Hôm nay,  

Nghĩ Về “Tập sách Cái Cười & Sự Lãng Quên” (Tiểu Thuyết Milan Kundera, Trịnh Y Thư Dịch)

04/11/202109:22:00(Xem: 1526)


Kun_Book_Cover_PreOrder.jpg



Đó là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn.
(Kundera)

 

Je pense donc je suis… (Descartes).

 

    Mà vì hình như, suy nghĩ một mình không thể tìm ra bản ngã, tác giả phải tạo ra nhiều mình khác qua nhân vật, gọi là tiểu thuyết để cùng đi tìm: tìm trong cái phông nền lịch sử, trong tình dục, trong tình yêu, hạnh phúc, đớn đau…

 

Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi (Kundera). Bởi cuối cùng là để vượt ra, vượt qua: một cái đường biên mong manh mà mênh mông đó. Ở đó, Bên kia đường biên “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt (trang 19). Nghĩa là đạt đến vô ngã / non-self (không phải no-self).

 

Cái đường biên đó do chính tác giả tạo ra cho mình và loay hoay tìm lối thoát, càng tìm lối thoát càng bị quấn chặt. Chỉ vượt ra, vượt qua (Gaté, gaté…paragaté…) đường biên khi có được trí Bát nhã (Prajna) thấy được ngũ uẩn giai Không, mới “độ nhất thiết khổ ách”.

 

Diễn viên, kịch sĩ cũng sắm nhiều “bản ngã” cho mình, như lúc sắm vai vua, lúc sắm vai ăn mày… nếu “thức tỉnh” cũng dễ vượt thoát. Nhà viết tiểu thuyết còn có ưu thế hơn: tiểu thuyết nói được những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được (Kundera). Hài hước, châm biếm, ẩn dụ, châm ngôn, giả định, khoa đại, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc,… và dĩ nhiên cũng không tách khỏi cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” dù giãy nảy: Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia (Kundera). Cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” đó dù làm người ta nôn ói, người ta bị điều khiển ngay cả cách làm tình thì cũng đã tạo cái cớ cho tiểu thuyết gia vung chiêu.  Dĩ nhiên lịch sử chỉ là… những lời nói dối (thơ ĐN).

 

Chỉ có một cách thoát, như Vạn Hạnh thiền sư dạy đệ tử hơn ngàn năm trước:

 

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

                   (Vạn Hạnh thiền sư)

 

Lịch sử thịnh suy cuồn cuộn những kiếp người… Cho nên vấn đề không phải là Ra đi mà Trở lại. Trở lại Địa đàng. Ở trong Ta thôi. Quay về nguyên thủy loài người, nguyên thủy đời sống, nguyên thủy tình yêu (trang 328).

 

Cái cười là một khám phá. Sự lãng quên là một khám phá. Khi bạn vượt ra qua biên thùy, cái cười phải tuôn ra. Nhưng nếu bạn tiếp tục đi dấn, vượt qua cả cái cười, thì sao? (trang 315).

 

Trí bất đắc hữu vô

 Nhi hưng đại bi tâm…

       (Kinh Lăng Già)

 

Nghĩ về “dịch vật” của Trịnh Y Thư:

 

Dịch Kundera rõ ràng không dễ toát được Kundera. Nhưng Trịnh Y Thư mong có thêm 7 “biến tấu” nữa của tác giả để được dịch tiếp.

 

TYT thố lộ: “Dịch Cái cười & Sự lãng quên là việc làm thú vị tuyệt vời đối với tôi”. Kundera có cái mỉa mai, chua chát, thậm chí thâm độc nhiều tầng, mà TYT gọi là cái phần hồn phách, cái Thần của tác phẩm, “bất khả tư nghị”, chỉ có thể đạt đến bằng trực giác, Dionysian… Dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới... và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn. (TYT)

 

Tôi tò mò muốn biết giá TYT cho vài thí dụ… về dăm ba nét linh diệu phù ảo thì hay quá! Tôi vốn đã phục cách dịch “linh diệu phù ảo” của TYT qua các tựa sách: Đời nhẹ khôn kham, “Cái” cười và “Sự” lãng quên…

 

Khôn kham là chịu hổng nổi, chịu hết nổi!

 

Còn ở đây “Cái” có vẻ như để khinh miệt, còn “Sự” là cái còn được… tôn trọng phần nào. Tôi nghĩ ở đây có thể dùng cả “Cái” cho Cái cười và Cái lãng quên. Song hành Cái, Cái cũng hay chứ!

 

Cũng đã có những dịch giả ở Việt Nam dịch hay không kém (về Tựa): Cõi người ta (Bùi Giáng dịch St. Ex.): Cõi, như Cõi Ta bà, Cõi Bồ-tát… với pháp giới thể tánh riêng của nó. Hay Chuông gọi hồn ai (For Whom the Bell Tolls) của Huỳnh Phan Anh (dịch E. Hemingway).

 

Nhớ có lần TYT viết đâu đó: Những cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không?  Câu trả lời là không (TYT).

 

Tôi không tin vậy. Mỗi ngôn ngữ có một sắc thái riêng, có thể đạt đến cái “thần” bằng trực giác. Cái đó gọi là “đi guốc trong bụng” tác giả.

 

Khái Hưng dịch Tình tuyệt vọng với hai chữ “thui thủi” trong 2 câu này của Sonnet d’Arvers chẳng đạt cái “thần” sao?

 

Hélas! j'aurai passé près d'elle inaperçu,

 Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,

 

Hỡi ơi! Người đó ta đây

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân…

 

Hay Mùa thu chết (Apollinaire) của Bùi Giáng:

 

J'ai cueilli ce brin de bruyère

L'automne est morte souviens-t'en

 

Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

 

với những chữ “ngắt đi”, “nhớ cho”… chẳng đạt đến cái “thần” sao? Nếu không, sao có Mùa thu chết của Phạm Duy với tiếng hát July Quang: “Em nhớ cho, em nhớ cho, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa…trên cõi đời này…?

 

Nhưng tôi đồng ý với TYT việc khó dịch thơ. Bởi tôi không tin thơ chỉ là ngôn ngữ, phối từ… Có dịp sẽ trở lại đề tài này.

 

Tôi nhớ Nguyễn Hiến Lê nói: dịch hay là dịch sao cho người đọc không nhận ra vết dịch.

Quả thật, đọc bản dịch của TYT không thấy có vết dịch.

 

ĐHN

Saigon 02.11.2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.