Hôm nay,  

Đọc “Một Góc Nhìn Về Chiến Tranh ‘Mậu Dịch’ Mỹ-Trung và Hệ Quả Đến Việt Nam”

05/12/202117:33:00(Xem: 12293)

MotGocNhin

Trong lịch sử nhân loại, gần như tất cả các cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ hai nguyên do sâu xa: tranh giành tài nguyên hoặc xung đột tôn giáo.

 

Sau khi Thế chiến Thứ Hai chấm dứt, Hoa Kỳ đã trở thành lớn mạnh, vượt qua các đế quốc cũ của Âu châu và trở thành cường quốc số một trên thế giới, đối đầu với khối cộng sản. Sau khi chủ nghĩa cộng sản tan rã, Hoa Kỳ đương nhiên trở thành bá chủ. Ngôi vị này đương nhiên bị nhiều thế lực dòm ngó.

 

Trung Quốc, với “mối hận trăm năm” khó quên, với niềm tự hào sẵn có là “nước trung tâm”, đã âm thầm chuẩn bị ròng rã một thế kỷ, nay cảm thấy đã tới lúc phải ra tay, nhất là khi Trung Quốc tự đánh giá là sự tăng trưởng kinh tế của mình cao hơn mức tăng trưởng của Hoa Kỳ. Còn cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) cho rằng khủng hoảng tài chính năm 2008 là thời cơ cho Trung Quốc vùng lên.

 

Đúng vậy. Cuộc thư hùng nhằm tranh ngôi vị bá chủ hoàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra trên nhiều mặt. Một trong những mặt đó, và nổi bật trong thời gian vừa qua, là mặt giao thương. Trong bối cảnh đó, để cho những ai muốn tìm hiểu thêm về cuộc thương chiến này, tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ (Chu Van Nguyen) cùng hai đồng tác giả, Nguyễn Phi Hiệp và Nguyễn Bá Lộc, đã phân tích một phần cuộc thương chiến Mỹ-Trung qua cuốn khảo luận Một Góc Nhìn về Chiến Tranh “Mậu Dịch” Mỹ-Trung và Hệ Quả Đến Việt Nam.

 

Tác giả đã chọn ngày 07 tháng sáu 2018 – ngày Hoa Kỳ ra tay với những đòn đánh vào mức thuế quan trên 818 mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc, làm mốc thời gian đánh dấu cuộc chiến “mậu dịch” bước vào giai đoạn bùng nổ, và hiện nay vẫn còn tiếp diễn.

 

Trong 280 trang của tác phẩm, gồm 16 chương, tác giả đã lần lượt cho chúng ta thấy nguyên nhân sâu xa vì sao có cuộc thương chiến, những phân tích về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật của hai bên, và ảnh hưởng của cuộc thương chiến Mỹ-Trung trên bình diện quốc tế cũng như hệ quả của nó đến Việt Nam như thế nào.

 

Liệu rằng một cuộc chiến tranh nóng trên nhiều lãnh vực, nhất là một cuộc chiến tranh trực tiếp bằng võ khí với thương vong sẽ xảy ra?

 

Việt Nam sẽ chịu thử thách gì khi sống trong bối cảnh Mỹ-Trung đang tranh giành ảnh hưởng, lại ở một vị thế sát sườn Trung Quốc?

 

*

 

Muốn hiểu tường tận nguồn gốc cuộc thương chiến Mỹ-Trung, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Trung Hoa từ thời cổ đại. Vì sao Trung Hoa đã có một thời vinh quang với tổng sản lượng quốc gia bằng 1/3 tổng sản lượng toàn thế giới (đầu thế kỷ 19) mà lại giậm chân tại chỗ trong 200 năm sau đó? Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả đã đưa ra một số nhận định, dẫn ra một số giả thuyết với hy vọng đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.

 

Từ ngàn xưa, đối với dân trong nước, các vua chúa Trung Hoa đã tạo ra hình ảnh thần thánh của họ, đó là thừa lệnh Trời (Thiên Mệnh) để cai trị bá tánh. Còn đối với bên ngoài, Trung Hoa là vĩ đại, là trung tâm của vũ trụ, là trên hết (được biểu hiệu bằng tên quốc gia – Trung Hoa hoặc Trung Quốc). Vì tự mãn, hoặc do các triết thuyết, họ đã dừng lại ở điểm đầu của những phát minh quan trọng, chỉ dùng nó để phục vụ cho giới vua quan hoặc áp dụng trong đời sống tâm linh mà ít quan tâm đến việc khai triển tiếp theo những phát minh đó để cải tổ đời sống dân thường. Từ nếp suy nghĩ này, Trung Quốc đã có rất ít “phát minh khoa học và kỹ thuật”, tức là phát minh ra cái gì mới, mà chỉ có “cải tiến” những gì đã có (chương 6). Theo tác giả, như vậy chỉ thỏa mãn điều kiện cần mà thiếu điều kiện đủ cho tiến trình phát triển kinh tế trong thời đại hiện nay.

