Cách nay 75 năm, vào ngày 21 tháng 9 năm 1946, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cùng luật sư Mai Văn Dậu, ông Nguyễn Văn Sâm, ông Trần Văn Ân và giáo sư Nguyễn Hoàn Bích (Nguyễn Bảo Toàn) tuyên bố thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, viết tắt là Đảng Dân Xã.
Các thành viên trọng yếu của PGHH/DX và quan khách.
Để kỷ niệm sự kiện ý nghĩa này, vào lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 19 tháng 9 năm 2021 tuần qua, tại Hội Trường Thư Viện Việt Nam (Thành phố Garden Grove) Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Đức Huỳnh Giáo chủ thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Đến tham dự buổi lễ gồm có các đảng viên Đảng Dân Xã, đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo và một số thành viên đại diện các tổ chức chính trị tại Nam California. Các quan khách có Giáo Sư Trần Văn Chi, Nhà Biên Khảo Lịch sử Phạm Trần Anh, Soạn Giả Trần Văn Hương, Nhà Thơ Vũ Lang (Thi Văn Tao Đàn), Võ Trung Trợ (Đảng Tân Đại Việt), ký giả Kiều Mỹ Duyên… cùng một số ký giả của các cơ quan truyền thông trong cộng đồng gốc Việt vùng Little Saigon.
Trước giờ khai mạc buổi lễ, ông Huỳnh Long Giang- tổng thư ký của Ban tổ chức (BTC) là đảng viên Đảng Dân Xã từ năm 1970. Ông chia sẻ với người viết, “Con đường của Đảng Dân Xã là một con đường vương đạo, dân trị, đức trị. Đức Thầy đã hợp tác với các nhà ái quốc, các nhà tôn giáo, cần lao thành lập vào năm 1946 trong đó có khâm sai Nguyễn Văn Sâm, ông Trần Văn Ân, ông Lê Văn Thu, ông Lương Trọng Tường, ông Phan Bá Cầm… Đức Thầy có công bố tuyên ngôn về Dân Chủ Xã Hội Đảng, nhằm cứu quốc và kiến quốc, nhằm đền ơn đất nước. Nên hầu hết các tín đồ Phật giáo Hào Hảo đều có cảm nghĩ mình phải có bổn phận với quê hương đất nước. Phần lớn thời đó có rất đông tín đồ PGHH tham gia vào VN Dân Chủ Xã Hội Đảng. Giai đoạn đầu tiên thành lập Dân Chủ Xã Hội Đảng thì nồng cốt là các tín đồ PGHH là đảng viên để có lực lượng quần chúng hùng mạnh. Nhưng Đảng Dân Xã không thuộc riêng của PGHH mà là nơi tập hợp các thành phần trí thức khác có cơ hội tham gia, đạo ai nấy giữ. Một minh chứng cụ thể Đức Thầy đã chỉ định ông Nguyễn Bảo Toàn (tức ông Nguyễn Hoàng Bích) là một người đạo Công giáo gộc là Tổng Bí Thư tiền nhiệm đầu tiên của Dân Xã Đảng, chứ không phải là cao đồ hay chức sắc cao cấp của PGHH.”
Ông Huỳnh Long Giang chia sẻ thêm, “Then chốt của tinh thần PGHH của Đức Huỳnh Giáo chủ công bố là không bao giờ tiếp sức cho ngoại địch gây tổn hại cho đất nước, vì nước còn thì cơ sở của đạo mới được phát khai rực rỡ, còn nước mất thì cơ sở của đạo bị lấp vùi. Ân đất nước là ân rất quan trọng trong giáo lý của Đức Thầy, cho nên mỗi tín đồ đều có trách nhiệm với ân đất nước. Hôm nay nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, những người đi trước đã hy sinh rất nhiều xương máu cho đất nước. Trong tinh thần “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ ơn người đào giếng”, BTC trong hoàn cảnh hạn hẹp như thế này không có cao vọng gì khác là làm buổi lễ tưởng niệm ân đức của người xưa, kỷ niệm 75 năm thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.”
