Quan điểm
Quả cam không phải là quả quít. Nếu cả đời chỉ biết quả cam thì khi gặp quả quít nhầm tưởng là quả cam, là điều có thể hiểu được. Nhưng nếu năm này qua tháng khác gặp vô số quả quít rồi mà vẫn chưa nhìn ra được sự khác biệt, thì đó là vấn đề trình độ. Hoặc trong một số trường hợp là một sự cố tình gượng ép để đạt mục đích riêng tư. Cả hai đều gây bất lợi cho sự tiến triển tích cực.
Thế nào là một Nhà hoạt động (Activist)?
Người ta có thể tìm thấy nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ “nhà hoạt động”. Sau đây là một vài định nghĩa thường được chọn lựa:
1/ Nhà hoạt động là người luôn nỗ lực và cố gắng để đạt được một số mục tiêu xã hội, kinh tế hoặc chính trị, đặc biệt là bằng cách tham gia biểu tình, gây áp lực, tổ chức hoặc phản kháng. (Từ điển Sharp về quyền lực và đấu tranh: Ngôn ngữ của sự phản kháng dân sự trong các cuộc xung đột, trang 54).
https://issuu.com/genesharp/docs/gene_sharp_-_sharp_s_dictionary_of_
2/ Các nhà hoạt động là cốt lõi của hầu hết các hành động tập thể. Các nhà hoạt động là những người quan tâm đến một số vấn đề mà họ sẵn sàng trả giá cao khi hành động để đạt được mục đích lý tưởng của mình. Đôi khi họ hành động một mình, nhưng thường họ tìm cách hợp lực với những người khác để hành động tập thể. (Huy động công nghệ cho hành động tập thể, Pamela E. Oliver, Gerald Marwell.
http://www.ssc.wisc.edu/~oliver/PROTESTS/ArticleCopies/MobTechOliverMarwell.pdf)
3/ Một nhà hoạt động là người tham gia vào “các chiến thuật hành động trực tiếp” để đưa các vấn đề đã bị tầm thường hóa, bỏ qua hoặc bị bỏ quên, lên tầm quan trọng trực tiếp và tức thời. (Lee [1984] được trích dẫn trong Kramarae & Treichler, 1985, trang 33).
Thế nào là chủ nghĩa tích cực (Activism)?
Đó là hành động vượt ra ngoài chính trị thông thường, là năng động, đam mê, đổi mới và giữ vững lời cam kết.
(Chủ nghĩa tích cực, xã hội và chính trị. Được xuất bản trong Gary L. Anderson và Kathryn G. Herr (eds.), Encyclopedia of Activism and Social Justice (Thousand Oaks, CA: Sage, 2007), trang 19-27
http://www.bmartin.cc/pubs/07Anderson.html
Những đặc điểm của một nhà hoạt động là gì? Vai trò của chánh niệm.
Tầm nhìn chiến lược và mục tiêu cuối cùng là chìa khóa quan trọng. Do đó, một nhà hoạt động phải có khả năng nhận diện được bất cứ những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây (đó là năng lượng chánh niệm), để có thể linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh trước các tình huống thay đổi, phải luôn luôn sáng tạo, thuyết phục và có khả năng xây dựng cầu nối cho hành động tập thể, nhằm đạt được sự thay đổi về chính trị và xã hội.
Vai trò của nhà hoạt động và của người làm chính trị có thể có phần trùng hợp nhưng mục đích cuối cùng của nhà hoạt động chỉ là để thay đổi một tình trạng, một chính sách hoặc một luật lệ hạn hẹp hay bất công. Trong khi mục đích của một người hoạt động chính trị là nắm quyền hành trong tay để hành động theo một hệ tư tưởng và/hoặc một chương trình nghị sự cụ thể mình đã chọn lựa.
