
BARCELONA, Tây Ban Nha – Biến đổi khí hậu có thể đẩy hơn 200 triệu người rời bỏ nhà cửa của họ trong 3 thập niên tới và tạo ra những điểm nóng di dân nếu không có hành động khẩn cấp nào được thực hiện để giảm khí thải toàn cầu và khỏa lấp sự cách biệt phát triển, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho thấy, qua bản tin của Hãng Tin Mỹ AP tường thuật hôm Thứ Hai, 13 tháng 9 năm 2021.
Phần thứ hai của phúc trình Groundswell được phổ biến hôm Thứ Hai đã kiểm tra cách mà những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra chậm như khan hiếm nước, giảm sản lượng mùa màng và tăng cao mực nước biển có thể khiến nhiều triệu người mà phúc trình mô tả là “những di dân khí hậu” vào năm 2050 dưới 3 hoàn cảnh khác nhau với các mức độ khác nhau của hành động và phát triển khí hậu.
Dưới tình huống bi quan nhất, với mức khí thải cao và sự phát triển không đồng đều, phúc trình tiên đoán sẽ có tới 216 triệu người rời bỏ đất nước của họ trên khắp 6 khu vực được phân tích. Những khu vực đó là Châu Mỹ La Tinh; Bắc Phi; Châu Phi Cận Sa Mạc Sahara; Đông Âu và Trung Á; Nam Á; và Đông Á và Thái Bình Dương.
Trong tình huống thân thiện khí hậu nhất, với mức khí thải thấp và phát triển bao quát, bền vững, thế giới có thể sẽ chứng kiến 44 triệu người bị buộc rời bỏ nhà cửa của họ.
Các phát hiện trong phúc trình “tái khẳng định khả năng của khí hậu tạo ra di cư trong các quốc gia,” theo Viviane Wei Chen Clement, chuyên gia biến đổi khí hậu cao cấp tại Ngân Hàng Thế Giới và là một trong những tác giả của phúc trình, cho biết.
Phúc trình này đã không tìm hiểu các tác động ngắn hạn của biến đổi khí hậu, như các ảnh hưởng của những sự kiện thời tiết thái quá, và đã không tìm hiểu di cư vì biến đổi khí hậu xuyên biên giới.