Hôm nay,  

Tổng Kết Các Diễn Biến Quan Trọng Trong Năm 2021 và Dự Báo Các Diễn Biến Quan Trọng Trong Năm 2022

06/01/202220:51:00(Xem: 2132)

Thời cuộc

new year
I. Tổng Kết Các Diễn Biến Quan Trọng Trong Năm 2021

 

Ngày 1/1/2021 ký Hiệp định Thương mại Liên Âu-Vương quốc Anh

 

Vào phút chót ngày 24/ 12/ 2020, Liên Âu và Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận quy định việc Vương quốc Anh ra khỏi Liên Âu và thị trường chung (Brexit).  Ngoài ra, thỏa thuận cũng dự kiến nhiều hợp tác khác trong các lĩnh vực an ninh và bảo vệ khí hậu và cũng sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5/2021.

 

Ngày 6/1/2021: Tấn công điện Capitol

 

Ngày 6/1 những người ủng hộ cho Donald Trump, Tổng thống Mỹ thất cử, xông vào Quốc hội ở Washington. Năm người chết trong cuộc tấn công vào quốc hội, dẫn đến hàng trăm vụ kiện tụng.

 

Ngày 20/1/ 2021: Joe Biden,Tổng thống Hoa Kỳ nhậm chức

 

Vào ngày 20/1/2021, Joe Biden, 78 tuổi, đảng viên  đảng Dân chủ, nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Là người có nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 năm 2020, Biden thắng cử với 306 trên tổng số 538 cử tri. Biden hứa hẹn trở thành "tổng thống của tất cả người Mỹ" và Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên làm Phó Tổng thống.

Donald Trump, người tiền nhiệm, đã không thành công trong các vụ kiện gian lận bầu cử.

 

Ngày 1/2/2021: Đảo chính quân sự ở Myanmar

 

Vào ngày 1/2, quân đội đảo chính ở Myanmar. Thủ tướng Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình, bị bắt. Giai đoạn dân chủ hóa bắt đầu vào năm 2015 với chiến thắng bầu cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà kết thúc. Vào tháng 12 năm 2021, bà Aung San Suu Kyi bị quân đội Myanmar kết án nhiều năm tù vì tội kích động bạo loạn và vi phạm các biện pháp phòng chống Corona.

 

Ngày 23/3/ 2021: "Ever Given" phong toả kênh đào Suez

 

Tàu chở hàng bị đắm "Ever Given" phong toả Kênh đào Suez ở Ai Cập từ ngày 23/3 cho đến cuối tháng Tư. Vụ việc buộc Suez phải đóng cửa tuyến đường thương mại, vốn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến nhiều công ty phải trả chi phí cao. Hậu quả là Ai Cập tuyên bố sẽ mở rộng và đào sâu kênh trong tương lai.

 

Ngày 23/5/2021: Belarus bắt giữ những người chỉ trích chế độ

 

Vào ngày 23/5, một máy bay từ Athens đến Vilnius bị buộc phải hạ cánh xuống Belarus và cảnh sát đã bắt giữ blogger Roman Protassewitsch, người chỉ trích chế độ. Ngay từ tháng 8 năm 2020, nhà cai trị độc tài Alexander Lukashenko ngụy tạo cuộc tái đắc cử và gây ra một phong trào phản đối rầm rộ ở Belarus. Chế độ đã phản ứng cực kỳ nghiêm khắc Do chế độ đàn áp đầy bạo lực, các cuộc biểu tình đã lắng xuống trong những tháng sau.  

 

Ngày 28/5/ 2021: Đức công nhận tội diệt chủng tại Herero và Nama

 

Vào tháng 5, Đức công nhận nạn diệt chủng đối với người Herero và Nama, đồng ý bồi thường tổng cộng 1,1 tỷ euro cho Namibia  trong chương trình viện trợ tái thiết và phát triển, trải dài hơn 30 năm. Từ năm 1884-1915, là một cường quốc thuộc địa, Đế chế Đức vô cùng tàn bạo đối với người dân địa phương ở khu vực ngày nay là Namibia. Quân đội Đức đã sát hại trên 100.000 người Herero và Nama, và có nhiều người chết khát trên sa mạc.