HuỳnhLongGiang(TổngThơKý)
Triết lý đạo, đời và đảng chính trị của Đức Huỳnh Giáo chủ
Lần giở lại trang sử của nền giáo pháp dân tộc Việt Nam ở miền Tây Việt Nam, vào ngày 18 tháng 5 âm lịch năm Kỷ Mão (1939) khi chỉ mới 19 tuổi Đức giáo chủ PGHH đã khai sáng nên nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, Miền Tây Nam nước Việt. Và bảy năm sau, năm 1946 ngày 21 tháng 9 Đức Thầy đã lập ra Đảng Dân Xã.
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo. Chủ trương chung của tôn giáo là cải thiện con người, nhưng tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo còn đi sâu vào giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã đề xướng cả ba cuộc cách mạng:
Cách mạng con người.
Cách mạng giải phóng dân tộc.
Cách mạng xã hội.
Từ địa hạt siêu hình của tôn giáo, Phật Giáo Hòa Hảo khuyên con người hãy làm lành tránh ác, tu thân nhập thế. Ngoài giáo lý nhà Phật, Đức Thầy còn chọn lọc những điều hay lẽ phải của Nho giáo và Lão giáo, cùng với tấm lòng yêu nước chuyển thành thơ văn được gọi là Sấm Giảng.
Đặc biệt Đức Thầy khuyên con người hãy thực hành Tứ Ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại.
Nếu Tứ Ân kinh điển của đạo Phật mang tính chất tôn giáo, thì Tứ Ân Phật Giáo Hòa Hảo mang thêm ý thức dân tộc và xã hội, tuy rằng vẫn nằm trong căn bản Phật Giáo. Phần khai triển, giải thích Tứ Ân trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo chứa đựng ngôn từ kích thích lòng ái quốc và nhiệt tình vì nước đấu tranh. Đây là những dòng văn xuôi do Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo viết ra, với thể văn giản dị, rõ nghĩa, có tác dụng đi thẳng vào tâm hồn người nông dân chất phác mà không cần phải suy nghĩ rắc rối nhiều. Bất cứ người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng xem Tứ Ân là bài học nhập môn, và sau khi đã học bài đó, họ ý thức mình phải làm gì để đền đáp ân Đất nước.
Chính điều này đã khơi dậy lòng ái quốc của con người, ý thức họ nhập cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tranh đấu đánh đuổi thực dân Pháp đang độ hộ trên quê hương. Vì vậy sự ra đời của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng vào ngày 21-9-1946 được xem là một quyết định quan trọng, là cột mốc đánh dấu bước tiến, một chuyển hướng mới của Phật Giáo Hòa Hảo vào cách mạng xã hội.
Đức Huỳnh Giáo Chủ từng giải thích sự nghịch lý giữa tu hành và đấu tranh bằng câu nói: ‘’Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh hậu tiến thì là một việc trái hẳn với giáo lý chơn chánh ấy (Phật đạo).”
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, chúng sanh tiền tiến (Pháp) thống trị áp bức chúng sanh hậu tiến (Việt) và đó là một trạng thái nghịch lý, trái với tinh thần Phật Giáo, cho nên người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tranh đấu cách mạng là hành đạo, dù có cầm vũ khí chống lại chúng sanh tiền tiến cũng là điều hợp lý: vừa biểu lộ lòng yêu nước, vừa chống lại trạng thái bất công theo nhãn quan Phật Giáo.