 

Nhưng Trung Quốc vẫn ôm “mối hận trăm năm” do bị đế quốc xâu xé và làm cho tàn lụi. chỉ đến khi Mao Trạch Đông nắm quyền, Trung Quốc mới bắt đầu đẩy mạnh công cuộc phục hận. Khi thế giới tiến sang toàn cầu hóa, Đặng Tiểu Bình nêu khẩu hiệu “hội nhập hòa bình”, “hội nhập hòa hợp”, và kế tiếp là “hội nhập ôn hòa” hay chủ trương “thế giới hài hòa” của Hồ Cẩm Đào. Nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ này đã chuyển đổi, từ “đóng kín” sang “mở”, nhờ đó đã có một số tiến bộ vượt bực. Sang thời Tập Cận Bình, tác giả diễn giải theo luận thuyết của sử gia Thucydides để đi đến kết luận là cuộc tranh chấp Mỹ-Trung bắt buộc phải xảy ra. Những cạm bẫy Trung Quốc đưa ra để dụ dỗ một số quốc gia vướng vào vòng lệ thuộc về tài chánh với họ, cộng với dự án “Sáng Kiến Vành Đai & Con Đường/ Nhất Đới Nhất Lộ” của Tập Cận Bình đã là những ngọn lửa kích hoạt cho cuộc thương chiến mậu dịch Mỹ-Trung bùng nổ.

 

Tiếp theo, tác giả khai triển về cuộc thương chiến Mỹ-Trung, theo quan điểm kinh tế-tài chánh, đây là lãnh vực chuyên môn của Chu Van Nguyen. Trong phần này, tác giả chú trọng đến những phân tích, dự phóng những hệ quả của cuộc thương chiến đến Việt Nam. Tác giả đưa ra nhiều phê bình gay gắt về những chính sách Việt Nam đang áp dụng, làm cản trở tiến trình hội nhập vào các hoạt động mậu dịch liên quốc gia, mà một trong những trở lực lớn nhất là Việt Nam không thể chứng minh được với thế giới là quốc gia này đang có một nền kinh tế thị trường, cũng chỉ vì cấp lãnh đạo Việt Nam đã không thể mà cũng không cần kiến tạo “một xã hội công bằng, một nhà nước có trách nhiệm, và minh bạch” (trang 214). Nhất là nạn tham nhũng lan tràn, và tình trạng xã hội phải nuôi hai hệ thống cai trị song hành, là đảng và nhà nước.

 

Về viễn kiến cho kết quả của cuộc chiến tranh giành quyền lực, tác giả cho rằng “chiến tranh mậu dịch sẽ không có bên thắng cuộc mà chỉ có kẻ thua nhiều người thiệt ít mà thôi” (tr. 106). Thậm chí “chính phủ Mỹ và đồng minh có thể phải cứu trợ nền kinh tế Trung Quốc” (tr. 103). Ngoài ra, tác giả lập luận rằng “để cho một quốc gia trở thành lãnh đạo, nhiều quốc gia khác phải tin tưởng và cho phép quốc gia đó lãnh đạo”, điều này phải chăng gián tiếp cho rằng Trung Quốc còn lâu mới có thể vượt mặt Hoa Kỳ, khi họ vẫn liên tiếp làm mất lòng tin của quốc tế qua nhưng mưu mẹo lừa dối bị phanh phui?

 

Về phía Việt Nam, tác giả đã đi đến kết luận là bài trừ tham nhũng có hệ thống và tuân thủ các cam kết, nhất là về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận là hai cải sửa quan trọng và tối cần thiết cho các cải tổ khác tại Việt Nam để Việt Nam có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, tác giả đã lập luận rằng việc này rất khó khăn, do tính di truyền (mà tác giả gọi là DNA) của chủ nghĩa cộng sản, và như thế là Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy “thu nhập trung bình”, hoặc tệ hại hơn, nếu nguồn cung cấp thực phẩm không đủ nuôi dân số đang tăng nhanh, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy Malthus.