 

Ngày 29/6/2021: NATO và Đức rời Afghanistan.

 

NATO và các đối tác rời Afghanistan sau khoảng 20 năm đóng quân. Những người lính Đức cuối cùng được đưa ra ngoài vào ngày 29/6. Trong khi hơn 5.000 người đóng quân tại Afghanistan, có 59 người thiệt mạng. Người Mỹ rời đi vào cuối tháng Tám. Kết quả là Taliban đã chinh phục toàn bộ đất nước trong một thời gian rất ngắn.

 

Ngày 15/7/2021: Kỷ niệm âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

 

Vào đêm ngày 15 và 16/7/2016, các nhóm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng bằng bạo lực lật đổ chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Mưu sự bất thành với hơn 250 người đã chết trong cuộc đảo chính. Để đối phó, Erdoğan áp dụng tình trạng thiết quân luật kéo dài khoảng hai năm sau. Kết quả là đã có hàng loạt vụ sa thải và bắt giữ trong quân đội và  các cơ quan công quyền. Nạn nhân của biện pháp này là hàng chục nghìn người đã bị bắt, không chỉ những kẻ chủ mưu đảo chính, mà còn cả các chính trị gia người Kurd, các  nhà truyền thông và hoạt động dân sự và nhân quyền. Kể từ năm 2017, ngày 15/7 đã được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ là “Ngày Dân chủ và Thống nhất Quốc gia”.

 

Tháng 6, tháng 7 năm 2021: Các sự kiện thể thao lớn gây tranh cãi

 

Thế vận hội bắt đầu tại Tokyo vào ngày 23/7, sau đó là Thế vận hội Paralympic vào cuối tháng 8. Cả hai cuộc tranh tài này đã bị hủy bỏ vào năm trước do đại dịch Corona. Một số người dân Nhật Bản chỉ trích dữ dội các cuộc thi vì chúng diễn ra giữa đại dịch, mặc dù không có khán giả. Từ năm trước đó, giải vô địch bóng đá châu Âu, cũng được tổ chức từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, đã gây ra sự gia tăng nhiễm trùng Covid-19 ở một số quốc gia.

 

Ngày 26/9/2021: Đảng SPD thắng cử tại Quốc hội Liên bang Đức

 

Vào ngày 26/9, Đức bầu Hạ viện mới. 47 đảng ra tham gia ứng cử, tám trong số các đảng đã được lọt vào quốc hội mới. SPD là lực lượng mạnh nhất với 25,7%. Với 24,1%, CDU và CSU thua, cho đến nay, đó là kết quả tồi tệ nhất. Giống như FDP, Đảngt Xanh đã có thể giành được vị trí so với cuộc bầu cử trước. AfD bị mất phiếu bầu, LINKE lọt vào Hạ viện chỉ vừa đủ sức để tạo ra của một tiểu ban. Nhóm cử tri Nam Schleswig (SSW) lần đầu tiên giành được một ghế trong quốc hội.

 

Ngày 31/10/ 2021: Hội nghị khí hậu  Glasgow khi mạc

 

Từ ngày 31/10 - 12/11, 197 quốc gia tham gia đàm phán tại Hội nghị Khí hậu Thế giới lần thứ 26 về cách thức cải thiện các biện pháp bảo vệ khí hậu. “Hiệp ước Khí hậu Glasgow” đã cam kết rõ ràng hơn so với trước đây về mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức tối đa 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, các quốc gia kêu gọi cải thiện các mục tiêu khí hậu vào năm 2030. Các mục tiêu sẽ được xem xét lại vào cuối năm 2022, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch trước đó. Việc phát thải khí hiệu ứng nhà kính cũng sẽ giảm 45% trên toàn thế giới vào năm 2030 so với năm 2010.

 

Tháng 11 năm 2021: Đông Âu bùng phát khủng hoảng về người tị nạn  

 

Hàng nghìn người tị nạn chờ đợi ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan, Latvia và Lithuania vào tháng 11. Do đó, Ba Lan tăng cường nghiêm nhặt việc bảo vệ biên giới và ngăn chặn các vụ vượt biên. Binh sĩ Belarus đã dùng vũ lực để cưỡng bức phụ nữ nhập cư vào Ba Lan. Từ đó, hầu hết bị đưa về lại Belarus ngay lập tức mà không thể xin tị nạn. Belarus sẽ còn tiếp tục mở cửa cho người di dân để gây áp lực với châu Âu. Cũng trong trường hợp tương tự, Maroc cũng sử dụng loại vũ khí này để đẩy người tị nạn sang Tây Ban Nha.

