Hôm nay,  

Vụn Vặt Chuyện Xưa

23/10/202111:20:00(Xem: 2137)

 


 Thuở sinh thời, ngoại tôi thường nhắc nhở con cháu:

“Những loại giấy có chữ, nếu không dùng thì đốt đi, không được vất bỏ bừa bãi kẻo người ta đạp lên chữ nghĩa thánh hiền, nếu mà đạp lên chữ nghĩa thì đời sau sanh ra sẽ ngu dốt không biết chữ.”

 Ngoại tôi tuy chữ nghĩa không bao nhiêu, đủ để biết đọc, biết viết sơ khai nhưng khả năng nhớ và tính nhẩm thì siêu đẳng. Thời Pháp thuộc ngoại đã ra bắc vào nam buôn bán. Thời quốc gia thì làm ăn phát đạt và giàu có nhất vùng, vốn liếng tài sản nhiều nhưng chẳng bao giờ nghe thấy tính lộn hay tính sai bao giờ. Ngoại tính nhẩm mà chính xác và nhanh như điện. Bọn con cháu có học hành, có bằng cấp, tính bằng giấy bút, bằng máy tính nhưng vẫn cứ sai sót như thường. Có không ít lần con cháu tính hóa đơn xong, ngoại nhẩm lại là thấy sai. Con cháu cãi ngoại: “Máy tính điện tử sao sai được?”, ngoại khăng khăng:  “Tính lại đi”, quả thật tính lại thì thấy sai. 

 Ngoại không có học hành nhiều, chỉ qua những lớp bình dân học vụ thời Pháp thuộc nhưng trong đầu là cả một kho tàng ca dao, tục ngữ và cả những câu nói chữ nho. Tôi lớn lên thuộc  nhiều ca dao và yêu thích văn chương có lẽ nhờ nghe ngoại hát ru thời thơ ấu. Tôi tính toán rất dở, rất vụng, tính tới tính lui sai hoài nhưng được cái ghi nhớ tốt, có lẽ hưởng cái gene của ngoại. Có những câu ca dao, bài hát ru, câu chữ nho… nghe từ hồi còn bé vậy mà đến giờ vẫn nhớ như in. Có những chi tiết nhỏ nhiệm hầu như người nhà chẳng ai nhớ nhưng tôi còn nhớ rõ mồm một, khi nói ra thì mọi người ngớ người ra. Có lần ngoại kể chuyện:

“Xưa có ông tăng đi khất thực qua làng, buổi trưa tròn bóng, ông ngồi dưới gốc cây me đầu làng để thọ thực và nghỉ trưa. Một thằng bé trong làng đang hái me trên cây, nó nghịch ngợm từ trên cao tè xuống trúng đầu ông tăng. Ông tăng quá từ bi, không giận, không thấy phiền, chỉ kêu thằng bé xuống và còn cho nó cái bánh. Ít lâu sau có một ông quan lớn ở triều đình về thăm làng, Ông để lính tráng quân hầu ở ngoài xa, một mình đi vào làng và ông cũng vô tình  ngồi dưới gốc me đầu làng để hóng gió. Cũng thằng bé hôm nọ, nó được thể leo lên cây me và tè xuống đầu ông quan. Ông quan giận dữ kêu nó xuống và đập thằng bé chết tại chỗ.”

Câu chuyện ngụ ý: “Từ bi phải có trí huệ, từ bi mà thiếu trí huệ thì cái quả nhiều khi không thành thậm chí có hậu quả ngược”. Ngoại kể xong chuyện còn giải thích:

“Giá mà ông tăng hôm ấy kêu thằng bé xuống, phạt đòn ít roi thì có lẽ đã cứu được mạng nó. Ông tăng từ bi, chẳng những không phạt mà còn cho nó cái bánh, nó quen mùi, những tưởng ai cũng như ông tăng và nó tiếp tục để rồi phải chết vì ông quan.”

