Genie Davis
Trần C. Trí chuyển ngữ
Khi kết hợp sự siêu nghiệm tâm linh với một cuộc triển lãm nghệ thuật, chúng ta tìm đến với Bản Thể Khác Biệt, được thưởng thức tận mắt nhiều tác phẩm do hoạ sĩ Khang B. Nguyễn tuyển lựa, kể cả một số tác phẩm của chính anh, trong một cuộc triển lãm thâm trầm và gợi nhiều suy nghĩ. Theo Khang, “cuộc trưng bày là nhờ ý tưởng này đem lại nguồn cảm hứng: Trong sự thay đổi góc nhìn từ người này sang người khác, sự Dị Biệt/Cái Khác không nhất thiết gây chia rẽ trong xã hội. Nhiều cá nhân có thể tìm đến với nhau không phải chỉ vì họ san sẻ nhiều điểm tương đồng. Sự đoàn kết cũng có thể tìm thấy trong việc chấp nhận và được hun đúc trong mối tương quan giữa chúng ta với sự Dị Biệt và cái Khác.”
Khang Nguyễn cho biết, những nghệ sĩ do anh tuyển chọn cho lần trưng bày này đều có “những tác phẩm phù hợp với khái niệm chung của cuộc triển lãm. Tôi xem xét nhiều mặt: sự đa dạng, bình đẳng giới tính, đa thể loại, cũng như tính gắn kết giữa các tác phẩm với nhau.” Quả thật, anh đã tuyển chọn thật khéo léo.
Ngay giữa gian phòng triển lãm, treo từ trần nhà xuống là một tảng điêu khắc đồ sộ của Alicia Piller mà người thưởng lãm có thể đi vòng quanh hết chu vi của nó, “men theo những mép bờ uốn lượn của cái khối nửa sáng nửa tối này, nhô lên từ một vùng sâu thẳm nào, theo những quỹ đạo của sự biến thiên.” Đây là một mảnh lớn được nhiều chất liệu hỗn hợp tạo thành như cao-su, bong bóng tráng kim, nhựa cây, hạt chuỗi, plastic, kim loại, gỗ, ống nhựa và cả một số đá quý như ngọc thạch và đá nâu đỏ. Toàn khối mang một chiều sâu và trọng lượng vượt khỏi chất liệu và kích thước của chính nó; gợi lên cảm tưởng của một kẻ xa lạ trong tiến trình của sự biến đổi mà tác giả đã miêu tả qua tiêu đề khá dài của công trình. Được hình thành trong năm 2020, tác phẩm này là một ẩn dụ hoàn hảo của sự vươn lên – dù đó là từ những ngày phong tỏa hay tình trạng suy sụp tinh thần, cùng những phương cách qua đó con người có thể tiến hoá.
Along The Wavy Edge Of This Penumbra.
Emerging From The Depths. Transformation Trajectories
ALICIA PILLER
Cũng to lớn và không kém phần mạnh mẽ là bức tường điêu khắc được tác giả và 109 người khác trong các trung tâm tạm trú và nhiều lớp thực hành cùng tham gia hoàn thành, bắt đầu từ năm 2011. Với tiêu đề “Những Viên Ngọc Của Sự Khôn Ngoan: Chấm Dứt Nạn Bạo Hành”, tác phẩm giới thiệu các “viên ngọc” màu trắng đục được tạo thành từ nhiều chất liệu hỗn hợp. Công trình sáng tạo này là một phần trong một chương trình kéo dài hai năm của một tổ chức bất vụ lợi có tên Cửa Sổ Giữa Các Thế Giới, dùng nghệ thuật để cổ xuý việc chấm dứt nạn bạo hành trong gia đình. Có khoảng 800 người tham gia công trình này. Theo chú thích của Abeles, “Khi dùng ẩn dụ của những viên ngọc được cấu tạo bên trong con trai lúc phản ứng lại một chất kích thích gây hại, những người tham gia đã chuyển hoá những kỷ niệm đau buồn của mình về nạn bạo hành trong gia đình thành các thực thể và san sẻ với nhau qua những tin nhắn.” (Xem hình ở đầu bài – Ngd)
Đây là một công trình tương tác, sử dụng những vật liệu như giấy tráng polyester, dây len và một lớp nguyên liệu kết hợp tự nhiên bằng polymer bao phủ lên trên, tất cả được “băng bó” lại bằng thạch cao. Mỗi viên ngọc mang một biểu tượng của người lạm dụng, kèm theo mẩu chuyện bạo hành được viết trên giấy phản chiếu tráng polyester và được gói ghém, bao phủ bằng dây len, chỉ, băng thạch cao và sơn. Ngay cả khi người thưởng ngoạn không mảy may biết gì về công trình này trước khi thưởng thức, toàn bộ tác phẩm vẫn toát ra một cảm giác bình an, một trạng thái tĩnh lặng có sức lan toả ẩn trong tất cả những nét đáng yêu màu trắng đục của nó.
