Theo thông tin trong nước, vào ngày 9/1/2022, trong lần dự buổi lễ trao giải thưởng các nhà văn trẻ do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ Tịch nước, trước sự hiện diện của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đã lên tiếng phát biểu: “Tôi luôn mong ước đến một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel Văn Chương, mang về niềm tự hào cho đất nước chúng ta. Tôi có niềm tin mạnh mẽ ở các nhà văn, những tác giả trẻ hôm nay”.
Thật sự chúng ta chưa bao giờ được nghe những lời phát biểu của một vị Chủ Tịch nước vượt lên trên ý thức hệ chuyên chính vô sản như vậy. Chắc chắn những lời tuyên bố của Chủ Tịch Phúc, phải được sự đồng tình của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đang đứng bên cạnh ông trong buổi lễ.
Nhưng chiếu theo tình hình sáng tác và cách phổ biến văn học hiện nay của Việt Nam thì khó mà có thể có được một tác giả có đầy đủ phong cách của một cây bút quốc tế trong vòng hai ba năm tới. Muốn có được như vậy, các nhà văn phải tự tạo cho mình một không gian mới cho sáng tác. Và quan hệ hơn, nhà nước phải chấm dứt ngay mọi chỉ đạo, đường hướng sáng tác Văn Học Nghệ Thuật, Khoa Học Công Nghệ, phát xuất từ Ủy ban Tuyên Giáo Trung Ương...
Trong thực tế, Văn học Việt Nam hiện nay trong phạm vi “chính thống” hay “lề phải” là một nền văn chương “phải đạo” thậm chí văn chương phục vụ chế độ như tiêu chí của Hội Nhà Văn Viêt Nam: “Vì Chủ Nghĩa Xã Hội”. Một chỉ dẫn cho thấy nền văn chương Việt Nam hiện nay mang logo “Búa Liềm”, tất nhiên không phải là tiêu chí phổ quát văn chương của loài người. Nói rõ ra không phải là tiêu chí của nên văn học thế giới hiện nay. Có nghĩa là không phải tiêu chí của giải Nobel văn chương.
Một khi nhà nước dùng bạo lực với văn học, tư tưởng triết học, thì nền văn học của xã hội đó trở thành một nền văn học phẳng, không có sức đề kháng, mất đi tính phản biện, những yếu tố tich cực để tạo dựng những thế hệ nhà văn, nhà tư tưởng, có tầm nhìn xa và mở rộng, đa phương hóa, đa diện hóa những quan hệ Văn Học Nghệ Thuât, Khoa Học Công Nghệ, Kinh Tế, Chính Trị và Xã Hội. Một thí dụ điển hình: kể từ năm 1991 tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh bị bao lực ức chế, tịch thu sau khi tác phẩm này được đề cử nhận giải thưởng văn học trong nước. Sau vụ này, văn học Việt Nam trở thành thế giới phẳng, không có góc cạnh, thiếu vắng tính phản biện, tiến bộ, một nền văn học bị khu trú.
Bên cạnh đó, nỗi ám ảnh của những hình phạt, nhà tù, những bản án, của nhà nước dành cho những ai bất đồng chính kiến, tuyên truyền chống chế độ, lơi dụng tự do, dân chủ, như một mối đe dọa thường trực của bạo lực chống lại ngòi bút, làm mất đi khả năng sáng tạo sôi động, môt nền văn chương tiến bộ khai phá. Phát xuất từ những đe dọa, những trói buộc thường trực như vừa nêu ra ở trên, chúng tôi không đặt vấn đề khả thi với lời “mong ước” của Chủ tịch nước Ngyễn Xuân Phúc, chúng tôi chỉ đề cập đến tầm nhìn sáng tạo, khai phá dựa trên mối tương quan giữa nền văn chương Việt và thế giới mà đại diện là giải Nobel Văn Chương, một giải thưởng văn chương đặc thù của thế giới tư bản, đươc xây dựng trên nền tảng tự do sáng tạo, độc lập tư duy, mang nặng tính chất khai phá vượt lên trên ràng buộc của mọi ý thức hệ. Vì những cá biệt, ưu điểm này mà ông Phúc không hề quan tâm đến những giải thưởng văn chương của khối Xã Hội Chủ Nghĩa như giải văn chương Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, và một số nước Đông Âu.
Trong thực tế, Việt Nam không xa lạ gì với giải Nobel. Năm 1973, ông Lê Đức Thọ, đã từ chối nhận giải Nobel Hòa Bình chung với Henry Kissinger. Thế giới đã nhầm tưởng, đó là chính sách của chính phủ VNDCCH đối với giá trị của giải Nobel. Song, sau đó ông Lê Đức Thọ cho hay nếu giải Nobel Hòa Bình được trao tặng riêng cho từng người, không đứng chung với ông Kissinger, thì ông đã hoan hỉ đi nhận.
Hy vọng giải Nobel Văn Chương cho Việt Nam không đơn thuần là một ước muốn riêng tư của ông Phúc, mà là một bước đột phá trong tư duy lãnh đạo văn học nghệ thuật của nhà nước Viêt Nam hướng đến môt nền văn học nghệ thuật khai phá, tự do vượt lên trên những ràng buộc của mọi ý thức hệ. Con đường phía trước con dài, mong rằng các nhà cầm bút trong nước và hải ngoại quyết tâm kiên trì đấu tranh và chờ xem.
– Đào Như
(Nguyên Đán Nhâm Dần, 1/2/2022).