Hôm nay,  

Vô Ngã Thì Ai Là Tôi?

12/10/202116:19:00(Xem: 3044)
Văn Công Tuấn
Thư pháp "VÔ NGÓ (Thủ bút thư pháp của chính thi sĩ Trụ Vũ)

 

Vô ngã là “không có ta”. Không có ta, vậy thì ai đang nói, ai đang viết đây?

Cô bạn văn viết Email cho tôi và nói, mới nhận món quà quý của bác Trụ Vũ, không biết có nên khoe với anh không? Tôi trả lời ngay, nên chứ! Khoe món quà văn chương là việc nên làm và nên làm ngay. Ấy là việc chia sẻ niềm vui kiến thức với bạn, nhất là món quà thơ từ một nhà thơ lão thành nổi tiếng. Không khoe mà giữ riêng cho mình, là chơi không đẹp.

Vậy là nàng Ngọc Thúy Hoàng Quân gởi ngay cho tôi xem bản thư pháp bài thơ của cụ Trụ Vũ. Bài thơ viết về „Vô Ngã“ có 3 khổ. Hoàng Quân còn viết thêm rằng: Hôm nào, anh Tuấn có chút thì giờ để thở, anh Tuấn giải thích thêm cho Thúy bài thơ, nhìn qua lăng kính của "Hạt Nắng Bồ Đề" nghe. Lời sao mà nhẹ nhàng, âm hưởng của sông Hương núi Ngự nghe như vẫn còn quyện đâu đây! Dù vậy cái cục đá nặng tôi đang đeo trong ba lô vẫn cứ nặng.

Thường ngày, khi có điều kiện trao đổi một đề tài về Phật học với bạn bè thân hữu, cốt là để cùng học hỏi tu tập thêm, tôi đều cố hết sức, cho dù lúc đó bận hay rảnh, đang thở thoải mái hay thở hồng hộc như chạy đua. Nhưng đụng chuyện vô ngã này thì khác, nó quả đã vượt qua khỏi cái lằn ranh khái niệm cụ thể, vượt qua cái đầu hạn hẹp của tôi. Lại là thơ của Trụ Vũ! Nếu không có yêu cầu, khi gặp các bài thơ tầm cỡ như vậy, tôi chỉ đọc lên mấy câu, ngước mắt nhìn trời, gật gù thán phục rồi im lặng luôn. Làm sao mà nói được? Tôi lại còn biết rất rõ, cụ Trụ Vũ không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà nghiên cứu Phật học rất thâm sâu. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn trân quý cuốn Pháp Cú (Dhammapada) do cụ dịch ra thể thơ, một tuyệt tác vì nó đã chở được không những ý mà cả lời của Pháp Cú. Đây là cuốn sách nằm thường trực phía trước mặt thuận tay với ở trên kệ sách nhà tôi (thường gọi là sách gối đầu giường).

Nhưng chả lẽ lại im luôn, thì coi sao được. Vì vậy, tôi cứ gồng mình ghi ra đây những suy nghĩ của mình về vô ngã, xem như là những ghi chú, trước cho chính mình, sau đáp lời yêu cầu của một người bạn.

***


Vô ngã (anattā) nghĩa đen là “không có ta”. Mới vừa nghe, đã thấy cặp chân như nặng thêm, như vừa vấp phải cục đá trên bước đi. Vấn đề khởi đầu ngay từ đấy.

Thử hỏi, không có ta, thì ai đã gõ bàn phím nọ để ra các chữ này? Không có ta, thì lấy ai ngồi đó đang đọc bài viết này? Không có ta, thì ai đang hít vào thở ra? Vân vân và vân vân. Chuyện quả là thập phần nan giải!

Nhà thơ thì nói ra sao mà dễ dàng quá. Dễ như đói thì ăn, khát thì uống.

(1)

Bởi vì tôi vô ngã

Nên lấy gì khổ đau.

Lấy gì có những nỗi

Mặt ủ với mày chau.


Bởi vô ngã, tức không có ta thì lấy đâu đau khổ. Thử ghi cái lý luận ấy ra.

