Hôm nay,  

Nhà Văn Eric Carle Và Truyện Tranh Thiếu Nhi Nổi Tiếng Thế Giới ‘The Very Hungry Caterpillar’

04/06/202100:00:00(Xem: 2531)

 

NHA-VAN-ERIC-CARLE-01

Nhà văn và nghệ sĩ Eric Carle là tác giả của cuốn truyện thiếu nhi nổi tiếng thế giới “The Very Hungry Caterpillar.” (nguồn: www.cnn.com)

 

Giới văn học nghệ thuật Hoa Kỳ vừa mất một nhà văn và họa sĩ tài năng xuất chúng trong văn chương thiếu nhi. Nhà văn và nghệ sĩ Eric Carle, tác giả của cuốn sách “The Very Hungry Caterpillar” [Con Sâu Đói Quá] và hàng chục sách thiếu nhi nổi tiếng khác đã qua đời hôm 23 tháng 5 năm 2021 hưởng thọ 91 tuổi, theo bản tin của CNN cho biết.

“Từ Nhóm Erice Carle: Chúng tôi chia xẻ với lòng trĩu nặng rằng Eric Carle, tác giả và họa sĩ minh họa của tác phẩm The Very Hungry Caterpillar và nhiều tác phẩm được yêu chuộng khác, đã qua đời vào ngày 23 tháng 5 năm 2021 ở tuổi 91,” theo tweet của gia đình đọc được.

Vào năm 2002, Eric và người vợ sau, Bobbie, đã mở Bảo Tàng Viện The Eric Carle Museum of Picture Book Art tại thành phố Amherst thuộc tiểu bang Massachusetts.

Kể từ khi sách “The Very Hungry Caterpillar” được xuất bản vào năm 1969, nó đã được dịch sang 66 thứ tiếng và đã bán hơn 50 triệu bản, theo trang mạng của Carle cho biết.
 
Cuộc đời Eric Carle
 
Eric Carle sinh vào ngày 25 tháng 6 năm 1929 tại Syracuse, New York, là con của Johanna và Erich W. Carle, một công chức, theo www.en.wikipedia.org.  Khi ông lên 6 tuổi, mẹ ông nhớ quê nhà ở Đức, nên đã đưa cả nhà trở về lại Stuttgart. Ông đi học ở đó và tốt nghiệp từ trường nghệ thuật State Academy of Fine Arts Stuttgart. Cha ông đã nhập ngũ vào quân đội Đức ngay lúc bắt đầu của Thế Chiến Thứ Hai (1939) và bị quân đội Liên Xô bắt làm tù binh khi Đức đầu hàng vào tháng 5 năm 1945. Ông trở về nhà vào cuối năm 1947 với một thân hình gầy gò chỉ còn cân nặng 39 kí lô. Carle nói với báo The Guardian nhiều năm sau rằng ông là một người đàn ông suy sụp khi trở về nhà. Ông là “người đàn ông bệnh tật về tâm lý và bị hủy hoại về thể chất,” theo bài báo “Emma Brockes meets Eric Carle, author of The Very Hungry Caterpillar” [Emma Brockes gặp Eric Carle, tác giả của The Very Hungry Caterpillar] được đăng trên báo The Guardian ra ngày 14 tháng 3 năm 2009.

Carle được gửi tới thành phố nhỏ Schwenningen để trốn bom tại Stuttgart. Khi ông lên 15 tuổi, chính quyền Đức đã bắt những thiếu niên ở tuổi đó đào chiến hào trên Trận Tuyến Siegfried. Ông không để ý để suy nghĩ sâu xa và vợ ông nghĩ rằng ông đã bị đau khổ vì căng thẳng hậu chấn thương.

 “Bạn có biết trận tuyến Siegfried? Để đào chiến hào. Và ngày đầu có 3 người bị giết chết cách tôi vài feet. Không ai trong chúng tôi là trẻ em – tù nhân Nga và những công nhân đi làm nghĩa vụ khác. Các y tá đến và bắt đầu khóc. Và tại Stuttgart, quê nhà của chúng tôi, nhà chúng tôi chỉ còn tấm vách đứng trơ trọi có nghĩa là mái, cửa lớn và cửa sổ đã biến mất. Và bạn ở đó,” theo báo The Guardian thuật lại.

