5 vụ tranh chấp sẽ được đưa ra xét xử trước kỳ nghỉ mùa hè:
1. Phá thai
Bản dự thảo ý kiến bị rò rỉ vào tháng trước tiết lộ rằng các thẩm phán đã sẵn sàng lật ngược án lệ Roe v. Wade. Vụ này thu hút tất cả sự chú ý tập trung vào quyền phá thai.
Câu hỏi hiện nay là liệu ý kiến dự thảo đó có trở thành luật hay không, hay liệu các vị bảo thủ của Pháp viện đã thay đổi ý kiến bởi thấy được những hậu quả sau đó?
Bản ý kiến bị rò rỉ, được viết bởi Thẩm phán Samuel Alito vào tháng 2 năm 2022, sẽ loại bỏ quyền được phá thai cho tới thời điểm thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung (khả năng sống sót của thai nhi), thường là ở tuần 24 của thai kỳ (có nghĩa là tại thời điểm này của thai kỳ, em bé vẫn có khả năng sống sót nếu bị sinh non). Việc loại bỏ quyền liên bang gần 50 năm tuổi này sẽ cho phép các tiểu bang tự lựa chọn cách điều chỉnh lại thủ tục, khi đó, các bang màu xanh dễ dàng chấp nhận phá thai, còn các bang màu đỏ sẽ hạn chế phá thai khắt khe, và cũng có những bang khác ở giữa.
Vụ kiện trước Tối Cao Pháp Viện kỳ này là vụ Dobbs v. Jackson Women’s Health (tổ chức sức khỏe phụ nữ Jackson), liên quan đến lệnh cấm phá thai 15 tuần của Mississippi. Sự việc là một kháng cáo cho Gestational Age Act (Đạo luật Tuổi thai) của Mississippi, một luật ra đời năm 2018 nghiêm cấm bác sĩ thực hiện các biện pháp phá thai lên thai trên 15 tuần tuổi, trừ khi đó là trường hợp cấp cứu khẩn cấp hoặc thai nhi bị dị tật. Cơ sở được cấp phép thực hiện các biện pháp phá thai duy nhất của bang là Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson đã đâm đơn khởi kiện để đạo luật bị bãi bỏ. Một toà án quận cùng một toà phúc thẩm liên bang đã xác nhận tính bất hợp hiến của đạo luật trên, dẫn đến việc bang Mississippi khiếu nại lên Tối cao Pháp viện.
Chánh án John Roberts được cho là đã tìm cách duy trì lệnh cấm phá thai ở Mississippi nhưng với lý do hẹp hơn để án lệ Roe không bị lật lại, không giống như cách tiếp cận của Alito.
Robert Tsai, giáo sư luật tại Trường Boston, cho biết: “Mọi người cần nhớ rằng những vị thẩm phán sẵn sàng lật ngược lại phán quyết của vụ Roe v. Wade đã được nuôi dưỡng với những lời dạy rằng Roe luôn là bất hợp pháp. Đối với hầu hết bọn họ, vấn đề chỉ là khi nào, chứ không phải có hay không, bỏ phiếu chống lại quyền phá thai.”
2. Súng đạn
Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ sớm đưa ra ý kiến quan trọng đầu tiên về quyền sử dụng súng trong hơn một thập niên, một phán quyết sẽ được đưa ra sau hai vụ xả súng hàng loạt đặc biệt tàn khốc gần đây đã “châm dầu vào lửa” cho cuộc tranh luận về Tu Chính Án Số Hai và vấn đề an toàn công cộng.
Các chuyên gia cho rằng Pháp viện đa số bảo thủ có khả năng sẽ ra phán quyết ủng hộ thách thức những hạn chế mang súng giấu kín ở New York.
Vụ kiện New York State Rifle & Pistol Association Inc. v. Bruen, liên quan đến một đạo luật yêu cầu phải nộp đơn để xin giấy phép và chứng minh lý do chính đáng để được mang súng giấu kín trong người. New York nằm trong số tám tiểu bang và Đặc khu Columbia có luật đó.
Robert Nash và Brendan Koch, hai cư dân và “New York State Rifle & Pistol Association” đệ đơn kiện tiểu bang. Robert Nash đã bị khước từ giấy phép sau khi đã dẫn chứng hàng tá những vụ trộm cướp trong khu xóm của ông và ông đã tham dự một lớp huấn luyện sử dụng vũ khí để phòng thân. Brendan Koch cũng đã nộp đơn xin một giấy phép với những lý do tương tự và nhấn mạnh rằng ông đã có nhiều kinh nghiệm về sử dụng vũ khi một cách an toàn.