Tâm tình của người đảng viên Dân Xã Đảng lão thành
Ông Lê Văn Tâm là đảng viên của Dân Xã Đảng từ ngày thành lập đến bây giờ. Ông là cố vấn đặc biệt của BTC Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Trước giờ khai mạc buổi lễ, trò chuyện cùng người viết, ông Tâm tâm sự, “Tháng 4 năm 1975, khi cộng sản vô chiếm miền Nam, những đảng viên Dân Xã Đảng chưa rút vào hoạt động bí mật được, phải đi ra ngoại quốc vì cộng sản đàn áp bắt tù. Tôi cũng bị ở tù vài năm. Sau khi ra tù, tôi vượt biên và đến định cư Hoa Kỳ năm 1982. Trước đây tôi và ông Lê Phước Sang đã tổ chức những buổi sinh hoạt Dân Xã Đảng nhiều năm tại đây. Từ ngày ông Lê Phước Sang qua đời, thì Dân Xã Đảng quyết định đưa những người trẻ lên. Tôi chỉ làm cố vấn cho anh em về những gì mình đã trãi qua đấu tranh với cộng sản chứ tôi không còn hoạt động nhiều nữa.”
Lê Văn Tâm(Cố Vấn đặc biệt).
Ông Lê Văn Tâm cho biết ông là tín đồ PGHH. Tuy PGHH và Đảng Dân Xã là hai tổ chức khác nhau. Nhưng khi đó Đức Thầy có nói rõ người tín đồ PGHH nào còn thương nước thương dân thì gia nhập Dân Xã Đảng. “Thành ra có thể 95 phần trăm tín đố PGHH là đảng viên của Dân Xã Đảng. Chính sách đường lối của Dân Xã Đảng 75 năm qua không có gì thay đổi, nghĩa là đấu tranh cho đất nước độc lập tự do dân chủ, dân chúng bình đẳng như nhau. Anh em Dân Xã Đảng bây giờ đi đúng đường lối tranh đấu cho một Việt Nam tự do dân chủ và độc lập, kiên quyết chống cộng sản. Tôi cũng kêu gọi anh em Dân Xã Đảng hoạt động từ trước đến giờ nên tích cực yểm trợ cho tuổi trẻ có những năng lực phát huy tinh thần của Dân Xã Đảng. Thành viên trẻ nhất của Dân Xã Đảng ở hải ngoại ngoài 20 tuổi chiếm hơn phân nữa, lớp già như tụi tôi còn rất ít. Tôi kỳ vọng Dân Xã Đảng sẽ lớn mạnh hơn trong tương lai.”
Diễn tiến của buổi lễ
Buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập VNDCXHD dưới sự điều hợp của ông Huỳnh Long Giang (tổng thư ký BTC) diễn ra thật trang trọng và ấm áp.
Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm, mọi người cùng lắng nghe ca khúc Phật Gíao Hòa Hảo Hành Khúc (sáng tác của Lê Yến Ngọc Dung).
Ông Trần Văn Vui, Trưởng ban tổ chức gửi lời chào mừng, cảm ơn quý quan khách, quý vị lãnh đạo các chính đàng, thân hữu, chiến hữu và đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, quý cơ quan truyền thông … đã đến tham dự buổi lễ. Trong bài diễn văn khai mạc, ông Trần Văn Vui nhắc đến các đảng viên và cán bộ VNDCXHD đã gục ngã trên khắp mọi miền đất nước, “rất nhiều Trung Ương Ủy Viên, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng đã bỏ mình hoặc bị ám sát thủ tiêu hoặc do tù đày và bị tra tấn dã man sau năm 1975 trong các trại tù khổ sai không bản án của Việt Cộng. Lễ kỷ niệm 75 năm VNDCXHD hôm nay, toàn thể đảng viên các cấp luôn ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các vị đàn anh, đàn chị trong đảng trong suốt cuộc tranh đấu 75 năm qua.”
Trần Văn Vui(Trưởng Ban Tổ Chức)
Kết thúc bài diễn văn có đoạn, “Triệt để đứng trên lập trường dân tộc, duy trì mọi sự yểm trợ từ các quốc gia thân hữu, hoạt động độc lập, phối hợp với các tổ chức đấu tranh chân chánh, các tổ chức quốc gia yểm trợ cho việc cứu quốc và kiến quốc trong tương lai. Thứ ba, triệt để nhân nhượng và dung hòa liên minh với các đoàn thể quốc gia yêu nước để tạo sức mạnh chung.”