Thường nhớ nhà Hoa Kỳ, ông mơ ước trở lại nhà một ngày nào đó. Cuối cùng ông đã về Thành Phố New York vào năm 1952 với chỉ $40 tiền tiết kiệm và kiếm một công việc làm của người vẽ minh họa trong bộ phận quảng cáo của báo The New York Times. Ông đã được tuyển dụng vào Quân Đội Hoa Kỳ trong Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và đóng quân ở Đức và làm thư ký giao thư trong Sư Đoàn Thiết Giáp số 2. Sau khi giải ngũ ông trở về lại làm công việc cũ của ông tại Báo The New York Times. Sau đó ông trở thành giám đốc nghệ thuật của cơ quan quảng cáo, theo Haley Bosselman trong bài viết “Eric Carle, Author of 'The Very Hungry Caterpillar,' Dies at 91,” được phổ biến vào ngày 27 tháng 5 năm 2021.
 
Viết lách và vẽ minh họa
 
Nhà giáo và nhà văn Bill Martin Jr. nhìn thấy hình con tôm hùm đỏ mà Carle đã vẽ cho một quảng cáo và đề nghị ông ấy cộng tác trong cuốn sách có hình minh họa.

Cuốn sách thiếu nhi có hình minh họa “Brown Bear, Brown Bear, What Do You See?” được công ty Henry Holt & Co. xuất bản vào năm 1967 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Sự nghiệp của Carle đã bắt đầu như thế như là một họa sĩ vẽ minh họa, và ngay sau đó ông đã viết và vẽ minh họa cho các câu chuyện của chính ông. Những sách đầu tiên của ông trong cung cách vừa là tác giả vừa là họa sĩ minh họa là “1, 2, 3 to the Zoo” và “The Very Hungry Caterpillar” được xuất bản vào năm 1969, theo Rosemary Ponnekanti trong tác phẩm “The Art of Eric Carle,’ do NXB The News Tribune xuất bản vào tháng 10 năm 2006.

Tác phẩm nghệ thuật của ông được sáng tác như là nghệ thuật cắt dán, sử dụng những tờ giấy được vẽ bằng tay, mà ông cắt và đặt lên để tạo ra những hình ảnh tươi sáng và màu sắc. Nhiều cuốn sách của ông có thêm chiều kích không gian – những trang cắt xén, những ánh sáng lấp lánh như trong tác phẩm “The Very Lonely Firefly,” thậm chí giống như âm thanh của tiếng dế kêu như trong tác phẩm “The Very Quiet Cricket.” Chủ đề của các câu chuyện của ông thường rút ra từ thiên nhiên và những chuyến đi bộ với cha ông đi băng qua đồng cỏ và rừng rậm.

Carle viết trong “Biographical Notes for Eric Carle” được đăng trên trang  mạng chính thức của ông https://eric-carle.com như sau:

“Với nhiều cuốn sách tôi cố gắng bắt nhịp cầu nối liền khoảng cách giữa nhà và trường học. Với tôi nhà tượng trưng, hay nên tượng trưng; sự ấm áp, an ninh, trò chơi, nắm tay, gìn giữ. Trường là nơi xa lạ và mới đối với trẻ em. Nó có sẽ là nơi vui vẻ không? Có người mới, thầy cô giáo, bạn học – họ sẽ thân thiện không?

Tôi tin rằng đoạn đường từ nhà tới trường là chấn thương lớn thứ hai của tuổi thơ; dĩ nhiên chấn thương thứ nhất là được sinh ra đời. Thực vậy, trong cả hai trường hợp, chúng ta rời bỏ một nơi ấm áp và được bảo vệ để đến một nơi xa lạ. Nơi xa lạ thường mang theo nó sự sợ hãi. Trong các cuốn sách, tôi cố gắng chống lại sự sợ hãi, thay thế nó với thông điệp tích cực. Tôi tin rằng trẻ em một cách tự nhiên là sáng tạo và thích học hỏi. Tôi muốn cho chúng thấy rằng việc học thực sự là hấp dẫn và vui thích.”
 
Cuối đời
 
Hơn 30 năm, Carle và người vợ thứ hai, Barbara Morrison, đã sống tại thành phố Northampton thuộc tiểu bang Massachusetts. Ông cũng làm chủ một căn nhà tại thành phố Key West thuộc tiểu bang Florida. Carle có một người con trai và một người con gái, theo Neda Ulaby trong bài “A Very Happy 50th Birthday To 'The Very Hungry Caterpillar',” được Đài Phát Thanh National Public Radio phổ biến ngày 12 tháng 6 năm 2019.