Nhiều người theo dõi tin rằng đa số thẩm phán sẽ bỏ phiếu để hủy bỏ luật của New York, nhưng không rõ Tối cao Pháp viện có thể ra phán quyết trên phạm vi rộng như thế nào. Vụ này có thể sẽ bổ sung cho phán quyết năm 2008 của tòa án Quận Columbia trong vụ Heller, công nhận quyền giữ súng trong nhà của một cá nhân.
3. Tôn giáo
Tối Cao Pháp Viện vẫn chưa đưa ra quyết định trong hai vụ liên quan đến tôn giáo.
Một trường hợp liên quan đến một huấn luyện viên bóng đá trường trung học bị khiển trách vì tổ chức các buổi cầu nguyện sau trận đấu trên sân bóng đá. Huấn luyện viên Joseph Kennedy đã kiện khu học chánh trong khu vực Seattle sau khi bị họ cho nghỉ việc có lương với cáo buộc khuyến khích học sinh tham gia cầu nguyện, điều này vi phạm chính sách của trường. Các chuyên gia cho biết kết quả của vụ việc có thể phụ thuộc vào tập hợp các tình tiết chứng minh thuyết phục nhất.
Cuộc xung đột về quyền tôn giáo lớn thứ hai liên quan đến một thách thức đối với cái gọi là loại trừ giáo phái của tiểu bang Maine, chính sách quy định các trường K-12 có chương trình giảng dạy về tôn giáo sẽ không đủ điều kiện để được hỗ trợ học phí từ nguồn thuế truy thu.
Luật Maine cho trẻ em trong độ tuổi đi học có quyền được học tập miễn phí. Nhưng vì nhiều quận nông thôn thiếu trường trung học công lập, một giải pháp đã được đưa ra để cho phép các học sinh theo học các trường tư thục đủ tiêu chuẩn gần đó với sự hỗ trợ của chính quyền. Tuy nhiên, theo luật Maine, các trường dạy về tôn giáo sẽ không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Điều này đã thúc đẩy vụ kiện Carson v. Makin, được đưa ra bởi các phụ huynh ở Maine, những người cho rằng việc loại trừ như vậy dựa trên tôn giáo vi phạm quyền tôn giáo hiến pháp theo Tu Chính Án Số Một.
4. Di dân
Các thẩm phán sẽ sớm đưa ra quyết định về nỗ lực của chính quyền Biden để phá vỡ chính sách di dân thời Trump, buộc những người xin tị nạn ở biên giới phía nam phải ở lại Mexico trong khi chờ đợi được giải quyết.
Chính sách “Ở lại Mexico” (Remain in Mexico) của Trump, được thực hiện vào năm 2019, vẫn có hiệu lực bất chấp kết luận của Bộ Nội An thời Biden rằng nó không vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Hai nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hủy bỏ chương trình đã bị các tòa án cấp dưới ngăn cản, dẫn đến vụ kiện Biden v. Texas.
Trước nhiệm kỳ tổng thống của Trump, các chính quyền thường cho phép dân tị nạn vượt biên và xin tị nạn ở trong Hoa Kỳ. Nhưng dưới thời Trump, hơn 70,000 người xin tị nạn đã bị trả lại Mexico.
5. Môi trường
Một vụ kiện lớn khác đang chờ giải quyết là về quyền lực của chính phủ liên bang trong việc điều chỉnh tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Vấn đề trong vụ việc là thẩm quyền của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) trong việc giải quyết ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện.
Câu hỏi chính trong vụ West Virginia v. EPA, là liệu phạm vi tiếp cận của cơ quan có mở rộng ra ngoài giới hạn của các địa điểm nhà máy để bao gồm các khía cạnh rộng lớn hơn của ngành năng lượng Hoa Kỳ như một phần của nỗ lực giải quyết ô nhiễm không khí hay không.
EPA bắt đầu tăng cường quyền lực của mình dưới thời Tổng thống Obama bằng cách thúc giục các công ty năng lượng xem xét cái gọi là các biện pháp “bên ngoài hàng rào” (outside-the-fence) để giảm lượng khí thải. Chúng bao gồm việc chuyển từ các nguồn năng lượng phát thải cao như than đá sang các nguồn phát thải thấp hơn bao gồm khí đốt tự nhiên, hoặc thậm chí các nguồn năng lượng tái tạo mà không tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Trump đã tìm cách bãi bỏ chính sách của người tiền nhiệm, nhưng các phương pháp tiếp cận cạnh tranh đã trở nên sa lầy vào những thách thức pháp lý phức tạp về mặt thủ tục tại các tòa án liên bang cấp dưới trước khi được đưa tới các thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện.