Hôm nay,  

Đọc ‘Vằng Vặc Một Mảnh Lòng’ Của Nguyễn Hiền Đức

24/09/202100:00:00(Xem: 2435)
BIA SACH_VANG VAC MOT MANH LONG
Bìa sách "Vằng Vặc Một Mảnh Lòng" của Nguyễn Hiền Đức.

 

Trong Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadàyàda Sutta) do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Đức Phật đã dạy rằng:

“Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật.”

Tài vật chỉ làm cho con người sống sung túc về vật chất trong đời này nhưng không giúp con người thăng hoa cuộc sống tâm linh đời này và đời sau và lại càng không thể giúp con người giác ngộ và giải thoát khổ đau trong ba cõi sáu đường. Thực hành giáo pháp của Đức Phật sẽ giúp con người nhận chân được bản chất đích thật của tất cả các pháp trên đời này để tự mình chứng nghiệm và vượt thoát khổ đau đời này và đời sau.

Trong khi người đời bám chặt vào tài vật xem như là tài sản sở hữu quý giá cần phải bảo vệ cho đến cùng, đôi khi dẫn đến những phân tranh thù hận máu đổ thịt rơi, thì Phật tử Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức noi theo gương sáng của vị Thầy tôn kính của anh là Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, ngày đêm rị mọ gõ lại từng chữ, từng dòng, từng bài viết lợi lạc về Phật Pháp của chư vị Cao Tăng và quý vị Cư Sĩ dày công nghiên cứu và tu tập Chánh Pháp của Đức Phật để làm bảo vật giúp cho người đọc hiểu được con đường giải thoát tâm linh. Anh đã viết trong Lời Thưa Trình Về Tuyển Tập “Vằng Vặc Một Mảnh Lòng,” đã được NXB Liên Phật Hội ấn hành trong năm 2019:

“Ngoại trừ 8 bài phải copy trên các trang mạng, còn lại thì con “gõ” vào máy ở nhiều thời điểm. Ở cái tuổi đã “trộng,” khi trái gió trở trời thì làm sao con không đau lưng, nhức vai và mỏi mắt cho được. Nhưng rồi cuối cùng mọi việc cũng xong. Con vui mừng và cảm thấy lòng minh thanh thản, nhẹ nhàng vì đã hoàn thành một Quà tặng…”

Cuốn “Vằng Vặc Một Mảnh Lòng” dày 465 trang, khổ lớn, bìa màu, gồm 47 bài viết của chư tôn đức Tăng, Ni và quý cư sĩ uyên thâm Phật Học. Trong đó có bài của Thiền Sư Thích Mật Thể, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Thiền Sư Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Phước Sơn, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Hòa Thượng Thích Chơn Thiện, Hòa Thượng Thích Như Điển, Hòa Thượng Thích Phước An, Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, học giả Nguyễn Hiến Lê, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, Giáo Sư Lê Mạnh Thát, Giáo Sư Cao Huy Thuần, Nguyên Giác, Toại Khanh, Nguyễn Hiền Đức, v.v…

Trong tuyển tập “Vằng Vặc Một Mảnh Lòng,” có nhiều bài rất giá trị mà cũng khó tìm, như bài “Lời Giới Thiệu Luận Án Tiến Sĩ Phật Học Đại Học Bihar - Ấn Độ, 1961 Của Tỳ Kheo Thích Minh Châu: So Sánh Kinh Trung A Hàm Chữ Hán và Kinh Trung Bộ Chữ Pali do vị Viện Trưởng, Tân Tòng Lâm Nalanda S. Mookerjee viết vào ngày 23 tháng 3 năm 1964, và Thích Nữ Trí Hải dịch Việt. Hoặc như bài “Huyền Trang Và Công Cuộc Thỉnh Kinh Vô Tiền Khoáng Hậu Của Nhân Loại” của học giả Nguyễn Hiến Lê, và bài “Như Lai Vô Sở Thuyết” của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan.

Tôi thích lối viết của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Ông viết rất tự nhiên. Văn ông rất mượt mà, rất nhẹ nhàng và lôi cuốn. Tư duy Phật Pháp của ông rất sâu, rất tới. Chẳng hạn khi nói về cái vô sở thuyết mà ông gọi là “cái đó,” Vũ Khắc Khoan viết thế này:

“Nói ra là bị kẹt

Không nói cũng không xong

Hai câu đầu một bài Kệ của một thiền sư Việt Nam sống giữa thế kỷ thứ 17, thiền sư Chân Nguyên. Hai câu kệ, một thế đứng chênh vênh giữa hai ngã hữu vô. Nói hay không nói? Chung cuộc, bài kệ đành phải chấm dứt bằng một chấm phá lững lờ.

