Hôm nay,  

Giới Thiệu Night Sky with Exit Wounds - Trời Đêm Có Lối Ra Thương Tích.

10/10/202121:47:00(Xem: 4186)

ocean-vuong-2
Ocean Vuong

 

Ocean Vuong

Tên thật: Vương Quốc Minh, sinh năm 1988, thi sĩ Việt Nam. viết truyện và tiểu luận.

Lãnh Giải Ruth Lilly/ Sargent Rosenberg Fellowship (Poetry Foundation) năm 2014.

Whiting Award năm 2016.

T.S. Eliot Prize thi ca năm 2017.

MacArthur Grant năm 2019.

Sinh quán tại Việt Nam. Vượt biên theo gia đình lúc hai tuổi, đến trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân. Đến Hoa Kỳ, định cư tại Hartford, Connecticut.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Brooklyn Colledge University of New York. Tốt nghiệp M.F.A. tại New York University.

Thơ của Vuong xuất hiện trên hầu hết những tạp chí văn chương nổi tiếng tại Hoa Kỳ, như: The Nation, TriQuarterly, Guernica, The Rumpus, Boston Review, Narrative Magazine, The New Republic, The New Yorker, and The New York Times.
 
Tác phẩm:
- Tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous, Penguin Press, 2109.
- Burnings, Sibling Rivalry Press, 2010.
- No (Yes Yes Books, 2103)
- Night Sky With Exit Wounds, Copper Canyon Press, 2106.
- Time Is A Mother, Penguin Press, 2021.
 
Mang Thương Tích
Thoát Khỏi Trời Đêm
Ngu Yên tuyển và dịch
Ghi chú: Những bài truy cập trên lưới được kiểm tra với thơ trong bản chính: Night Sky with Exit Wounds của Ocean Vuong.
 
Đọc Bài Headfirst
của Ocean Vuong
 
Người làm thơ và người đọc thơ luôn luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Thế nào là thơ hay? Hoặc hỏi một cách chính xác hơn, thế nào là bài thơ có giá trị?
Đây là một ví dụ về thơ hay, thơ có giá trị: Bài thơ Đầu Ra Trước của Ocean Vuong.

Bài thơ được xây dựng trên bốn tứ thơ. Cả bốn tứ thơ đều độc lập với nhau, chỉ liên hệ bằng lời của người mẹ nói với con. Ngôn ngữ đơn giản, nhưng diễn đạt bằng những hình ảnh khác thường, bằng nhịp điệu không quen thuộc. Một số ý nghĩ gây ngạc nhiên và thú vị cho người đọc. Ví dụ, tay sờ vú như sờ đầu lâu; người quên bản thân như Thượng Đế quên bàn tay. Sự so sánh vượt qua khuôn khổ bình thường của người Việt, tuy là quan điểm bắt mắt. lôi cuốn người đọc, nhưng sự so sánh mang tính bất ngờ này phải có ý nghĩa làm cho bài thơ sâu sắc, thông minh và sáng. Nếu chỉ là những hình ảnh hoặc tứ thơ so sánh với cố ý đánh bóng, hoặc tạo sự kỳ lạ, mà không thực sự có ý nghĩa, những so sánh như vậy trở thành khuyết điểm và biểu lộ sự thiếu nội lực về sáng tác.

Tứ thứ nhất, mẹ nói, đối với mẹ, không có gì quan trọng hơn con sống sót mỗi ngày. Mẹ sẵn sàng bỏ qua mọi điều kiện hãnh diện như ngọn lửa bỏ qua tiếng kêu của những gì đang cháy.

Tứ thứ hai, chỉ có người mẹ mới cưu mang nỗi khổ đau của con mình. Còn đàn ông, ngoài trừ thỏa mãn tình dục, sờ vú như sớ đầu lâu, họ cón nhìều giấc mơ như vượt núi, dù cõng người chết trên lưng đi vào chiến trận.

Tứ thứ ba, khi khôn lớn, đi vào đời, đứng để sách vỡ làm cho lạc lối. Đừng quên bản thân như Thượng Đế quên bàn tay. Thử nghĩ, nếu một người quên mất bàn tay, thì người ấy sẽ như thế nào?

Tứ thứ tư, Đừng quên bản thân, đừng quên bản sắc dân tộc. Nếu có ai hỏi con từ đâu đến, hãy trả lời, con bò ra từ chiếc miệng không răng, dưới háng của người đàn bà sống trong chiến tranh, đưa đầu vào miệng những con chó đói.

Và kết luận, con sẽ phải dùng những khổ nạn trải qua để mài bén bản thân như mài bén con dao.

Chỉ bằng bốn tứ thơ, qua lời người mẹ, anh Vuong đã đề cập những khía cạnh tâm lý và tư duy của người trai lưu vong thế hệ thứ hai. Biết bao nhiêu con cái xấu hổ hoặc không hài lòng về thái độ, cách sống “quê mùa”, thiếu hội nhập của cha mẹ. Ngược lại, mẹ nuôi con chỉ muốn con sống yên vui, học hành tử tế. Biết bao nhiêu con cái nhờ vậy mà thành đạt. Chữ nghĩa, bằng cấp, tài sản, chỉ để ngụp lặn xa hoa quên bản thân lưu xứ. Biết bao nhiêu người Việt ngại ngùng, tránh né khi người bản xứ đặt câu hỏi về nguồn gốc của họ. Ý tứ, hình ảnh khít khao, tuyển chọn tuy không nhiều nhưng đủ để gợi ý cho những người Việt tha hương nơi hải ngoại.

Không quá phức tạp nhưng đủ để người đọc suy gẫm. Bài Headfirst chỉ là một ví dụ ngắn, dọc theo những trang sách trong tập thơ Night Sky with Exit Wounds, người đọc sẽ tìm thấy rất nhiều những ý nghĩ thâm trầm, những tứ thơ tự sáng nổi bật, không chỉ gây thích thú mà còn tạo ra những suy tư và nghi vấn về bản thân trong đời sống lưu vong. Đọc thơ Ocean Vuong cần từ tốn, dừng lại ngẫm nghĩ, đọc đi đọc lại, vì thơ ông mang nhiều ẩn ý, từ những hàm ý này, cách trình bày tự nhiên đứt đoạn, tạo nhiều khoảng trống cho người đọc tự nối kết. Hình ảnh trong thơ của ông hầu hết xuất hiện từ một tiềm thức mang sẹo tích sâu đậm. Kinh nghiệm riêng tư của ông lạ lẫm đối với một số người Việt lớn tuổi.
 
 
Thơ Tuyển
 
Đầu Ra Trước
 
Con biết không? Tình mẫu tử
Không màng đến tự hào
như ngọn lửa
không màng tiếng kêu
của những gì đang cháy.

Con ơi,
kể cả ngày mai
con sẽ có hôm nay.
Con biết không? Có những đàn ông sờ vú
như đang sờ
đầu lâu.

Những đàn ông mang giấc mơ
vượt núi, trên lưng
cõng người chết.
Chỉ người mẹ mới có thể đi
với sức nặng
của nhịp tim thứ hai.

Thằng khờ.
Con có thể lạc lõng trong mọi cuốn sách
nhưng sẽ không bao giờ quên bản thân
như Thượng Đế quên
bàn tay của ông.
Khi họ hỏi
con đến từ nơi nào,
nói cho họ biết tên con
được tạo ra từ cái miệng không răng
của người đàn bà sống chiến tranh.
Con không phải được sinh đẻ
mà đưa đầu bò ra –
vào miệng bầy chó đói.
Con ơi, nói với họ
thân thể là lưỡi dao nhờ cắt nhiều
mà sắc bén.
 
Bên Ngưỡng Cửa
Threshold
 
Mọi nơi trong cơ thể đều có giá riêng,
Tôi, gã hành khất. Quỳ gối,
 
nhìn qua lỗ khóa,
không phải người đang tắm, mà mưa ướt
 
anh ta: tiếng guitar vỗ về
trên đôi vai dáng dấp địa cầu.
 
Anh đang hát,
khiến tôi ghi nhớ
 
Giọng anh - tràn ngập tôi tận đáy hồn
như một bộ xương.
 