 

Vào dịp Noel, 28 người chết đuối vì đắm tàu trên biển Manche trong đó có một người Việt. Sau  đó, 160 di dân khác chết  ngoài khơi Libya.

 

Nhìn chung, 2021 là năm kỷ lục về thảm trạng người di dân. Tổng cộng có hơn 114.500 người đã vào được châu Âu an toàn khi đi bằng đường bộ qua các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Chypre, Malta và 67.480 người sống sót khi vượt bằng đường biển.

Số lượng nạn nhân thiệt mạng là 1.506 trên Địa Trung Hải, số người mất tích không thể kiểm chứng nhưng không ít hơn.

 

Trong thời gian tới, việc tìm cách vào châu Âu không thuyên giảm, vì nhiều  lý do khác nhau. Châu Âu bất lực trong việc chung quyết một chính sách tỵ nạn thống nhất, làm cho các quốc gia thành viên tiềp tục không quan tâm đến việc thi hành. Người di dân gặp nhiều khó khăn hơn khi các lối thoát qua cảng Calais và Eurotunnel bị kiểm soát gắt gao.  

 

Nhưng sau thoả thuận Brexit, Anh trở thành là nơi thu hút nhất cho người di dân. Anh không còn bị ràng buộc với hiệp ước Dublin, người xin tị nạn không còn bị đe doạ phải trả lại nơi  đầu tiên xin tỵ nạn trong châu Âu.

 

Ngày 24/11/2021: Ba đảng SPD, Xanh và FDP thỏa thuận liên minh để cầm quyền

 

Vào ngày 24/11, ba đảng SPD, Đảng Xanh và FDP thỏa thuận liên minh và thành lập một chính phủ liên bang. Trong số những vấn đề khác, cà ba đảng cùng muốn tăng mức lương tối thiểu lên 12 euro, đẩy nhanh đáng kể quá trình số hóa và quảng  bá việc bảo vệ khí hậu.

Chính phủ mới sẽ quan tâm đặc biệt đến vấn đề vi phạm nhân quyền và bảo vệ môi sinh. Hai chủ đề này có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại trong tương lai của Đức với Trung Quốc và Việt Nam. Thỏa thuận liên minh được ký kết bởi đại diện của các đảng vào ngày 7/12

Ngày 2/12/ 2021: Diễn binh từ biệt Thủ tướng Angela Merkel (CDU). Angela Merkel đã rời nhiệm sở vào ngày 2 tháng 12 trong một buổi diễn binh danh dự cao nhất của Bộ Quốc phòng. Từ ngày 22/ 11/ 2005 đến ngày 8/12/ 2021. Bà là Thủ tướng  Đức. Với 5.860 ngày, bà là giữ chức vụ Thủ tướng lâu thứ hai trong lịch sử Đức  sau Helmut Kohl.

 

 II. Dự Báo Các Diễn Biến Quan Trọng Trong Năm 2022

 

 Tháng 1/2022: Kỷ niệm 20 năm phát hành tiền euro

 

Vào ngày 1/1/2002, trong khuôn khổ thống nhất tiền tệ và kinh tế, mười hai quốc gia châu Âu đã thoả thuận cho lưu hành đồng euro. Do đó, hơn 300 triệu người châu Âu bắt đầu sử dụng tiền giấy và xu euro. Muốn được gia nhập khu vực sử dụng đồng euro, các nước phải tuân theo các điều kiện về tiêu chí hội tụ Maastricht năm 1992. Điều kiện chính liên quan đến chính sách tiền tệ ổn định, vấn đề quản lý ngân sách và nợ công. Trong năm 2008 đến 2010, tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính và nợ công đã làm cho đồng euro bị rung chuyển. Một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Hy Lạp, không còn đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán. Trước tình hình này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số lớn các nước đã hỗ trợ bằng cách tung ra một số gói cứu trợ. Hiện tại, có 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro làm phương tiện thanh toán. Đồng euro được coi là một loại tiền tệ ổn định, nếu so với các loại tiền tệ hàng đầu khác như đồng đô la Mỹ hay đồng bảng Anh.