Một người làm chính trị có khuynh hướng chấp nhận thỏa hiệp để được kết quả trong tay, dù đôi khi kết quả thực tế này đã xa với mục đích ban đầu. Trong khi một nhà hoạt động giữ vững cam kết, trung thành với mục đích lý tưởng và không khoan nhượng những dễ dãi có thể làm thay đổi bản chất của mục đích đã đề ra. Một nhà hoạt động không chủ trương nắm quyền hành.
Một thí dụ về một người hoạt động Hoà bình: Thiền sư Nhất Hạnh
Một người hoạt động cho Hòa bình là người ủng hộ Hòa bình, ủng hộ chấm dứt xung đột.
Suốt hơn năm mươi năm, từ lúc là một thầy tu Phật giáo trẻ đơn độc với hai bàn tay trắng cho đến khi thành một vị thiền sư nổi danh quốc tế, tất cả những việc làm của Thầy đều nhắm vào xây dựng hoà bình. Ông thầy tu “không có đài phát thanh, không có đài truyền hình, không có báo chí” (cũng không có giáo hội giàu mạnh sau lưng), và điều duy nhất ông có là một tình thương yêu con người để cảm thông chia sẻ với họ, và yêu sự Sống vô bờ bến để tìm mọi cách bảo vệ sự Sống. Nhưng có lẽ không chỉ thế mà Thầy được tôn sùng, vì đa số những tôn giáo hình như đều rao giảng thương yêu con người và yêu sự Sống, mà vì cả con người và cuộc sống của Thầy là bằng chứng rất thực cho hòa bình. Vì tất cả mọi người, kể cả những nhà tôn giáo lớn, những chính trị gia, những nguyên thủ quốc gia đã từng gặp đều khâm phục Thầy, vì động lực chính cho những hoạt động của Thầy luôn luôn là xây dựng và bảo vệ, không phải thù oán, chém giết.
Có tầm nhìn xa, Thầy Nhất Hạnh luôn có trước mắt mục tiêu lý tưởng của mình, không chủ trương xin xỏ, kèo nài sự giúp đỡ nơi những người có quyền lực, mà đem nội lực sáng tạo, thuyết phục và khả năng xây dựng cầu nối cho hành động tập thể, để đưa những nguồn quyền lực vào chiều hướng “Xây dựng Hoà bình, chấm dứt xung đột và không đổ máu”.
Cẩn thận vì thiếu trình độ nhận xét là vô tình ủng hộ lập luận sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay
Một nhà hoạt động cho Hoà bình và một người làm chính trị dù có vài tương đồng cũng không khó để nhận diện. Gạt qua bên những chủ đích không lương thiện, thì nhận xét sai lầm giữa người hoạt động vì Hoà bình và người làm chính trị là do suy luận cạn cợt và thiếu tìm hiểu đứng đắn.
Một thí dụ nhỏ, trong một bài viết về Thầy Nhất Hạnh (1), ghi rằng chính bản thân tác giả chứng kiến:
“Hôm thầy đến diễn thuyết ở Berkeley, ngoài hành lang có bàn ký thỉnh nguyện thư gửi Liên Hiệp quốc, lãnh đạo Việt Nam đòi tự do tôn giáo, tôn trọng nhân quyền cho Việt Nam.“
(Cho tới khoảng năm 1991 luôn luôn Thầy Nhất Hạnh mời gọi những người tham dự góp chữ ký đòi Tự do Tôn giáo cho VN trước những buổi diễn thuyết, tại Pháp, Anh, Đức, Ý, Hoà Lan, Tây ban Nha, Nga... v.v..).
Phía trên vừa ghi vậy, thì phía dưới, chỉ vài giòng sau đó đã viết:
“Thời chiến tranh, thầy kêu gọi chính phủ Sài Gòn cho Giáo hội Phật giáo được tự do hành đạo. Thời cộng sản, Hà Nội đàn áp giáo hội thì thầy không nói gì”.
“Nói gì” là làm như thế nào? Phải đi biểu tình phất cờ la ó ngoài đường? Phải khoa chân múa tay vác loa chửi Việt Cộng? Cách nào làm LHQ chú ý tới vấn đề cần giải quyết nhiều hơn?