Kể cả tên tôi
đã quỳ trong tôi, khẩn cầu tha thứ.
 
Anh hát. Tôi chỉ nhớ bấy nhiêu.
Vì trong cơ thể, mọi thứ đều có giá,
 
Tôi đang sống. Không biết
còn lý do nào đúng hơn.
 
Buổi sáng hôm đó, cha tôi dừng lại
- con ngựa đen dưới mưa tầm tã
 
Lắng nghe tiếng tôi thở nghẹn ngào
sau cánh cửa. Tôi không hiểu
 
giá phải trả để tham gia bài hát
- lạc lối về.
 
Vì vậy, tôi tham dự – rồi tôi mất hết.
Mất tất cả trong khi rất tỉnh táo.  
 
Telemachus
Telemachus
 
Như bất kỳ con trai hiếu thảo nào, tôi nắm tóc cha,
kéo ra khỏi mặt nước, kéo lên bãi cát trắng,
 
khủy tay ông cà một vệt dài, sóng nhanh chóng xóa mờ.
 
Vì thành phố bên kia bờ đã mất
nơi chúng tôi bỏ đi.
 
Vì trúng bom nổ nhà thờ bây giờ chỉ còn cây cỏ.
Quỳ bên ông để thấy mình chìm đến mức nào.
 
Ba ơi, có biết con là ai?
Không bao giờ nghe tiếng đáp trả.
 
Câu trả lời là lỗ đạn xuyên qua lưng,
chứa đầy nước biển. Nằm bất động
 
Tôi nghĩ, ông có thể là cha của bất cứ ai,
được tìm thấy như lọ chai xanh xuất hiện  
 
dưới chân cậu bé, đã một năm qua
không hề chạm đến.
 
Tôi sờ tai ông. Không phản ứng gì.
Lật ông ngửa ra. Nhìn tận mặt.
 
Thấy nhà thờ trong đôi mắt biển đen.
Gương mặt không phải của tôi –
 
nhưng tôi sẽ mang lên để hôn vợ con thân ái
chúc ngủ ngon:
cách mà tôi hôn lên môi cha
 
và bắt đầu nhiệm vụ lương tâm
dìm ông xuống nước.
 
 
Khúc Sớm Mai
Trong Thành Phố Lửa
Aubade With Burning City
 
(Miền Nam Việt Nam, ngày 29 tháng 4, 1975: Đài phát thanh Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ phát bản nhạc “White Christmas” của Irving Berlin, như một mật mã bắt để bắt đầu Chiến Dịch Gió Cuốn, ám chỉ cuộc di tản sau cùng của công dân Mỹ và người tị nạn Việt Nam bằng máy bay trực thăng trong thời điểm Sài Gòn thất thủ.)
(*) Chữ nghiêng đến từ ca khúc.
 
Cánh hoa sữa rụng bay trên đường
như những mảnh rách từ áo thiếu nữ
 
“Cầu chúc các bạn tháng ngày sung sướng vui tươi …”
 
Anh ta rót đầy sâm-banh vào tách trà, đưa lên môi nàng.
“Uống đi,” anh nói.
Nàng uống.
Bên ngoài, người lính phun
mẩu thuốc lá, chân bước khắp quảng trường
như đá từ trời rơi xuống.
Mong tất cả lễ Giáng Sinh của bạn đầy tuyết trắng”
khi cảnh sát lưu thông cởi dây bao súng ngắn.
Những ngón tay anh sờ dọc theo
lai áo đầm trắng. Một cây đèn cầy:
chiếc bóng: có hai bấc.
 
Chiếc xe tải quân sự băng qua ngã tư,
bên trong nghe trẻ em la lối.
Chiếc xe đạp lật nhào vào cửa kính gian hàng.
Khi bụi bốc lên, con chó đen nằm dài
trên đường hổn hển. Hai chân sau 
bị nghiền nát vào ánh sáng
của ngày Giáng Sinh tuyết trắng.
           