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng

“Tôi duỗi thẳng chân, ngửa mặt nhìn nắng sớm xuyên qua miếng băng bám nơi khung cửa, áng nắng lung linh màu sắc cầu vồng. Tự hỏi nắng sớm đích thật màu gì? Xanh hay đỏ, tím hay vàng, hay là do tất cả màu sắc gặp gỡ mà thành? Nhưng có cuộc gặp gỡ nào kéo dài mãi mãi? Ánh dương đầu núi đâu giữ mãi màu hồng? Cái thế chênh vênh giữa hữu và vô đâu có thể đời đời tồn tại? Cái khó là nhập vào cái thế đó, không thỏa hiệp, mà vươn lên, và vượt qua. Từ cái phức tạp tìm về cái đơn thuần, tìm về cho tới các khuôn mặt của chính mình chưa sinh, chưa thành. Ánh dương hồng khi chưa nhô lên khỏi đầu núi. Cái xôn xao nhú lên trong đêm sắp tàn. Cái đó.” (trang 446)

Cũng trong bài “Như Lai Vô Sở Thuyết,” Vũ Khắc Khoan nói đến mối “thâm giao” giữa ông và cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng vì cả hai đều “mê đọc kinh như lứa tuổi hai mươi mê đọc thư tình,” với một giọng văn rất dí dỏm, đầy thân tình và đạo vị:



“Tịnh Liên lão ông với Khoan tôi vốn là chỗ thâm giao, lại là móng vuốt trong chốn thiền môn, mê đọc kinh như lứa tuổi hai mươi mê đọc thư tình, gần đây vì thương cho sự hoang rậm của mình mà viết lời sơ giải mấy bộ Đại Thừa. Viết đến đâu hoằng bá đến đó và đều đều gửi đến Khoan tôi, với lời răn nhủ rằng: Này ông Vũ Khắc Khoan ơi, ông phải bớt đàn đúm với bọn lãng tử để dành thì giờ mà tu tỉnh đọc kinh. Rằng:

-         Này Vũ Khắc Khoan, ý ông thế nào? Giả sử có người đem bảy món báu chứa đầy cả đại thiên thế giới mà bố thí thì người đó có nhiều công đức hay không?

Tôi rằng:

-         Thì nhiều.

Ông chỉ đợi có thế, tiếp ngay:

-         Ấy thế mà còn thua một người chỉ thọ trì 4 câu kệ hay nhẩm nhẩm một đoạn kinh. Biết không?

Biết rồi… nhưng khốn một nỗi, Khoan tôi căn cơ thô lậu, tâm thức lại hay lưu luyến tiếng tơ tiếng trúc, cho nên chân tuy đĩnh đạc bước thẳng mà vẫn thấy tạt ngang nơi ca lầu tửu quán, giọng cất lên muốn bàn câu đạo lý mà vô tình vẫn họa cùng một điệu với tiếng cười hô hố của đám lãng tử sông hồ.” (tr. 455, 456)

          Hoặc, trong Lời Giới Thiệu cuốn Tư Tưởng Phật Học của Đại Đức Walpola Rahula do Ni Trưởng Trí Hải dịch, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu đã có lời cảnh giác về các bài viết về Phật Giáo rất ý nghĩa và Ngài cũng đưa ra lời khuyên rất xác đáng:

          “Thường chúng ta trình bày đạo Phật ngang qua sự hiểu biết của chúng ta, và điều nguy hại hơn ngang qua cảm tính và sở thích của chúng ta, vì vậy nhiều khi tư tưởng và thái độ của Đức Phật bị bóp méo rạn nứt rất nhiều. Để bớt tệ hại này, phương pháp hữu hiệu nhất là dẫn chứng trong kinh điển những lời dạy của chính Đức Phật để xác chứng quan điểm của mình trong khi trình bày, một thái độ mà tác giả tập sách này đã theo rất trung thành.” (tr. 30)

          Trong cuốn “Vằng Vặc Một Mảnh Lòng,” cũng có bài của Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức, “Vài Kỷ Niệm Về Việc In Ấn Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh và Kinh Lời Vàng,” mà qua đó anh đã kể lại một số chi tiết về cuộc đời của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu ít được biết đến. Đặc biệt anh đã đề cập đến “ý chí, nghị lực, tài năng, trí tuệ, đạo hạnh và phương pháp” dịch Kinh mà ở đây là Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh và Kinh Lời Vàng, những bộ Kinh mà anh có cơ duyên giúp Ngài trong việc “in ấn, trình bày bìa, phát hành.” Cư Sĩ Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức kể:

          “Nhiệm vụ của tôi trong thời điểm này là: cứ từ 7 giờ đến 7 giờ rưỡi mỗi sáng, tôi tự động vào phòng làm việc của Thượng Tọa Viện Trưởng nhận xấp “bản thảo” do “Ôn” Minh Châu để sẵn trong một cái khay đan bằng mây rất đẹp. Ôn viết bằng bút máy, mực màu xanh trên giấy trắng khổ 21x33cm. Số lượng ít nhất là 20 trang, nhiều nhất 35 trang. Cứ đều đặn như thế, ngày này qua ngày khác, mỗi sáng tôi đều nhận “bản thảo” của Ôn. Tôi chú ý và nhận thấy rằng, trừ những ngày nghỉ lễ, ngày chủ nhật hoặc thời gian Ôn ra Huế hoặc đi công tác nước ngoài thì việc dịch Kinh mới tạm dừng lại; còn khi Ôn làm việc tại Vạn Hạnh thì chưa bao giờ và chưa một lần nào tôi không nhận được bản dịch mỗi sáng. Tôi hết lòng kính trọng và khâm phục ý chí, nghị lực, tâm huyết và phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc của Ôn.” (tr. 46)