A = Ta

B = Đau khổ

Có A thì sẽ có B. Vậy A không hiện hữu thì B cũng không có. Dĩ nhiên! Đến luận đoạn này thì vẫn còn dễ hiểu. Nhưng khổ nỗi, A vẫn sờ sờ đây nè. Nó là tôi đó. Tức là cái mà các Tổ nhà Thiền thường kêu là „cái bị thịt“. Bị thịt sờ sờ ra đó, mà nói không hiện hữu!

Để khỏi lúng túng cắn móng tay, tôi nói theo mệnh đề đảo: do không có B nên cũng chẳng còn A. Cũng không ổn! Ai cũng biết đời tràn ngập khổ đau và chính đức Phật cũng nói vậy. Đó là chưa tính hai việc rất thơ mà thi sĩ muốn nhấn mạnh thêm: cái mặt ủ và cái mày chau. Hai cái này ai không biết, chứ tôi rành sáu câu lắm. Ấy cũng là cảnh khổ (tuy không khổ lắm) mà ai cũng gặp thường nhật. Gặp trong nhà, gặp ở sở làm, gặp ở ngoài chợ… có khi còn gặp luôn cả trong chùa.

Thôi, tạm thời mời cái “mặt ủ” và cái “mày chau” ngồi đó chờ chút, đọc xem thi sĩ nói gì tiếp theo. Đọc tiếp thơ, khổ 2.

(2)

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy chi có vô thường.

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy gì có biên cương.


Lại vấp nhằm cục đá thứ hai: vô thường. Vô thường là không có gì hiện hữu, tồn tại mãi mãi. Mọi vật thể, thiên thể trên thế gian này đều trải qua bốn giai đoạn sanh, trụ, dị, diệt. Cả thân người chúng ta cũng vậy. Ta do cha mẹ sinh ra (sinh), rồi lớn lên, trưởng thành (trụ), bắt đầu già nua, bệnh tật (dị) và cuối cùng phải chết (diệt). Cái bị thịt ta mang vác ấy cứ luôn luôn biến đổi. Dẫu là một bé sơ sinh, là một thanh niên thiếu nữ đang mạnh khỏe hay là các cụ ông cụ bà đã già yếu, cơ thể ta vẫn là khối vật thể tế bào chuyển dịch không ngừng. Nó biến đổi từng thời, đơn vị còn nhỏ hơn nano giây (nsec), chữ chuyên môn Phật giáo gọi là từng sát na. Chúng như được ráp nối lại với nhau – hệt trò chơi ráp hình lego của trẻ con – bằng hàng tỷ các loại tế bào khác nhau. Trung bình thân thể con người có chứa 1014 tế bào (10 lũy thừa 14=100 billionen = một trăm ngàn tỷ). Khoa học đã xác định được rằng, trong một cơ thể khỏe mạnh cứ mỗi giây đồng hồ có khoảng 50 triệu tế bào chết đi và cũng 50 triệu các tế bào mới được sinh ra. Chúng, tức các tế bào thân thể con người không phải chỉ chết đi do các “tai nạn” như ngộ độc, chấn thương, đói do thiếu oxy dinh dưỡng v.v… mà còn tự diệt. Ngành sinh học đã gọi tên chuyên môn cho quá trình tự hủy của các tế bào là Apoptosis. Từ những năm 1840 người ta đã nói về quá trình phát triển này, nhưng được nhắc đến nhiều sau khi nhà sinh học người Anh John Edward Sulston, cùng 2 người khác: Sydney Brenner và H. Robert Horvitz được trao giải Nobel Sinh học (Y học) về công trình nghiên cứu gen để điều chỉnh sự phát triển của các quá trình tự hủy và cân đối lượng tế bào, vào năm 2002. Các công trình nghiên cứu của Sulston bắt đầu từ những năm 1970 trên cơ thể của loài giun. Điều ấy xác minh được hai việc cốt yếu. Thứ nhất, quá trình sinh diệt phần thân thể của người, thú vật, côn trùng đều như nhau – vì đồng là chúng sanh. Thứ hai, khi nói đến sự sống là hàm ý ngay đến cái chết. Trong sự sống đã có mầm mống của cái chết. Nghĩa là “vô thường” như giáo lý nhà Phật thường nói.

