TONGA – Một ngọn núi lửa dưới đáy biển Nam Thái Bình Dương đã phun trào dữ dội vào Thứ Bảy, 15 tháng 1 năm 2022, gây ra nhiều đợt sóng lớn tấn công Hawaii, Nhật Bản và hòn đảo lớn nhất của Tonga, Tongatapu - khiến sóng tràn vào tận thủ đô, theo trang CNN đưa tin ngày Chủ Nhật, 16 tháng 1 năm 2022.
Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai, cách đảo Fonuafo'ou của Tonga khoảng 30 km về phía đông nam, phun trào lần đầu vào Thứ Sáu, 14 tháng 1 năm 2022, và lần thứ hai vào khoảng 5:26 chiều Thứ Bảy, 15 tháng 1 năm 2022.
Theo Đài phát thanh New Zealand (RNZ), các vụ phun trào gây một núi tro bụi và khí gas núi lửa phun cao tới 20km vào không khí, to lớn và dữ dội đến mức vệ tinh có thể chụp được hình ảnh núi tro bụi khổng lồ và các rung chấn tỏa ra.
Thậm chí tro bụi phủ ngập trời Nuku'alofa - thủ đô Tonga, khiến đường dây viễn thông bị phá hỏng. Tonga cũng phải đối mặt với một cơn sóng thần nguy hiểm, càn quét qua những con đường vùng ven biển và gây ngập lụt nghiêm trọng. Tàu thuyền lớn bị đẩy vào bờ, các cửa hàng ven biển bị thiệt hại nghiêm trọng.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết tại một cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, 16 tháng 1 năm 2022, các nhà chức trách New Zealand chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về chết chóc hoặc thương tích ở Tonga liên quan đến vụ phun trào. Bà nói thêm, sóng thần đã có “tác động đáng kể” đến Nuku'alofa, đẩy tàu thuyền và những tảng đá lớn trôi dạt vào bờ biển, các cửa hàng dọc theo bờ biển cũng bị hư hại.
Theo RNZ, người dân đã chạy lên vùng đất cao hơn khi sóng quét qua bờ sông, đường phố chính và khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Tonga. Lúc đó, dù trời chỉ mới chập tối, nhưng các video quay lại cho thấy bầu trời đen đặc với đám mây tro bụi.
Vụ phun trào gây ảnh hưởng dọc theo Thái Bình Dương và khiến nhiều quốc gia phải ban hành cảnh báo sóng thần, từ New Zealand, Nhật Bản cho đến cả Hoa Kỳ và Canada.
Nhật Bản
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia (National Weather Service), khi cảnh báo sóng thần (tsunami warning) được phát ra, những người đang ở gần biển phải lập tức di chuyển vào sâu trong đất liền, hoặc tìm đến những khu vực có địa thế cao. Còn đối với khuyến cáo sóng thần (tsunami advisory), thì mọi người nên tránh xa bờ, không nên xuống biển.
Sáng ngày 16 tháng 1 năm 2022, Phòng Quan sát Khí tượng Nhật Bản (Japan's Meteorological Agency) ban hành cảnh báo sóng thần, sau khi tỉnh Iwate quan sát thấy những đợt sóng cao tới 2.7 mét (9 feet). Nhiều đợt sóng thần nhỏ hơn được ghi nhận ở một số khu vực khác.
Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, mọi cảnh báo được dỡ bỏ. Phòng Quan sát Khí tượng cho rằng các đợt sóng thần chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, khó có thể tiến sâu vào đất liền, dù sẽ có một số ảnh hưởng về thủy triều. Con số thiệt hại về người và vật chất đang được tính toán, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì đáng kể.
Hoa Kỳ
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở San Diego, dư chấn của vụ phun trào chạm cả đến bờ Tây Hoa Kỳ, với một số đợt sóng dao động từ 3 tới 4 feet. Những con sóng cao nhất được ghi nhận là ở Port San Luis, California (4.3 feet); King Cove, Alaska (3.3 feet); Area Cove, California (3.7 feet); Thành phố Crescent, California (3.7 feet); và Port Reyes, California (2.9 feet).
Tuy nhiên, theo Dave Snider, chuyên gia từ Trung tâm Cảnh báo Sóng thần thuộc Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho rằng những cơn sóng lớn nhất dường như vẫn chưa tới. Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thiệt hại nào do sóng thần gây ra được ghi nhận.
New Zealand
Theo Phòng Quản Lý Các trường Hợp Khẩn Cấp Quốc Gia New Zealand, cảnh báo sóng thần được đưa ra tại phía bắc và phía đông của một số hòn đảo tại New Zealand, sau khi chứng kiến “những dòng nước khó dự đoán xuất hiện ven biển.”
Emily Lane, chuyên gia khí tượng tại New Zealand cho biết đây là một vụ phun trào “rất quan trọng,” và “Sóng thần từ vụ phun trào đã lan ra hơn 2,500 km, được ghi lại trên các máy đo trên toàn bộ Aotearoa (New Zealand).”