Trên bàn đầu giường, lần đầu tiên,
cành Mộc lan nở ra tin tin đồn bí mật
                                                           
 
Những đỉnh cây lấp lánh và trẻ em lắng nghe,
cảnh sát trưởng gục xuống hồ bơi Coca-Cola.
Tấm hình người cha nhỏ bằng lòng tay 
nổi trong nước bên tai trái của ông.
 
Khúc ca sớm mai băng qua thành phố như một góa phụ.
Màu trắng … một màu trắng … tôi mơ
tấm màn tuyết trắng
trợt khỏi vai nàng.
 
Tuyết cọ vào cửa sổ. Tuyết xé nhỏ
cuộn vào tiếng súng. Trời đỏ.
Tuyết trên xe tăng cán qua tường vách phố phường.
Chiếc trực thăng kéo đám người sống
lên khỏi tầm với.
 
Thành phố trắng đang sẵn sàng hóa mực.
 
Đài phát thanh nói chạy chạy chạy.
Cánh hoa sữa rơi trên con chó đen
như những mảnh rách từ áo thiếu nữ.
 
“Cầu chúc các bạn tháng ngày sung sướng vui tươi.”
Nàng nói điều gì đó, cả hai đều không nghe.
Dưới lầu khách sạn rung chuyển.
Chiếc giường một mảng băng lớn.
 
Anh nói “Đừng lo,” lúc quả pháo đầu tiên lóe lên
sáng khuôn mặt họ,
các anh em tôi đã chiến thắng
và ngày mai …”
 Đèn tắt.
“Tôi đang mơ. Tôi đang mơ …
nghe tiếng chuông trên xe trợt tuyết …”
 
Trong quảng trường bên dưới: Một bà sơ, cháy lửa,
lặng lẻ chạy về hướng Thượng Đế
 
“Mở ra”, anh nói.
Nàng mở ra.
 
 
Một Hôm Nào Tôi Sẽ Yêu
Ocean Vuong
Someday I’ll Love Ocean Vuong
 
Ocean, đừng sợ hãi.
Nơi cuối đường còn rất xa
Nhưng đã ở sau lưng chúng ta.
Đừng băn khoăn. Cha của ngươi chỉ là cha
cho đến khi một trong hai người quên mất.
Như xương sống sẽ không nhớ cánh bay
dù biết bao lần đầu gối hôn lên vỉa hè.
Ocean, có nghe không?
Phần đẹp nhất trên thân thể ngươi
là nơi bóng mẹ phủ xuống.
Đây, ngôi nhà mà tuổi thơ
bị chuốt mỏng thành sợi dây đỏ cài bẫy.
Đừng lo âu. Cứ gọi nó là đường chân trời
& ngươi sẽ không bao giờ chạm đến.
Đây, hôm nay. Hãy nhảy.
Tôi hứa không phải thuyền cấp cứu.
Đây, người đàn ông giang rộng vòng tay
đủ gom lại bước ngươi rời bỏ.
Đây, ngay lúc này,
khi đèn tắt, vẫn nhìn thấy
ngọn đuốc chập chờn giữa hai chân ông.
Làm sao ngươi có thể dùng nó
nhiều lần để tìm thấy bàn tay.
Ngươi yêu cầu thêm cơ hội thứ hai
& được cho cái miệng để làm hết sạch.
Đừng sợ hãi, tiếng súng
chỉ là âm thanh con người
cố gắng sống lâu hơn một chút
& thất bại.
Ocean ơi, Ocean ơi –
hãy đứng lên.
Phần đẹp nhất trên thân thể ngươi
là nơi nó tiến đến
& hãy nhớ,
cô đơn còn nhiều giờ tiêu pha với đời.
Đây, căn phòng, đông người xúm xít.
Những bạn bè chết
tuôn qua ngươi
như gió tuôn qua chùm chuông treo.
Đây, chiếc bàn khập khiễng
& một viên gạch kê
giúp nó đứng lâu dài.
Vâng, đây căn phòng
ấm áp và gia đình chen chúc,
Tôi nói thật, khi ngươi thức dậy –
sẽ lầm lẫn vách tường
là da người.
 