Để dễ hiểu hơn về lý vô thường này, xin mượn lời giải thích súc tích này, trích trong tác phẩm Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo của học giả người Nhật Junjiro Takakusu, Tuệ Sỹ dịch.

Một con người hiện hữu là “hiện hữu tùy thuộc vào một tràng nhân duyên”. Mọi hiện hữu đều do nhân duyên và nó sẽ tan biến khi những tác dụng của tràng nhân duyên đó chấm dứt. Như vậy, một người không thể xem hạt nhân hay hồn của người đó là một thực ngã. Thí dụ những làn sóng trên mặt nước quả là hiện hữu, nhưng có thể gọi mỗi làn sóng đều có tự ngã không? Sóng chỉ có khi gió lay động. Mỗi làn sóng đều có riêng đặc tánh tùy theo sự phối hợp của những nhân duyên, cường độ của gió và phương hướng của gió… Nhưng khi những tác dụng của nhân duyên đó chấm dứt, sóng sẽ không còn nữa. Cũng vậy, không thể nào có cái ngã biệt lập với nhân duyên được.

Nhận thức về vô ngã là một tri kiến căn bản trong Phật Giáo. Đó cũng là nguồn giáo lý xuyên suốt mọi quá trình tu tập trong đạo Phật. Bởi vậy, ngay cả trong thời Phật Thích Ca còn tại thế cho đến nay, vẫn có người cho rằng đạo Phật là đạo vô thần. Điều đó cũng dễ hiểu. Tất cả mọi tôn giáo đều thừa nhận có một vị giáo chủ, một đấng thiêng liêng có quyền uy ban phúc giáng họa. Người nào theo và phục vụ các lợi ích cho cộng đồng tôn giáo ấy thì sẽ được phần thưởng cho đời này và cả đời sau. Tất nhiên kẻ không phụng sự cho lý tưởng ấy, hay chống đối có thể sẽ bị trừng phạt. Phật giáo không quan niệm như vậy.

Do vậy có thời (và cả đến bây giờ) nhiều thức giả, luôn cả hàng chức sắc trong nhiều tôn giáo khi nghe nói về vô ngã, tức là nói không có cái Ta thì hoảng hốt và khó lòng chấp nhận. Hoảng hốt vì nếu vô ngã, nếu không có Ta thì ai tu, ai chứng? Ai thành Phật, ai thành Thánh, ai đi vào thiên đàng, ai đáp xuống địa ngục? Và ở đây: Ai đau khổ, ai mặt ủ, ai mày chau?

Cả hệ thống triết học, thần học phương Tây, và luôn cả hệ thống triết học Vệ Đà Ấn Độ, Hồi giáo… đều muốn giao số phận, vận mạng của mình cho một Đấng thiêng liêng ở đâu đó trên cao quyết định. Quyết định tất cả từ thành công, danh vọng, sức khỏe… Thậm chí, có khi người ta còn muốn Đấng ấy giúp hạ địch khi đang tranh giải bóng đá. Quả là ta làm khó các Đấng ấy (nếu thực sự có) vì cả hai đội bóng đối nghịch đều muốn thắng. Thực tế cho ta biết rằng, thân mạng của con người sinh ra do sự hòa hợp bởi tinh cha, huyết mẹ và gồm tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Bốn đại này tạo thành con người và luân chuyển trầm luân trong vòng sanh tử và cũng chính nhờ bốn đại này mà chúng ta có thể sống, làm việc, tu học… Thêm vào, chính cái tứ đại ấy tượng hình ra tôi, ra anh, ra chị, nên chắc chắn nó không thể chỉ là cái thế giới thu hẹp bên trong gồm đầu mình tay chân tim óc phèo phổi… của mỗi chúng ta. Đất này, nước này, lửa này, gió này tuy là một phần thân thể tôi, nhưng đã cấu thành bằng những chất liệu không phải là tôi. Tôi mang trong tôi những chất liệu rắn chắc, chất liệu có tính lỏng, chất liệu có hơi ấm, chất liệu lưu chuyển. Chúng hiện hữu ở đó để tạo thành hình hài “tôi” nên chúng không phải (và cũng không thể) là “của tôi”. Những chất liệu ấy đến với tôi từ mọi người khác, và cũng từ sự hiện hữu và những hiện tượng khác trong vũ trụ. Con người chúng ta thường bám vào cái “của tôi” nên mới sinh ra chiến tranh, thù hận, dịch bệnh v.v…

Bởi thế khi ta nói vô ngã là ta muốn nói rằng, không có bất cứ cái gì trên thế gian này có thể độc lập tồn tại. Thân tứ đại này đã là tổng hợp bốn yếu tố của đất trời, tất cả tùy thuộc vào nhân và duyên. Do cái này có nên cái kia có, do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Không thể có một cái gì thực sự tự có, thực sự độc lập, thực sự tồn tại bất biến.

 

(3)

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã miên trường.

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã trầm hương.


Mình thường hay nghĩ, hay nhìn về một cái cụ thể, cái tiếp xúc được. Mà cái cụ thể gần nhất trước mắt là cái ta. Cái ta này là cái hiện thân thể hiện sự tồn tại với mọi tình cảm, tư duy. Nếu bị mất mát, bị phủ nhận, bị xem thường… thì ta sẽ hoảng hốt ngay. Ta quên rằng, cái thân thể này, từ đầu đến chân – kể cả phần tư duy bên trong – đều là do năm uẩn mà thành. Năm uẩn là sắc, thọ tưởng, hành, thức (xin miễn đi vào chi tiết giải thích năm uẩn là gì, có rất nhiều tài liệu về năm uẩn). Nhìn vào, quán chiếu năm uẩn là để ta thấy được bản chất của con người và cả thế giới hiện tượng chung quanh. Con người đau khổ là do vô minh, do không thấy được bản chất của sự sống. Do vô minh nên chấp ngã, chấp vào cái chủ thể bất biến. Do chấp ngã mà có tham ái, có sân hận, có si mê, có sợ hãi… và có sanh tử triền miên.

Thi sĩ Trụ Vũ nói, vì tôi vô ngã nên cái tự ngã của tôi nằm ngủ im re một giấc miên trường, dài hơn cả ngàn năm - khỏi cần ru hát ầu ơ ví dầu…Vì tôi vô ngã nên tự ngã bay bổng, tỏa hương (trầm hương). Tôi tuy hiện hữu đó nhưng tôi bình yên, tôi thong dong, tôi tự tại!

Ở đây cũng cần lưu ý thêm một điểm vô cùng quan trọng để tránh đi lạc về sau. Vô ngã hoàn toàn không hàm ý rằng "ta không có ngã" (tức là thuyết đoạn diệt). Hai lãnh vực tư duy này khác nhau như đen và trắng, như mặt trời và mặt trăng. Nó cũng sai lầm hệt như chấp rằng "ta có ngã" (thuyết trường tồn). Cả hai quan niệm vừa nêu ấy đều vẫn còn trói buộc trong ý tưởng sai lầm "có cái ta". Phải quán chiếu, phải tư duy sự vật như chính sự vật ấy, mới là thái độ đúng đắn.

Nếu ta cứ tiếp tục lý luận, cứ thao thao về hai từ „vô ngã“ này thì viết cả bao nhiêu trang giấy cũng không đủ. Thực sự cảm nhận được tinh yếu „vô ngã“ như một tiến trình tư duy, tu tập như thi sĩ Trụ Vũ đã làm thì mới thật là khó, không phải ai cũng làm được.

Vô ngã hàm ý rằng, vạn vật trên cõi đời này do nhân duyên mà sanh nên nó cũng do nhân duyên mà diệt.

Đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện vui của Hòa Thượng Thiện Siêu đã kể trong một bài giảng. Câu chuyện có thể giúp mình hiểu rõ thêm chút về tự ngã và vô ngã.

Ngày xưa có một linh hồn sau nhiều kiếp tu luyện, đến thiên đàng gõ cửa Thượng Đế, Thượng Đế hỏi:

- Ai đó?

- Tôi, Linh hồn đáp.

Thượng Đế hỏi:

- Tôi là ai?

- Tôi là tôi.

Thượng Đế bảo:

- Ở đây không đủ chỗ cho ta và ngươi cùng ở. Ngươi hãy đi nơi khác.

Linh hồn ấy trở lui về trần gian tu luyện thêm một ngàn năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại.

Thượng Đế hỏi: - Ai đó?

Đáp: - Tôi.

- Tôi là ai?

- Tôi là Ngài, Linh hồn đáp.

Khi ấy Thượng Đế liền mở cổng cho vào.

Thí dụ trên cho ta thấy, một ngàn năm trước tôi là tôi - còn ngã chấp, thì không vào thiên đàng được. Một ngàn năm sau, tôi là Ngài, mới vào được, vì hết ngã chấp. Vì ta với mình tuy hai mà một. Niết bàn là cái tuyệt đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết bàn vô tướng - vô tướng nên rất khó vào. Muốn vào Niết bàn, ta cũng phải vô tướng như Niết bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc nên ta không thể mang theo một hành lý nào mà hy vọng vào Niết bàn được cả. Cái thân đã không mang theo được, mà cái ý niệm về tôi, về ta, cũng không thể mang theo vào được. Cái ta càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết hễ hữu ngã thì luân hồi mà vô ngã là Niết bàn chứ không phải đòi hỏi có cái ta để vào Niết bàn.

Ở đoạn cuối bài giảng trên, Hòa Thượng Thiện Siêu nói rõ thêm:

(…)

Vậy thì nói Phật độ chúng sanh là gì? Ở đây chúng ta cần phân biệt chữ "độ" và chữ "cứu rỗi". Chữ "cứu rỗi" thì chỉ cần đức tin, tin có một đấng tối cao, đấng ấy sẽ rước ta vào cõi phúc lạc của Ngài ở một nơi nào đó, nếu ta đầy đủ lòng tin. Trái lại chữ "độ", nghĩa là vượt qua, có nghĩa là làm cho chúng sanh thấy rõ rằng: chính vì bản ngã mà nổi chìm trong biển phiền não sanh tử. Vậy chỉ cần trừ cái ngã chấp thì phiền não không còn đất đứng. Khi phiền não đã trừ thì kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc cũng dứt mà vượt qua bờ giác. Khi phiền não chấm dứt thì dù bất cứ đang ở đâu, bất cứ giờ phút nào cũng là Niết bàn, không cần phải cất bước đi đến một nơi nào cả để tìm cõi Niết bàn. Bởi thế đức Phật dạy luôn luôn quán vô ngã, bốn đại, năm uẩn tạo nên thân này đều là những thứ do duyên ở ngoài kết hợp lại mà thành chứ cái thân "đồng nhứt" với cái ngã thì không thực có. (Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15211/vo-nga-la-niet-ban) 

 

Giờ thì chúng ta biết rõ rằng bài thơ Vô Ngã của Trụ Vũ không chỉ là một bài thơ mà là một bài sám, bài kinh cầu. Và Ngọc Thúy Hoàng Quân lại được cụ trao truyền cho bài sám ấy. Sự việc trao truyền một bài thi kệ cũng là việc thường thấy trong truyền thống của nhà Thiền. Mong rằng, người bạn văn của tôi trân quý bài sám đó, cất vào túi gấm để khi cần thiết thì mở ra xem lại. Và tôi cũng hiểu rất rõ rằng, món quà này không phải là một viên kim cương để làm đồ trang sức cá nhân cho riêng ai (kể cả cho HQ). Nó là viên ngọc thắp sáng đường đi cho tất cả những ai có tâm nguyện tập tễnh lần mò đi trên con đường đạo. Trong đó có tôi.

Vậy xin cùng đọc lại cả bài thơ lần nữa.

 

Bởi vì tôi vô ngã

Nên lấy gì khổ đau.

Lấy gì có những nỗi

Mặt ủ với mày chau.

 

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy chi có vô thường.

Bởi vì tôi vô ngã

Lấy gì có biên cương.

 

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã miên trường.

Bởi vì tôi vô ngã

Nên tự ngã trầm hương.

 

Trụ Vũ, 11.05.2021

Quý tặng cháu Hoàng Ngọc Thúy

 

Nội dung và âm hưởng bài thơ Vô Ngã của Trụ Vũ xem ra không xa vũ trụ những bài Kinh Pháp Cú mà nhà thơ Trụ Vũ đã có lần thi kệ hóa vậy.

Phẩm Ngu 62 - Pháp Cú

Đây là con cái ta!

Đây là nhà cửa ta!

Phàm phu thốt như vậy

Đâu biết rằng chính họ

Còn chưa phải của họ

Huống con cái cửa nhà!

 

Phẩm Đạo 278 - Pháp Cú

Các pháp nọ vô ngã!

Sáng suốt hiểu như vậy,

Ắt rời bỏ khổ não:

Vào ngã lạc tịnh thường!

(Kinh Pháp Cú – Trụ Vũ soạn thành Thi Kệ. NXB Tôn Giáo, 2003

 