Với người vợ thứ hai, ông sáng lập Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Sách Có Hình Minh Họa Eric Carle rộng 4,100 mét vuông để cống hiến cho nghệ thuật sách thiếu nhi tại Amherst, cạnh Trường Cao Đẳng Hampshire. Theo bảo tàng viện này, tại đây có trên 500,000 du khách tham quan, gồm 30,000 học sinh thiếu nhi, kể từ khi được mở cửa vào năm 2002.

Carle đã nhận nhiều bằng vinh danh từ các trường cao đẳng và đại học gồm Williams College vào năm 2016, Smith College vào năm 2014, Appalachian State University vào năm 2013 và Bates College vào năm 2007.

Google đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Carle và cuốn sách “The Very Hungry Caterpillar” bằng cách nhờ ông vẽ logo “Google doodle,” được giới thiệu trong trang nhà của họ vào ngày 20 tháng 3 năm 2009, mừng ngày đầu tiên của mùa xuân.

NHA-VAN-ERIC-CARLE-03

Nhà văn Eric Carle nói chuyện tại Los Angeles vào năm 2009. (nguồn: www.en.wikipedia.org


Carle đã nhận nhiều giải thưởng cho tác phẩm của ông trong văn chương thiếu nhi, gồm Japan Picture Book Award, the Regina Medal và the Lifetime Achievement Award từ Hội the Society of Illustrators. Trong năm 2003 ông đã nhận Giải Thưởng Laura Ingalls Wilder Award (nay gọi là Giải Thưởng Di Sản Văn Chương Thiếu Nhi), từ hội các nhà quản thủ thư viện thiếu nghi chuyên môn, thừa nhận tác giả hay họa sĩ minh họa có sách xuất bản tại Hoa Kỳ, đã có “sự đóng góp đáng kể và lâu dài cho văn chương thiếu nhi.” Ủy ban cho rằng “những quan sát về thế giới thiên nhiên của ông” và các kiểu vẽ đầy sáng tạo của ông: “Đưa phương tiện cắt dán lên tầm mức mới, Carle sáng tác nhiều cuốn sách sử dụng màu sắc rực rỡ và kiểu vẽ tươi vui thường kết hợp một chiều kích tương tác, những khám phá xúc giác hay thính giác, những trang cắt dán, các bản gấp, và các sử dụng đầy sáng tạo khác của không gian trang giấy.”

Trong thăm dò vào năm 2012 đối với các độc giả của Tạp Chí School Library Journal, cuốn “The Very Hungry Caterpillar” được bầu vào một trong 2 cuốn sách thiếu nhi có vẽ hình minh họa sau cuốn “Where the Wild Things Are.”

Trong năm 2019, con nhện nhảy bắt chước con sâu đo được đặt tên để vinh danh Carle, để kỷ niệm 50 năm xuất bản của cuốn sách “The Very Hungry Caterpillar,” và sinh nhật 90 của ông.

Triển lãm của Bảo Tàng Nghệ Thuật First Art Museum với chủ đề “Những Cuốn Sách Có Hình Minh Họa Của Eric Carle: Kỷ Niệm 50 Năm Của The Very Hungry Caterpillar” được trưng bày từ ngày 18 tháng 10 năm 2019 tởi tháng 2 năm 2020. Trong tháng 11 năm 2019, Carle đã bán bản quyền cho NXB Penguin Random House.

Carle qua đời ngày 23 tháng 5 năm 2021 tại phòng tranh gia đình của ông tại Northampton thuộc tiểu bang Massachusetts, vì bệnh thận, chỉ hơn 1 tháng trước sinh nhật 92 của ông.
Eric Carle đã viết trên 70 cuốn sách và đã bán trên 170 triệu bản, theo bài báo “Eric Carle, Author of The Very Hungry Caterpillar, Dies at 91,” được đăng trên báo The New York Times, vào ngày 26 tháng 5 năm 2021.
 
Truyện “The Very Hungry Caterpillar”
 
“The Very Hungry Caterpillar” là cuốn sách thiếu nhi có tranh vẽ minh họa, và được viết bởi nhà văn Eric Carle, được NXB World Publishing Company ấn hành vào năm 1969, sau đó được NXB Penguin Putnam xuất bản, theo Anita Silvey trong tác phẩm “100 Best Books for Children” do Houghton Mifflin Harcourt xuất bản năm 2004.