Sau lời tuyên bố khai mạc buổi lễ của ông Trần Văn Vui, ông Lê Văn Tâm, Trần Văn Vui, Nguyễn Tấn Lạc, Trần Văn Bé Cao đã lên dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc, hành lễ trước bàn hương án, trước chân dung Đức Thầy thật trang nghiêm.
Ông Lê Văn Tâm cố vấn đặc biệt của BTC đã đọc tuyên ngôn và chương trình Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng do Đức Huỳnh Thủ Lãnh tuyên bố. Sau phần tuyên đọc này, ông Lê Văn Tâm chia sẻ vài cảm nghĩ của ông về những đấu tranh của các đảng viên đảng Dân Xã suốt 75 năm qua. Ông còn nhắc đến cố tiến sĩ Lê Phước Sang (từng là Hội trưởng Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH, Tổng Bí Thư Ban chấp hành Trung ương VNDCXHD) thời gian trước từng trở về VN, “nhiều người lầm tưởng cho rằng ông (Lê Phước Sang) đã thỏa hiệp với cộng sản. Nhưng sự thật không phải như vậy. Ông Lê Phước Sang trở về VN là được chỉ định, giao trách nhiệm làm ba việc, hãy lấy lại tên làng Hòa Hảo (khi cộng sản vào chiếm miền Nam đã đổi thành Phú Tân). Thứ hai là những sinh hoạt của PGHH như thế nào. Thứ ba là đòi lại viện đại học Hòa Hảo. Rất tiếc ông Lê Phước Sang đã qua đời, ông không nhìn thấy những thành quả mà ông đã làm. Những việc làm của ông Lê Phước Sang hãy để lịch sử phán xét.”
Bức Tâm Thư của Ban Tổ Chức Lễ Kỷ Niệm 75 Năm Ngày Thành Lập VNDCXHD đã được ông Nguyễn Tấn Lạc (Phó Ngoại Vụ của BTC) tuyên đọc, có đoạn, “Nhưng tiếc rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ Thủ Lãnh của VNDCXHD đã không thể hiện diện để thực hiện lý tưởng dân chủ xã hội mà Ngài đã đề xướng trong xã hội Việt Nam vì sự vắng mặt hay biệt tích của ngài suốt 74 năm qua. Các đảng viên và lãnh đạo tiếp nối của Dân Xã Đảng vẫn kiên trì và trung thành theo đuổi con đường lý tưởng dân chủ xã hội của Ngài bấy lâu nay… Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Dân Xã Đảng năm nay, các đảng viên và lãnh đạo đảng hiện đang còn sống khắp nơi với lý tưởng và nguyện vọng là sẽ tiếp tục và duy trì sự hiện hữu của đảng, phát triển tổ chức Đảng với sự hình thành một đội ngủ nhân sự, cán bộ và cập nhật hóa các tư tưởng tiến bộ của nhân loại ngỏ hầu sẵn sàng tham gia và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển quốc gia và đáp ứng Đệ Tứ Ân trong đạo lý Phật Giáo Hòa Hảo khi thời cơ cho phép.”
