HOA KỲ – Việc Nga xâm lược Ukraine khiến cho khả năng đáng sợ về việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát Đài Loan càng thực tế hơn, nội dung bài bên dưới phỏng dịch theo phân tích của tác giả Michael Schuman, trang TheAtlantic đưa tin ngày Thứ Năm, 24 tháng 2 năm 2022.
Khi xe tăng Nga lăn bánh trên lãnh thổ Ukraine, vụ việc đã vang dội khắp thế giới, và có lẽ nơi đang cảm thấy nguy cơ nhất là Đài Loan. Lời tái tuyên bố của Bắc Kinh về việc giành lại chủ quyền ở Đài Loan bằng ‘mọi giá’ đã làm cho nỗi lo sợ về chiến tranh dần trở nên thật hơn. Bởi vì cuộc chiến ở Ukraine là dấu hiệu cho thấy hướng đi đáng sợ của địa lý chính trị toàn cầu: những kẻ chuyên quyền đang trở lại.
Với sự tan rã của Liên Xô năm 1991, có vẻ như cuộc đấu tranh trường kỳ của Hoa Kỳ chống lại các mối đe dọa độc tài toàn cầu đã giành được thắng lợi.
Ở khắp mọi nơi, các nhà độc tài đều lẩn trốn, như Indonesia, Myanmar, Brazil, Hàn Quốc, Philippines, Chile, và thậm chí cả Nga. Có vẻ như toàn cầu hóa đang phát huy tác dụng kỳ diệu của nó, truyền bá những lý tưởng kinh tế và chính trị tự do, sự thịnh vượng, và niềm hy vọng chấm dứt cuộc đối đầu giữa các cường quốc, thế giới cùng chung sống hòa bình.
Cuộc chiến Ukraine mới đây đã cho thấy luồng suy nghĩ đó sai lầm như thế nào. Những gì Hoa Kỳ và các đồng minh đạt được trong những năm 1990 hóa ra không phải là chiến thắng cuối cùng, mà chỉ là khoảng ‘tạm nghỉ giữa giờ.’
Trong nhiều năm, sự đồng thuận về dân chủ tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu đã bị xói mòn: nền dân chủ phi tự do của Viktor Orbán ở Hungary, sự cắt xén tự do của Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc sự công kích của Narendra Modi đối với các truyền thống của Ấn Độ. Ở Myanmar, các tướng lĩnh đã giành lại quyền kiểm soát; Jair Bolsonaro tán thành luận điệu chống dân chủ ở Brazil; và Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống ma túy bạo lực và vô luật pháp ở Philippines.
Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Putin đánh dấu một giai đoạn mới, báo trước một kỷ nguyên mới — một trong những hành động xâm lược độc tài. Nhưng trên thực tế, không có quốc gia nào là mối đe dọa lớn đối với trật tự thế giới tự do như Trung Quốc.
Ở nhiều khía cạnh, Nga là một cường quốc đang suy yếu, thiếu động lực kinh tế để duy trì sức mạnh chính trị của mình. Cuộc tấn công vào Ukraine có thể khiến Putin đạt được điều mình muốn trong khi vẫn còn khả năng.
Với Trung Quốc lại là một câu chuyện khác - một cường quốc với sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự đều đang ngày càng tăng. Tóm lại, Nga đang là đề tài nóng của ngày hôm nay, nhưng Trung Quốc mới là mũi nhọn của chủ nghĩa độc tài.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhiệt thành theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, cam kết khôi phục quyền lực của Trung Quốc và cách tiếp cận của ông khi đề cập đến các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải, quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh, cũng như hệ thống quốc tế rộng lớn, đều tích cực hơn so với những người tiền nhiệm. Trung Quốc đang trở thành một thế lực gây bất ổn ở châu Á. Và Đài Loan nằm trên chiến tuyến mỏng manh này.
