WESTMINSTER - Phòng Thương Mại Mỹ-Việt dự định hướng dẫn một phái đoàn, hầu hết là doanh gia Quận Cam, đi Việt Nam vào đầu tháng 12 để làm cơ sở cho các thương lượng làm ăn trôi chảy hơn. Tin này do tờ O.C. Register loan hôm Thứ Ba.
Hơn 1,000 người đã biểu tình bên ngoài văn phòng Bác Sĩ Phạm Đăng Long Cơ, một cựu chủ tịch Phòng Thương Mại này, khi ông Cơ dẫn phái đoàn 27 người trong chuyến đi tương tự tới VN năm 1994. Nhưng nhóm doanh gia lần này lại đi VN sau khi thương ước VN-Mỹ ký kết hồi tháng 7.
Chủ Tịch Michael Todaro của Phòng Thương Mại nói, “Thương ước có vẻ như đang được cộng đồng ủng hộ. Họ bắt đầu nhìn chuyện phản đối như là thái độ cvực đoan.”
Lần này, BS Phạm dẫn một nhóm nhỏ hơn, chỉ 15 người, gồm các chuyên gia ngân hàng, cố vấn tài chánh, cung cấp vật liệu y khoa và nhiều ngườiù khác, và hy vọng có kết quả cụ thể hơn.
Phạm nói, vài người trong phái đoàn có thể ký liền các giấy tờ sơ khởi để làm ăn với các đối tác bên VN. Phạm nói, ông đã được bảo đảm từ các viên chức VN rằng họ sẽ giúp các cơ sở kinh doanh thoát nạn hành chánh thư lại.
Vào tháng 11 tới, các viên chức CSVN sẽ tới California để gặp gỡ các thành viên phái đoàn nhằm lượng định nhu cầu của họ, theo lời Phạm. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian và nối kết doanh gia trực tiếp với cac viên chức và các đối tác mậu dịch từ VN, theo ông. Phạm nói, chuyến đi trước không có bao nhiêu kết quả.
Một vài hãng Mỹ vào VN sau khi bỏ cấm vận đã phải bỏ chạy vì nạn quan liêu thư lại và tham nhũng.
Nhưng một số người trong cộng đồng không hài lòng. “Điều kiện kinh tế để làm ăn với VN không cải tiến gì với việc ký thương ước,” theo lời Nguyễn Quốc Lân, một luật sư tại Little Saigon và là một nhà hoạt động nhân quyền. Ông nói, thương ước không buộc VN theo các tiêu chuẩn gắt gao hơn của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO.
Lan Pham, phó chủ tịch Ủy Ban Vì Chính Nghĩa VN Tự Do, nói là nhóm của ông sẽ phản đối chuyến đi các doanh gia này. Ông nói, phải cải thiện nhân quyền trước khi làm ăn với VN. Nhưng “ngày càng nhiều thêm những người muốn bình thường quan hệ với VN,” theo lời Lan Pham.
“Đó là 1 sự kiện, và chúng tôi không thể thay đổi tình hình đó. Chúng tôi không thể bảo đồng bào đừng mua sản phẩm từ VN và đừng về thăm VN.”