 Ý ngoại còn nhắn nhủ: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Con trẻ dù có ngoan cỡ nào cũng cần phải uốn nắn dạy dỗ. Con trẻ mà không dạy dỗ thì nó không phân biệt được phải trái, đúng sai; mai kia lớn lên sẽ cong vạy. Ngoại kể chuyện xong còn ngâm nga:

“Sanh con chẳng dạy chẳng răn

   Thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng”

 Ngoại là một Phật tử thuần thành chơn chất, cũng như bao  nhiêu Phật tử dưới quê. Ngoại tin Phật, tu Phật bằng tín tâm. Ngoại và bao người khác đâu biết gì “Tứ diệu đế, bát chánh đạo, tứ niệm xứ, thất bồ đề phần...”, rồi những thuật ngữ như: “Bồ đề, bát nhã, tánh không, Phật tánh...” lại càng xa lạ, những giáo lý hay những bộ kinh thậm thâm càng không biết. Ngoại chỉ một lòng trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm. Lúc mua bán thì tạm gác lại nhưng hễ rảnh ra thì niệm Phật.  Ngoại lên chùa mồng một và ngày rằm. Ngoại cũng cúng cô hồn các bác vào mỗi tháng nhưng tuyệt đối cúng chay, không cho phép sát hại sanh vật hay dâng cúng đồ mặn (theo thói thường thì người ta cúng cô hồn các bác phải có heo quay, gà, vịt hoặc tam sênh…). Con cháu ngoại sau này có học hành đàng hoàng, có hiểu biết giáo lý nhưng lại thua ngoại ở chỗ thực hành! 

 Ba vốn là người cùng quê với ngoại, rời quê xuống trấn trọ học. Ba nho nhã thanh tú, chữ viết đẹp như rồng bay phụng múa, lại biết hát và đánh đàn guitar. Má là con gái lớn của ngoại, thế rồi hai người ưng ý, ngoại gả luôn cho ba. Ba làm rể ở nhà ngoại, chịu ảnh hưởng ngoại và từ ông ngoại kế. Ông ngoại kế là một cư sĩ thuần thành, giỏi chữ nho. Ông thường dịch kinh và đánh máy trên loại giấy pơ luya (ngày nay không còn thấy loại giấy này nữa). Ông ngoại còn vẽ minh họa hình Phật, Bồ tát…bằng mực tàu, Sau đó đóng gáy bằng chỉ may. Kinh sách tự làm đem tặng cho những Phật tử đồng niên hay các chùa khác. Ông ngoại kế cũng là bạn đồng niên với đức đệ tứ tăng thống, những năm ngài còn ở Nguyên Thiều thì ông thường đạp xe ra tháp đảnh lễ ngài. Ba chịu ảnh hưởng lớn từ ông ngoại kế và học Phật từ đó. Thời quốc gia, ba có đi quân dịch một thời gian, trại đóng gần đỉnh đồi có pho tượng kim thân Phật tổ ở Nha Trang. Những kỷ vật mà gia đình còn giữ được sau những biến động của quốc gia là một tấm ảnh cha mặc quân phục đứng chiêm ngưỡng tượng đức bổn sư.



 Tịnh độ thâm nhập sâu và lâu đời rồi, Phật tử Việt hầu như chỉ biết có Phật A Di Đà (Trừ những Phật tử phương nam chịu ảnh hưởng Phật giáo nam tông). Ngoại cũng như mọi Phật tử dưới quê, rất chí thành niệm Phật, làm lành, làm phước, ăn chay, đi chùa… và hy vọng khi chết được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Hầu hết mọi đám tang của Phật tử Việt đều theo nghi thức tụng niệm Kinh A Di Đà, cầu và chúc vãng sanh Cực Lạc. Liễn, trướng, đối, vòng hoa… cũng ghi cầu “Vãng sanh Cực lạc,” “Vãng sanh tịnh Độ”... Ngoại hay rầy la con cháu mỗi khi thấy phung phí ăn đổ vãi cơm gạo hoặc thức ăn. Ngoại thường nói:” Bỏ thừa mứa thức ăn, cơm gạo rơi vãi không nhặt lên thì kiếp sau đói khổ, hổng có mà ăn”. 

 Ngoại là người đàn bà tháo vát, năng động và mạnh mẽ, hoạt động không ngừng nghỉ, có lẽ nhờ vậy mà sức khỏe dẻo dai, ít bệnh tật. Cả đời ngoại không biết bác sĩ hay nhà thương là gì, những khi cảm mạo trái gió trở trời hay đau bụng, nhức mỏi thì đến ông lang vườn, hoặc đến mấy tiệm thuốc bắc hốt vài thang thuốc về sắc uống thế thôi. Ngoại thích thuốc bắc, trấn nhỏ có ba tiệm thuốc bắc: Thái Xuân Đường, Lợi sanh Đường và Tân Lợi Đường Ngoại hạp với Tân Lợi đường nhất. Khi mà cảm thấy không khỏe là đến đấy để ông già Tàu bắt mạch và hốt cho vài thang thuốc. Ngoại triết lý: “Nghề y dễ làm giàu nhưng cũng dễ thất đức, con bệnh có biết gì đâu, muốn chẩn thế nào cũng được, muốn bán loại thuốc gì cũng xong, mua ký bán chỉ, đã thế nhiều ông lang còn nuôi bệnh không chữa dứt, để con bệnh còn quay lại...” Giờ nghĩ lại thấy lời ngoại vậy mà chính xác, nhiều ông lang ta, lang tây nuôi con bệnh để trục lợi một cái ác ngầm đáng sợ! 

