RICHMOND – Nga có những tin tặc (hacker) giỏi nhất thế giới, nhưng trong những ngày đầu của cuộc chiến ở Ukraine, khả năng gây hỗn loạn bằng malware không gây nhiều chú ý. Thay vào đó, chính Ukraine đã sắp xếp các hacker tình nguyện trên toàn cầu cùng tham gia trong một nỗ lực tập thể chưa từng có, nhằm khiến Kremlin phải trả giá khi gây chiến, theo trang APnews đưa tin ngày Thứ Hai, 28 tháng 2 năm 2022.
Mặt trận không gian mạng là nơi ai cũng có thể tham gia. Các chuyên gia cảnh báo rủi ro đang leo thang trong thời điểm vốn đã đầy rẫy nguy hiểm bất thường sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lệnh cho lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động.
Cho đến nay, mạng Internet ở Ukraine hầu hết đều hoạt động tốt, tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn có thể sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để kêu gọi thế giới ủng hộ mình.
Các nhà máy điện cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở Ukraine vẫn có thể hoạt động bình thường. Không có cuộc tấn công mạng tàn khốc nào, vốn được cho là sẽ xảy ra song song với cuộc xâm lược quân sự quy mô lớn của Nga.
Michael Daniel, cựu Cố vấn an ninh mạng của Tòa Bạch Ốc cho biết: “Nó đã không có vai trò lớn như một số người vẫn tưởng. Tất nhiên, tình hình vẫn có thể thay đổi.”
Không rõ tại sao Nga không tung đòn tấn công mạng mạnh mẽ hơn. Có thể Nga đã xác định rằng tác động tạo ra sẽ không đủ nghiêm trọng - kỹ thuật điện tử công nghiệp của Ukraine không bằng các quốc gia phương Tây. Hoặc cũng có thể Nga đã xác định rằng tổn hại nghiêm trọng cho Ukraine cũng sẽ đi cùng những rủi ro khác bên ngoài biên giới.
Nhiều chuyên gia an ninh mạng tin rằng ít nhất là hiện tại, Kremlin sẽ để yên cho mạng thông tin liên lạc của Ukraine vì họ vẫn đang cần thông tin tình báo. Dù lý do là gì, trong những ngày đầu của cuộc xung đột, các cuộc tấn công mạng xảy ra ở mức độ thấp hơn dự đoán, bởi cả những hacker tự do và các tổ chức nhà nước.
Một nhóm tình nguyện tự xưng là Đội quân IT của Ukraine, có hơn 230,000 người theo dõi trên kênh Telegram và liên tục liệt kê các mục tiêu tấn công, như các ngân hàng và sàn giao dịch đồng tiền điện tử của Nga.
Hôm Thứ Hai, 28 tháng 2 năm 2022, Cơ quan bảo mật SBU của Ukraine đã chính thức tuyển dụng các hacker tình nguyện làm đồng minh. Họ đăng thông báo trên kênh Telegram của mình: “CYBER FRONT MỞ CỬA! Hãy cùng giúp các chuyên gia mạng Ukraine tấn công nền tảng của kẻ xâm lược!” Kêu gọi mọi người chia sẻ các mẹo về các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ không gian mạng của Nga, bao gồm các lỗi phần mềm và thông tin hội nhập.
Nhóm hacker Belarus Cyber Partisans tuyên bố đã làm gián đoạn một số tuyến đường sắt ở Belarus, nước láng giềng phía bắc của Ukraine, một số mũi nhọn của quân Nga đã triển khai tấn công từ đây.
Sergey Voitekhovich, một cựu công nhân đường sắt Belarus, người điều hành nhóm trên Telegram, cho biết rằng vụ phá hoại của Cyber Partisans đã làm tê liệt giao thông tàu hỏa ở Belarus trong 90 phút. Ông cho biết cho tới tối thứ Hai, 28 tháng 2 năm 2022, quầy bán vé điện tử vẫn không thể hoạt động.
Vụ tấn công Cyber Partisans nhằm mục đích làm gián đoạn quân Nga di chuyển ở Belarus và là hành động thứ hai tương tự trong vòng hơn một tháng qua. Tuy nhiên, Voitekhovich cho biết cảnh sát đã buộc ông phải rời Belarus.
Gần đây, những tên tội phạm ransomware theo phe Nga từ băng đảng Conti đã cam kết trên trang web đen của nhóm là sẽ “sử dụng tất cả các nguồn lực có thể để tấn công lại các cơ sở hạ tầng quan trọng của kẻ thù” nếu Nga bị tấn công. Ngay sau đó, đoạn trò chuyện nhạy cảm của họ đã bị rò rỉ trên mạng. Các đảng phái của cả hai bên tuyên bố các cuộc tấn công mạng sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn, và các chuyên gia cảnh báo tình hình có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào các mục tiêu dân sự sẽ “làm dấy lên những lo ngại về việc vi phạm Công ước Genève.” Ông Smith lưu ý rằng các cuộc tấn công mạng - như một loạt các cuộc tấn công vào giữa tháng 1 năm 2022 - “đã được nhắm mục tiêu chính xác và không có dấu hiệu sử dụng malware bừa bãi để gây thiệt hại cho cả nền kinh tế Ukraine và rộng hơn, như trong vụ NotPetya năm 2017,” đề cập tới vụ malware lây nhiễm qua bản cập nhật phần mềm khai thuế của các công ty kinh doanh ở Ukraine, đã “quét bay” 10 tỷ đô la trên toàn cầu.
Phương Tây đổ lỗi cho cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga về vụ NotPetya cũng như một số cuộc tấn công mạng gây thiệt hại lớn nhất khác đã được ghi nhận, bao gồm một cuộc tấn công đánh sập một phần lưới điện của Ukraine trong thời gian ngắn vào năm 2015 và 2016.
Đó là chuyện quá khứ, nhưng hiện tại chưa có bất kỳ vụ nào lớn trong cuộc xung đột. Dù vậy, các quan chức cho rằng sẽ có. Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mark Warner cho biết: “Tôi cũng ngạc nhiên ... Nga mà lại không chơi đòn tấn công mạng mạnh tay với Ukraine. Tôi có nghĩ Nga sẽ ra đòn tấn công mạng không hả? Chắc chắn là sẽ phải có thôi.”