 

Ngày 1/1: Pháp nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên Âu

 

Chức chủ tịch Hội đồng được tổ chức luân phiên bởi các quốc gia thành viên, cứ sáu tháng một lần. Trong sáu tháng này, Chủ tịch chủ trì các cuộc họp ở tất cả các cấp của Hội đồng. Lần này, Tổng thống Pháp sẽ tập trung chủ yếu vào việc đối phó với hậu quả của đại dịch Corona. Ngoài ra, Châu Âu có một vài cải cách khác liên quan đến các quy tắc ngân sách, số hóa, khí hậu và an sinh xã hội. Châu Âu sẽ phải đối mặt với các vấn đề vào năm 2022 như áp lực quân sự gia tăng từ Nga, người nhập cư, tác động của Brexit, mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn.

 

Ngày 6/1: Kỷ niệm một năm vụ tấn công tòa nhà Quốc Hội Mỹ

 

Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris dự trù sẽ đọc diễn văn kỷ niệm sự kiện này vào ngày 6/1. Quốc Hội cũng tổ chức phút mặc niệm.

 

Bộ Tư Pháp loan báo, đến nay, hơn 725 người bị bắt liên quan đến vụ bạo loạn, khoảng 145 người nhận tội liên bang, trong đó có 20 người nhận tội đại hình. Bộ Tư Pháp cho biết thêm là sẽ tiếp tục điều tra và truy tố những người dính líu và cam kết sẽ bảo vệ dân chúng và nền dân chủ Mỹ tránh cảnh tương tự sẽ xảy diển.

 

Ngày 4-20/ 2: Thế vận hội mùa đông XXIV tại Bắc Kinh.

 

Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 20/2/2022 tại Bắc Kinh. Gần đây, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ chỉ trích vi phạm nhân quyền, quan trọng nhất là tội diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, các nước phương Tây đã cáo buộc tình trạng thiếu tự do ngôn luận và báo chí và hành động hung hăng của Bắc Kinh chống lại Đài Loan. Mới nhất là số phận của tay vợt Bành Quí, người gần như biến mất khỏi mắt của công chúng sau khi cáo buộc cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc lạm dụng tình dục. Về mặt ngoại giao, Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Đức và Pháp đã quyết định tẩy chay Thế vận hội.

 

Ngày 13/2: Bầu cử Tổng thống Liên bang Đức

Quốc hội Liên bang họp bầu Tổng thống Liên bang. Hội đồng nghị viện lớn nhất  chỉ họp 5 năm một lần với nhiệm vụ duy nhất của là bầu tổng thống liên bang. Chủ tịch Quốc hội triệu tập cuộc bầu cử  bao gồm các thành viên của Quốc hội và một số lượng bằng nhau của các đại biểu từ các tiểu bang. Đương kim Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tái tranh cử và là ứng cử viên duy nhất. Do sự thu xếp trong các đảng đang cầm quyền, triển vọng tái thắng cử hầu như là chắc chắn.

 

Ngày 10-24/4: Bầu cử Tổng thống Pháp

 

Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 10/4/2022. Ngay từ cuối năm 2021, nhiều chính trị gia đã tuyên bố ứng cử: Valérie Pécresse là phụ nữ đầu tiên đại diện cho đảng Cộng hòa bảo thủ sẽ ra ứng cử. Trong nội bộ đảng, bà đã gây ưu thế hơn bốn nam đảng viên khác. Đảng Xã hội chính thức chọn Anne Hildalgo, Đô trưởng thủ đô Paris, làm ứng cử viên. Cựu nhà báo cực đoan cánh hữu Éric Zemmour cũng tham gia cuộc đua. Theo các nhà quan sát, Marine Le Pen của đảng cực hữu Rassemblement National có cơ hội để thắng trong cuộc bầu cử vòng hai dành cho hai ứng cử viên với số phiếu cao nhất vào ngày 24/4. Năm năm trước đây, bà đã thua Emmanuel Macron thuộc phong trào tự do "La République en Marche". Lần bầu cử này, Macron đã phải đối phó với các cuộc biểu tình dữ dội, ví dụ như phong trào áo vàng hoặc gần đây nhất là những người chống lại chính sách Corona. Để gây thu hút cử tri, Macron đưa ra đề tài hội nhập châu Âu và việc thành lập quân đội châu Âu để thảo luận và hy vọng rằng Pháp sẽ nắm giữ vai trò lãnh đạo guồng máy châu Âu trong thời kỳ mới.