          Sở dĩ anh Nguyễn Hiền Đức có thể vào được “phòng làm việc của Thượng Tọa Viện Trưởng” bởi vì anh là “Trưởng Phòng Tu Thư của Viện Đại Học Vạn Hạnh, chuyên lo in ấn, phát hành Kinh sách Phật học, sách giáo khoa, sách tham khảo thuộc về nhiều lãnh vực cho các Phân khoa thuộc Viện và nhiều Kinh, sách khác do Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh xuất bản và phát hành,” và anh cũng là Thư Ký của Tạp Chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh, theo Nguyễn Hiền Đức kể trong bài viết của anh nói trên.     

Còn rất nhiều bài hay và giá trị của chư vị Cao Tăng Thạc Đức và các vị trí thức Phật tử viết về nhiều đề tài trong cuốn “Vằng Vặc Một Mảnh Lòng” mà anh Nguyễn Hiền Đức đã có công sưu tập để in thành sách, nhưng vì giới hạn của bài viết nên không thể giới thiệu hết đến độc giả.

          Xin cảm ơn anh Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Bạt" của thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho tập thơ của ba người...
Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa - đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp...
Những Ngày Thơ Ấu của Võ Phú là cánh cửa mở ra thế giới tuổi thơ, tựa một bản giao hưởng của nỗi nhớ, nhưng cùng lúc chính là tiếng vọng của văn học Việt Nam hải ngoại, vốn từ lâu vẫn luôn phải đối diện với những câu hỏi không dễ trả lời: Chúng ta viết gì? Viết cho ai? Và viết bằng ngôn ngữ nào?
Tạp chí Ngôn Ngữ, trong thời gian qua đã hân hạnh thực hiện được chín tuyển tập, tương đối đầy đủ về chín tác giả nhưng toàn là phái nam. Lần này là lần đầu tiên, một bàn tay hoa trong văn học nghệ thuật Việt Nam, dành cho Ngôn Ngữ vinh hạnh này: nữ sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh...
Tôi gấp sách lại ở “Phần IV – Thơ” quyển “Trịnh Y Thư – Văn chương Nghệ thuật và Những điều khác”. Dừng lại để ngẫm xem những gì còn đọng lại trong đầu kể từ chương I cho đến hết chương III...
Văn của Tiểu Lục Thần Phong có gì? Có bút lực mạnh, có hồn văn buồn, có câu chữ lắng đọng một thứ dư vị rất riêng.
không tự dưng thành tên gọi Ngô Tịnh Yên. nhất là, sáng tạo một khuôn lục bát riêng ngô tịnh yên. giống như, một tinh tú bay cô độc âm thầm hoang liêu tịch mịch trở thành định tinh rực rỡ ánh sáng quyến rũ. tự chứng một dấu ấn, mà, như vũ thuật, khi thi triển, võ giới biết ngay người chưởng môn thành lập môn phái nào, như lục bát bùi giáng... – đặc thù,
Sử gia Ấn Độ Shashank Shekhar Sinha đã thách thức lý thuyết được chấp nhận rộng rãi rằng Phật giáo đã biến mất từ thế kỷ 13 ra khỏi Ấn Độ, nơi Phật giáo ra đời. Trong cuốn sách mới nhất của ông, nhan đề "Casting the Buddha: A Monumental History of Buddhism in India" (NXB Macmillan, New Delhi, 2024), Sinha chỉ ra rằng người Ấn Độ đã có những cuộc tranh luận về giáo lý của Phật giáo và đã đón nhận nhiều giáo lý trong số đó trong nhiều thế kỷ sau khi Phật giáo bị tuyên bố là "đã chết" ở Ấn Độ.
Tình cờ tôi được một người bạn cho mượn tập truyện nhan đề Người giữ nhà thờ họ và những truyện khác của nhà văn Khuất Đẩu. Tập truyện do nhà Ý Thức xuất bản năm 2009 gồm hai truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, Huyền Trân công chúa, và một số truyện ngắn. Đọc xong tập truyện, tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây vài ba cảm nhận chủ quan của mình bởi đây là cuốn sách đáng đọc và có nhiều điều đáng nói trong đó...
Giới thiệu sách “12 Bản của The Federalist Papers: Những Kiệt tác luận về Hiến Pháp Hoa Kỳ và chính quyền của dân, do dân, và vì dân” của các tác giả Alexander Hamilton, James Madison, and John Jay. Dịch giả: Phạm Hồng Sơn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.