
Bộ Giáo Dục sẽ gửi thư thông báo cho các sinh viên từng vay nợ để học tại Corinthian, và việc xóa nợ thực sự sẽ diễn ra trong những tháng sau đó. (Nguồn: pixabay.com)
HOA KỲ – Chính quyền Biden có kế hoạch xóa tất cả các khoản nợ cho sinh viên liên bang từng học ở các trường thuộc chuỗi trường Corinthian Colleges đã vay, tương đương 5.8 tỷ đô la của 560,000 sinh viên, theo TheHill đưa tin ngày Thứ Tư, 1 tháng 6 năm 2022.
Corinthian Colleges là một trong những chuỗi trường cao đẳng ở Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1995 và đóng cửa vào năm 2015.
Việc xóa nợ sẽ tự động, có nghĩa là các sinh viên từng học ở Corinthian sẽ không phải nộp đơn xin xóa nợ. Bộ Giáo Dục sẽ loại bỏ bất kỳ số dư còn lại nào đối với các khoản nợ tiền học của những sinh viên đã theo học bất kỳ khuôn viên hoặc chương trình trực tuyến nào của Corinthian trong suốt 20 năm tồn tại của chuỗi trường này. Việc xóa nợ sẽ không ảnh hưởng đến những người đi vay đã hoàn trả đầy đủ các khoản vay của họ.
Một viên chức cho biết: “Chúng tôi đã đạt được quyết định rằng mọi người đi vay để học tại Corinthian đều đã phải đối mặt với hành vi bất hợp pháp tại Corinthian và vì như vậy, có nhiều cơ quan pháp lý sẵn sàng cho chúng tôi giải quyết các khoản vay đó.”
Corinthian Colleges đã phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra và vụ kiện vì lừa đảo hàng triệu sinh viên trong các khoản vay được liên bang hỗ trợ.
Corinthian đã trở thành một trong những ví dụ nổi bật nhất về hành vi xấu trong ngành công nghiệp đại học vì lợi nhuận. Được thành lập vào năm 1995, công ty đã mua lại một chuỗi các trường học trên cả nước và lúc cao điểm đã tuyển sinh 110,000 sinh viên tại hơn 100 cơ sở.
Nhưng các cáo buộc về các chiến thuật tuyển sinh bất hợp pháp, các chương trình giáo dục kém chất lượng và những lời hứa hẹn dối trá với sinh viên về triển vọng nghề nghiệp và thu nhập tiềm năng trong tương lai phủ bóng công ty trong nhiều năm, dẫn đến một loạt các cuộc điều tra và kiện tụng của các cơ quan ở tiểu bang và liên bang.
Khi Phó Tổng thống Kamala Harris là Bộ Trưởng Tư Pháp của California, bà kiện chuỗi trường này vào năm 2013 về cái mà bà gọi là “một kế hoạch vô lương tâm được dựng lên để kiếm lợi nhuận” bằng cách nhắm mục tiêu vào những nhóm người dễ bị tổn thương như người lao động có thu nhập thấp, cha mẹ đơn thân và cựu quân nhân.
Khi tuyển sinh giảm xuống, Corinthian đóng cửa các cơ sở và nộp đơn phá sản, bỏ rơi hàng chục nghìn sinh viên đang theo đuổi các bằng cấp và chứng chỉ, khiến hàng nghìn sinh viên mắc nợ với những tấm bằng vô giá trị. Cuộc khủng hoảng đó đã dẫn đến một phản ứng dữ dội từ cơ sở. Một nhóm sinh viên tự gọi là Cô-rinh-tô 15 bắt đầu đình công nợ và từ chối trả các khoản vay sinh viên liên bang của họ.
Những người ủng hộ như TNS Elizabeth Warren (D-Mass.) đã kêu gọi Bộ Giáo Dục cứu trợ cho những cựu sinh viên phải đối mặt với một số hình thức đòi nợ.
Thông báo hủy bỏ nợ cho các cựu sinh viên Corinthian là đợt xóa nợ sinh viên thứ hai từ Sở Giáo Dục của chính quyền Biden. Vào tháng 4 năm 2022, họ đã phê duyệt xóa khoản vay trị giá 238 triệu đô la cho các cựu sinh viên Trường Thẩm mỹ Marinello. Kể từ tháng 1 năm 2021 cho đến nay, tổng số tiền xóa nợ mà chính quyền Biden-Harris cấp đã tăng lên 25 tỷ đô la.
Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona cho biết: “Đã quá lâu, Corinthian đã tham gia bóc lột tài chính của sinh viên, khiến họ mắc nợ ngày càng nhiều để chi trả cho những lời hứa mà trường sẽ chẳng bao giờ giữ.”
Tổng thống Biden phải đối mặt với áp lực căng thẳng từ những sinh viên đã vay tiền học và các nhà lập pháp cấp tiến, đòi phải thực hiện hành động hành pháp để hủy bỏ trên diện rộng các khoản nợ cho sinh viên vay của liên bang. Biden đã từng hứa trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ hủy bỏ 10,000 đô la cho các khoản vay của “mọi người trong thế hệ này.” Vào tháng 4, Biden cho biết ông đã “xem xét giải quyết một số khoản giảm nợ.”
Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch xóa nợ 10,000 đô la cho sinh viên, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese cho biết tổng thống Biden “chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về chính sách đó.”