 

Trong phần cuối, tác giả đã đưa ra những tóm lược, và đề nghị một số hướng đi cho Việt Nam trong tương lai. Chính sách kinh tế thị trường xã hội tại các quốc gia Bắc Âu có thể được coi là mẫu mực hiện tại để mang lại mức độ hạnh phúc cao nhất cho dân chúng.

 

 

Tuy nhiên, tác giả đã đề nghị một giải pháp táo bạo để người đọc có thể suy nghĩ tiếp về tính khả thi, là áp dụng giải pháp “Phần Lan hóa”. “Phần Lan Hóa” là thuật ngữ mô tả hiện tượng xảy ra khi một quốc gia nhỏ, do sống kề cận một nước láng giềng lớn và hung hăng, nên phải chấp nhận giảm chủ quyền của mình, đặc biệt là trong lãnh vực chính sách đối ngoại, để duy trì độc lập một cách tương đối. Bằng cách so sánh Việt Nam với Phần Lan qua một số điểm tương đồng trong đặc tính quốc gia, vị thế địa-chính trị, v.v., tác giả cho rằng giải pháp “Phần Lan hóa” là một trong những mô hình phát triển không thể bỏ qua. Nhưng, cho dù bằng phương cách nào đi nữa, “nếu cơ hội tái định hình VN đến, chỉ có người VN mới có thẩm quyền quyết định mọi chuyện về đường lối chính sách, vì chỉ có dân tộc VN hiểu được khát vọng của họ.” Đó là khẳng định của tác giả.

 

Tác giả cũng khẳng định thêm: “Hơn bao giờ hết, người VN, dù ở hải ngoại hay trong quốc nội, cần phải trực diện với một thực tế tàn nhẫn và phũ phàng: Trung Quốc với mộng bá quyền sẽ không bao giờ rời bàn tay nhám nhúa khỏi VN. Ngoài ra, Mỹ cũng như bất cứ đồng minh nào luôn luôn đặt quyền lợi của họ lên trên hết, VN phải cảnh tỉnh. Và đồng minh thì chỉ là giai đoạn, nên phải thấy lúc nào ta cần đồng minh nào và dung hòa quyền lợi của đồng minh nào cần cho đất nước và dân tộc.” (trang 335). Và VN không có sự chọn lựa nào khác hơn là con đường trung lập trong dân chủ, tiến bộ và nhân bản.

 

*

 

Các tác giả, trong cuốn khảo luận, với lý luận đơn giản nhưng chặt chẽ, đã dẫn giải một vấn đề không dễ trình bày cho những người không có nhiều kiến thức về kinh tế tài chánh có thể thấu hiểu. Cách dùng từ ngữ mang tính hình tượng, ẩn dụ hoặc hài hước châm biếm đã cho người đọc những phút thoải mái. Tác giả đã đặt tên cho mô hình phát triển kinh tế mới của Việt Nam là mô hình “hướng tôi, kê tính và chọn đối tác để phát triển”. Trong những chương khác, tác giả luận bàn về “DNA của các chính thể độc tài”, đặt vấn đề “Cái Đây hiện tại của Việt Nam là đâu”, v.v.

 

Để cho những người muốn tìm hiểu thêm về các định luật kinh tế tài chánh và những biện pháp điều chỉnh kinh tế, nhân sự lao động, v.v., một số phụ bản đã được thêm vào, với lời giải thích ngắn gọn và các biểu đồ dẫn giải, những số liệu thống kê về kinh tế tài chính. Người chưa có nhiều kiến thức về kinh tế tài chính, đọc những phần này có thể hiểu rõ ràng về những thuật ngữ: thế nào là bàn tay vô hình của Adam Smith, hoặc Keynes đã đưa ra những biện pháp nào trong học thuyết kinh tế nổi tiếng của ông, v.v. Những hướng điều tiết trong hệ thống hối đoái và cung cầu cũng được các tác giả giải thích bằng các đường biểu diễn linh hoạt. Trong chương 14 người đọc có thể thấy được sự phân tích rõ ràng về vấn đề khiếm hụt ngân sách và một số hệ quả của nó, một đề tài tương đối phức tạp.