Một đồng đạo PGHH- ông Trần Văn Bé Cao từng đi tù cộng sản cách nay hơn 20 năm vì đã cùng các đồng đạo ngay tại thánh địa Hòa Hảo đứng lên tranh đấu đòi hỏi cho PGHH. Ông và gia đình đã đến Hoa Kỳ được 10 năm nay. Ông Cao đã nhắc lại những điều vĩ đại mà Đức Huỳnh giáo chủ đã thực hiện cho quê hương như kêu gọi đoàn kết đấu tranh, chính sách khuyến nông, đường lối cách mạng mới của VNDCXHD… đã khiến thực dân Pháp và Việt Minh đều nể sợ. Ông cũng nói về bổn phận của người tín đồ PGHH, những người từng tranh đấu cho PGHH, cho đất nước Việt Nam, “chúng ta hãy hướng về đất nước, cầu nguyện Đức Phật, Đức Thầy gia hộ cho đất nước Việt Nam, cho bệnh dịch sớm qua. Chúng ta hãy đóng góp giúp ích cho đồng đạo, đồng bào trong nước đang thiếu thốn thuốc men, thực phẩm…”
Đổng đạo Trần Cao
Giáo sư Trần Văn Chi từng là Giảng viên, phó Khoa trưởng Viện đại học Hòa Hảo tại Long Xuyên niên khóa 1970-1975, đã lên phát biểu vài điều về Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ông không đi sâu vào Dân Xã Đảng, mà nhắc lại sơ lược về bối cảnh Nam Kỳ 1945-1954, hình thành sự ra đời của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, qua đó để thấy được sự vĩ đại của Đức Thầy, của PGHH, của Dân Xã Đảng.
GS Chi khẳng định, “Đức Thầy đã lấy tôn giáo làm nền tảng xây dựng Dân Xã Đảng. Vì thế mới hiểu vì sao Dân Xã Đảng lúc đó rất mạnh. Vì các thành viên có tín đồ PGHH. Sự đặc biệt của Dân Xã Đảng, sự đặc biệt của Đức Thầy, không như người bình thường chúng ta, đã làm được điều không thể tưởng tượng. Mô thức lập Đảng dựa trên tôn giáo là sự kết hợp rất mạnh của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng”
Nhà biên khảo lịch sử Phạm Trần Anh cũng đã chia sẻ vài cảm nhận của ông, “Đức Huỳnh giáo chủ lập ra Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đây là tư tưởng vượt thời gian, không gian. Ngay thời điểm này chúng ta cũng chưa hiểu rõ Dân Chủ Xã Hội. Nhiều người còn hiểu sai Dân Chủ Xã Hội. Đây là cuộc cách mạng Dân Chủ Xã Hội do người dân làm chủ xã hội có tính công bình, bác ái. Xuất phát từ triết lý của nhà Phật của đạo Phật. Bình đẳng về kinh tế, chính trị…
Thứ nhất về đời thường, Đức Huỳnh Giáo Chủ là một công dân gương mẫu tuyệt vời, một con người yêu nước.
Về phương diện tâm linh là hóa thân của vị Bồ Tát xuống để cứu đời, cứu đạo.
Chúng ta là những tín đồ PGHH, là thành viên VN Dân Chủ Xã Hội Đảng, chúng ta hãy tiếp tục đi theo bước đường của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chúng ta đang đứng trước một đại họa mất nước vào tay Trung cộng, chúng ta đang đương đầu với đại dịch. Đây là thời điểm chúng ta phải cố gắng đặt hết niềm tin vào Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tôi là một tín đồ Phật giáo, nhưng tôi có giao tình với PGHH, cũng có thể xem tôi là một tín đồ trong niềm tin xác tính. Chúng ta phải làm hết sức mình, cùng với toàn dân và toàn thể các đoàn thể, giáo phái khác hoàn thành công cuộc cách mạng dân tộc cứu nước.”
Xen kẽ các bài nói chuyện trong buổi lễ là phần văn nghệ do các nghệ sĩ thân hữu và đồng đạo PGHH trình diễn, có phần diễn ngâm hai bài thơ “Nợ Nước” của thi sĩ Việt Châu qua giọng ngâm của ông Huỳnh Long Giang và bài “Gọi Đoàn Thanh Niên.” của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua giọng ngâm của Bích Thuận và Thiên Thanh.
Kết thúc buổi lễ, ban tổ chức mời mọi người cùng dùng bữa ăn nhẹ và thưởng thức văn nghệ do các nghệ sĩ thân hữu phụ diễn.