Thêm nữa, không thể khẳng định là mình không thấy hay không biết điều gì có nghĩa là nó không có. Đây là một cách suy luận chủ quan mù quáng.
Một số những bài viết khác lập luận Thầy Nhất Hạnh chống Mỹ, đòi Mỹ đơn phương rút quân, nên Cộng sản xâm chiếm Miền Nam. Thầy luôn luôn đòi các bên tham chiến cùng rút quân để ngưng gây chết chóc cho dân vô tội, rồi với sự cộng tác của thế giới, phải ngồi vào bàn tìm giải pháp hòa bình. Bằng chứng còn nằm trong tập tài liệu "Đề Nghị Giải Pháp Hoà Bình"(2) của cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant, công bố trước LHQ vào năm 1967.
Thầy kêu gọi Hoa Kỳ “chúng tôi không cần các ông để làm chiến tranh, chúng tôi rất cần các ông để xây dựng Hoà bình”. Nếu Mỹ không giúp Việt Nam có hòa bình thì vì Mỹ có những lý do của họ để không làm. Việt Nam đâu phải là nơi duy nhất? Mỹ bỏ rơi người Kurd, Mỹ hấp tấp rút khỏi Afghanistan, tất cả là do ảnh hưởng địa chính trị, và một phần nhỏ là các đồng minh bị bỏ rơi đã không góp được sức tạo điều kiện cho Mỹ ở lại.
Trễ nhất là sau Afghanistan thì những người hoạt động mong tìm được hòa bình, tự do cho Việt Nam phải hiểu để thấy cần buông bỏ những luận điệu đổ tội, mà lo học hỏi, tìm hiểu về tình hình toàn cầu với những lợi ích đan xen về chính trị, kinh tế, v.v… thì mới mong có khả năng vận dụng chính sách đối ngoại của các cường quốc và đi theo hướng đi của thời đại.
Thời gian qua rất mau, năng lượng làm việc của mỗi người đều có hạn. Suốt hơn năm mươi năm, khi bị tấn công, Thầy Nhất Hạnh không cần cải chính gì cả, dồn thời gian và năng lượng cho những việc làm cần thiết và hữu ích mà Thầy biết một đời người làm không đủ, phải cần những thế hệ sau. Ngày nay nếu chúng ta đầu tư thời gian quý báu để tranh luận về Thầy, thì chỉ hữu ích nếu có thể rút ra được những bài học về cách làm việc để tìm cách xây dựng hoà bình sao cho có hiệu quả, giúp cho người Việt được sống trong tự do, cơm no áo ấm.
Điều vô cùng cấp thiết là người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại phải thức tỉnh để thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang sử dụng sự hiểu biết mập mờ, đánh tráo khái niệm này, để buộc tội những vị tu sĩ đã và đang giúp “dân oan”, những người hoạt động bảo vệ môi trường, những người hoạt động xã hội… là làm chính trị để bắt bớ bỏ tù họ. Nếu chúng ta cầy cục ra Liên Hiệp Quốc, ra Quốc hội Liên minh Âu châu, xin gặp vài Thượng nghị sỹ Mỹ, v.v. kêu gọi giúp sức để bảo vệ những người hoạt động này, thì liệu khi tên của Thầy Nhất Hạnh được nhắc tới, thì chúng ta có buộc vị Thiền sư, nhà hoạt động Hoà bình quốc tế Thích Nhất Hạnh “tội chống chiến tranh” và “tội làm chính trị” hay không?
Ngày nào chúng ta còn cần đồng minh Quốc tế thì nên cân nhắc: Quốc tế luôn luôn đánh giá trình độ hiểu biết, cách suy luận và cách hành xử của chúng ta trước khi họ quyết định có cộng tác hay không. Người Việt Nam đi tỵ nạn Cộng sản càng không nên quên nếu không có nội lực để đứng ngang hàng với đồng minh thì cũng sẽ mất quyền tự chủ.
Tự do, Hoà bình chưa bao giờ là vật bố thí.
– Thục-Quyên