 

Tuy nhiên, có lẽ các tác giả mang nặng ưu tư về tương lai của Việt Nam, nên trong một số chương người đọc khó thấy được sự liên hệ giữa cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Trung với những gì được trình bày trong những chương này, như khi bàn về thực trạng lao động, về vấn đề nhân dụng tại Việt Nam chẳng hạn. Trong chương 16, tác giả luận về thuyết “Che Giấu Tư Duy” hoặc “Giả Mạo Tư Duy” của Kuran, một đề tài rất mới và rất đáng cho những nhà tranh đấu nghiên cứu học hỏi thêm, về chuyển biến trong tâm tư và hành động của các nhóm quần chúng theo diễn tiến của thời cuộc và mức độ kiểm soát của nhà cầm quyền.

 

Đương nhiên người đọc có thể không đồng ý ở một vài lập luận được trình bày trong cuốn sách không dễ đọc, nhưng tôi thiết nghĩ cuốn khảo luận này sẽ là những khơi mở cho tư duy tiếp theo. Cũng như trong trường hợp của tôi, tôi không đồng ý hoàn toàn với các tác giả khi đọc phần trình bày về phương pháp thẩm định một dự án đầu tư theo toán học kinh tế, được bàn đến trong phụ bản của chương 12. Theo tôi, ở cấp độ quốc gia, còn một số yếu tố khác mà cuốn sách không bàn đến rốt ráo – hoặc chưa thể bàn rốt ráo với kiến thức hiện nay của nhân loại, đó là những yếu tố sẽ định hình bộ mặt của quốc gia trên trường quốc tế trong một thời gian dài. Có khác chăng, là ở những quốc gia có sinh hoạt dân chủ, có sự bàn thảo và thẩm định (tương đối) khách quan từ nhiều góc nhìn độc lập, đưa đến những điều chỉnh kịp thời. Còn trong các chế độ độc tài do một đảng nắm trọn quyền sinh sát, mọi kế hoạch đầu tư vĩ mô đều do các nhân vật chóp bu của đảng vẽ ra và chỉ đạo xuống. Chính cơ cấu này đã làm nẩy sinh và kích thích các tệ nạn trong đầu tư của nhà cầm quyền trong những dự án phúc lợi khi một thiểu số người có đặc quyền thao túng do họ tự ban.

 

Tóm tắt, cuốn khảo luận “Một góc nhìn về Chiến Tranh Mậu Dịch Mỹ-Trung và Hệ Quả Đến Việt Nam” là một công trình nghiên cứu kinh tế tài chính sâu sắc với những dữ liệu được cập nhật cho đến sát ngày cuốn sách được phát hành (tháng 9/2021), là một tài liệu đáng đọc cho những người muốn tìm hiểu thêm về những gì Việt Nam đang phải đối đầu trong cuộc tranh chấp Trung Quốc - Hoa Kỳ, nhất là về mặt ngoại thương.

 

Nguyễn Hiền

 

Sách “Một Góc Nhìn Về Chiến Tranh ‘Mậu Dịch’ Mỹ-Trung và Hệ Quả Đến Việt Nam”

 

Chu Van Nguyen – Nguyễn Phi Hiệp – Nguyễn Bá Lộc
280 trang, bìa mỏng. ISBN 978-0-578-25357-2

Tranh bìa: Thomas Tran
Trình bày: Huỳnh Dũng
Giá US$25.

Liên lạc mua sách: Nguyễn Đình Tùng, email: us.vn.book@gmail.com

 

Sơ lược tiểu sử các tác giả:

 

Chu V. Nguyen: PhD (Kinh tế và Tài chính), M.S. (Toán), M.A. (Kinh tế). Tị nạn tại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1975. Phó giáo sư kinh tế vào tài chính. Nguyên Khoa trưởng Khoa FAMIS (Tài chính, Kế toán, Kinh tế, Điện toán Ứng dụng và Ngoại thương) tại Marilyn Davies College of Business, University of Houston Downtown. Nguyên Trưởng phòng Phân tích và Dự báo Kinh tế và Tài chính của Ngân hàng Khu vực 5th của hệ thống Ngân hàng Tín dụng Liên Bang Hoa Kỳ.

 

Ông là chủ bút tạp chí Southeast Asia Review of Economics and Business. Là thành viên Ban biên tập các tạp chí tại Hoa Kỳ (Southwestern Economic Review, Journal of Eastern European and Central Asian Research, Journal of Economics and Business Perspectives), tại Pakistan (Journal of Asian Development Studies) và tại Ukraine (Scientific Herald of Siverschyna); là thành viên của một số Hội đồng Cố vấn và Quản trị; và đã có hơn 100 bài viết trên các chuyên san kinh tế và tài chính có uy tín tại Hoa Kỳ và quốc tế.