Biodiversity – RICHELLE GRIBBLE
Hai tác phẩm của Richelle Gribble, “Đất, Biển, Không Khí” và “Sự Đa Dạng Sinh Học” là những sáng tạo mang tinh thần Mạn-đà-la (‘mô hình về vũ trụ hoàn hảo’, ngd), sử dụng mực, viết chì và viết màu trong tác phẩm thứ nhất, cùng màu nước và những khối gỗ ăn khớp với nhau trong tác phẩm thứ nhì. Cả hai tác phẩm cùng gợi lên hình ảnh vòng xoay của cuộc đời trên trái đất cùng hằng hà sa số những sinh vật và kỳ quan của nó, tất cả là một cống vật đối với mối tương quan khắng khít giữa tất cả những điều tử tế, tốt đẹp và đầy yêu thương. Cũng trong tinh thần đó, những họa phẩm của Khang B. Nguyễn chất chứa tính Mạn-đà-la còn kỳ bí hơn nữa: “Phản Chiếu Trong Tấm Gương Đánh Bóng” được vẽ với sơn dầu, sáp màu, đá pha lê (amazonite, amethyst, fluorite, pyrite); hay “Nhảy Qua Những Thời Khắc Của Sự Hình Thành”, bằng sơn dầu, viết chì, mực và sáp màu trên vải bố. Bên cạnh hoạ phẩm thứ, Khang ghi chú: “Trong tấm gương đánh bóng/Nàng tìm hiểu được mình,/Nàng vừa là người biết vừa là người được biết/… Nàng đồng thời là sự bắt đầu cũng như sự kết thúc…”
Leaping Through Moments Of
Becoming – KHANG B. NGUYEN
Càng bí ẩn hơn nữa là nét đẹp vô định hình nhưng tràn đầy ánh sáng từ “Căng Thẳng Màng (Sinh Vật Ký Sinh I)”, một nghệ phẩm điêu khắc của Maru Garcia được cấu tạo bằng hợp chất vi khuẩn cao phân tử cellulose, tinh tế đến độ hầu như không nhận biết được, kết hợp với dây kẽm. Điêu khắc gia này cũng trưng bày hai tác phẩm đẹp khác trên tường.
“Những Sợi Dây Nội Tại” là phim video của Ibuki Kuramochi được trình chiếu tại chỗ trong lễ bế mạc cuộc triển lãm vào ngày 10 tháng Bảy. Tác phẩm đầy ám ảnh này gợi lên hình ảnh của thân xác, Lý Thuyết Dây, với sắc màu vàng óng chuyển biến cùng khắp. Một tác phẩm video nữa, giàu tính khai phá của Kayla Tange, “Những Vết Thương Thiêng Liêng”, được giới thiệu qua hình ảnh phong phú theo một phong cách riêng biệt, là kết quả của sự cộng tác giữa tác giả và Talon McKee, cùng sáng tác âm nhạc của Roger Kim và phần trang điểm của Calvin Chan. Tác phẩm này tìm hiểu lịch sử văn hoá và những vết thương thông qua một thông điệp có tính chất chuyển hoá.