Cũng như Putin không thể dung thứ cho chủ quyền của Ukraine, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận sự tách biệt của Đài Loan, vốn luôn được coi là một phần cốt lõi của Trung Quốc. Giành quyền kiểm soát Đài Loan, hay thường gọi là “thống nhất,” là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trong một trật tự thế giới nơi các quốc gia độc tài quyết đoán hơn và các đồng minh dân chủ đứng sau ủng hộ, thì khả năng xảy ra chiến tranh ở Đài Loan sẽ tăng cao rất nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ ngang nhiên tấn công vào Đài Loan.
Khó mà suy đoán những gì ông Tập nghĩ về Đài Loan từ sau cuộc chiến Ukraine xảy ra. Tuy nhiên, không giống như Putin khi nói đến Ukraine, ông Tập không tập hợp và dàn lính trên eo biển ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc. Ngoài ra, dù Tập có nhiều tật xấu, nhưng không có sự ngu ngốc.
Theo nhận thức của ông, sự lớn mạnh của Trung Quốc là chắc chắn; vấn đề chỉ là thời gian. Cho nên, không cần phải theo gót Putin, dẫn đến chiến tranh.
Nhưng sự hung hăng quân sự của Nga là một dấu hiệu nguy hiểm: các cường quốc độc tài tin rằng thời cơ chín muồi đã tới để đẩy lùi Hoa Kỳ và định hình lại thế giới.
Và điều đó không sai: Vẫn chưa thể nhìn thấy liệu các đồng minh dân chủ có ý chí, nguồn lực hoặc sự đoàn kết để chống lại một trận chiến khác với chế độ chuyên quyền hay không.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy Hoa Kỳ và các đồng minh ở châu Âu dù đã nỗ lực vì mục tiêu chung, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cần có.
Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn vạch ra lộ trình của riêng họ, nhưng “quyền tự chủ chiến lược” ngày càng giống “sự do dự chiến lược,” hơn bởi lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn được ưu tiên hơn lợi ích chiến lược dài hạn.
Trong khi đó, ở Washington, sự chia rẽ chính trị dữ dội làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng về quyết tâm của Hoa Kỳ. Dân chúng Hoa Kỳ cảm thấy mệt mỏi khi ngụp lặn trong các trận chiến của thế giới. Và nếu những xu hướng này tiếp tục diễn ra, ngày mà Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ đến gần hơn. Bởi vì sự suy tàn của Hoa Kỳ, cũng giống như sự trỗi dậy của Trung Quốc, được coi là điều không thể tránh khỏi.
Và vì Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không còn chiến đấu vì nhau, cho lý tưởng chung hoặc cho trật tự thế giới.
Tuy nhiên, không có gì là không thể tránh khỏi. Những người chỉ trích Washington sẽ phàn nàn rằng thất bại trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược của Putin đã là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của Hoa Kỳ.
Mặt khác, Hoa Kỳ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là toàn năng. Thực tế là cuộc chiến ở Ukraine chỉ mới nổ ra, chưa kết thúc. Thế giới, và đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ dõi theo xem Hoa Kỳ và các đồng minh có thể và sẽ khiến Nga phải chịu bao nhiêu đau đớn và tốn kém.
Hoa Kỳ đã thể hiện sức mạnh không chỉ với hàng không mẫu hạm mà còn bằng công nghệ, tiền tài và tài năng tổ chức hành động tập thể.
Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine là một thử nghiệm cho tất cả những thứ đó.
Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ tiếp tục gây sức ép. Họ sẽ gây ra những cuộc khủng hoảng mới để gây sức ép với Hoa Kỳ và các đồng minh.
Thế giới hiện đại, với các mối liên kết tổng hợp của các lợi ích kinh tế và an ninh, quá phức tạp để được định nghĩa là một cuộc chiến giữa dân chủ và chuyên quyền. Nhưng có thể phân loại thành những quốc gia có lợi về mặt chiến lược từ việc duy trì trật tự thế giới hiện tại, và những quốc gia có lợi từ việc lật đổ nó.
Và cuộc xâm lược Ukraine có thể chỉ là khởi đầu. Cuộc xâm lược tiếp theo, rất có thể liên quan đến Trung Quốc.