NHA-VAN-ERIC-CARLE-02

Hình bìa của cuốn truyện thiếu nhi “The Very Hungry Caterpillar” của nhà văn Eric Carle. (nguồn: www.en.wikipedia.org)


Cuốn sách kể chuyện một con sâu rất đói ăn theo cách của nó với rất nhiều loại thực phẩm trước khi biến thành con nhộng và bay lên thành con bướm. Tác phẩm này đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương thiếu nhi và giải thưởng vẽ kiểu lớn. Nó đã được bán khoảng 50 triệu bản trên toàn thế giới. Nó đã được mô tả như là cứ mỗi phút thì bán một bản kể từ khi nó được xuất bản, và như là “một trong những cuốn sách thiếu nhi hay nhất mọi thời đại,” theo Kate Taylor trong bài viết “Eat your heart out” được đăng trên báo The Guardian,  London vào ngày 22 tháng 10 năm 2004.

“The Very Hungry Caterpillar” là cuốn sách thứ ba của Carle, và sử dụng các hình minh họa cắt dán đặc biệt mà đã được cải tiến vào lúc xuất bản, các lỗ hổng trên trang sách, và lời văn đơn giản với các chủ đề giáo dục – đếm, các ngày trong tuần, thức ăn, và các giai đoạn của cuộc đời con bướm. Cuốn sách dạy cho thiếu nhi cách đếm và tạo sự tương ứng giữa các con số và các thứ mà Con Sâu Đói Quá đã ăn. Có nhiều cuốn sách liên quan và các sản phẩm khác, gồm các công cụ giáo dục, được tạo ra trong mối liên kết với cuốn sách. Chế độ ăn uống của Con Sâu Đói Quá là hư cấu hơn là sự chính xác theo khoa học, nhưng cuốn sách đã giới thiệu các khái niệm về các giai đoạn cuộc sống của Lepidoptera (thứ tự côn trùng gồm bướm và bướm đêm) nơi sự chuyển biến xảy ra gồm sự biến hóa cuối cùng từ ‘con sâu đói’ sang ‘con bướm xinh đẹp’, và nó đã được Hội Royal Entomological Society công nhận.

Lần đầu tiên xuất hiện vào đêm Thứ Bảy, nhờ ánh trăng, một cái trứng nằm trên một chiếc lá. Khi trứng nở vào sáng sớm Chủ Nhật, một con sâu mới ra đời cho thấy giống một con sâu bướm. Truyện mô tả anh chàng sâu này là “một con sâu bé tí và rất đói.” Với cái tên của loài côn trùng, hắn rõ ràng rất thích ăn. Chẳng bao lâu, hắn bắt đầu tìm thứ gì đó để ăn. Hắn ăn càng lúc càng nhiều trái cây trong 5 ngày sau đó (Thứ Hai tới Thứ Sáu). Trước hết con sâu bắt đầu với một trái táo vào Thứ Hai, rồi 2 trái lê vào Thứ Ba, rồi 3 trái mận vào Thứ Tư, 4 trái dâu vào Thứ Năm, và 5 trái cam vào Thứ Sáu. Từng ngày một, ngày nào cũng lập đi lập lại như vậy, “Nhưng hắn vẫn còn đói.” Vào Thứ Bảy, hắn tiếp tục ăn những thứ sau đây: một miếng bánh chocolate, kem hình nón, dưa chua, một miếng phô mai Thụy Sĩ, một miếng xúc xích Ý, một cây kẹo mút, một miếng bánh ngọt anh đào, một cái xúc xích, một miếng bánh nướng nhỏ, và một miếng dưa ngọt. Đêm đó hắn bị đau bụng vì ăn quá nhiều.

Ngày hôm sau (lại Chủ Nhật nữa) con sâu rất đói này thử lần nữa và bắt đầu ăn một lá cây xanh, và sau đó cảm thấy đỡ hơn nhiều. Ngày kế tiếp (lại Thứ Hai) con sâu không còn đói nữa, và không còn bé tí nữa. Vào Thứ Hai, nó đã lớn phình ra (thành con sâu to, mập). Con sâu bự giờ đây quay cái kén chung quanh nó. Một khi ở bên trong, nó ở đó ít nhất 2 tuần lễ. Sau 2 tuần, con sâu đục lỗ trong cái kén và trườn mình ra ngoài. Cuối cùng, nó phát triển thành một con bướm với đôi cánh lớn, đẹp đẽ và màu sắc sặc sỡ. Bây giờ con bướm bắt đầu một chu kỳ bướm nữa.

Câu chuyện dựa theo chu kỳ đời sống thực sự của một con sâu: đầu tiên ăn lá cây và lớn lên thành con sâu to và mập, rồi quay kén, chuyển biến thành con bướm.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.