---

Đức quốc 6/2021

Nguyên Đạo – Văn Công Tuấn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm nay 17 tháng 3, 2025, dân chúng Canada tạm biệt Justin Trudeau. Tôi yêu mến thủ tướng và tự hào về ông. Trudeau nói: Dân chủ không phải được ban cho, tự do không phải được ban cho, Canada cũng không phải được ban cho. Bạn phải giành lấy chúng bằng tất cả lòng can đảm, sự hy sinh và công việc cần mẫn mỗi ngày.
Vào đầu tháng 3, 2025 xem chương trình The Jimmy TV trên YouTube trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, cụ bà năm nay 86 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn trò chuyện với nhau. Gần sáu thập niên qua, Hè năm 1967, sau bốn tháng học Quân Sự trong giai đoạn I cùng với Khóa 24 ở Truồng Bộ Binh Thủ Đức, Khóa Nguyễn Trãi I thuyên chuyển về Trường ĐH. CTCT ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã tái bản nhiều lần gây xôn xao trong dư luận và dĩ nhiên thu hút độc giả nơi nầy vì nhân vật và bối cảnh xảy ra trên mảnh đất nầy.
Một buổi chiều, từ rất lâu rồi, tôi thấy mình đơn độc trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, một thành phố biển gần Sài Gòn, đứng nhìn ra khơi. Chiến tranh ngày một tệ hơn. Huế và Đà Nẵng đã thất thủ. Tiếp theo là cao nguyên Trung Phần. Sài Gòn đang hoảng loạn. Quân đội cộng sản đang tiến quân mà không bị cản trở. Tôi mới mười một tuổi và khá nhỏ con so với tuổi của mình. Bãi biển gần như vắng tanh. Gió và sóng như thét gào bên tai tôi. Với hai cánh tay dang rộng, tạo thành những hình thù kỳ lạ trên không, tôi lớn tiếng tụng niệm những câu thần chú.
Nhật Bản là một nước Phật giáo, mà cách đây một thời gian theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật, những người theo Phật giáo chiếm đại đa số và đúng theo lịch sử truyền bá và phát triển, Phật giáo đến nước nào thì mang sắc thái văn hóa của nước đó. Cho nên, Phật giáo khi vào Nhật Bản cũng mang một số sắc thái riêng. Nay có tác phẩm Bồ-tát Quan Âm - Tín Ngưỡng & 50 Tượng Tuyến ở Nhật Bản của nhà nghiên cứu Bùi Chí Trung, người đã sống và làm việc lâu năm tại quốc gia này sẽ cung cấp cho chúng ta một số thông tin quý báu về những nét rất riêng của Phật giáo Nhật Bản...
Cô nhà văn Hoàng Quân, tự xưng là đại diện “Hội Những Người Trán Dồ Yêu Lung Tung”, tự xưng luôn là có cùng ngày sinh nhật với một ông trán dồ nổi tiếng là ông Albert Einstein, ngày 14/3, có gửi mail yêu cầu tôi viết về trán dồ để hy vọng “trán dồ sẽ góp mặt trong mười…một thương”. Tôi nể ông Einstein nên phóng bút. Trán dồ hay trán dô là cùng một category trán…phi trường. Trán là khu vực nằm từ chân lông mày cho tới chân tóc. Trán bình thường chiếm khoảng 1/3 chiều dài gương mặt. Trán dô lấn sân hơn, vượt qua kích thước thông thường khiến khuôn mặt mất cân đối, kém hài hòa. Nếu nhìn ngang, người ta sẽ thấy phần xương trán của những người trán dô nhô lên cao. Vậy nên nhà văn Hoàng Quân không nên chụp hình profile!
Nói kết không phải là món quà trên trời rớt xuống, nó sinh ra trong những nỗ lực âm thầm và kéo dài, bắt đầu từ trò chuyện, tương tác, gặp gỡ và bao dung. Bạn tập nhìn thấy điều tốt lành ở người khác, nhìn thấy điểm chung để chia sẻ. Nếu bạn nối kết nhưng độc lập, thì mối quan hệ ấy có tính lành mạnh, nâng đỡ. Nếu bạn nối kết và a dua bầy đàn, thì quan hệ ấy sẽ bệnh hoạn, xóa mất bạn vào đám đông.
Chiến tranh bao giờ cũng đi đôi với nỗi chết. Chết vì bom đạn, chết vì chạy loạn, đói khát, dẫm đạp lên nhau… nhưng trong những bức ảnh chiến tranh đau thương đó, như một phép màu, ta thỉnh thoảng lại bắt gặp một sự sống còn ngoài sức tưởng tượng của con người: Như em bé sơ sinh được lôi ra dưới đóng gạch còn sống khi một đầu cuống rốn vẫn dính vào cuống nhau của người mẹ đã chết, và em đươc đặt tên là Aya (tiếng A Rập có nghĩa là may mắn). Như một gia đình 8 người, không ai sống sót trừ bé gái lên 5 tuổi, được lôi ra dưới đống gạch ngói vụn vỡ… và còn bao nhiêu phép màu nữa chỉ có Thượng Đế mới giải thích được.
Có lẽ, người chết cháy cần phải chôn cất vội vã. Sự chuẩn bị của mọi người gần như tối thiểu. Yến biết anh mình không tin đời sau. Mọi ý nghĩa, mọi giá trị đều ở đời này. Anh tin vào sự hữu hiệu, hữu ích của tinh thần và vật chất. Có trường hợp tinh thần cao hơn. Có trường hợp vật chất cần thiết hơn. Anh thường nói với Yến, sống là chuổi chọn lựa giữa tinh thần và vật chất. Vì vậy, nàng chọn lựa không khí tinh thần cho đám tang thay vì vật chất rình rang.
Cô ngồi bên cửa sổ nhìn trời tối buông xuống đại lộ. Đầu cô dựa lên rèm cửa sổ và trong mũi cô là mùi vải cretonne bụi bặm. Cô cảm thấy mệt mỏi...
Mỗi ngày bạn cảm nhận được nhiều nhịp đập của những trái tim khác nhau. Bạn thông minh hơn và hiểu biết hơn vì những người tốt lành chiếu ánh sáng của họ lên đường đi của bạn. Bạn sống một cuộc đời giàu có vì những ngôi nhà của người khác bạn được ghé thăm, bữa ăn tối của họ bạn được mời tới. Những món quà quý nhất mà tôi nhận được trong đời đều đến từ người nghèo khó.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.