 
Hiến Dâng
Devotion
 
Thay vì, năm bắt đầu
bằng đầu gối
cạo nền gỗ cứng,
một người đàn ông khác
đi vào cổ họng tôi.
Tuyết đầu mùa
lộp độp trên gương cửa sổ,
mỗi hoa tuyết là mỗi vần
a, b, c …
Tôi không xao lãng nữa.
Vì sự khác biệt
giữa cầu xin & ân sủng
là cái lưỡi quấn quít cách nào.
Tôi rà lưỡi mình
vào vòng rốn quen thuộc,
mật rỉ xuống
chảy về hướng hiến dâng.
Không còn gì linh thiêng hơn
giữ chặt nhịp tim đàn ông
giữa hàm răng,
mài bén
bằng nhiều hơi thở.
Cái miệng này lần cuối đi vào
trong tháng Giêng,
im lặng với tuyết đầu mùa
lộp độp trên gương cửa.
Như vậy rồi sao - nếu lông tôi
đang cháy.
Tôi chưa bao giờ đòi hỏi được bay.
Chỉ cảm nhận
thâm thúy, rõ ràng
cảm giác tuyết đẹp
chạm vào da thịt
đột nhiên
tuyết vô hình.
 
 
Vì không thể tuyển hết những bài hay trong tập thơ của Ocean Vuong để giới thiệu, bạn đọc nên tìm mua Night Sky With Exit Wounds của ông để tìm thấy những tư duy thâm trầm và rất thời đại 21 của thế hệ thứ hai người Việt lưu vong. Thơ của ông vừa cho cảm xúc, vừa cho niềm tự hào của một dân tộc có nền văn hóa vô thức lâu dài. Chỉ có hai loại văn hóa vô thức có thể tạo nên chiều sâu nhạy bén cho người nghệ sĩ: dòng văn hóa dày kinh nghiệm và dòng văn hóa sôi sục sáng tạo.

Bài sau cùng mà tôi chọn để gửi đến các bạn là Immigrant Haibun, một thể viết liên hợp văn và thơ (haibun) của văn học cổ truyền Nhật Bản, được nhà thơ Vuong hiện đại hóa. Một trong số bài thơ đã gây cho tôi lòng xúc cảm liên tục về điều hay nét đẹp, khi trôi nổi theo lời thơ của ông.
Ghi: Có sự khác biệt giữa văn hóa ý thức, tức là văn hóa phải học, và văn hóa vô thức, là sức mạnh văn hóa xâm nhập di truyền và lãnh hội tự nhiên.
 
Bài Haibun
Cho Người Nhập Cư
 
Con đường đưa tôi đến bạn thật an toàn
kể cả khi nó dẫn vào đại dươmh.
Edmond Jabes.
 
Lúc đó, như thể hít thở, biển phập phồng dâng cao bên dưới chúng tôi. Nếu cần phải biết một điều gì, nên biết, sống chỉ một lần là trách nhiệm khó khăn nhất. Một phụ nữ trên con tàu đang chìm trở thành một mảnh gỗ cứu mạng, bất kể làn da mềm mại đến mức nào. Trong khi ngủ, anh ấy đốt cây vĩ cầm sau cùng để sưởi chân tôi. Anh nằm bên cạnh rồi nói sau gáy tôi một lời, nơi tan ra thành hạt rượu whiskey. Vàng gỉ xuống lưng. Muối chát trong câu nói. Chúng tôi đã ra khơi, nhưng tầm mắt không thấy bến bờ thế giới.

Khi bỏ trốn, thành phố vẫn còn cháy âm ỉ. Nếu không, đó là buổi sáng mùa xuân hoàn hảo. Hoa lan dạ hương trắng thở hổn hển trong bãi cỏ trước tòa đại sứ. Trời màu xanh tháng chín và bồ câu tranh nhau mổ những mảnh bánh mì vụn rải rác từ tiệm bánh bị trúng bom. Bánh mì vỡ nát. Bánh croissant bẹp dúm. Xe hơi bị phá hủy. Một trò chơi chạy vòng tự xoay tròn những con ngựa gỗ đen. Anh nói, những cái bóng các phi đạn in lớn dần trên vỉa hè, trông như Thượng Đế đang chơi đàn dương cầm gió trên đầu chúng ta. Anh nói, còn quá nhiều chuyện muốn kể cho em nghe.