 

Nguyễn Phi Hiệp: Tốt nghiệp Cao học Sử của Viện Đại học Dalat, dù được miễn dịch vĩnh viễn nhưng đã tình nguyên gia nhập quân đội, tham dự các toán biệt kích xâm nhập đường mòn HCM vùng Thượng và Hạ Lào. Tị nạn ở Hoa Kỳ từ 1975. Từng làm trong Bộ Lao động ở tiểu bang Arkansas cũng như tại cấp liên bang. Từng là Chủ tịch tổ chức TIGAAR (The Information Group for Asian American Rights) do TT. George W.Bush thành lập. Đã về hưu. Đã thuyết trình nhiều lần về vấn đề tài chính trong các trường đại học ở Texas: trong chiến tranh Việt Nam và thời sự Đông Nam Á; thuyết trình, tranh luận và phê bình về một số phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam trên đài truyền hình PBS...

 

Nguyễn Bá Lộc: Cao học Kinh tế Tài chính, Học viện Quốc gia Hành chánh (Saigon), Hậu đại học tại Đại học Brisbane (Úc). Cựu Giám đốc Nha phối hợp Kinh tế Địa phương vùng IV thuộc Bộ Kinh tế. Nguyên Giảng viên Phân khoa Luật và Xã hội học của Viện đại học Cần Thơ. Sau khi tị nạn ở Hoa Kỳ năm 1975 đã có nhiều bài khảo luận về kinh tế cho một số tạp chí, website, đài truyền thanh truyền hình; đã tham dự nhiều cuộc hội thảo về kinh tế tài chính và về Việt Nam. Nguyên Hội trưởng Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cố vấn Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhóm Vietnamese American Art Club (VAAC) triển lãm hội họa với chủ đề Hương Sắc Quê Nhà...
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hận thù, xung đột, phân hóa và cực đoan. Mạng sống vốn bình đẳng và quý giá của con người đã chẳng còn chút giá trị thiêng liêng và cao quý nào cả trong cái nhìn lạnh lùng và trái tim sắt đá của những nhà lãnh đạo và chính trị gia cuồng vọng, hay của những đảng phái và chủ nghĩa cực đoan, độc tài và tàn bạo! Nhân loại đang rơi vào thảm họa của một thời kỳ nhuốm màu sắc văn hóa cục bộ, phiến diện và bất bao dung. Đó là sắc thái văn hóa, mà trong đó hoặc là anh đúng, hoặc là tôi đúng; hoặc là anh chết, hoặc là tôi sống; không có thỏa hiệp, không có cộng sinh. Và dĩ nhiên, không ai chấp nhận mình sai, cũng không ai muốn mình chết. Cho nên, chúng ta phải quyết đấu nhau, một còn một mất.
Tại Westminster Civic Center (Sunken Gardens) 8200 Westminster Blvd Thành phố Westminster CA 92683, ban Liên Lạc các Hội Đoàn Giới Trẻ Nam California tổ chức Tết Trung Thu năm 2023 cho các em Thiếu Nhi.
Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh. Chuyến hành hương một tháng: Phật tích, hội thảo Phật giáo và từ thiện của Chùa Hương Sen tại ba nước Hàn Quốc, Ấn Độ và Tích Lan đã khép lại với nhiều thành tựu đáng nhớ. Thành kính tri ân Chư tôn thiền đức Tăng ni và các Phật tử đồng hương xa gần đã ủng hộ cho chương trình Bảo trợ Tăng Ni Sinh du học và Từ thiện ba nước.
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...
Cô Liudmyla Chychuk là nhạc sĩ piano người Ukraine, một nhà giáo dục danh tiếng, và là sáng lập viên của Tổ chức “Power of Art” với mục đích giới thiệu âm nhạc, văn học, nghệ thuật và văn hóa cổ truyền của Ukraine đến công chúng Ukraine và thế giới...
Bản dịch Việt ngữ dựa trên nguyên bản Anh ngữ bài điểm sách ‘Wild Dances’ puts consequences of a long-ago, faraway conflict at center (NPR May 9, 2023) của Đinh Từ Bích Thúy...
Ý nghĩa thâm nghiêm của tượng Phật đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.