“Vùng Tâm Điểm Số Không”, của Eli Joteva, là một tác phẩm độc đáo, biến thiên, lôi kéo người xem dừng chân thưởng ngoạn một cách đầy thuyết phục. Được treo lơ lửng từ trên trần xuống, công trình này sử dụng ánh sáng trắng, thuỷ tinh hữu cơ, tia nhiễu xạ và đám mây chấm chứa trong một khung tròn. Joteva đã tạo ra một khối ma mị của thế giới nào khác mà người xem có thể ví với một mảnh của linh hồn tập thể, hay mường tượng ra nhịp tim đập của vũ trụ. Quả thật là như vậy.
Tác phẩm “Nở Rộ Trên Trái Đất Cháy Thiêu” của Isabel Beavers, đặt nằm trên nền nhà, chất chứa một hiện hữu gắn bó vật lý vượt ra ngoài cả vị trí của nó. Kết hợp kỹ thuật hoạt hình với âm thanh, công trình điêu khắc này là một hiện hữu di động và “sinh động”, có thể xem như là những gì nối bước nhân loại, hoặc một mô hình tăng trưởng tương tự như trí thông minh nhân tạo.
To Bloom On Scorched Earth –
ISABEL BEAVERS
Còn rất nhiều nghệ phẩm xuất sắc khác, bao gồm thể loại điêu khắc hay gắn trên tường, được trưng bày từ các nghệ sĩ Linnea Spransy, Mei Hotta, Patrick Neickell, Russell Crotty, Takeshi Kanemura, Brian Randolph và Carla Jay Harris, người đã đưa khán giả xuống tận những vùng sâu thẳm nhất của đại dương tăm tối.
Theo ghi chú trong cuộc triển lãm, “‘bản thể khác biệt’ thấu hiểu rằng bản chất nội tại của thực thể không được cấu thành một cách độc lập hay riêng rẽ đối với những thực thể khác... đó là một thuật ngữ có thể đặc biệt tìm thấy trong những tác phẩm của Jacques Derrida, Gilles Deleuze, trong triết học chuyển hoá, hay trong tư tưởng “trống rỗng” và “sự bắt nguồn phụ thuộc” của Phật giáo.”
Cuộc triển lãm này mang lại cho người thưởng ngoạn một trải nghiệm sâu sắc, làm mọi người có cảm tưởng được bước vào một không gian trầm tư và chiêm nghiệm, xa hẳn cuộc sống thường nhật.
Chúng ta há chẳng xứng đáng được bước vào vùng không gian đó, thậm chí rất cần thiết như vậy, sau mười tám tháng dài vừa qua hay sao?
Sau đợt triển lãm tại chỗ ở Los Angeles, kết thúc vào ngày 10 tháng 7, 2021, khán giả có thể tiếp tục thưởng ngoạn trên mạng qua không gian ba chiều trên Wonzimer Gallery
Trần C. Trí chuyển ngữ
Nguyên bản tiếng Anh Differential Ontology: Visually and Philosophically Compelling Group Exhibition của Genie Davis – https://artandcakela.com/
GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ VÀ GIÁM TUYỂN
Genie Davis là nhà văn, nhà báo và nhà sản xuất sản phẩm đa truyền thông. Bà có bằng BS ngành truyền thông của Boston University và đang học chương trình master’s về điện ảnh tại UCLA. Bà hiện cư ngụ tại Redondo Beach, California.
Khang B. Nguyễn có bằng M.A. ngành triết học và tôn giáo thế giới của Claremont Graduate University và đang chuẩn bị hoàn tất chương trình Ph.D. với luận án có đề tài “Unmediated access to an (inherent) transconsciousness capacity is possible by virtue of the nonduality of consciousnessand the integral dimension of being, knowing and time”. Với tư cách họa sĩ, ngoài những cuộc triển lãm chung, Khang đã có bốn cuộc triển lãm solo và làm giám tuyển (curator) cho 8 cuộc triển lãm từ trước đến nay.