 Nhà cũng có con cháu thường uống rượu, ngoại la rầy hoài. Người uống rượu cũng hứa hoài nhưng không bỏ được, bỏ rồi lại uống bao nhiêu bận vẫn không xong. Ngoại khi không lại kể chuyện chơi, không biết là ngoại nghe từ đâu hay là tự diễn ra:

“Xưa có người uống rượu, ngày nào cũng say lè nhè, hàng xóm cười chê, bản thân người ấy cũng biết say sưa là không tốt, tuy nhiên bỏ rượu không phải dễ. Một ngày kia anh ta say túy lúy và bị một con quỷ chặn đường đòi ăn thịt. Anh ta van xin thì nó ra ba điều kiện: “Mầy phải uống hết hũ rượu này hoặc là đốt nhà, điều thứ ba là giết mẹ”. Anh say rượu ngẫm nghĩ: “Đốt nhà thì ở chỗ nào? Giết mẹ thì bất hiếu, chỉ có điều thứ nhất uống rượu là quá dễ”, nghĩ thế và anh ta chọn uống hết hũ rượu. Sau khi uống hết hũ rượu và lảo đảo đi về nhà. Bà mẹ thấy thế càm ràm la mắng, anh say rượu mất hết lý trí phừng phừng nổi giận lập tức nổi lửa đốt nhà và giết chết người mẹ của mình.”

 Câu chuyện ngụ ý một khi mình đã mất lý trí thì tội ác nào cũng dám làm, giới cấm nào cũng phạm và rượu là một nguyên nhân chính làm mê mờ lý trí. Ngoại còn khuyên răn: “Uống rượu nhiều thì kiếp sau sẽ làm con dòi trong hũ hèm”… 

 Ngoại là con gái thầy hương cả, em ông bá hộ Thì, tuy ngoại không đẹp  nhưng cứng cát và tháo vát. Ngoại là bạn đồng niên, đồng môn với ông Xã Thạnh, ông Phó Bộ Di, ông võ sư Hà Trọng Sơn mà người đời thường xưng tụng là “Con hùm xám miền trung”. Ngôi nhà của ngoại ở quê sát bên từ đường của thầy hương cả chỉ để thờ cúng. Ngoại mua nhà trong thị trấn để sinh sống mua bán làm ăn. Ngôi nhà ở quê cũng là nơi ngoại chôn giấu vàng và những món tài sản quý. Ngôi nhà yên ả với đường làng rợp mát bóng tre. Những ngày còn nhỏ, tôi thường theo ngoại về ngôi nhà ấy để ngủ, ngoại về ngủ cũng để trông chừng của cải chôn giấu (sau này lớn lên tôi mới biết được bí mật này). Cái tĩnh mịch của đêm trường ở vùng quê đến vô cùng, đầu hôm còn có tiếng dế, tiếng côn trùng nỉ non, càng về khuya thì sự tịch mịch như sâu lắng không biết dường nào. Những đêm trăng, trăng rơi lấp loáng khoảng sân cát giữa nhà. Ngoại nằm võng kẽo kẹt hò:

… Ví dầu bậu có muốn thôi

     Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu ra

     Bậu ra cho khỏi tay qua

     Cái xương bậu nát cái da bậu mòn… 

Thế rồi ngoại thiếp đi trong giấc mơ, mờ sáng thì ngoại dậy thỉnh chuông khấn nguyện:

“Cầu trời khấn Phật, Cầu chư vị bồ tát, thiện thần, long thiên bát bộ gia hộ cho con cháu mạnh giỏi, học hành tấn tới, tật bệnh tiêu trừ, gia đạo bình an, thiện lành ở lại, nghịch dữ bỏ đi, đức Phật từ bi, rủ lòng gia hộ… Nam mô A Di Đà Phật.”

 Tiếng chuông boong boong boong loãng vào không gian, mang lời khấn nguyện bay cao, bay xa, bay vượt thời gian và bay vào tâm khảm con người.

TIỂU LỤC THẦN PHONG 

Ất Lăng thành, 10/21

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.