 

Ngày 17/ 6/2022: Kỷ niệm 50 năm vụ Watergate

 

Vào ngày 17/6/1972, trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, năm người đàn ông đã đột nhập vào trụ sở đảng Dân chủ tại toà nhà Watergate ở Washington D.C. để tìm cách cài đặt hệ thống nghe và chụp ảnh các tài liệu. Một nhân viên bảo vệ đã bắt giữ những tên này. Trong những tháng tiếp theo, ngày càng có nhiều chi tiết về cái gọi là vụ Watergate được báo chí biết đến. Nhà Trắng cũng dính líu đến vụ bê bối này. Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã cố gắng che đậy vụ việc và dùng toà án để tìm cách ngăn trở cuộc điều tra của FBI. Các phóng viên Carl Bernstein và Bob Woodward đã phát hiện ra vụ Watergate và cho tung ra trên tờ Washington Post. Thành công vang dội này đã giúp cho cả hai nhận được giải Pulitzer năm 1973. Để ngăn chặn việc luận tội, Nixon từ chức vào tháng 8 năm 1974. Việc ra đi này có tác động cực kỳ quan trọng đến việc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30/4/1975.

 

Ngày 1/7: Cộng hòa Séc nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu

 

Vào ngày 1/7 Cộng hòa Séc sẽ nhận chức chủ tịch Hội đồng châu Âu trong sáu tháng. Chức vụ này được tổ chức bởi các quốc gia thành viên trên cơ sở luân phiên. Trong sáu tháng này, Séc chủ trì các cuộc họp ở tất cả các cấp của Hội đồng.

 

Ngày 15/8: Kỷ niệm 75 năm ngày độc lập Ấn Độ

 

Ngày 15/8/1947 Ấn Độ giành độc lập từ Vương quốc Anh. Kết quả cuộc đấu tranh này đạt được là do tài năng lãnh đạo của Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru. Trong nhiều thập kỷ chống lại quyền lực thuộc địa Anh, cả hai đã vận dụng mọi hình thức hiếu hoà và nghị trường và đã tránh được các cuộc xung đột bạo động. Tiểu lục địa Ấn Độ được chia thành các quốc gia độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Pakistan có đa số người theo Hồi giáo đã bị chia cắt với hai phần đất nước, Tây và Đông Pakistan. Hàng triệu người đã chạy trốn khỏi quê hương để tìm cách định cư tại Ấn Độ hoặc Pakistan. Trong những tháng tiếp theo, đã có những cuộc bạo loạn nghiêm trọng và khoảng một triệu người đã chết.

 

Ngày 2/10: Bầu cử Tổng thống Brazil

 

Vào ngày 2/10, cuộc bầu cử tổng thống Brazil sẽ được tổ chức để thay cho Tổng thống đương quyền Jair Bolsonaro, thuộc thành phần cực hữu. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2019, ông đã bị chỉ trích là gây ra tình trạng căng thẳng trong xã hội ngày càng tăng. Đặc biệt trong việc ngăn chặn đại dịch Corona, Brazil có số ca tử vong cao, ông bị cáo buộc là thất bại nặng nề khi so với các quốc gia khác. Do đó, sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, Thượng viện Brazil đã bỏ phiếu truy tố ông. Do sự phá hủy liên tục rừng nhiệt đới Amazon, ông cũng bị quốc tế chỉ trích. Đối thủ chính dự kiến sẽ là Lula da Silva, cựu tổng thống Brazil và là thành viên sáng lập của đảng Công nhân Partido dos Trabalhadores. Chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới của Brazil vào tháng 10 hứa hẹn nhiều sôi động vì có tầm ảnh hưởng quan trọng cho Brazil và toàn Nam Mỹ. Các vấn đề được coi là trọng tâm cho toàn khu vực trong năm 2022 là phát triển thương mại, bài trừ ma túy và ngăn chận làn sóng nhập cư giữa Mỹ và Mexico.