Trên cao đầy sao. Hay đúng hơn, hệ thống rút nước của thiên đàng – đang chờ đợi – Các lỗ nhỏ. Những thế kỷ phù du mở ra chỉ dài đủ cho con người thoáng qua. Một cái rựa phơi khô trên sàn tàu. Lưng tôi dựa vào lưng anh. Tôi nhúng đôi chân vào nước xoáy. Anh cúi xuống, hơi thở như thời tiết trái mùa. Vốc một nắm biển mặn rồi vắt nước lên tóc tôi. Nắm ngọc trai nhỏ bé - tất cả dành cho em. Tôi mở mắt. Khuôn mặt anh hiện giữa hai bàn tay tôi, ướt như một vết chém. Anh nói, nếu chúng ta vào được bờ, anh sẽ lấy tên vùng biển này đặt cho con trai. Anh sẽ học cách yêu con quái thú. Anh cười. Một gạch nối trắng giữa đôi môi. Bầy hải âu bay trên đầu. Một đám bàn tay chới với giữa những chòm sao, đang cố bám víu.

Sương mù tan dần. Chúng tôi thấy được. Chân trời, đột nhiên biến mất. Một làn sáng xanh dương kéo dài vào nơi mờ nhạt. Cảm giác đẹp và bình an, như anh ấy muốn. Giống như chuyện cổ tích. Cuốn sách đó khép lại, bật lên tiếng cười trong lòng chúng ta. Tôi kéo buồm thật căng. Anh ném tên tôi lên trời. Thấy từng vần vỡ vụn, rơi trên sàn tàu.

Sóng gầm hung dữ. Mũi tàu đâm vào biển. Anh quan sát nước chẻ đôi như tên trộm tự theo dõi trái tim mình: tất cả bộ xương và gỗ vụn. Sóng dâng cao hai bên mạn thuyền. Bức tường chất lỏng bao bọc con tàu. Anh la to, nhìn kìa. Tôi thấy rồi. Anh nhảy tưng tưng. Hôn lên cổ tay tôi như đang nắm chặt bánh lái. Miệng cười nhưng ánh mắt phản bội anh. Anh cười, biết rằng đã hủy hoại mọi thứ xinh đẹp chỉ để chứng minh anh không thay đổi vì cái đẹp. Nhưng đây mới là chuyện thú vị: Có một cái nút chai nơi hoàng hôn xuống. Nó luôn luôn nằm đó. Một con tàu làm bằng những cây tăm dán keo thượng hạng. Một con tàu trong chai rượu vang trên bệ lò sưởi giữa bữa tiệc Giáng Sinh, nước uống eggnog tràn ra từ những ly nhựa đỏ. Dù sao chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi. Tiếp tục đứng trước mũi tàu. Một chiếc ly in hình đôi vợ chồng trên bánh cưới. Bấy giờ mặt nước yên tĩnh. Nước, như không khí, như thời giờ. Mọi người hò hét, ca hát và anh không thể phân biệt họ hát cho anh hay đốt cháy căn phòng mà anh đã lầm tưởng khi còn bé. Mọi người nhảy múa trong khi một đàn ông và một đàn bà nhỏ bé mắc kẹt trong lọ chai màu xanh, nghĩ rằng, có người nào chờ đợi đến cuối cuộc đời của họ, để nói, Này! Các người đâu cần đi quá xa đến đây. Tại sao phải đi xa như vậy? Như cây gậy đánh bóng chày quất mạnh vào thế giới.

Nếu phải biết bất cứ một điều gì, nên biết, bạn được sinh ra vì không có ai đến thế chỗ. Con tàu rung chuyển như khi anh tràn vào tôi: âm vang tình yêu đông cứng thành một cậu trẻ. Đôi khi, cảm giác mình giống như ký hiệu. Tôi thức dậy đợi chờ tiếng sét ái tình. Có lẽ, thân xác là câu hỏi duy nhất mà câu trả lời không thể dập tắt. Có bao nhiêu nụ hôn chúng ta ngấu nghiến vành môi với khẩn cầu - chỉ để nhặt nhiều mảnh vỡ? Nếu phải biết, cách hay nhất để hiểu một người đàn ông là dùng hàm răng. Có lần, tôi nuốt mưa qua cả một cơn bão tố tràn sinh lực.  Những thời giờ nằm ngửa, thời con gái mở ra. Bên dưới, cánh đồng trải ra khắp nơi. Thật ngọt ngào. Cơn mưa đó. Làm sao một thứ gì sống chỉ để ngã xuống, không còn gì ngoài trừ ngọt ngào. Nước đẽo gọt thành ý. Ý trở thành thực phẩm nuôi dưỡng. Mọi người đều có thể quên chúng ta - miễn là anh còn nhớ.
 
Mùa hè trong trí tưởng
Thượng Để mở con mắt còn lại
Hai mặt trăng dưới hồ nước.
  
Ngu Yên. Mùa COVID-19 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tổ khúc Bohemian Rhapsody do ban nhạc Queen trình bày và phát hành từ năm 1975, đến nay vẫn còn rất nhiều người hâm mộ.
Nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam, cũng là 50 năm xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại, Khoa Lịch sử trường Đại học California, Irvine tổ chức một chuỗi sự kiện trong 3-ngày: từ ngày 7 tới ngày 9 tháng Năm năm 2025.
Thương nhớ. Cảm động. Ngậm Ngùi. Và ước mơ một ngày quê nhà sẽ có dân chủ, khi đó Sài Gòn sẽ được hồi phục tên cũ. Đêm nhạc Trần Chí Phúc với chủ đề Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm vào chiều Thứ Bảy 19/4/2025 đã chạm rất ngọt ngào và cay đắng vào trái tim của những người con Sài Gòn.
“Năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là cột mốc 50 năm kể từ ngày những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ kiên cường, dựng xây và tái định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Trong suốt hành trình đó, nghệ thuật kể chuyện đã đóng một vai trò thiết yếu—lưu giữ lịch sử, mở rộng tương lai, và thắt chặt cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được mang đến cho quý vị VietBook Fest năm nay—không chỉ một lễ hội sách, mà một không gian để kết nối, đối thoại và tôn vinh Bản Sắc Người Việt 50 Năm.”
Ngày Thứ Bảy 29 tháng 3 năm 2025 tại Citadel Art Gallery, một buổi Ra Mắt Thơ kèm thêm Triển Lãm đã được tổ chức rầm rộ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khách thưởng ngoạn. Buổi hội ngộ văn học, nghệ thuật hy hữu này có sự góp mặt của nhiều tác giả với nhiều hình thái nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn, thơ, sách, và âm nhạc. Gần 200 quan khách hiện diện đã làm bầu không khí nghệ thuật bừng sáng.
Sự ra đi lặng lẽ của họa sĩ Nguyễn Đồng là một một dư vang trầm mặc trong ký ức nghệ thuật Miền Nam – một miền nghệ thuật từng sống động, tự do, nơi mà hội họa được đặt ngang hàng với văn học, triết học, và cả chính trị. Ông không những là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mà còn là nhân chứng của một nền văn hóa từng rực rỡ trước khi bị chôn vùi dưới lớp bụi chiến tranh và chính trị hóa nghệ thuật.
Buổi ra mắt tuyển tập "Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương – Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt" cho thấy sự đóng góp, quý trọng của nhiều nhà văn, nhà thơ đối với nhà thơ nữ này. Độ dày sách này là 544 trang, dày gấp nhiều lần các thi tập trước kia của nhà thơ nữ này. Nơi đây cũng lưu giữ những ký họa, tranh bìa, thủ bút, thơ tặng, bình luận từ hơn 40 văn nghệ sĩ cho Nguyễn Thị Khánh Minh, trong đó có các tên tuổi lớn như Thầy Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Đinh Cường, Đinh Trường Chinh, Trịnh Cung, Trương Đình Uyên, Lê Thánh Thư, Đỗ Hồng Ngọc, và nhiều người khác.
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975). Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước..
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát: Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.) Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.