 

Ngày 7-18/11: Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 tại Ai Cập

 

Hội nghị Khí hậu Thế giới COP27 sẽ họp từ ngày 7-18/11 tại Sharm el-Sheikh, một thị trấn ven biển của Ai Cập. Gần đây, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi cho biết là sẽ nỗ lực biến hội nghị thành một sự "phối hợp với tất cả thành viên và tạo một bước ngoặt triệt để trong các nỗ lực khí hậu quốc tế vì lợi ích của châu Phi và toàn thế giới". Châu Phi chỉ gây ra khoảng 4% lượng khí thải carbon dioxide cho toàn cầu, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả khí hậu do con người tạo ra. Dĩ nhiên, không phải chỉ có châu Phi mà  Bắc Cực và Nam Cực cũng không thoát khỏi các nguy cơ trong hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nhìn chung, các thiên tai như hạn hán, hỏa hoạn, bão lụt chắc chắn sẽ lại xảy ra thường xuyên tại nhiều nơi và ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn trong năm 2022.

 

Ngày 8/11: "Bầu cử giữa nhiệm kỳ" ở Hoa Kỳ

 

Cứ hai năm một lần, tất cả các dân biểu của Hạ viện và một phần ba thượng nghị sĩ được bầu lại tại Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử quốc hội vào giữa nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống được gọi là "bầu cử giữa nhiệm kỳ". Đồng thời, cuộc bầu cử thống đốc sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tại nhiều tiểu bang. Theo công luận, cuộc bầu cử này cũng được coi như là một thăm dò về ảnh hưởng của Donald Trump. Theo Wall Street Journal cho biết 81% cử tri Cộng Hòa còn tiếp tục ủng hộ Trump. Đảng Dân chủ cố gắng ngăn cản Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát cử quốc hội. Sau vụ triệt thoái Afghanistan, Joe Biden  yếu thế, nhất là không tạo được tinh thần đoàn kết như khi tuyên bố nhậm chức. Biden thành công nhất định trong việc điều chỉnh một vài chính sách bài Hoa của Trump, nhưng đất nước bị chia rẽ hơn bao giờ hết. mà lý do chính là sự bất đồng lưỡng đảng. Các vấn đề quốc nội như dịch bệnh, chuổi cung ứng toàn cầu, nhập cư, phân biệt chủng tộc, bất công kinh tế, tái thiết cơ sở hạ tầng và quyền phá thai sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cải trong chính giới, truyển thông và công luận Mỹ. Các vấn đề quốc tế như người nhập cư từ Trung Mỹ, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga và Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, và xung đột giữa Israel và Iran sẽ là những chủ đề nóng bỏng dành cho Mỹ trong năm 2022.

 

Ngày 21/11-18/12: World Cup tranh tài tại Qatar

 

Từ ngày 21/11-18/12, Qatar sẽ tổ chức World Cup 2022. Qatar và FIFA đã chuyển World Cup sang mùa đông vì nhiệt độ mùa hè trong vùng sa mạc lên tới 50 độ.

Giải bóng đá này là cơ hội thúc đẩy cho thương mại và du lịch của các quốc gia vùng Vịnh thuận lợi hơn, đồng thời củng đã được truyền thông xã hội khai thác triệt để là các nước theo Hồi giáo không có tự do ngôn luận, quyền phụ nữ v.v. Công luận quan tâm nhất là việc hàng ngàn công nhân châu Á đến Qatar để xây dựng các sân vận động, khách sạn, sân bay và đường xá. Họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và không được luật lao động bảo vệ. Các chủ đề tiêu cực này đang được báo chí khai thác. Gần đây, tờ Guardian cho biết, kể từ khi quốc gia này đăng ký tổ chức World Cup, có ít nhất 6.500 công nhân đã thiệt mạng.

 

-- Đỗ Kim Thêm

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.